Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

RỜI BƯỚC BUÔNG TRÔI TÌNH

Cho tôi một tia nắng ấm
Hong khô sợi nhớ thương
Gỡ rối tơ lòng
Hết vấn vương
Người xưa
Rời

Cho tôi một tia hy vọng
Giữa mộng đời mênh mông
Chân thôi lạc lối
Hết chênh vênh
Vững vàng
Bước

Cho tôi một giọt sương đêm
Gột tan nỗi u sầu
Mắt thôi ngấn lệ
Hết mày chau
Mỉm cười
Buông

Cho tôi một sớm bình yên
Nghe thanh âm dịu dàng
Hoa trên kẽ lá
Gió rì rào
Đưa hương
Trôi

Cho tôi một ngày nhàn nhã
Sống vô tư với đời
Bỏ chốn trần ai
Không âu lo
Mặc kệ
Tình

Văn Tú.

Ảnh minh họa: Tia nắng chiều - Tác giả: Văn Tú


Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

CHÚ MÈO CON LẠC MẸ

Chú mèo con lạc mẹ
Ánh mắt buồn ngây ngô
Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?
Con làm sao tìm mẹ? 

Chú mèo con lạc mẹ
Ánh mắt thẫn thờ trông
Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?
Con đi đâu tìm mẹ?

Chú mèo con lạc mẹ
Bàn chân nhỏ mỏi mòn
Tâm hồn con trống trãi
Chẳng thấy mẹ nơi đâu! 

Chú mèo con lạc mẹ
Chẳng biết tìm mẹ đâu!
Đành quanh quẩn nơi này
Mong mẹ về tìm con.
                                  (Văn Tú)
 

 

TÔI PHẢI LÀM GÌ CHO EM ĐÂY?

Tối qua đi làm về, không để ý nhà có khách ghé thăm. Một vị khách nhỏ, nhỏ xíu xiu, lông xù như cục bông gòn, im lặng cuộn mình trong hóc kệ dép để ở hàng ba. Đến khi lo cơm nước, tắm rửa xong, ba mẹ con dọn mâm cơm lên nhà trên ăn như mọi khi. Vừa giữ nhà, vừa tránh muỗi. Cũng đã hơn 6 giờ tối.

Lúc này, âm thanh meo meo vang lên. Nhà không có nuôi mèo. Chỉ có một con mèo hoang, hình như nó cũng đã ở quen trong cái xóm này. Cứ hễ tối tối là lại đến xin cơm. Nhưng thường ngày, nó lặng lẽ ra sau hè, đến đệm cơm, nơi phần ăn dành sẵn cho nó và chậm rãi thưởng thức thôi. Hôm nay lại có tiếng mèo con gọi mẹ. Ba mẹ con đến gần cửa quan sát, cúi người tìm kiếm thì cũng phát hiện ra một bé mèo con đang nép mình trong hóc. Âm thanh nghe rõ sự hoang mang và sợ hãi. Dĩ nhiên rồi, ai lạc mẹ mà không hoảng cho được.

Đã lâu, lâu lắm rồi, chắc cũng ngót nghét trên 10 năm tôi không nuôi và chơi thân với mèo nữ, từ ngày chú mèo Catlike của tôi không qua khỏi căn bệnh già. Nay chú mèo con này có màu lông gần giống với Catlike lại xuất hiện ở nhà tôi khiến tôi hơi chùn lại mà suy nghĩ. Một chú mèo con lông vàng, mắt vẫn còn màu lam nhạt chứ chưa thật sự ngả màu long lanh như mèo trưởng thành nên nhìn có vẻ còn khờ, chắc là con của con mèo hoang hay sang nhà ăn ké cơm đây mà. Sau khi gia đình cơm nước xong, tôi lại mang một ít cơm ra tán nhỏ, trộn thêm ít nước thịt rồi mang ra chỗ hay cho cô mèo mẹ ăn. Sau một lúc tiến lại gần làm quen, dù ban đầu bé mèo cũng sợ người lạ, khịt tôi vài cái, nhưng rồi ngoan ngoãn nằm im cho tôi vuốt. Thấy bé có vẻ ngoan và thuần phục, tôi rinh em ra sau nhà đến đệm cơm đã để sẵn phần cho em. Em chỉ ngửi một lúc cũng chưa biết phải ăn như thế nào. Trong lòng nghĩ, chắc lại phải tốn tiền mua sữa cho mèo chứ cái kiểu này vừa lạc mẹ, lại chưa biết ăn thì phải làm sao.

Tôi lại đưa em lên trả về chỗ kệ dép cho em ẩn nấp. Em bắt đầu làm quen với tôi. Khi tôi rụt tay về thì em lại nhích người đến gần tôi hơn, chắc là định xin chút hơi ấm từ tay tôi đây mà. Hai đứa nhỏ con tôi thấy thế cũng mon men đến ngồi nhìn rồi làm quen một lúc. Tính ra em mèo này cũng dạn dĩ lắm, mới đó mà đã không còn sợ chúng tôi nữa rồi.

Sáng dậy, việc đầu tiên ba mẹ con làm sau khi xuống giường là chạy ra mở cửa, tiến lại chỗ tối qua em mèo con trú chân xem em có còn ở đó không. Nhìn thấy hóc kệ dép trống không, cứ nghĩ chắc là mẹ em đã đến đón em về rồi. Nào ngờ khi nhìn sang miếng giẻ lau nhà bên vách đối diện, em ấy đang nằm lim dim ở đó. Chắc là chỗ đó ấm, với trống trãi sẽ ít có muỗi. Em mèo thấy ba mẹ con tôi đến thì đã biết là người quen, an tâm nằm im mà không chạy trốn. Thấy mấy mẹ con vô nhà, em ấy lại nhỏm dậy đòi theo vào. Đóng cửa chặn lại thì em ấy cứ ở phía ngoài vừa kêu vừa lấy tay quào cửa như xin được vô nhà. Nhìn cảnh đó, mấy mẹ con cũng không biết phải làm sao với em ấy đây. Cho vào thì không được vì cả nhà chuẩn bị đi học, đi làm hết rồi. Mà để ở ngoài thì càng thấy tội.

Thấy mấy mẹ con dắt xe ra chuẩn bị đi, em ấy cũng lon ton chạy theo. Không cách nào khác, tôi rinh em ra sau nhà, để em chỗ đệm cơm với mong muốn em bị mùi thức ăn cám dỗ mà không chạy theo chúng tôi nữa. Trước cửa nhà là con đường đal rộng, xe các nhà phía trong cũng ra vào không ngừng nhất là vào sáng sớm thế này, rồi thêm cách vài căn còn có nhà nuôi chó nữa, ở lại sau nhà có lẽ là an toàn nhất cho em lúc này. Thấy em còn đang tập trung làm quen với thức ăn, tôi đoán rằng em ấy đói rồi. Mới sáng, biết em ấy sẽ đói nên tôi đã để sẵn một ít thức ăn mềm cho em ăn đỡ, định là trưa đi làm về sẽ mua ít cháo rồi sẵn cho em ấy tập ăn. Nhưng sau khi tan ca, tôi về tìm thì đã không thấy em ấy nữa. Gọi mãi mà không nghe tiếng phản hồi. Một cảm giác ray rứt ùa tới. Không biết là em ấy đi lạc, hay mẹ đã đến rước hay là được ai nó nhận nuôi hay đã có điều không hay đến với em. Một sinh linh nhỏ bé, tôi vừa vụt qua em mất rồi, tôi phải làm gì cho em đây. Mong em bình an!

CHÚ MÈO CON LẠC MẸ

Chú mèo con lạc mẹ
Ánh mắt buồn ngây ngô
Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?
Con làm sao tìm mẹ? 

Chú mèo con lạc mẹ
Ánh mắt thẫn thờ trông
Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?
Con đi đâu tìm mẹ?

Chú mèo con lạc mẹ
Bàn chân nhỏ mỏi mòn
Tâm hồn con trống trãi
Chẳng thấy mẹ nơi đâu! 

Chú mèo con lạc mẹ
Chẳng biết tìm mẹ đâu!
Đành quanh quẩn nơi này
Mong mẹ về tìm con.
 
                        (Văn Tú)
 

Văn Tú.

Ảnh: Chú mèo con lạc mẹ - Tác giả: Văn Tú 

 

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

CẬU - NHỮNG MẢNH KÝ ỨC VỤN NHƯNG KHÔNG VỠ

Hồi cấp 1, cậu chạy giỡn tông phải làm tôi bị thương, làm vỡ chiếc vòng cẩm thạch mẹ cho. Nhưng khi cậu đền thì tôi không nhận. Cậu và tôi cùng là Liên đội phó Đội thiếu niên tiền phong. Dù có ghét nhau đến mấy thì khi vào sinh hoạt đội cả hai cũng đều đồng lòng và là trợ thủ đắc lực của Liên đội trưởng. Vào đội trống, cả hai cùng đánh trống con, không muốn đứng gần nhưng thầy Tổng phụ trách xếp đội hình cuối cùng cũng phải đứng cạnh nhau. Cậu và tôi, chúng ta cùng thuộc đội nghi thức mẫu, đã đi giao lưu và cả thi đấu ở các trường bạn, từ vòng huyện lên vòng tỉnh, đi đến đâu cũng một tinh thần thi đấu hết mình. Khi chuẩn bị thi học sinh giỏi vòng tỉnh, chúng ta phải chuyển xuống huyện để vừa học vừa ôn thi, cậu thấy tôi ngơ ngác không thể băng qua đường thì đã xung phong dắt tôi chậm rãi sang đường. Lớp 5, cái thời mà mỗi khi thầy cô bận việc đột xuất, không có giáo viên dạy thay, học sinh tự tách lớp sang học nhờ các lớp kế bên, mỗi lần như thế cậu đều đi ngang lớp tôi nhưng không ghé vào, cậu hay nói với bạn của cậu rằng lớp tôi đông, cậu không thích bon chen. Tôi cũng vậy, mỗi lần đến lượt lớp tôi chịu cảnh học nhờ, tôi lại sang lớp cậu, cũng đơn giản chỉ vì lớp cậu ít người và tôi thì cũng không thích bon chen. Thời ấy, trường xã nơi chúng tôi học luôn có đội cờ đỏ, tay quấn mảnh khăn đỏ, đi bộ phía ngoài để giúp các em nhỏ xin đường khi tan học về và nhắc nhở các em đi sát lề, không đùa giỡn. Cậu và tôi, chia nhau hai đoạn đường, tôi phía trước, cách cậu tầm vài chục mét, cứ thế mà đoàn học sinh tiểu học nối đuôi nhau đi. Khi anh Liên đội trưởng gặp tai nạn vào mùa mưa bão và ra đi, khi ấy anh cũng như chúng ta, chỉ vừa kết thúc lớp năm, anh bằng tuổi chúng ta nhưng cả liên đội ai cũng kính trọng mà gọi bằng anh. Khi anh ra đi, tôi đã trốn sau hè nhà anh mà khóc rất nhiều, anh vừa là hàng xóm, là bà con, là một người anh cả trong liên đội và tôi vô cùng kính nể. Cậu cũng lẳng lặng đứng sau lưng tôi, không an ủi, không vỗ về, cậu chỉ đứng đó như thay người anh đã khuất nhìn ngó tôi như cách anh ấy vẫn thường hay quan tâm khi các đội viên trong liên đội có chuyện buồn. Trước khi vào năm học mới, cậu đã cùng tôi và một số đội viên khác ghé qua mộ thăm anh, chia tay một người anh đã nằm lại mãi mãi dưới mảnh đất này, có lẽ anh chính là người giữ trọn vẹn nhất những kỷ niệm của đội nghi thức mẫu ngày ấy, bởi vì anh không như chúng tôi, lớn lên, mỗi ngày sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều việc khác đến với mình.

Cấp 2, cậu và tôi vẫn chung trường chung lớp. Cậu là người hay “chuyền banh” qua cho tôi. Những cú chuyền khó nhằn. Đó là những giờ giải bài tập khó, cậu hay giơ tay nhưng lại đề xuất người lên giải là tôi. Đó là những lần văn nghệ, hễ cậu được mời là thể nào sau khi cậu thể hiện xong cũng sẽ chỉ định người tiếp theo là tôi. Mỗi lần tôi từ chối, cậu lại bắt đầu khoe mẽ, xưa tôi là Liên đội phó, các bài hát sinh hoạt đội, các bài thiếu nhi tôi biết nhiều lắm, vì hồi trước vào giờ chơi chúng tôi thường hay tập hợp các em khối dưới lập thành từng vòng tròn theo lớp rồi hát hò, chơi trò chơi. Tôi cũng không để lộ nhược điểm mình hát dở, những lúc như thế là lại đề nghị cả lớp cùng hòa ca: “Lớp chúng mình, rất rất vui...” hay “Bốn phương trời ta về đây chung vui...” và để hoàn thành nhiệm vụ của người “được chỉ định”, tôi nhanh nhảu bắt nhịp liền. Khi chúng tôi chuyển sang trường mới, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì ngoài lớp học, bàn ghế. Sân trường trống không, hàng rào cũng chưa có. Vậy là bọn học sinh chúng tôi lại tham gia phong trào hùn cây, góp cột để dựng hàng rào tạm, rồi trồng cây xanh trước sân trường. Mỗi lớp sẽ trồng một cây và chịu trách nhiệm chăm sóc cho cây của lớp mình. Lúc ấy, cậu và tôi đã học khác lớp. Thỉnh thoảng tới tổ cậu trực, cậu hay múc nước đầy thùng to rồi nhân tiện đi ngang cây của lớp tôi lại ghé qua tưới luôn cho cây ít nước. Cậu bảo tưới cho cây mau lớn thì sau này cậu sẽ qua ngồi ké bóng mát để trừ lại công chăm. Khi thi tốt nghiệp lớp 9, trước đó vài ngày tôi đã đi đo mắt và cắt kính cận. Vào giờ nghỉ giữa hai môn thi, cậu ra hỏi thăm tình hình làm bài của tôi thế nào, nhân tiện hỏi thăm về hai cái “mảnh chai” đeo trên mắt tôi. Cậu còn đùa rằng: “Mắt to thế mà cũng cận nữa à?” Ngày ấy, từ vị trí trước cửa phòng tôi thi, nhìn về hướng dãy lớp tôi và lớp cậu ấy học thường ngày, với cặp kính cận tôi đã nhìn thấy rõ mồn một. Lúc ấy mới phát hiện hai cây bàng trước cửa lớp hai chúng tôi đã lấm tấm hoa trăng trắng, màu lá của hai cái cây ấy cũng xanh hơn các cây của lớp khác. Hai năm sau khi chúng tôi rời trường để tiếp tục con đường chinh phục tri thức, trường cũ của chúng tôi cũng đã được trang bị các bộ ghế đá đặt dưới các gốc cây bàng. Các cô cậu học sinh thường hay ra đó ngồi chơi. Nhưng chúng tôi, lứa học sinh đầu tiên của ngôi trường mới, chưa từng được dịp ngồi tụm năm tụm bảy dưới gốc cây bàng mỗi năm một to thêm, tán cũng bung rộng nối tiếp nhau che mát những khoảng sân rộng. Và cậu ấy, cũng chưa được dịp nhận lại công chăm sóc giúp cây lớp tôi.

Sang cấp 3, tôi và cậu vẫn chung trường nhưng đã không còn chung lớp nữa. Chỉ là hai lớp cạnh nhau, cái thời mà kinh tế khó khăn, dãy phòng học còn được dừng bằng tôn, lâu ngày vách cũng thủng vài chỗ khá to, ngồi bên này có thể thấy cả lưng của đứa lớp bên kia. Cậu khi ấy thỉnh thoảng lại kiếm chuyện sang lớp tôi hỏi bài. Lý do cũng chính đáng, bởi lớp tôi có nhiều học sinh giỏi. Cớ là vậy thôi chứ thực ra vì lớp tôi có một bạn giỏi văn lại đẹp nhất nhì trường ấy mà. Cậu cũng đâu phải đứa con trai duy nhất hay ghé lớp tôi. Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh văn,... bất kỳ môn nào có bài tập về nhà là các cậu lại tìm sang. Cậu rõ ràng cũng là một học sinh giỏi trước đây của trường cũ, bây giờ lại đua đòi sang lớp tôi hỏi bài là thế nào. Đã vậy, lại cứ hay đến bàn tôi. Có lẽ bàn của tôi có vị trí đẹp, dễ nhìn về hướng bàn của bạn giỏi văn kia thì phải. Có lần tôi phát cáu với cậu: “Đã bảo Văn thì kiếm bạn kia, Lý thì hả kiếm tôi. Mang tập Văn qua đây hỏi tôi làm gì?” Mà có chỉ cho cậu thì cậu cũng có nhìn vào tập đâu, cứ lo nhìn đâu đâu, bảo sao không bực cho được. Con trai lớp tôi cũng không vừa, cứ thấy có học sinh lớp khác sang là lại tìm cách đuổi đi. Có khi cậu bạn chung bàn với tôi phải ngồi lì một chỗ không chịu ra chơi để cậu khỏi phải thấy trống chỗ rồi mò sang lớp tôi.

Lên đại học, cậu và tôi đã mỗi đứa một ngôi trường riêng. Cậu khi ấy còn hay nhắc lại chuyện xưa với mấy đứa bạn cũ còn chung trường đại học rằng hồi đó đi qua tìm tôi thật mà cứ bị tôi nghĩ rằng tìm cớ qua ngắm người đẹp. Cậu đã bảo rằng cậu không thích bon chen, những nơi nào đông cậu không thích tới, năm ấy lớp tôi dù được chú ý, có nhiều người ghé qua, có hoa khôi, đáng lẽ cậu sẽ chẳng sang chơi nhưng rồi cũng phải phá lệ mà tới. Nhưng mục tiêu của cậu không giống những bạn kia. Chỉ vì cậu không muốn nhìn thấy tôi bị các bạn khác mượn chỗ nên mới kiếm chuyện sang hỏi bài tôi mà thôi. Về sau thấy cậu bạn ngồi cùng bàn cũng ít khi ra chơi mà ngồi tại lớp nên cậu cũng an tâm mà không sang nữa. Vậy đó, đến giờ tôi vẫn còn nợ cậu một lời xin lỗi vì đã trách oan. Sau này lớn lên ra trường rồi đi làm, thi thoảng tôi cũng có dịp gặp lại cậu. Chuyên môn của tôi và cậu không giống nhau, tôi chỉ làm ở một bộ phận nhỏ còn cậu thì thỉnh thoảng được mời đến họp ban tư vấn vì chuyên ngành của cậu có liên quan đến một trong những lĩnh vực trong đơn vị tôi hướng tới. Vài lần cậu đến họp cũng đi ngang chỗ tôi. Cậu vẫn như ngày nào, như một người anh lớn, đứng quan sát hồi lâu, nếu tôi nhận ra thì cậu sẽ tiến đến hỏi thăm nhau đôi ba câu, nếu tôi không nhận ra thì cậu chỉ lẳng lặng nhìn một lúc rồi đi. Đến khi tôi phát hiện ra thì chỉ còn nhìn thấy bóng lưng của người bạn thời niên thiếu. Có nhiều điều xảy ra ở thời trẻ, tôi đã không còn nhớ hết, cũng không nhớ rõ nữa. Nhưng với tôi, cậu là những mảnh ký ức vụn của cả một miền ký ức dài miên man. Những mảnh vụn này không liền mạch, không làm nên một câu chuyện đầy đủ, bởi vì chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng hành cùng nhau. Nhưng đấy lại là những mảnh vụn hoàn chỉnh cho từng giai đoạn mà chúng tôi có dịp đồng hành, những mảnh vụn nguyên vẹn và chắc chắn, như chính tình bạn keo sơn mấy mươi năm chứ không hề là những mảnh vỡ ngổn ngang rơi vãi vô định trong miền ký ức ngày một xa dần. Tôi chẳng biết cậu gánh trên vai mình những điều gì. Cậu cũng chẳng rõ tôi có còn là một con bé sôi nổi trước đám đông mà hay khóc một mình nữa hay không. Chỉ biết là, tình bạn ấy đã đi qua nhiều năm, có một vị trí nhất định trong miền ký ức của nhau, không quá thân thiết để có thể hàng huyên tâm sự, nhưng ánh nhìn thì vẫn dõi theo.

Văn Tú.

Ảnh minh họa: Những mảnh vụn ký ức thời học sinh như ùa về khi đọc sách "Tớ đây, ngay sau cậu"

 

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...