Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

ANH THÍCH EM

          Hôm ấy là ngày đầy tháng của bé Khoai Tây. Tính ra, thằng bé này lại vô tình trở thành một lý do khiến tôi và Quốc Đạt trở nên thân thiết hơn. Hai chúng tôi, cứ như hai ông bố trẻ, vụng về, không biết cách chăm sóc trẻ nhỏ, và bất đồng quan điểm. Còn Bằng Lăng thì mỗi lúc như thế lại được dịp chửng chạc hơn, can ngăn chúng tôi. Những vụn vặt thế thôi, nhưng cũng kéo tôi và cậu ấy gần nhau hơn, trở thành hai thằng bạn cùng phòng chân chính. Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn. Dù có nhiều lúc không cùng ý kiến nhưng dù sao thì chúng tôi đều cùng một mục tiêu chung là chăm lo cho cháu. Cũng nhờ vậy mà có lẽ Quốc Đạt cũng du di cho tôi nhiều hơn. Bằng chứng là cậu ấy cũng biết chia đều việc chở Bằng Lăng cho cả hai chứ không giành riêng phần mình như xưa nữa.

Sáng hôm ấy, Bằng Lăng ngồi xe Quốc Đạt, trong khi tôi chở quà và ít đồ mà chúng tôi mới mua cho cháu hôm trước để đến dự đầy tháng của bé Khoai Tây. Tôi vẫn thói quen chạy phía sau nên nhường hai người họ đi trước. Cách tôi vài chục mét để đảm bảo khoảng cách an toàn. Bằng Lăng là một người hoạt bát, đi cùng với Quốc Đạt hẳn là nhí nhố đủ chuyện. Thi thoảng tôi lại thấy cô ấy hơi chòm người về trước, chắc là đang nói gì đó hào hứng lắm. Chợt trong lòng tôi cũng có chút mủi lòng, ước ao bản thân cũng được khoảnh khắc như thế, Bằng Lăng có thể tự nhiên đối đãi với mình như Quốc Đạt, như người trong nhà của cô ấy.

Vào đến nhà Linh không lâu thì mẹ Linh bảo rằng chưa có chè. Bằng Lăng xung phong đi mua. Nhưng vì cô nàng chưa có bằng lái nên phải có tài xế đi cùng. Tôi đang dang dở với nồi cà ri gà, cũng định rửa tay để đi cùng Bằng Lăng thì Quốc Đạt bảo để cậu ta chở Bằng Lăng. Tôi cũng đành vậy vì có lẽ trong bếp cần tôi hơn. Nghĩ vậy, nên tôi không tranh giành với Quốc Đạt nữa. Dù sao thì Bằng Lăng cũng đã học việc đi chợ với tôi được vài lần, chắc là sẽ biết chỗ để mua thôi. Nghĩ vậy, sau khi có chút tiếc nuối thì tôi cũng quay lại với công việc chính của mình.

Nơi này, mẹ của Linh trò chuyện cùng tôi:

- “Quốc Đạt cũng là người tốt con nhỉ. Nhưng mà như thế thì con càng phải nên cẩn thận giữ gìn hạnh phúc của mình mới được. Không khéo lại bị giành mất người yêu đấy!”

Tôi cũng có chút tủi thân nhưng rồi cũng quyết định ra mặt bảo vệ cả hai người họ cũng như tự trấn an bản thân mình. Mẹ của Linh kể từ lần đầu gặp Bằng Lăng vẫn cứ nghĩ Bằng Lăng đã là người yêu của tôi rồi. Bác đâu biết rằng, lúc ấy chúng tôi chỉ đóng kịch để bác an tâm về tình cảm giữa tôi và Linh ở hiện tại là tình bạn trong sáng. Bác cũng đâu biết con đường chinh phục ấy tôi từng rất muốn bước chân lên nhưng vẫn chưa thể mở lời. Tôi giả vờ như bình tĩnh lắm rồi bảo:

- “Không sao đâu bác. Họ như anh em ruột vậy đó. Chơi thân từ nhỏ rồi. Nếu có tình cảm nam nữ đặc biệt thì chắc đã yêu nhau lâu rồi chứ không đợi đến bây giờ đâu. Huống hồ, con vẫn luôn tin Bằng Lăng không phải là người đứng núi này trông núi nọ. Cô ấy cũng khá là hiểu chuyện, dù tính tình trẻ con và có hơi ngốc nghếch. Nhưng cũng vì vậy mà con lại thấy đáng yêu. Nếu không nhờ có cô ấy, con không biết là mình còn nhiều việc cần phải chu toàn hơn. Nhiều lúc, cảm giác của con đối với cô ấy là một cái gì đó rất mới lạ, nó khác xa so với con. Chính vì thế mà con cảm thấy mình càng phải hoàn thiện nhiều hơn, để có thể xứng đôi với cô ấy hơn nữa cơ.”

Linh cũng ở trên nhà bế bé Khoai Tây xuống ngồi ở bàn ăn, vừa chơi đùa cùng con trai vừa nói:

- “Lúc đầu, Linh cũng hiểu lầm tình cảm giữa Quốc Đạt và Bằng Lăng đấy. Dù Bằng Lăng có lay động hay không thì Linh nghĩ Quân vẫn nên giành nhiều tình cảm hơn cho Bằng Lăng. Với lại, càng phải thể hiện tình cảm của mình nhiều lên. Không thừa đâu. Như chuyện lúc nãy. Rõ ràng là mẹ đã tạo cơ hội cho Quân mà Quân không nắm bắt gì cả. Chẳng lẽ đầy tháng quan trọng như vậy mà mẹ lại thật sự quên phần chè đậu hay sao.”

Lúc này tôi mới ngớ người ra. Cũng chưa rõ là mẹ Linh biết được chuyện của tôi và Bằng Lăng được bao nhiêu phần. Thế mà lúc nãy tôi còn bênh vực cho em và Quốc Đạt quá chừng. Không biết bác gái có nắm được tẩy của bọn tôi chưa. Nghĩ đến đấy, tôi có phần thẹn. Nhất thời chưa biết nói gì tiếp theo. Mẹ của Linh lúc này mới lên tiếng:

- “Cái thằng này, con nghĩ là con qua mắt được bác bao lâu? Lúc đầu, nhìn hai đứa ngượng ngùng là bác biết con và con bé chuyện chưa tới đâu rồi. Chỉ là bác nhìn ra được thành ý của con. Sau việc con giúp con Linh nhà bác thì bác cũng coi con như cháu trai của bác. Bác thấy con như thế mà lo thay.”

Vỡ lẽ mọi chuyện, cũng may là bác gái nay đã khác xưa, không còn thành kiến với tôi nữa. Chứ nếu không, tôi khó bề mà giải thích gì thêm. Nghe mẹ của Linh nói thế, ít ra tôi cũng thấy nhẹ nhõm phần nào. Đành cười xòa rồi nói:

- “Bác không trách tụi con gạt bác là tụi con vui rồi. Còn về phần tình cảm giữa con và Bằng Lăng, có khi chỉ là tình cảm đơn phương từ phía con thôi cũng không chừng. Em ấy cũng không có biểu hiện gì đặc biệt đối với con. Nhưng mà, em ấy không tỏ ra có khoảng cách với con lắm là con mừng rồi. Còn chuyện tình cảm thì chắc là phải để tùy duyên. Nếu em ấy cảm nhận được và đáp lại thì thật là điều con mong mỏi lắm. Nhưng nếu em ấy cứ mãi né tránh hay từ chối khéo thì chắc là con sẽ không bày tỏ để đôi bên đỡ phải áy náy. Dù sao cũng ở cùng nhà trọ, lại sát phòng nhau. Ra vào gặp mặt. Nếu lỡ không cẩn thận lại làm đôi bên khó xử.”

Mẹ Linh nghe tôi giải bày thì cũng khẽ thở dài rồi nói:

- “Đừng để mình khổ quá là được con à!”

Tôi cũng chỉ biết im lặng, nhìn bác gái, nhìn Linh và bé Khoai Tây. Chợt nhớ ra một chuyện, nên tôi đổi chủ đề, hỏi mẹ của Linh ngay:

- “Mà thật sự là cứ phải con trai thì mình nấu chè đậu, con gái thì chè viên hả bác? Không đổi chè khác được à? Chè đậu ngự thật sự cũng ngon lắm!”

Mẹ của Linh ngây người nhìn tôi một cái rồi cũng phá lên cười, bảo:

- “Coi kìa, coi kìa! Chưa gì mà đã có ý định chiều chuộng người ta rồi phải không? Thì có ai bắt ép gì đâu, chủ yếu là tập tục ông bà mình dạy thế. Thích chè đậu ngự thì nấu thêm đãi khách, có sao đâu. Quan trọng là làm cái đầy tháng, báo cáo với ông bà tổ tiên phù hộ cho con cái khỏe mạnh. Chứ ông bà có đòi hỏi gì đâu.”

Tôi gãi đầu vì bị mẹ Linh nhìn thấu tâm sự của mình, cũng ái ngại trước mặt Linh. Linh cũng cười bảo:

- “Quân đúng thật là thay đổi nhiều nhờ có Bằng Lăng đấy. Linh cũng mong hai người được tác thành. Vài năm nữa đi ăn đầy tháng có chè đậu ngự nhé!”

Thấy Linh và mẹ đang trêu mình, nhưng lại cũng hiểu mình vô kể. Tôi cũng cười xòa. Chắc vậy. Tôi thay đổi nhiều hơn tôi nghĩ.

Sau bữa tiệc đầy tháng, chúng tôi ở lại dọn dẹp xong thì cũng đã quá giờ trưa. Lần này đến lượt tôi chở Bằng Lăng về. Còn Quốc Đạt thì chở ít bánh trái và đồ ăn mà mẹ của Linh gửi chúng tôi mang về ăn lấy thảo.

Trên đường về, tôi cố gắng bắt chuyện để không khí quanh chúng tôi bớt phần ngại ngùng. Tiếp thu ý kiến từ mẹ của Linh, tôi cũng bắt đầu chính thức tìm hiểu rõ hơn nữa về Bằng Lăng. Tôi hỏi về sở thích của cô ấy. Qua một hồi nói chuyện, tôi thu thập được cho mình không ít thông tin. Mà đắc giá nhất có lẽ là việc em thích môi trường sống ở quê hương em hơn là chốn phồn hoa đô thị này. Đặc biệt nhất, em lại rất lãng mạn, em thích ngắm nhìn bầu trời với muôn vàn ánh sao lấp lánh. Đối với tôi, bầu trời xưa nay chưa phải là điều gì đó quá đặc biệt để thu hút tôi chăm chú và bỏ thời gian ra với chủ đích là ngắm nhìn cảnh đẹp và thưởng thức nó. Nhưng qua lời tả của em, tôi như tưởng tượng ra không gian đêm tối yên bình, cô bé Bằng Lăng ngước nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Khung cảnh ấy quả thật có thể thu hút tôi. Tôi như cũng nhìn thấy mình đang ngắm nhìn không gian tuyệt mỹ ấy cùng em. Một cô gái áo tím, tóc buộc cao với sợi ru băng màu tím. Em, chính là điểm nhấn tuyệt vời nhất trong khung cảnh ấy. Chợt tôi nghe em hỏi:

  - “Còn anh Quân thì thích gì?”

Tôi buộc miệng vì nghĩ mình vẫn còn chìm trong cảnh tượng trong đầu, bất giác dịu dàng khẽ trả lời:

- “Anh thích em”.

Vừa nghe đến đấy, Bằng Lăng đã phản ứng ngay, tôi nghe ra có phần bối rối và hốt hoảng. Biết ngay là mình đã lỡ lời và có lẽ đây không phải là thời điểm thích hợp để nói điều đó. Tôi cần chuẩn bị một khung cảnh thật tuyệt đẹp, sự chuẩn bị chỉn chu nhất mà tôi có thể làm, và cả sự chắc chắn về tình cảm của đối phương nữa, để có thể thốt lên ba từ ấy thật chân thành và ngọt ngào. Hơn là lỗ mãn nói ra mà không lường trước hậu quả. Nghe qua câu gặng hỏi, tôi biết là Bằng Lăng cũng chưa chắc chắn những lời cô ấy nghe là đúng. Thế là tôi đành né tránh đáp lời:

- “Anh thích cuộc sống bình yên như em”.

Dù là lãng tránh sang cách nói khác, nhưng hàm ý của tôi vẫn không thể thoát khỏi ý nghĩ, tôi cũng thích cuộc sống bình yên, bình yên như chính em vậy. Thế nhưng có vẻ là tôi thành công lèo lách nên Bằng Lăng đã không bắt bẻ gì thêm. Lát sau, một cú chạm thật mạnh vào đầu làm tôi nghĩ ngay là Bằng Lăng vì mệt quá mà ngủ gật. Theo quán tính bảo vệ người mà mình thương, tôi nhanh đưa tay chụp lấy tay cô ấy kéo choàng lên phía trước để cô ấy ôm lấy tôi. Tôi sợ cô ấy té ngã xuống đường thì nguy hiểm lắm. Nhưng Bằng Lăng thì dứt khoát rụt tay lại. Khiến tôi cũng thấy mình quá tùy tiện và lỗ mãn. Tôi vội xin lỗi để mong được tha thứ. Vì tôi cũng lo Bằng Lăng sẽ nghĩ tôi là người tự tiện, bộp chộp và lợi dụng người khác. Để xác định xem biểu cảm của cô ấy thế nào sau lời xin lỗi của mình. Tôi chỉnh lại kính chiếu hậu về hướng cô ấy. Nhưng qua lớp kính, tôi nhận ra gương mặt biến sắc của cô ấy không giống giận dữ mà giống đau đớn nhiều hơn. Tôi thắng gấp xe lại để quay về sau kiểm tra tình trạng của cô nàng.

Không rõ vì sao mà gần đây, tôi bắt gặp Bằng Lăng có biểu hiện lạ, thường xuyên nghe bảo bị đau bụng mà đề nghị mua thuốc uống hay đi khám bệnh thì lại bướng chẳng chịu đi. Thế là tôi đành tăng tốc chở cô ấy về phòng để được nằm nghỉ may ra sẽ khá hơn.

Vừa về đến nhà xe, Bằng Lăng hầu như là bay ngay vào phòng và bảo Xuân Đào đang ngồi trước cửa đóng cửa lại. Cô nàng có biểu hiện này là không muốn tiếp khách rồi đây. Nhưng tôi và Đạt đều lo lắng cho cô ấy. Thế là cả hai đến trước cửa, do dự một lúc lâu nhưng lại không dám gõ cửa. Đạt có vẻ mất bình tĩnh hơn, vừa đưa tay định gõ cửa thì Xuân Đào bước ra, đuổi cả hai chúng tôi về, bảo rằng để Bằng Lăng nằm nghỉ một lúc là khỏe lại thôi. Sau khi cho biết tình hình của người bên trong, Xuân Đào bước ra khỏi cửa, cẩn thận khóa cửa phòng, không muốn hai chúng tôi ngoan cố đột nhập vào trong. Sau đó Xuân Đào gọi tôi lên ghế đá sân trước để nói chuyện mà không cho Quốc Đạt đi theo.

Thế là, tôi cũng ngoan ngoãn đi theo Xuân Đào như đứa em trai bị chị gái gọi lên dạy việc. Sau khi an vị, Xuân Đào hỏi tôi:

- “Anh có biết Bằng Lăng tại sao lại bị như vậy không?”

Tôi ngơ ngác không biết và cũng rất muốn biết cô ấy đang gặp vấn đề gì nên vừa lắc đầu vừa tha thiết hỏi:

- “Bằng Lăng bị gì thế? Có nguy hiểm không?”

Xuân Đào tỏ ra bí hiểm bảo:

- “Không đến nỗi nguy hiểm nhưng cũng nghiêm trọng hơn xưa rồi đấy. Thời gian bị đau nhiều hơn, số lần bị đau cũng tăng lên.”

Tôi kiên trì hỏi thăm Xuân Đào như đang hết sức mong cầu ý kiến từ chuyên gia:

- “Có phải là bệnh không? Bây giờ phải làm gì để hạn chế việc phát bệnh của cô ấy không?”

Xuân Đào thư thả trả lời rành rọt:

- “Giai đoạn này chưa phải là bệnh. Chỉ mới là hội chứng ruột kích thích. Mỗi lúc cô ấy căng thẳng quá mức sẽ lên cơn co thắt ruột. Thế nên, nếu kiểm soát tốt sự căng thẳng hoặc là không tạo ra căng thẳng cho cô ấy là được.”

Tôi nghĩ một lúc cũng không biết bản thân có thể giúp gì được cho Bằng Lăng không, nên mở miệng hỏi:

- “Vậy tôi có thể giúp gì không?”

Xuân Đào cũng tỏ vẻ ngạc nhiên vì sự mù mờ của tôi, nên hỏi:

- “Chính anh phải biết anh có thể giúp gì chứ! Chẳng phải tình trạng của cô ấy là do anh gây ra sao?”

Tôi ngơ ngác vì chưa rõ những điều mà Xuân Đào vừa cho biết. Hóa ra, tôi lại là nguyên nhân ư. Tôi bần thần ngồi suy nghĩ lại những gì đã xảy ra giữa tôi và Bằng Lăng như cố xâu chuỗi tất cả mọi thứ lại. Tôi nghĩ về cái ngày đầu tiên tôi và Bằng Lăng gặp nhau, cô ấy có ấn tượng không tốt về tôi. Sau đó là tôi đến trọ cùng nhà trọ với cô ấy. Kể từ khi đó tôi biết cô ấy ghét tôi ra mặt, chẳng những thế mà còn cố tình châm chọc đủ đường. Sau đó nữa, chúng tôi thân nhau hơn, rồi cùng nhau chăm sóc cho mẹ con Linh. Rồi sau đó nữa là tôi hiểu rõ lòng mình và quyết tâm theo đuổi Bằng Lăng, bắt đầu bằng việc xác định sẽ trở thành một thần hộ mệnh đặc biệt của cô ấy. Và rồi, bây giờ tôi lại được biết bản thân mình trở thành nguyên nhân dẫn đến các cơn co thắt của cô ấy. Vẫn đang hoang mang vì không biết bản thân mình đã làm gì sai, tôi đuổi khéo Xuân Đào trở về phòng chăm sóc cho Bằng Lăng còn bản thân tiếp tục ngồi lại suy nghĩ một lúc lâu nữa.

Tôi tua chậm lại miền ký ức một năm qua thêm lần nữa như để soi thật kỹ từng ngóc ngách vấn đề. Cuối cùng, tôi cũng nhớ ra, lần đầu tiên tôi phát hiện Bằng Lăng có vẻ khó chịu trong người và ôm bụng rất lâu là khi ở trong bệnh viện, tôi và chồng của Linh cãi nhau và Bằng Lăng đã ngăn cản cơn giận dữ của tôi bằng cách ôm ghì tôi lại. Khi ấy, tôi cứ nghĩ rằng cô ấy đau vì va chạm mạnh vào tôi. Lần thứ hai tôi bắt gặp Bằng Lăng bị đau là khi bọn tôi chuẩn bị đi rước mẹ con Linh xuất viện, mà lúc ấy tôi cứ nghĩ là cô ấy đang có vấn đề về dạ dày nên đã chở cô ấy đi ăn sáng và đề nghị mua thuốc cho cô ấy nhưng cô ấy không chịu. Lần thứ ba tôi bắt gặp Bằng Lăng lại bị đau bụng là lúc nãy, khi tôi chở cô ấy từ nhà Linh trở về. Nhưng tôi vẫn chưa rõ vấn đề nằm ở đâu, bởi cũng có những lần khác, tôi chở Bằng Lăng, lại không có chuyện gì xảy ra, cả hai cũng nói chuyện vui vẻ như mọi khi. Thế thì, nguyên nhân là vì đâu nhỉ?

Vì chưa tìm được lý do cụ thể khiến tôi vô tình trở thành nguyên nhân gây nên những cơn đau bất thường của Bằng Lăng, tôi đành quyết định giữ khoảng cách với cô ấy, ít tiếp xúc, ít gặp nhau để không làm triệu chứng co thắt ruột của cô ấy nặng thêm. Nhìn Bằng Lăng đau đớn, tái nhợt mặt mày, tôi lại càng không dám thử, không dám tìm cách để hiểu rõ nguyên nhân. Bởi vì tôi sợ, những phép thử của mình sẽ lại vô tình làm Bằng Lăng đau đớn hơn, khó chịu hơn. Nhìn người con gái mà mình thương vì mình mà đau đớn, tôi không cách nào thuyết phục được bản thân có đủ dũng khí để tiếp tục theo đuổi mối lương duyên mà tôi hằng khao khát.

Đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với tôi. Khi mà tôi chỉ vừa mới quyết định sẽ thay đổi suy nghĩ của bản thân, sẽ cho bản thân cơ hội để yêu thêm lần nữa, và cũng là lúc tôi xác định được người con gái đã giúp tôi có thể mở lòng thêm một lần nữa. Khi mà đoạn tình cảm ấy chỉ vừa nhen nhóm trong lòng tôi, còn chưa kịp thổ lộ thì tôi đã phải quyết định buông bỏ. Cũng giống như một người đã ở quá lâu và mù mờ trong tăm tối, vùng vẫy giữa cô đơn cuối cùng cũng nhìn thấy tia hy vọng của sự hạnh phúc. Thế mà, niềm hạnh phúc ấy lại quá mong manh, đến nỗi tôi không dám chạm tay vào vì sợ nó tan biến mất. Và điều tôi sợ hãi hơn đó là sợ Bằng Lăng biến mất. Tôi lo ngại nếu tôi kiên trì tiến tới, sẽ vô tình càng làm cho tình trạng của người mình thương càng thêm tệ hại hơn. Tôi không muốn sự xuất hiện và tồn tại của mình sẽ là vấn đề trở ngại đối với cô ấy. Nhưng trái tim của tôi thì nào có chịu dễ dàng buông bỏ. Mỗi lần tôi cố tránh né, cố tỏ ra lạnh lùng với cô ấy, thì trái tim tôi càng thêm quặn thắt. Tôi ép mình quay về vỏ bọc lạnh lùng để chống chọi lại sự thoi thúc và quan tâm cứ bất giác đặt lên gương mặt ấy, lên con người ấy.

Cứ như thế, tôi ép mình trở thành một người vô tâm trước mặt cô ấy trong suốt hai năm tiếp theo. Cho đến khi cô ấy ra trường và trở về quê.

Mặc dù vậy, có lẽ Bằng Lăng giận tôi nhiều lắm, nên dù hai phòng sát bên nhau nhưng kế hoạch cô ấy về quê lập nghiệp không hề bị bất kỳ ai tiết lộ. Hôm ấy, như mọi khi, tôi đi làm từ sớm để tránh gặp mặt Bằng Lăng ở cửa. Đến khi tôi đi làm về, mở cửa ra thì đã thấy dưới sàn nhà có một mảnh giấy nhỏ màu tím, có lẽ là được ai đó nhét từ khe cửa lúc tôi đi vắng.

Cúi người xuống nhặt lấy tờ giấy, tôi sững sờ nhìn vào dòng chữ ghi trên giấy: “Tạm biệt anh, thần hộ mệnh. Bằng Lăng về đây, và trả lại sự tự do cho một vị thần”. Tôi xoay người bước nhanh ra cửa, nhìn sang phòng kế bên, cửa phòng đã khóa ngoài. Bất giác, một ý nghĩ thôi thúc, tôi với tay lấy chìa khóa xe, chạy ra ngoài. Như thể cố gắng chạy theo để mong còn kịp nhìn thấy bóng dáng của cô nàng yêu màu tím hoa bằng lăng thêm một lần nữa. Một lần thôi cũng đủ làm tôi mãn nguyện. Nhưng gió chiều và sương đêm xuống nhanh như để cố khuyên tôi dừng lại. Tôi, đã để lỡ mất cô ấy rồi. Một miền hy vọng của tôi, một vùng trời tươi đẹp của tôi đã hoàn toàn vụt xa tầm tay tôi thật rồi. Ngước nhìn lên bầu trời chỉ le lói một vài ngôi sao nhỏ, tôi không khỏi xót xa, buông ra câu nói “Tạm biệt em!” giữa hư không, liệu rằng em có nghe thấy chăng?

(Trích - Tập truyện ngắn: Sao trong mắt Em, Em trong mắt Anh)

Văn Tú


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...