Hôm ấy, tôi và Quân đến nhà Linh. Chúng tôi mang theo lĩnh kĩnh nhiều đồ từ ngoài chợ về. Đấy là một ngày vui với tôi. Vì tự dưng, tôi không tốn chút sức nào cũng nhặt được một thần hộ mệnh giữa đường.
Đấy là Quân.
Lúc đầu, khi tôi buộc miệng kể về thời thơ ấu của mình cho Quân nghe, cứ ngỡ Quân đùa. Nhưng sau khi anh nhấn mạnh là thật thì tôi vô cùng bất ngờ. Có lẽ là anh thương cảm cho tôi vì những nuối tiếc của thời học sinh vẫn còn ray rứt vì chưa một lần chính thức nói lời tha thứ cho Hữu Phong. Bây giờ mất liên lạc với cậu ấy rồi, nó trở thành một điều hối tiếc mà tôi vẫn canh cánh trong lòng. Có lẽ, Quân muốn làm tôi vui. Và quả thật, là tôi vui thật. Tôi cảm thấy bất ngờ và không dám tin là Quân lại là người chủ động xin trở thành một trong những người sẽ bảo vệ tôi. Trong khi theo tôi biết, Quân là một người trầm tĩnh, càng không để tâm những chuyện không liên quan đến mình. Quân cũng tỏ ra không quá thân thiết với tôi. Nên việc tự nhiên anh nhiệt tình lại làm tôi có chút bối rối. Nhưng không sao, dù sao thì là tự Quân muốn chuốc lấy phiền phức đấy nhé, chứ tôi nào ép anh. Nhìn anh hai và anh lớn của tôi thì biết, việc chăm sóc tôi vất vả đến thế nào. Các anh ấy phải luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với sự ngốc nghếch của tôi. Và rõ ràng, các anh vẫn xem tôi là một cô bé con, lúc nào cũng nghĩ tôi còn trẻ con lắm. Có Quân san sẻ cho hai anh, có khi với sự chỉ bảo của Quân, tôi sẽ sớm trưởng thành hơn.
Cũng đã sắp đến đầy tháng của bé Khoai Tây. Quân và tôi dự định sẽ nấu ít món để mừng bé khỏe, hay ăn chóng lớn. Cho nên tối đó, Quân và tôi bắt đầu lên thực đơn, cũng cùng nhau nghĩ xem sẽ tặng gì ý nghĩa cho cháu. Anh lớn khi biết ý định của chúng tôi thì cũng quyết định tham gia cùng. Vậy là cả ba cùng nhau đi đến cửa hàng quà tặng cho bé để chọn quà. Hai ông anh của tôi, quả thật là y chang nước với lửa. Trong mắt tôi, mỗi anh đều rất chững chạc. Tuy nhiên, mỗi lần hai anh cùng lúc đứng trước mặt tôi là hình tượng bắt đầu sụp đổ ngay. Họ cãi nhau suốt. Người này chọn quà này thì người kia không đồng ý. Người kia chọn quà khác thì người này lại chê. Lúc đi hay lúc về đều cãi nhau inh ỏi. Mỗi người tranh nhau chở tôi. Thế là tôi quyết định, lượt đi thì tôi đi với anh lớn. Lượt về thì tôi đi với Quân. Như vậy mới dàn xếp được một trận cãi nhau nữa. Tự dưng nhìn cảnh này, tôi mong sao anh hai của tôi có thể về sớm để mà cân bằng lại.
Trên đường về, Quân tự ý ghé vào một quán chè. Thế là anh lớn cũng phải ghé theo. Vừa ngồi vào bàn, anh lớn đã than:
- “Rõ ràng là Út thiên vị. Bận đi, anh lớn chở Út thì Quân chạy xe không. Tới bận về thì Quân chở Út còn anh lớn lại chở một đống đồ. Đã bảo là mua chung một món đi, mà mọi người không chịu. Bây giờ vì không thống nhất được mà ba đứa mua ba món. Sau này cháu nó biết được cười cho, biết ngay các cậu và dì không đoàn kết.”
Tôi cười tươi, vì rất ít khi thấy anh lớn lại hóa trẻ con như thế. Tính ra tôi cũng nể Quân thật, chỉ có Quân mới có thể biến anh lớn của tôi từ một người điềm đạm và đĩnh đạc thành một anh chàng hay càu nhàu như thế. Tôi bảo:
- “Không sao, cứ nghĩ có nhiều quà thì cháu sẽ thích. Con nít mà, đâu biết thế nào là giá trị hay không. Đẹp, nhiều màu sắc, ngộ nghĩnh là mê thôi. Huống chi có tới tận ba món. Út còn mê nữa huống chi là cháu.”
Chị gái phục vụ bước tới hỏi ba chúng tôi ăn gì. Cả ba đồng thanh gọi món chè đậu ngự rồi nhìn nhau cười xòa. Vậy là hết căng thẳng. Anh lớn là người không thích ăn ngọt, nhưng đi chơi chung với tôi riết cũng bị nhiễm. Còn Quân, có lẽ là từ dạo được ăn thử món chè này đã phát hiện ra món mỹ vị nhân gian chứ gì.
Ngày đầy tháng của bé Khoai Tây, chúng tôi tập hợp ở nhà Linh từ sớm. Mẹ của Linh cũng đã bắt tay làm vài món nhưng chưa xong. Tôi, anh lớn và Quân cũng vào bếp phụ. Quân giỏi nấu nướng nên phụ được nhiều. Tôi và anh lớn thì phụ ngắt rau, làm thịt. Nói chung là phụ sơ chế thôi. Một lúc sau, mẹ của Linh nhắc:
- “Thôi chết, bác quên dặn mấy đứa mua chè. Đầy tháng phải có chè để cúng”.
Tôi liền xung phong:
- “Vậy để con đi mua cho. Mua chè đậu ngự được không bác?”
Mẹ của Linh và Quân cười phá lên vì sự ngây ngô của tôi. Bác gái bảo:
- “Không, không. Con trai thì mình phải cúng chè đậu. Còn con gái thì mình cúng chè trôi nước nghen con.”
Tôi khó hiểu nhưng cũng không dám thắc mắc nhiều. Nhưng có vẻ nhìn mặt tôi ngơ ngác quá, nên bác thương tình giải thích thêm:
- “Chỉ là một cách chơi chữ của ông bà xưa thôi mấy đứa à. Con trai thì hay trọng công danh sự nghiệp, nên ông bà mình hay cúng chè đậu để mong thi đâu đậu đó. Còn con gái thì vẫn là nên trọng cái duyên, giỏi việc gia đình. Chè trôi nước thì là hình tròn, viên của chữ viên mãn, và cũng còn một cách nói chạy từ viên thành duyên ấy mà!”
Tôi nghe bác gái giải thích tường tận thì hiểu ra nên mặt mày cũng sáng lán trở lại. Nhưng do lúc nãy đến cùng với hai anh nên tôi không có xe riêng để đi. Thế là anh lớn xung phong chở tôi đi vì Quân giỏi việc nhà, ở lại phụ sẽ được nhiều hơn. Tôi cũng chưa đến đợt thi bằng lái nên cũng không tự lấy xe các anh mà lái được. Anh lớn thì ít đi chợ nên không biết chỗ mua, còn tôi thì dạo gần đây có theo Quân học hỏi việc đi chợ nên cũng đã khá rành.
Thấy tôi và anh lớn bước ra sân lấy xe mà Quân cứ nhìn theo mãi. Tôi vô tình bắt gặp ánh mắt của anh chứ chăm chăm nhìn về chúng tôi. Nên tôi hỏi:
- “Anh Quân có muốn gửi mua thêm gì không?”
Quân lúc ấy mới thu ánh nhìn lại, khẽ lắc đầu bảo:
- “Thôi, anh không mua gì thêm. Đi sớm về sớm. Cẩn thận đấy!”
Tôi đáp lời:
- “Dạ, Bằng Lăng biết rồi. Với lại, có anh lớn đi cùng mà lo gì. Hi hi.”
Tôi vẫn luôn như thế cơ mà. Có thể tôi hậu đậu, nhưng đối với anh lớn thì tôi tin tưởng như tin anh hai của tôi vậy.
Trên đường đi, anh lớn hỏi:
- “Út dạo này không nghe kêu anh lớn đưa đi tập lái xe nữa vậy?”
Tôi thành thật trả lời:
- “Út vẫn có đi tập lái. Thấy anh lớn bận lo luận văn nên Út nhờ anh Quân dạy. Út học với ảnh cũng ổn. Bây giờ Út lái vững rồi. Tự tin hơn nhiều rồi.”
Anh lớn nghe được tình hình, có lẽ cũng yên tâm nên không tiếp tục hỏi thăm nữa. Lát sau anh chuyển chủ đề:
- “Tầm nửa tháng nữa Chí Trung về đến. Lúc đó chắc phòng cũng sửa xong. Tuần sau là anh lớn bảo vệ luận văn rồi. Sau khi ra trường, anh lớn định ở lại đây lập nghiệp. Chờ Út ra trường rồi tính tiếp.”
Tôi chăm chú nghe nhưng bắt đầu hoang mang. Đây là lần đầu tiên anh lớn tâm sự với tôi về tương lai của anh. Với cái nghề kiến trúc sư của anh lớn và anh hai tôi thì quả thật là nên ở lại nơi thành phố lớn để có cơ hội phát triển nhiều hơn. Tôi cũng nghĩ anh hai của mình sau khi ra trường cũng sẽ ở lại đây lập nghiệp. Hai anh lại học cùng ngành, biết đâu sau này sẽ lại hợp tác cùng nhau phát triển sự nghiệp. Nhưng ở đoạn sau trong lời tâm sự của anh lớn thì làm tôi chưa rõ ý lắm, bèn hỏi:
- “Út cũng nghĩ là anh lớn và anh hai nên ở lại đây để phát triển sự nghiệp nhưng mà còn chờ Út ra trường rồi tính tiếp là ý gì? Út chưa hiểu.”
Anh lớn bảo:
- “À, ý anh lớn là chờ một hai năm nữa Út ra trường, thì trong khoảng thời gian này Chí Trung và anh lớn sẽ ở lại để tiện chăm sóc cho Út. Sau khi Út ra trường, nếu muốn về quê thì bọn anh cũng sẽ chuyển về quê.”
Tôi lại ngạc nhiên hơn vì không nghĩ hai anh của tôi lại chu đáo như vậy. Cứ nghĩ là hai anh chọn ngành này thì nên ở lại. Còn ngành của tôi thì thật ra làm ở đâu cũng được. Nếu không tìm được việc làm phù hợp thì về quê với cha mẹ rồi mở một phòng mạch thú y nhỏ hay một cửa tiệm thuốc thú y cũng được. Nhưng đó là dự định xấu nhất của tôi thôi. Tôi rất thích động vật, nhất là các loài thú cưng. Nên nếu trong tương lai tôi có điều kiện sẽ tự mở một cửa tiệm chăm sóc thú cưng và trang trí không gian thật là dễ thương, như thế là mãn nguyện. Quay lại với những chia sẻ của anh lớn, tôi nói:
- “Út nghĩ hai anh cứ phát triển ở nơi nào phù hợp nhất với các anh đi. Không cần lo cho Út, Út lớn rồi mà. Nếu mà lúc đó các anh đã ổn định sự nghiệp rồi thì không nên thay đổi, để chuyên tâm phát triển thì sẽ tốt hơn. Gầy dựng danh tiếng đâu phải dễ. Út thì nếu có về quê vẫn còn cha mẹ. Anh lớn không cần phải quá lo lắng cho Út. Thêm nữa, nếu anh lớn ở lại lập nghiệp thì cũng đừng lo lắng chuyện hai bác ở nhà. Còn có Út nữa mà, Út sẽ qua thăm nom hai bác phụ anh lớn.”
Nghe tôi nói như thế, có lẽ anh lớn cũng hiểu được tâm tư của tôi. Vì cũng xem như lớn lên cùng nhau, anh lớn quá hiểu hai anh em chúng tôi. Chắc chắn ít nhất một trong hai anh em chúng tôi sẽ trở về để chăm sóc cho cha mẹ. Không anh hai thì là tôi. Lại thêm, với ngành nghề theo đuổi ở hiện tại, anh hai ở lại sẽ thích hợp hơn tôi. Một phần khác nữa là tính tôi vẫn thích khung cảnh bình yên và hợp ở quê nhà hơn, thoáng đãng và không quá bon chen như ở thành phố lớn. Tôi thích những thứ bình ổn và chậm rãi, tôi thích bầu trời đêm ở quê vì có thể nhìn thấy rõ những vì sao lấp lánh, trong khi ở đây thì ánh hào quang của đèn đường đã lấn át hết phần lung linh của những vì sao nhỏ mà tôi yêu thích mất rồi. Anh lớn bảo:
- “Cũng không hẳn về quê là không tốt cho ngành nghề của anh và Trung đâu. Nhưng chắc là trong một hai năm tới đây, các anh sẽ ở lại để phát triển và xây dựng uy tín. Khi đã vững vàng rồi thì mình mở trụ sở ở đâu cũng sẽ được chú ý thôi. Thêm nữa bây giờ mạng Internet cũng phát triển rồi, các anh cũng có thể nhận dự án từ xa. Cái chính là hai anh cũng muốn ở lại để học hỏi và có cơ hội va chạm thực tế nhiều hơn.”
Suy nghĩ một lúc, anh lớn dường như hào hứng lên, giọng điệu chuyển sang vui hơn hẳn, anh nói:
- “Mà có thật là sẽ giúp anh chăm sóc cho cha mẹ anh ít năm nữa không?”
Tôi khẳng khái đáp:
- “Dĩ nhiên là không vấn đề gì. Hai bác cũng thương Út mà.”
Nghĩ đến chuyện lần trước anh lớn hiểu lầm tôi có thai ngoài ý muốn với Quân, anh còn định thay Quân nhận lấy trách nhiệm và dẫn tôi về chính thức ra mắt hai bác với cương vị mới. Bất chợt, tôi lại càng cảm thấy, việc thay anh chăm sóc cho cha mẹ cũng là nghĩa vụ của mình. Bởi vì anh đã không ngại những dị nghị không đáng có mà sẵn sàng bảo vệ tôi, thì lẽ nào tôi lại ngại gian nan mà không giúp anh báo hiếu được sao. Tôi nói tiếp, nhưng giọng thì hạ thấp đi vài phần vì dù sao vẫn còn ngại về chuyện hiểu lầm trước kia:
- “Với lại, anh lớn đã có thể vì bảo vệ Út mà không ngại chịu thiệt thòi thì Út lẽ nào lại tính toán với anh lớn kia chứ.”
Chợt anh lớn hơi xoay mặt qua như để nhìn tôi được rõ hơn, anh nói:
- “Ngốc quá, anh lớn thì phải có trách nhiệm bảo vệ em chứ. Nhưng mà Út thì không cần phải cán đán nhiều như vậy có biết không? Út hãy cứ là một cô bé vô tư. Đừng nghĩ phải trả ơn hay gì cả. Vì anh lớn là anh lớn của Út. Vẫn luôn là như vậy. Dù cho sau này Út có quen ai, yêu ai hay kết hôn với ai đi chăng nữa, hãy cứ nhớ rằng lúc nào cũng có anh lớn đứng về phía Út.”
Tôi cười hiền, trêu anh:
- “Không khéo chị dâu lại ghen mất thôi!”
Anh lại khẳng định:
- “Lại ngốc nữa rồi. Nếu một người không đủ rộng lượng và không thể chấp nhận các mối quan hệ hiện tại của anh lớn. Thì làm sao có cơ hội bước vào thế giới của anh lớn để mà làm chị dâu của Út được kia chứ?”
Tôi cũng băn khoăn nghĩ về mối quan hệ giữa chúng tôi. Có khi nào sẽ là rào cản cho anh lớn trong việc tìm bạn đời hay không? Anh lớn hầu như dành hết sự quan tâm cho đứa em gái không ruột thịt là tôi. Có lẽ vì anh là con trai một trong gia đình, anh rất thèm cảm giác có anh chị em, được bảo vệ nhau, như cách anh lớn đối đãi với anh hai và tôi vậy. Chúng tôi thân thiết đến mức nhiều người cũng hiểu nhầm là người nhà của nhau. Đôi lúc, tôi cũng không ngại đóng vai người yêu của anh lớn để cắt đuôi những cô gái thầm thương trộm nhớ anh lớn. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi, mẫu người mà anh lớn thích là như thế nào. Mà mãi vẫn không thấy anh quen ai. Như anh hai tôi, hay như Quân, tôi còn mạnh dạn đề nghị giới thiệu người này người kia. Chứ còn như anh lớn, rõ ràng là rất hiểu anh, nhưng tôi lại như hoàn toàn mờ mịt về gu bạn gái của anh. Đã không ít lần đóng vai bạn gái của anh, cũng loại trừ được không ít mẫu người mà anh không vừa ý. Nhưng mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm ra được mẫu người nào mà anh lớn cảm thấy thích. Tra hỏi thế nào anh cũng không nói ra, chỉ bảo rằng khi nào gặp đúng người, anh sẽ cho tôi biết đầu tiên. Vậy đó, chúng tôi đồng hành cùng nhau lâu như thế, mà cho đến nay cái thời khắc “khi nào gặp đúng người” mà anh từng nói nó cũng chưa từng đến một lần nào.
Miên man suy nghĩ thì cũng đã đến chợ, tôi tranh thủ đi vào khu bán chè, trong khi anh lớn thì ở ngoài đợi để khỏi phải gửi xe. Biết anh đợi, nên tôi cũng tranh thủ hoàn thành nhiệm vụ, mua nhanh rồi trở ra cùng anh về nhà Linh để tiếp tục chuẩn bị tiệc đầy tháng cho cháu.
Xong tiệc, chúng tôi rời khỏi nhà Linh cũng đã hơn hai giờ chiều. Lượt về, Quân là người chở tôi. Trên xe, Quân bắt chuyện trước:
- “Thích chè đậu ngự dữ vậy đó hả?”
Tôi cũng chưa nghĩ ra vì sao tự dưng Quân lại nhắc đến chè đậu ngự nữa. Vì với tôi, rất nhiều món tôi thích ăn chứ không chỉ chè đậu ngự. Nhưng nếu nói về chè thì chắc là chè đậu ngự là món tôi thích nhất thật. Tôi cũng chưa kịp liên kết với chuyện lúc sáng ở nhà Linh nên hơi lóng ngóng và mơ hồ trả lời:
- “À, ờ. Bằng Lăng thích nhiều món lắm. Mà sao tự dưng anh Quân lại hỏi vậy?”
Lúc này, chính Quân lại như không bắt kịp tôi, nên cũng chưng hửng một lúc rồi trả lời:
- “À, vì là ban nãy chuyện mua chè. Và những lần đi ăn chè chung nên anh tưởng em chỉ thích món đó nhất.”
Tôi chợt hiểu ra, nên giải thích thêm:
- “Hi, nếu là chè thì chè đậu ngự là món khoái khẩu của Bằng Lăng đấy.”
Nghĩ ngợi một lúc, thấy mình cũng nên tiếp tục câu chuyện vì Quân là một người ít nói nhưng lại chịu mở lời bắt chuyện trước thì tôi cũng nên có thành ý phối hợp một chút mới phải phép. Thế là tôi tiếp chuyện:
- “Bằng Lăng là hệ đa sinh thái. Mỗi một chủ đề thì Bằng Lăng đều có cái mình thích và không thích. Bằng Lăng cũng rất rạch ròi cảm xúc của mình.”
Quân có vẻ cũng hào hứng với câu chuyện mà tôi gợi mở, bèn không để câu chuyện lắng xuống. Anh nói:
- “Để anh tổng hợp những điều anh biết xem nhé. Bằng Lăng thích màu tím, yêu hoa bằng lăng, thích ăn chè đậu ngự, thích nghe nhạc trẻ hot trend. Còn gì không nhỉ? À, nếu nói về nếp sống thì em sẽ thích vùng quê yên tĩnh hơn hay thích phố thị xa hoa hơn?”
Nghe Quân tổng hợp, tôi cũng khá bất ngờ về những điều anh biết về tôi cũng không ít. Xem ra anh cũng là một thần hộ mệnh rất có tương lai của tôi đây mà. Thấy thế, tôi cũng thật lòng đáp lời:
- “Nếu mà xét về điều kiện sống thì chắc là ai cũng muốn có cuộc sống đầy đủ tiện nghi rồi. Nhưng nếu như hỏi về nếp sống giữa quê và thành phố thì Bằng Lăng thích quê mình hơn. Có lẽ do gắn bó nhiều năm rồi nên có tình cảm đặc biệt. Với lại, Bằng Lăng thích bầu trời ngàn sao khi về đêm. Mắt cận, nhìn những ngôi sao xa xôi càng thêm lấp lánh lung linh qua cặp kính cận ấy mà.”
Quân gật gù, nhưng cũng thắc mắc:
- “Thế không thích cảnh thành phố về đêm à? Cũng lung linh đèn màu đấy!”
Tôi đưa quan điểm:
- “Thích, nhưng không bằng. Cảm giác của việc ngước lên bầu trời yên tĩnh, ngắm nhìn và kiên nhẫn tìm kiếm những ngôi sao mà mình biết tên. Như mình tìm kiếm những người bạn thân quen giữa biển người mênh mông. Rồi khi tìm thấy, Bằng Lăng cũng thấy vui như được gặp lại những người bạn của mình vậy. Còn đèn đường thì… chắc là do Bằng Lăng không có nhiều dịp dạo quanh thành phố về đêm. Thêm nữa, nếu muốn tập trung ngắm cảnh thì phải có người chở chứ. Mà anh hai thì đi du học từ lúc Bằng Lăng chưa lên đại học. Anh lớn thì rất cứng nhắc, tối thì chỉ thích ở nhà học bài thôi, ít cho Bằng Lăng đi chơi lắm. Anh lớn bảo, mắt yếu, đi ra ngoài một mình buổi tối nguy hiểm. Các chị cùng phòng thì cũng bận lắm, lâu lâu mới đi cùng nhau một lần. Nên tánh Bằng Lăng thực tế lắm, Bằng Lăng thích những gì trong khả năng của mình, thích những cái mình có thể làm được, có thể làm thường xuyên. Còn lâu lâu một lần thì có khi cầu mà không được thì khó chịu trong người lắm.”
Tôi huyên thuyên nói rất nhiều. Cũng chẳng biết là Quân nghe có hiểu hết những gì tôi bộc bạch hay không. Nhưng câu hỏi của Quân và vị trí của Quân đối với tôi lúc này có lẽ cũng đủ trọng lượng để tôi có thể nói nhiều như vậy, tận tình như vậy. Nói một hồi, tôi chợt nghĩ, mình cũng nên có qua có lại nhỉ. Thế là tôi cũng hỏi:
- “Thế còn anh, anh Quân thích gì?”
Quân suy nghĩ một lúc rồi cũng nói, nhưng âm lượng khá là nhỏ giữa cái không gian ồn ào xe cộ. Tôi loáng thoáng nghe được là:
- “Anh thích… em…”
Không biết những điều tôi nghe có chính xác không, nhưng khi nghe như thế làm tôi giật cả mình. Hỏi ngược lại:
- “Hả, anh Quân nói gì?”
Quân lúc này mới nói to rõ cho tôi nghe:
- “Anh cũng thích cuộc sống yên tĩnh như em!”
Tôi an tâm sau khi nghe đầy đủ cả câu trả lời của Quân. Cũng không dám khai thác thêm vì cũng mơ hồ sợ một điều gì đó đang đến. Nên bất giác cũng trở nên trầm lặng hơn. Bầu trời vẫn với cái nắng nóng của mùa hè. Tôi ngồi sau lưng xe của Quân, anh cũng cho xe chậm rãi chạy đi. Phía trước, xa xa, anh lớn cũng có vẻ đang giữ tốc độ vừa phải để không bỏ lại Quân và tôi quá xa. Lâu lâu, có vẻ như anh lớn cũng hay liếc nhìn vào gương chiếu hậu để đảm bảo chúng tôi vẫn đang trong tầm nhìn của anh thì phải. Anh lớn của tôi là vậy, hay lo lắng và không an tâm khi giao tôi cho ai đó, nhất là Quân.
Do Quân cũng không nói gì thêm nên tôi cũng nhân lúc rảnh rỗi không có việc gì làm, bắt đầu suy nghĩ cặn kẽ về cái cảm giác lo sợ thoáng qua trong đầu của tôi khi nãy là gì. Lúc mới biết Linh, tôi cũng tiếp xúc vì lòng tốt. Sau đó nữa là vì Linh là bạn của Quân. Sau đó nữa là một khoảng thời gian tôi cảm nhận được tim mình có chút loạn nhịp khi vô tình những tình huống tiếp xúc gần nhau vô tình xảy ra. Tôi cũng từng có những phản ứng tâm lý căng thẳng khi gần Quân. Đến nỗi tôi đã cố né tránh Quân để những cơn đau bụng nhanh chóng qua đi. Và lúc ấy, tôi vẫn còn nghĩ rằng Quân không quên được Linh, tôi tuyệt đối không được có suy nghĩ chen vào giữa họ, Linh đã quá khổ rồi. Có lẽ tôi cũng đã đủ quyết tâm nên gần đây, dường như tôi đã trở lại bình thường, không còn thấp thỏm sợ cơn đau đột nhiên xuất hiện nữa. Dù người yêu cũ có sẽ là tình mới của Quân hay không, thì tôi cũng cho rằng việc đó không liên quan đến mình. Mặc dù Quân cũng từng nói rõ, đối với Quân bây giờ, Linh chỉ còn là một người bạn. Việc chính hiện tại của tôi bây giờ là học, hoàn thành chương trình đào tạo ngành của mình, sau đó sẽ đi làm và trải qua một cuộc sống bình yên mà tôi muốn. Nghĩ xong, tôi như củng cố thêm niềm tin, vừa gật đầu một cái thật mạnh như để xác định mọi việc thì chợt Quân đang lái xe bỗng buông tay trái đang cầm lái ra để chụp lấy tay tôi kéo lên ôm lấy eo anh. Kèm theo đó là một mệnh lệnh đầy lo lắng:
- “Ngủ gục nữa rồi hả? Vịnh anh chắc vào kẽo té!”
Nói rồi, Quân vẫn chưa an tâm nên chưa buông tay tôi ra. Cảm giác bàn tay nhỏ nhắn của mình nằm gọn trong lòng bàn tay anh, tôi còn cảm nhận rõ từng đốt chay sạn trong lòng bàn tay của chú bộ đội giải ngũ đang chở tôi. Bất giác, cơn đau bụng dữ dội ập tới làm tôi vội vàng rụt tay lại ôm lấy bụng mình vừa nhăn nhó nói:
- “Bằng Lăng không có ngủ gục.”
Nhận thấy hạnh động nhanh gọn rụt tay về của tôi lúc nãy, Quân cũng có vẻ bối rối. Bàn tay trái của anh vẫn còn chưa kịp phản ứng mà chỉ hơi co lại. Anh vội giải thích:
- “Anh tưởng em ngủ gật, sợ em té ngã nên mới kéo lại chứ không…”
Quân vừa nói đến đấy thì tôi cũng nhanh miệng đáp:
- “Không sao, không sao. Bằng Lăng chỉ bị giật mình.”
Quân cũng hơi ngượng nghịu nên cố sửa lại hướng của kính chiếu hậu để nhìn thấy phản ứng hiện tại của tôi. Nhưng khi xác định tôi đang với một biểu cảm bất thường trên gương mặt thì anh thắng gấp xe lại hỏi:
- “Em bị gì thế?”
Tôi xua tay, cố nén cơn đau, nhe răng ra cười gượng gạo:
- “Bằng Lăng không sao. Tự nhiên đau bụng.”
Quân đề nghị:
- “Vậy anh tăng tốc nhé!”
Tôi gật đầu đồng ý. Về đến nhà trọ, tôi nhanh chóng bước xuống xe rồi phi thăng như một cơn cuồng phong, chạy về phòng. Xuân Đào đang ngồi học bài trước cửa phòng cũng chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi nói vọng lại:
- “Chị ơi, đóng cửa!”
Xuân Đào không hiểu chuyện gì nhưng cũng làm theo. Trong khi đó, tôi bay ngay lên giường nằm ôm gối cho đỡ đau. Chị Xuân Đào lo lắng hỏi:
- “Em bị gì vậy?”
Tôi nhăn nhó mặt mày, mếu máo nói với người chị cùng phòng:
- “Em đau bụng nữa rồi!”
Xuân Đào như hiểu ra vì tôi từng kể cho chị nghe trạng thái của mình mỗi lần căng thẳng. Nhưng chị lại thắc mắc:
- “Thì tại sao phải đóng cửa?”
Tôi vừa hít hà cho đỡ đau vừa nói:
- “Sợ anh lớn qua hỏi thăm. Và sợ… cả anh Quân…”
Xuân Đào gật đầu bảo:
- “Thôi nằm đi, chị đi pha cho em miếng nước ấm bỏ vô chai để ôm cho đỡ đau nhé. Chị nghĩ, em nên mua túi chườm nóng Bằng Lăng à. Chứ nếu không kiểm soát tốt cảm xúc thế này thì ảnh hưởng sức khỏe lắm đấy!”
Tôi giờ đó chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Xuân Đào nhanh nhẹn lấy ấm điện nấu ít nước sôi rồi pha cho nguội bớt, sau đó đổ vào một chai thủy tinh cho tôi ôm cho đỡ đau. Tôi đón lấy chai nước, nhét vào dưới bụng, rồi nhồi thêm chiếc mền vào nữa để mong càng nhiều vật đệm càng làm giảm cơn đau của mình.
Nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa, chị Xuân Đào bảo tôi nằm nghỉ ngơi, để chị ra ngoài giải quyết hai ông anh rắc rối ấy giúp tôi. Thế là tôi an tâm cuộn người tròn như chiếc nhọng, thư thả cảm nhận sự âm ấm từ chai nước nóng tỏa ra. Quả thật, cơn đau đã giảm đi ít nhiều.
Cũng lạ một điều là từ sau lần đó, dường như Quân cũng giữ khoảng cách với tôi hơn. Cũng ít khi đi đâu đó cùng tôi nữa. Nếu có dịp đi cùng thì cũng không chở tôi với lý do là phuộc xe hư không chở được nặng. Cũng không sao, vì Quân không chở thì anh lớn của tôi sẽ chở, không thì tôi cũng có thể tự đạp xe được. Dù sao thì trước kia khi Quân chưa tự xin nhận làm thần hộ mệnh của tôi thì tôi cũng có thể tự lực và còn có rất nhiều người thương yêu tôi kia mà.
Nửa tháng sau, phòng của anh lớn cũng sửa xong. Anh lớn dọn trở về phòng cũ. Sau đó thì anh hai Chí Trung của tôi cũng hoàn thành chương trình học và trở về. Vậy là tôi lại có anh hai bên cạnh.
Từ lúc anh hai về, tôi thì cũng học chuyện bếp núc được nhiều nên đã rủ anh hai và anh lớn đến phòng mình ăn cơm mà không cần đi ăn ngoài. Xuân Đào và Nhã Cúc cũng rất vui vẻ chào đón hai anh cùng bàn ăn. Anh hai của tôi cũng thường xuyên phụ giúp. Rồi anh lớn của tôi cũng tốt nghiệp. Anh và anh hai của tôi đã lên kế hoạch từ trước, cả hai cùng nhau hùn vốn mở công ty tư vấn thiết kế nội thất. Ban đầu, do kinh phí eo hẹp nên hai anh vẫn ở lại phòng trọ để dành vốn thuê văn phòng làm việc, một phần cũng là để dễ để mắt đến tôi. Khoảng thời gian đầu, do công việc của hai anh còn chưa ổn định, nên cơm nước đều do tôi và Xuân Đào thay phiên nhau mang đến phòng làm việc cho các anh. Thật ra các anh cũng có thể tự mua cơm được. Nhưng tôi thì cũng muốn ghé thăm để khích lệ anh mình. Còn Xuân Đào, thì dĩ nhiên là cũng đang tích cực tìm hiểu anh hai của tôi. Cuộc sống của chúng tôi quay trở lại quỹ đạo bình thường. Và dường như, Quân và tôi không còn liên quan gì đến nhau nữa.
Thì thôi vậy, nếu Quân đã tỏ rõ ranh giới, tôi cũng nên phối hợp. Và rồi, tôi lặng lẽ từ giã một cảm giác gì đó rất lạ, một cảm giác chưa kịp nhận rõ là gì. Nó không giống như lần tôi tạm biệt cậu bạn Hữu Phong, một sự ray rứt vì chưa kịp nói lời tha thứ cho cậu ấy. Nó không giống như lần tôi tạm biệt anh hai, vì biết anh hai đi rồi sẽ về và tôi còn có anh lớn thay anh hai ở bên cạnh tôi. Nó không giống như lần tôi tạm biệt bạn bè cuối lớp mười hai, dù biết mỗi người mỗi ngã và cơ hội gặp lại nhau cũng không nhiều. Nó là một cảm giác rất lộn xộn, bao gồm sự ấm ức vì bị bỏ rơi, hụt hẫng vì từng hy vọng quá nhiều, luyến tiếc vì không nở buông những xao xuyến mà mình có được, một cảm giác bất lực khi vụt mất một thứ gì đó rất đặc biệt, rất quan trọng.
Và điều đáng buồn cười nhất đó là có lẽ chỉ mình tôi có cảm giác đó, chật vật đối phó với mớ hỗn độn ở trong lòng mình. Cứ thế, tôi cứ âm thầm hy vọng rồi một ngày nào đó Quân sẽ lại là Quân của ngày nào. Tôi kiên trì chờ đợi thần hộ mệnh của mình quay đầu nhìn lại. Tôi như một đứa trẻ đánh rơi món đồ chơi mà mình yêu thích, biết vị trí làm mất và cứ thế ở đó chờ và tìm kiếm để mong có một ngày vật về cố chủ.
Mọi nẻo đường mà tôi đi qua, mọi nơi mà tôi tới. Việc tôi làm là luôn chú ý nhìn quanh một lượt, để xem có thể may mắn vô tình bắt gặp Quân ở đâu đó gần đấy hay không.
Mãi cho đến khi tôi ra trường, không còn lý do gì để ở lại nữa, mới chịu rời đi trong lặng lẽ. Cũng chẳng có đủ can đảm để đối mặt với Quân, nói lời tạm biệt. Hay nói đúng hơn là tôi không can đảm đối mặt với chính mình, tôi sợ những giọt nước mắt sẽ rơi xuống trước mặt Quân. Tôi đã không kiềm được chúng rất nhiều lần, trong căn phòng ấy, trong những đêm tối cô đơn, lặng lẽ rơi xuống, ướt cả gối nằm. Và rồi, tôi cũng như những giọt nước mắt của mình, lặng lẽ đi và từ biệt Quân bằng một tờ giấy nhắn nhỏ. Tôi chỉ gửi lời chào tạm biệt chứ cũng không dám viết những điều khiến đối phương phải khó xử. Dù sao thì, Quân, cũng từng là một thần hộ mệnh của tôi, người từng dạy tôi rất nhiều thứ.
(Trích - Tập truyện ngắn: Sao trong mắt Em, Em trong mắt Anh)
Văn Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét