Tôi không biết trước đây, khi tôi chưa xuất hiện bên cuộc đời của cô ấy, thì cuộc sống của cô ấy như thế nào. Tươi đẹp, muôn màu hay có những khoảng lặng không tên? Nhưng tôi biết một điều, thế giới của cô ấy tươi mới và thú vị lắm. Ngay cả cách nghĩ và nhìn nhận vấn đề của cô ấy cũng làm tôi ngạc nhiên vì nhiều lần phá vỡ định kiến trong tôi.
Tôi không hiểu bằng cách nào mà một người có cả một thời thơ ấu nghiêm nghị, có hẳn một danh sách những điều được làm và không được làm, rồi lầm lũi thực hiện nó suốt gần hai chục năm. Lại có thể chuyển đổi thành một cô nàng hoạt bát, năng động, dám nghĩ dám làm như cô ấy ở hiện tại. Và đặc biệt là cô ấy lại từng bước phá vỡ những điều tưởng chừng như bất di bất dịch. Tôi vẫn hoài nghi một câu hỏi ở trong đầu mình, có khi nào đấy là hai con người khác nhau? Hay bằng cách nào cô ấy có thể thay đổi bản thân đến mức hoàn toàn trái ngược với chính mình trước kia. Liệu rằng, có một cú sốc nào khiến cô ấy có động lực thay đổi? Sẽ đến một lúc nào đó, khi tôi và cô ấy đủ thân thiết khiến cô ấy mở lòng tâm sự thì tôi luôn sẵn lòng lắng nghe.
Đó là những gì tôi cứ trăn trở nhiều đêm và vẫn không tìm ra cho mình được một lời giải thích thỏa đáng. Chỉ biết rằng, thế giới của cô ấy, nó quá lạ lẫm và cuốn hút tôi từng bước đến gần và len lỏi tham vọng được chen chân vào thế giới ấy. Nhưng nhìn vào hiện tại, tôi biết con đường để tôi có thể đến được với cô ấy hãy còn xa lắm. Bởi cô ấy chỉ xem tôi như một người anh trai của cô ấy mà thôi. Ý nghĩ nửa muốn bước tiếp, nửa muốn lặng lẽ rút lui càng khiến tôi trở nên gượng gạo mỗi lần đối mặt với cô ấy. Nhưng phòng trọ sát vách nhau, ra vào cứ gặp mặt mãi càng như vết cắt ngày một sâu thêm, dày vò cả trái tim và khối óc của tôi. Nếu cô ấy cứ như buổi đầu gặp mặt, cứ ghét tôi, cứ cạnh khóe tôi thì sẽ giúp tôi có thêm động lực để từ bỏ vì ít ra có thể khẳng định được rằng người ta không thích mình. Còn như hiện tại, cô ấy dần thay đổi thái độ, dần trở nên hòa nhã, cũng nói cười thoải mái cùng tôi, những nét ngây ngô đến đáng yêu của cô ấy càng làm tôi không thể nào rời mắt.
Một hôm, nhân lúc hè còn rảnh rỗi, Bằng Lăng quyết định học bằng lái xe máy. Quốc Đạt vẫn còn ở ghép phòng với tôi vì phòng cậu ấy chưa sửa xong. Các buổi cô ấy đi học lý thuyết về luật giao thông đều có Quốc Đạt chở. Các buổi Quốc Đạt rảnh thì lại chở cô ấy ra khu thực hành để học lái. Có hôm trở về, nhìn thấy điệu bộ dị thường bước xuống xe, rồi đi cà nhắc về phòng của cô ấy thì tôi đoán có lẽ là lái không được tốt nên bị ngã xe chăng. Sau lần đó, không thấy Quốc Đạt chở Bằng Lăng đi học lái nữa. Tôi cũng đoán ra chắc là cô nàng bị một phen hoảng sợ. Quốc Đạt lại đang trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp nên cũng bận rộn, thường xuyên đi khỏi phòng, có lẽ là đến thư viện tìm tài liệu hoặc gặp thầy hướng dẫn nên cũng không có nhiều thời gian để dạy cho Bằng Lăng.
Hôm nay tranh thủ ngày nghỉ, tôi định đi chợ mua thực phẩm dự trữ giúp Linh. Mở cửa ra thấy cô nàng Bằng Lăng đang ngồi trước cửa phòng nhìn mông lung ra phía nhà xe. Tôi hỏi:
- “Chờ Quốc Đạt về chở đi học bằng lái à?”
Bằng Lăng bảo:
- “Đâu có. Bằng Lăng đang nghĩ chẳng lẽ mình vì một lần té mà không dám lái xe nữa sao. Đang tự động viên mình đây.”
Tôi cười bảo:
- “Thế hết đau chưa?”
Bằng Lăng thật thà đáp:
- “Hết thì hết rồi, mà còn sợ.”
Tự dưng tôi lại cảm thương cho cô bé vô cùng, một ý nghĩ lóe lên, che mất cả ý định ban đầu của tôi là đi chợ. Tôi đề nghị:
- “Hay là đổi thầy xem. Biết đâu sẽ có thu hoạch.”
Bằng Lăng do dự:
- “Nhưng mà Bằng Lăng đâu có quen ai nữa để nhờ. Anh hai vẫn chưa về. Anh lớn thì… là một ông thầy nghiêm khắc. Bình thường anh lớn dịu dàng bao nhiêu thì vô tới lúc dạy là hung dữ bấy nhiêu. Bằng Lăng chỉ là lộn chân số với chân thắng. Thay vì muốn lên số, Bằng Lăng lại đạp thắng mạnh quá rồi mất thăng bằng té ngã thôi mà anh lớn cứ cằn nhằn bảo thôi khỏi học, sau này muốn đi đâu để anh lớn đưa đi. Chẳng lẽ Bằng Lăng cứ phải phụ thuộc vào người khác hoài sao. Hay là sau này đi làm bằng xe buýt, hay đạp xe đạp hoài?”
Nghe Bằng Lăng kể, bất giác tôi hơi nhói lòng vì qua lời kể của cô nàng, thì anh chàng Quốc Đạt rất bảo vệ cô ấy đây. Còn vì sợ cô ấy bị thương mà sẵn sàng làm tài xế cho cô ấy. Nhưng có vẻ như cô bé Bằng Lăng quá đơn thuần nên không nhận ra tâm tư của Quốc Đạt thì phải. Nhìn vẻ mặt u sầu của cô nàng, tôi vừa thương vừa buồn cười. Ai lại vì một chuyện như thế mà bỏ học lái xe đâu chứ. Huống chi, cô bé còn có quyết tâm thế kia mà. Thôi thì tôi là vị cứu tinh chứ còn ai ở đây nữa. Nghĩ thế, tôi đề nghị:
- “Bây giờ có rảnh không? Đi tập lái với anh.”
Bằng Lăng có vẻ bất ngờ, nhưng sau đó nét mặt giãn ra, vui vẻ gật đầu, bảo:
- “Anh đợi Bằng Lăng thay đồ xíu nha.”
Nói rồi cô bé đứng dậy, với tay đóng cửa phòng. Vài phút sau, cô bé đang tinh tươm trong bộ đồ ra đường của mình, tóc buộc gọn thấp sau gáy. Chắc là có kinh nghiệm cho những lần đội mũ bảo hiểm ấy mà.
Tôi chở Bằng Lăng đến sân tập lái, lúc ấy cũng đã gần chín giờ sáng, nhưng có lẽ do đang giờ làm việc và học hành nên sân tập cũng khá vắng người. Tôi thị phạm cho cô nàng hai lần, nhắc cách canh bánh xe trong đường biên. Nghe xong, có vẻ hiểu, Bằng Lăng hào hứng đòi lái thử. Tận dụng cơ hội sân trống, cô nàng có vẻ tự tin hơn. Tuy nhiên, lúc đầu, cô nàng còn hơi nhát, để ga nhỏ nên có khi xe tắt máy, có khi phải chống chân để xe không bị ngã. Tôi đứng bên trong vòng số tám, nhắc bài vài lần. Sau một hồi thấy Bằng Lăng có vẻ tự điều chỉnh được, tôi bước ra bên ngoài đứng quan sát mà không nhắc bài nữa.
Vậy là sau một buổi sáng học lái với tôi, Bằng Lăng dường như đã vượt qua nỗi sợ ngã xe. Trên đường về, tôi hỏi:
- “Chiều nay Bằng Lăng có đi học không?”
Bằng Lăng ngồi phía sau hơi rướn người lên để tôi nghe rõ hơn, cô bé đáp nhanh:
- “Dạ hông, bữa nay Bằng Lăng nghỉ cả ngày.”
Tôi đề nghị:
- “Vậy đi chợ với anh nhé. Mua ít đồ rồi chúng ta cùng qua nhà thăm Linh.”
Bằng Lăng dường như không cần suy nghĩ, gật đầu cái sụp. Tôi cảm giác được là vì cô ấy vừa bổ chiếc nón bảo hiểm kêu “cốp” rõ to vào chiếc nón của tôi. Nhưng sau đó, Bằng Lăng lại dè dặt bảo:
- “Nhưng Bằng Lăng không giỏi đi chợ. Thường ngày toàn là các chị mua rồi về mới tính tiền hùn. Bằng Lăng không biết trả giá.”
Đối với tôi, không câu nệ chuyện nữ giới có giỏi bếp núc hay không. Giỏi thì tốt, không giỏi thì có thể từ từ mà học. Đi chợ cũng vậy. Thế nên, tôi bảo:
- “Vậy thì hôm nay đi chợ tập sự. Anh cho Bằng Lăng học miễn phí. Đi chợ không khó đâu. Cũng không nhất thiết lúc nào cũng phải trả giá, thấy hợp túi tiền thì mua. Nhưng để biết giá có phù hợp không thì phải đi chợ thường, xem giá cả thường vào.”
Thế là, tôi bắt đầu nói nhiều hơn. Chỉ cho Bằng Lăng cách đi chợ, cách phân biệt thịt tươi và thịt cũ, cá lóc đồng và cá lóc nuôi,… Ít ra, đó cũng là cách mà tôi có thể tiếp cận đến cuộc sống của cô ấy, giúp cô ấy trưởng thành hơn, không thể cứ lệ thuộc mãi vào các cô bạn cùng phòng.
Tự dưng, tôi chợt giật mình khi nhận ra khi mình lại có biểu hiện lo cho cuộc sống của Bằng Lăng nhiều đến vậy. Cô ấy giống như một thỏi nam châm, và tôi cứ như một thanh sắt nằm trong vùng từ trường của cô ấy. Tôi cứ bất giác bị hút vào mà không hề hay biết. Mỗi lúc một gần hơn. Đến nỗi nhiều lúc, tôi phải vật vã lắm mới có thể dừng quan tâm cô ấy. Nhưng rồi, chẳng mấy chốc, đâu lại vào đấy, và tôi thì vẫn cứ không thể thoát ra được.
Có nhiều con đường sẽ dẫn đến chợ, nhưng tôi chọn một con đường đặc biệt để đi. Bởi vì, đối với tôi, nó là con đường Bằng Lăng. Chạy giữa hai hàng bằng lăng bên đường đang mùa ra hoa tím cả không trung, tôi chợt hỏi:
- “Bằng Lăng hình như thích màu tím nhỉ?”
Bằng Lăng hớn hở đáp:
- “Dạ. Bằng Lăng thích nhất là màu tím. Nhưng không phải tím nào cũng thích. Màu tím như màu hoa bằng lăng mới đúng tông màu Bằng Lăng thích.”
Tôi đùa:
- “Vậy ra, ba mẹ của em là một nhà tiên tri giỏi. Có thể đoán được màu em thích mà đặt tên cho em.”
Bằng Lăng bảo:
- “Nhưng hồi nhỏ, Bằng Lăng cũng không biết tên mình lại là tên của một loài hoa đẹp như vậy. Đến năm học lớp mười, Bằng Lăng mới được nhìn thấy lần đầu tiên và biết tên của loài hoa này nhờ một người bạn đã chỉ cho Bằng Lăng. Còn trước đó đều qua lời kể của cha. Cũng thật là trùng hợp.”
Sau câu nói ấy, Bằng Lăng có vẻ trầm ngâm, không nói nữa. Phát hiện phía sau mình yên ắng quá, tôi cũng bắt chuyện:
- “Sao thế? Hình như em không vui?”
Bằng Lăng im lặng vài giây, tôi nghe rõ tiếng thở ra thật dài của cô ấy. Sau đó, Bằng Lăng bảo:
- “Tự dưng nhớ chuyện một cậu bạn thôi hà. Là người đã chỉ cho Bằng Lăng biết cây bằng lăng ấy. Giờ bạn ấy đã đi nước ngoài rồi, không còn liên lạc nữa. Tính ra, tuổi thơ Bằng Lăng cũng có nhiều thần hộ mệnh lắm, những người luôn bảo vệ cho Bằng Lăng như anh hai, anh lớn và cả cậu ấy nữa. Mặc dù biết cậu ấy không cố ý chạy đâm vào Bằng Lăng, làm Bằng Lăng té ngã rồi bị thương. Nhưng đã có một khoảng thời gian rất dài, Bằng Lăng giận cậu ấy kinh khủng, không thèm nói chuyện luôn. Vậy mà, cũng có lần, cậu ấy đã đứng ra bênh vực Bằng Lăng đấy. Còn giải thích với cô giúp Bằng Lăng nữa. Tự dưng nghĩ lại, hình như Bằng Lăng còn nợ cậu ấy một câu tha thứ.”
Nghe Bằng Lăng kể. Dù không rõ nguồn cơn. Nhưng từ tâm trạng của cô bé cho thấy, cậu bạn này cũng có một vị trí nhất định trong lòng của Bằng Lăng. Bỗng dưng, tôi lại cảm thấy trong lòng mình có chút kỳ lạ. Không rõ cảm giác đó là gì, ghen tuông hay ganh tị. Ghen tuông thì chắc là không đúng, vì tôi đâu là gì của Bằng Lăng, nhưng khi biết cô ấy còn những trăn trở về một người bạn khác phái, tôi lại thấy có chút khó chịu. Hay đó là ganh tị nhỉ? Tôi ganh tị vì đã có quá nhiều người được gặp và quen biết với Bằng Lăng sớm hơn tôi. Dù tôi chỉ biết có hai người là Quốc Đạt và cậu bạn kia. Nhưng với cái tính hồn nhiên ấy của Bằng Lăng, tôi đoán chắc là còn nhiều nữa, mà có khi cô ấy không nhận ra những cây si bên cạnh mà thôi. Và hình như, tôi cũng sắp sửa nằm trong danh sách hàng đợi vô danh đó thì phải. Chỉ biết rằng, sau cái cảm giác khó hiểu ấy, là một chút đau lòng. Chỉ là nghe kể cô ấy bị đụng trúng té ngã và bị thương thôi, mà tôi đã thấy thương rồi. Nếu tôi có bên cạnh cô ấy lúc đó, chắc hẳn là tôi lại đứng ngồi không yên cho mà xem. Một suy nghĩ khác lại le lói lên trong đầu tôi, một sự ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ người đã bênh vực em, người đã kịp thời xuất hiện ứng cứu cho em trước tình huống khó khăn.
Tôi, quả là đã bỏ lỡ một điều rất lớn.
Mặc dù biết, hai chúng tôi duyên đến muộn, không thể cùng nhau trải qua thời thơ ấu bên nhau, là một điều mà cả hai chúng tôi đều không biết trước và không thể thay đổi được. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy hối tiếc vô cùng. Sau những gì tôi nghe được từ em, tự dưng tôi nảy sinh một quyết định táo bạo. Nếu tuổi thơ em đã có thần hộ mệnh thì hiện tại và tương lai sẽ có tôi. Có lẽ, đây chính là định mệnh của tôi rồi. Tôi sẽ làm nốt phần việc còn lại mà các thần hộ mệnh trước đó đã vì một lý do gì đó mà bỏ lỡ em ở hiện tại.
Với cái miệng huyên thuyên kể rất nhiều chuyện từ hồi xưa bé của Bằng Lăng, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến chợ. Tôi dẫn Bằng Lăng đến quầy thịt, để cô ấy tự chọn miếng thịt và tôi lại kiểm tra xem kiến thức mà tôi vừa cập nhật trên đường ra chợ lúc nãy cô ấy có còn nhớ không. Quả là một cô bé thông minh và biết ứng dụng lý thuyết. Sau đó, chúng tôi lại sang hàng cá để chọn mua cá lóc. Và tôi lại đứng bên quan sát em thực hành chọn cá. Tôi gật gù hài lòng vì biểu hiện khá tốt của Bằng Lăng hôm nay.
Lát sau, trên đường đến nhà Linh, tôi bảo:
- “Bằng Lăng không phải không giỏi đi chợ đâu. Theo anh thấy, là do không có cơ hội phát huy thôi.”
Bằng Lăng cũng sung sướng vì được khen, vui vẻ đáp:
- “Vậy à, đúng là nhân tài không có đất dựng võ phải không? Anh Quân giỏi như vậy, việc gì cũng biết, sau này chắc là chị Linh sẽ đỡ cực rồi.”
Tôi nghe đến đấy, thắng gấp con xe dream dừng lại, xoay lại nhìn Bằng Lăng, có vẻ ánh nhìn của tôi có chút kỳ lạ nên cũng làm cô bé giật mình, ngơ ngác nhìn tôi vì không hiểu lý do vì sao đang nói chuyện vui vẻ, tôi lại bất ngờ thay đổi thái độ.
Rút kinh nghiệm từ những gì đã trải qua, tôi quyết tâm nắm bắt cơ hội, nói rõ với Bằng Lăng:
- “Linh là bạn của anh và của cả Bằng Lăng. Anh không muốn vì chuyện trước đây anh và Linh từng là người yêu của nhau mà gây ra thêm hiểu lầm gì nữa. Anh và Linh, vẫn sẽ mãi là bạn, chỉ là bạn.”
Bằng Lăng ngẩn người ra một lúc, nhưng rồi lại đánh trống lảng:
- “Thì Bằng Lăng có bảo chị không phải là bạn của Bằng Lăng đâu. Mà anh Quân và chị có là bạn hay quay trở lại với nhau thì cũng đâu liên quan gì đến Bằng Lăng đâu à. Nếu mà anh Quân quyết định chỉ làm bạn của chị thì tùy anh Quân vậy. Bằng Lăng biết rồi, sau này sẽ để ý người khác cho anh. Nhưng nói trước là không được chọn chị Xuân Đào nghe chưa! Bằng Lăng đã nhắm chị Xuân Đào làm chị dâu rồi.”
Đến lượt tôi đứng hình mất mấy giây. Cái cô bé này, tôi đang cố vạch ra ranh giới an toàn giữa tôi và Linh, thì cô ấy lại hiểu sang chuyện khác. Đã vậy, cô ấy còn kéo thêm người khác vào nữa. Chả lẽ, trong mắt cô ấy, tôi là người đào hoa thế sao. Không thể hiểu nổi bên trong cái đầu nhỏ nhắn từng tựa vai tôi ngủ này đây lại chứa những gì bên trong. Tôi búng tay vào trán cô ấy một cái cho tỉnh táo ra và hỏi:
- “Em nghĩ gì trong đầu nữa đấy?”
Bằng Lăng vừa xoa trán vừa giải thích:
- “Thì nếu đã hết thương Linh, anh cũng phải thương người khác chứ. Gần anh nhất, mà Bằng Lăng cũng biết thì chỉ có chị Xuân Đào và Nhã Cúc thôi. Nhã Cúc thì có bạn trai rồi. Chỉ còn mỗi Xuân Đào. Chị cũng hay qua nhờ vả anh. Nên Bằng Lăng nhắc trước.”
Tôi bất lực bật cười vì cái suy nghĩ trẻ con của cô ấy. Chả lẽ, bên cạnh tôi, chỉ có bấy nhiêu cô gái đấy thôi sao. Sao cô ấy không kể cả bản thân vào nữa? Nhưng tôi không vội công khai tình cảm của mình với cô ấy, tôi cũng không muốn chuyện tỏ tình quan trọng như thế lại diễn ra giữa đường và trên xe thế này nên cũng phối hợp theo cô ấy:
- “Được, được. Chừa Xuân Đào lại cho anh của Bằng Lăng. Vậy, Bằng Lăng phải đền một cô khác vào danh sách giới thiệu cho anh mới được.”
Nói rồi, tôi quay người về trước, tiếp tục lên ga cho xe chạy đi. Bằng Lăng đinh ninh:
- “Nhất định rồi. Anh Quân tốt như vậy, Bằng Lăng sẽ giới thiệu người tốt cho anh. Mà anh Quân giỏi như vậy, cái gì cũng lo liệu chu toàn được hết, chắc tiêu chí chọn bạn gái cũng cao lắm!”
Tôi khẽ cười trước sự nhiệt tình của cô bé, cũng muốn ám chỉ về việc cô ấy hoàn toàn xứng đáng trong danh sách “chỉ có một” của tôi nên tôi nhẹ nhàng bảo:
- “Không sao, từ từ chọn. Anh không kén. Không biết nấu ăn thì anh dạy. Không thích nấu thì anh nấu. Hai người yêu nhau đâu phải để kiếm người nấu ăn giùm đâu, đúng không nè? Nhưng điều quan trọng đối với anh, vợ sẽ là người mà anh có thể mở lòng lần nữa, yêu sâu đậm hơn cả mối tình đầu. Chính vì vậy, em hãy chọn người sẵn sàng phát triển một mối quan hệ dài lâu. Anh không muốn lại đổ vỡ lần nữa.”
Bằng Lăng bỗng lắc đầu buồn so:
- “Vậy chắc là quanh Bằng Lăng không có ai phù hợp với anh Quân rồi. Bạn bè của Bằng Lăng đều ngang tuổi Bằng Lăng, đang tuổi ăn tuổi học, đâu ai lại chịu kết hôn sớm.”
Tôi nghe ra ý có vẻ như Bằng Lăng cũng đang đặt mình trong suy nghĩ ấy mà nói, nên liền bảo:
- “Không sao. Anh có thể chờ cô ấy lớn lên. Nhưng mong là ai đó không chê anh già.”
Bằng Lăng cười to, hơi cúi người lên phía trước, sát tai tôi hơn, rồi nói với âm lượng hơi nhỏ lại, nhưng cũng đầy tự tin:
- “Anh Quân mà già gì. Như anh Quân, gọi là chững chạc. Bằng Lăng cho chín điểm rưỡi. Thua anh hai Bằng Lăng nửa điểm, và bằng điểm với anh lớn.”
Tôi lại bất ngờ với cô bé này mất thôi. Hóa ra, cô ấy còn chấm điểm nữa cơ đấy. Dù trong mắt cô ấy, tôi bằng điểm Quốc Đạt, tôi cũng biết khá rõ tình cảm của Bằng Lăng dành cho Quốc Đạt là tình anh em. Điều đó có nghĩa, tôi đâu đó cũng đang nằm trong miền tình cảm anh em với Bằng Lăng. Nhưng lúc này đây, tôi lại nghĩ thoáng hơn. Không sao, anh em thì anh em. Từ từ quen thân rồi tính. Ít ra, tôi cảm thấy lạc quan vì không ít hơn hai lần Bằng Lăng đánh giá tôi ngang bằng với Quốc Đạt, một người anh, một thần hộ mệnh nhiều năm của cô ấy. Và tôi biết, cơ hội của tôi đã hé mở. Con đường mà tôi muốn đi đã mở lối. Dù có thể không hề suôn sẻ, nhưng còn đỡ hơn là không có lối để đi.
Bỗng dưng, nhớ đến chuyện Bằng Lăng bảo tuổi thơ cô ấy có nhiều thần hộ mệnh. Tôi khôn khéo ngỏ lời:
- “Mà anh bảo này, lực lượng thần hộ mệnh của Bằng Lăng hiện giờ có vẻ hơi mỏng. Có cần bổ sung thêm người không?”
Bằng Lăng đang vui bỗng đổi giọng buồn:
- “Ai lại chê thần hộ mệnh nhiều bao giờ. Nhưng mà muốn kiếm cũng chưa chắc có. Không dễ để gặp được một người sẵn sàng bảo vệ mình, che chở mình. Nếu mà có, cũng chưa chắc Bằng Lăng được may mắn hoài như vậy.”
Tôi gợi ý:
- “Thế nếu là anh thì có đạt yêu cầu không?”
Cô bé có vẻ ngạc nhiên và bất ngờ, nên bảo:
- “Anh Quân đừng có ghẹo Bằng Lăng nữa. Bằng Lăng dễ tin người, tưởng thật thì mắc công anh em trở mặt lắm à.”
Tôi trấn an:
- “Anh nói thật, không đùa. Dù sao với một cô bé con đơn giản như em, việc hộ mệnh cũng không quá sức với anh.”
Bằng Lăng vô tư xác nhận:
- “Thế thì xem như anh Quân tự nguyện đấy nhé. Đến lúc gặp phiền phức thì đừng có hối hận.”
Tôi gật gù, nhưng sau đó nhớ ra một việc, đó là cố gắng tránh vết xe đỗ của Quốc Đạt, vì danh xưng “anh lớn” mà mãi chẳng thể tiến xa hơn được với Bằng Lăng, nên tôi ra điều kiện:
- “Nhưng anh có một điều kiện là Bằng Lăng không được xem anh như anh lớn nữa. Và tuyệt đối không xưng “Út” với anh. Anh không muốn làm anh lớn, anh kết nghĩa, anh nuôi gì cả nhé. Chỉ là anh Quân thôi.”
Cô bé dường như chưa rõ dụng ý của tôi, nên phản ứng hơi chậm. Lát sau, Bằng Lăng cũng gật đầu, bảo:
- “Được thôi.”
Vậy là tôi thành công xác lập thân phận thần hộ mệnh thứ n của Bằng Lăng. Có thể, tại thời điểm ấy, đối với Bằng Lăng chỉ là một cuộc tán gẫu giết thời gian. Nhưng đối với tôi, đó lại là một cột mốc quan trọng. Nó đánh dấu sự mở đầu của hành trình đi tìm hạnh phúc của tôi. Đấy cũng là thời khắc tôi đưa ra quyết định táo bạo nhất cuộc đời mình, quyết định cho phép mình phá bỏ rào cản của bức tường thành cô độc mà tôi đã cất công xây dựng nên, để bảo vệ lấy tâm hồn từng bị tổn thương của mình. Đấy là thời điểm, tôi xác định được người con gái đang ngồi sau xe của tôi, chính là một nửa còn lại để tôi phấn đấu.
(Trích - Tập truyện ngắn: Sao trong mắt Em, Em trong mắt Anh)
Văn Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét