Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

TÔI VỀ VỚI THÀNH PHỐ XANH QUÊ TÔI

Tạm biệt thành phố trẻ, thành phố mang tên Bác, thành phố của sự năng động, nhịp sống nhanh nhưng cũng nồng hậu và hiếu khách. Đi công tác, tôi đến trường bạn, các bạn đón tôi bằng sự chuyên nghiệp và sang trọng. Những tòa nhà cao chót vót, kiến trúc tận dụng từng khoảng không gian nhỏ hẹp. Sinh viên của bạn lễ phép và năng động. Hơn mười hai giờ trưa mà trường vẫn đông nghẹt sinh viên, ra vào gặp mặt dù lạ mà vẫn gật đầu chào hỏi rất lịch sự, biết giữ thang máy giúp người lạ, biết giúp đỡ các cô phục vụ đẩy xe hàng. Tôi có ấn tượng tốt về các bạn.

Sài Gòn tiễn chân tôi bằng một món đặc sản hết sức quen thuộc của các bạn, kẹt xe giờ tan tầm. Mọi người thường hay bảo cuộc sống nơi đây hối hả và xô bồ lắm. Nhưng tôi lại nhìn thấy ở các bạn sự kiên nhẫn đáng nể. Các bạn tranh thủ từng khoảng trống nhỏ trên mặt đường để mà di chuyển. Còn tôi, ngồi trên xe nhìn qua lớp kính, cảm giác của một người quê như tôi lúc này là thương người phố thật sự. Họ đã phải chịu đựng cảm giác ấy, lối sống ấy mỗi ngày.

Về lại thành phố xanh nơi tôi sinh sống thì trời cũng đã dần về khuya. Tôi vào nhà xe nhân viên, lấy xe của mình và tiếp tục hành trình lái xe về nhà. Bóng người trên đường cũng chỉ còn lác đác. Thành phố xanh đang chìm vào giấc ngủ đầu hôm, cây cối cũng trở nên tịch mịch. Những tán cây cổ thụ giữ sương đêm là đà trong không trung làm lạnh đôi bàn tay trần đang cầm lái của tôi. Dường như chiếc khẩu trang y tế lúc này cũng trở nên mỏng manh hơn, không đủ để giữ ấm chiếc mũi nhạy cảm của tôi. Tôi cảm nhận rõ từng dòng khí mát mẻ tràn vào cuống phổi như thanh lọc cái nắng oi bức cả ngày nay. Nhưng một lúc sau, quả nhiên tôi bắt đầu thấm lạnh, mũi cũng khịt khịt muốn hắt xì vì lạnh. Theo phản xạ, tôi đưa một tay kéo chỉnh lại chiếc khẩu trang cao lên một tí để mong che chắn được nhiều hơn cho chiếc mũi của mình rồi nhanh chóng trả tay về vị trí tay cầm lái tiếp tục đoạn đường về nhà hãy còn khá xa.

Những cô chú lao công đang miệt mài quét đường. Ánh sáng đèn chớp nháy liên tục trên những thùng rác di động như một người bạn trung thành luôn bên cạnh đồng hành cùng các cô chú trên từng bước chân. Những chiếc đèn giao thông đã chuyển sang trạng thái chớp vàng như chào đón người con bám đất, lâu lâu nhỡ đường về trễ. Chính thức gắn bó với thành phố này hơn mười ba năm, tôi cũng bắt đầu xem nơi đây là nhà. Vì trước đây, dù mang tiếng là dân Trà Vinh, nhưng từ nhỏ tôi chỉ loanh quanh ở quê, lớn lên thì lại sang Cần Thơ học đại học. Sau khi tốt nghiệp trở về, tôi đã có thời gian đầu khó khăn để thích nghi với nơi đây. Những con đường kẻ ngang kẻ dọc như bàn cờ, lúc ấy vẫn còn là đường một chiều, tôi lại là đứa mù đường, thường xuyên đi lạc. Nhất là khi tôi lại là một đứa ham công tiếc việc, hay nán lại làm cho hết việc mới chịu về. Đối với một người vừa cận vừa mù đường như tôi, đã không ít lần không định vị được phương hướng và vị trí của mình khi lạc vào mê hồn trận ấy. Đã không ít hơn một lần tôi phải gọi đồng nghiệp đến trợ giúp, dẫn đường cho tôi ra đường chính.

Giờ đây, sau bao năm gắn bó, tôi lại yêu thành phố bình yên này đến lạ. Những con người chân chất và bình dị, cũng không khác xa người dân dưới quê tôi là mấy. Quê hương từ đó đối với tôi cũng rộng lớn hơn về mặt địa lý, nó không còn gói gọn ở cái ấp, cái xã mà tôi được sinh ra và lớn lên nữa. Quê hương bây giờ đối với tôi là cả cái tỉnh này. Để rồi, tôi đi đâu cũng tự hào kể cho mọi người nghe về quê hương tôi. Một vùng quê thoáng đãng, xanh rì bóng cây xanh, xe cộ dù là giờ cao điểm cũng chỉ hơi đông hơn một tí. Những hôm nắng gắt nhưng ra đường cũng không đến nỗi hanh nóng khô khóc cổ họng như nhiều nơi khác. Những hôm mưa to, xe vẫn dừng đèn đỏ dù phía đèn xanh bên kia không có lấy một bóng xe nào. Cuộc sống có phần chậm rãi ở nơi đây làm cho không gian cũng như rộng lớn ra thêm.

Ai cũng vậy, sống riết rồi quen, rồi thích nghi. Chỉ là khi phù hợp, tự dưng lại thấy yêu mến, tình cảm cũng từ đó mà khắn khít hơn mỗi ngày. Và rồi khi đủ yêu thương lại không nỡ rời xa. Đi đâu rồi cũng tranh thủ mà về mau. Thương lắm, quê hương ơi.

Văn Tú

Ảnh: Góc phố quê tôi

 

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

ANH THÍCH EM

          Hôm ấy là ngày đầy tháng của bé Khoai Tây. Tính ra, thằng bé này lại vô tình trở thành một lý do khiến tôi và Quốc Đạt trở nên thân thiết hơn. Hai chúng tôi, cứ như hai ông bố trẻ, vụng về, không biết cách chăm sóc trẻ nhỏ, và bất đồng quan điểm. Còn Bằng Lăng thì mỗi lúc như thế lại được dịp chửng chạc hơn, can ngăn chúng tôi. Những vụn vặt thế thôi, nhưng cũng kéo tôi và cậu ấy gần nhau hơn, trở thành hai thằng bạn cùng phòng chân chính. Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn. Dù có nhiều lúc không cùng ý kiến nhưng dù sao thì chúng tôi đều cùng một mục tiêu chung là chăm lo cho cháu. Cũng nhờ vậy mà có lẽ Quốc Đạt cũng du di cho tôi nhiều hơn. Bằng chứng là cậu ấy cũng biết chia đều việc chở Bằng Lăng cho cả hai chứ không giành riêng phần mình như xưa nữa.

Sáng hôm ấy, Bằng Lăng ngồi xe Quốc Đạt, trong khi tôi chở quà và ít đồ mà chúng tôi mới mua cho cháu hôm trước để đến dự đầy tháng của bé Khoai Tây. Tôi vẫn thói quen chạy phía sau nên nhường hai người họ đi trước. Cách tôi vài chục mét để đảm bảo khoảng cách an toàn. Bằng Lăng là một người hoạt bát, đi cùng với Quốc Đạt hẳn là nhí nhố đủ chuyện. Thi thoảng tôi lại thấy cô ấy hơi chòm người về trước, chắc là đang nói gì đó hào hứng lắm. Chợt trong lòng tôi cũng có chút mủi lòng, ước ao bản thân cũng được khoảnh khắc như thế, Bằng Lăng có thể tự nhiên đối đãi với mình như Quốc Đạt, như người trong nhà của cô ấy.

Vào đến nhà Linh không lâu thì mẹ Linh bảo rằng chưa có chè. Bằng Lăng xung phong đi mua. Nhưng vì cô nàng chưa có bằng lái nên phải có tài xế đi cùng. Tôi đang dang dở với nồi cà ri gà, cũng định rửa tay để đi cùng Bằng Lăng thì Quốc Đạt bảo để cậu ta chở Bằng Lăng. Tôi cũng đành vậy vì có lẽ trong bếp cần tôi hơn. Nghĩ vậy, nên tôi không tranh giành với Quốc Đạt nữa. Dù sao thì Bằng Lăng cũng đã học việc đi chợ với tôi được vài lần, chắc là sẽ biết chỗ để mua thôi. Nghĩ vậy, sau khi có chút tiếc nuối thì tôi cũng quay lại với công việc chính của mình.

Nơi này, mẹ của Linh trò chuyện cùng tôi:

- “Quốc Đạt cũng là người tốt con nhỉ. Nhưng mà như thế thì con càng phải nên cẩn thận giữ gìn hạnh phúc của mình mới được. Không khéo lại bị giành mất người yêu đấy!”

Tôi cũng có chút tủi thân nhưng rồi cũng quyết định ra mặt bảo vệ cả hai người họ cũng như tự trấn an bản thân mình. Mẹ của Linh kể từ lần đầu gặp Bằng Lăng vẫn cứ nghĩ Bằng Lăng đã là người yêu của tôi rồi. Bác đâu biết rằng, lúc ấy chúng tôi chỉ đóng kịch để bác an tâm về tình cảm giữa tôi và Linh ở hiện tại là tình bạn trong sáng. Bác cũng đâu biết con đường chinh phục ấy tôi từng rất muốn bước chân lên nhưng vẫn chưa thể mở lời. Tôi giả vờ như bình tĩnh lắm rồi bảo:

- “Không sao đâu bác. Họ như anh em ruột vậy đó. Chơi thân từ nhỏ rồi. Nếu có tình cảm nam nữ đặc biệt thì chắc đã yêu nhau lâu rồi chứ không đợi đến bây giờ đâu. Huống hồ, con vẫn luôn tin Bằng Lăng không phải là người đứng núi này trông núi nọ. Cô ấy cũng khá là hiểu chuyện, dù tính tình trẻ con và có hơi ngốc nghếch. Nhưng cũng vì vậy mà con lại thấy đáng yêu. Nếu không nhờ có cô ấy, con không biết là mình còn nhiều việc cần phải chu toàn hơn. Nhiều lúc, cảm giác của con đối với cô ấy là một cái gì đó rất mới lạ, nó khác xa so với con. Chính vì thế mà con cảm thấy mình càng phải hoàn thiện nhiều hơn, để có thể xứng đôi với cô ấy hơn nữa cơ.”

Linh cũng ở trên nhà bế bé Khoai Tây xuống ngồi ở bàn ăn, vừa chơi đùa cùng con trai vừa nói:

- “Lúc đầu, Linh cũng hiểu lầm tình cảm giữa Quốc Đạt và Bằng Lăng đấy. Dù Bằng Lăng có lay động hay không thì Linh nghĩ Quân vẫn nên giành nhiều tình cảm hơn cho Bằng Lăng. Với lại, càng phải thể hiện tình cảm của mình nhiều lên. Không thừa đâu. Như chuyện lúc nãy. Rõ ràng là mẹ đã tạo cơ hội cho Quân mà Quân không nắm bắt gì cả. Chẳng lẽ đầy tháng quan trọng như vậy mà mẹ lại thật sự quên phần chè đậu hay sao.”

Lúc này tôi mới ngớ người ra. Cũng chưa rõ là mẹ Linh biết được chuyện của tôi và Bằng Lăng được bao nhiêu phần. Thế mà lúc nãy tôi còn bênh vực cho em và Quốc Đạt quá chừng. Không biết bác gái có nắm được tẩy của bọn tôi chưa. Nghĩ đến đấy, tôi có phần thẹn. Nhất thời chưa biết nói gì tiếp theo. Mẹ của Linh lúc này mới lên tiếng:

- “Cái thằng này, con nghĩ là con qua mắt được bác bao lâu? Lúc đầu, nhìn hai đứa ngượng ngùng là bác biết con và con bé chuyện chưa tới đâu rồi. Chỉ là bác nhìn ra được thành ý của con. Sau việc con giúp con Linh nhà bác thì bác cũng coi con như cháu trai của bác. Bác thấy con như thế mà lo thay.”

Vỡ lẽ mọi chuyện, cũng may là bác gái nay đã khác xưa, không còn thành kiến với tôi nữa. Chứ nếu không, tôi khó bề mà giải thích gì thêm. Nghe mẹ của Linh nói thế, ít ra tôi cũng thấy nhẹ nhõm phần nào. Đành cười xòa rồi nói:

- “Bác không trách tụi con gạt bác là tụi con vui rồi. Còn về phần tình cảm giữa con và Bằng Lăng, có khi chỉ là tình cảm đơn phương từ phía con thôi cũng không chừng. Em ấy cũng không có biểu hiện gì đặc biệt đối với con. Nhưng mà, em ấy không tỏ ra có khoảng cách với con lắm là con mừng rồi. Còn chuyện tình cảm thì chắc là phải để tùy duyên. Nếu em ấy cảm nhận được và đáp lại thì thật là điều con mong mỏi lắm. Nhưng nếu em ấy cứ mãi né tránh hay từ chối khéo thì chắc là con sẽ không bày tỏ để đôi bên đỡ phải áy náy. Dù sao cũng ở cùng nhà trọ, lại sát phòng nhau. Ra vào gặp mặt. Nếu lỡ không cẩn thận lại làm đôi bên khó xử.”

Mẹ Linh nghe tôi giải bày thì cũng khẽ thở dài rồi nói:

- “Đừng để mình khổ quá là được con à!”

Tôi cũng chỉ biết im lặng, nhìn bác gái, nhìn Linh và bé Khoai Tây. Chợt nhớ ra một chuyện, nên tôi đổi chủ đề, hỏi mẹ của Linh ngay:

- “Mà thật sự là cứ phải con trai thì mình nấu chè đậu, con gái thì chè viên hả bác? Không đổi chè khác được à? Chè đậu ngự thật sự cũng ngon lắm!”

Mẹ của Linh ngây người nhìn tôi một cái rồi cũng phá lên cười, bảo:

- “Coi kìa, coi kìa! Chưa gì mà đã có ý định chiều chuộng người ta rồi phải không? Thì có ai bắt ép gì đâu, chủ yếu là tập tục ông bà mình dạy thế. Thích chè đậu ngự thì nấu thêm đãi khách, có sao đâu. Quan trọng là làm cái đầy tháng, báo cáo với ông bà tổ tiên phù hộ cho con cái khỏe mạnh. Chứ ông bà có đòi hỏi gì đâu.”

Tôi gãi đầu vì bị mẹ Linh nhìn thấu tâm sự của mình, cũng ái ngại trước mặt Linh. Linh cũng cười bảo:

- “Quân đúng thật là thay đổi nhiều nhờ có Bằng Lăng đấy. Linh cũng mong hai người được tác thành. Vài năm nữa đi ăn đầy tháng có chè đậu ngự nhé!”

Thấy Linh và mẹ đang trêu mình, nhưng lại cũng hiểu mình vô kể. Tôi cũng cười xòa. Chắc vậy. Tôi thay đổi nhiều hơn tôi nghĩ.

Sau bữa tiệc đầy tháng, chúng tôi ở lại dọn dẹp xong thì cũng đã quá giờ trưa. Lần này đến lượt tôi chở Bằng Lăng về. Còn Quốc Đạt thì chở ít bánh trái và đồ ăn mà mẹ của Linh gửi chúng tôi mang về ăn lấy thảo.

Trên đường về, tôi cố gắng bắt chuyện để không khí quanh chúng tôi bớt phần ngại ngùng. Tiếp thu ý kiến từ mẹ của Linh, tôi cũng bắt đầu chính thức tìm hiểu rõ hơn nữa về Bằng Lăng. Tôi hỏi về sở thích của cô ấy. Qua một hồi nói chuyện, tôi thu thập được cho mình không ít thông tin. Mà đắc giá nhất có lẽ là việc em thích môi trường sống ở quê hương em hơn là chốn phồn hoa đô thị này. Đặc biệt nhất, em lại rất lãng mạn, em thích ngắm nhìn bầu trời với muôn vàn ánh sao lấp lánh. Đối với tôi, bầu trời xưa nay chưa phải là điều gì đó quá đặc biệt để thu hút tôi chăm chú và bỏ thời gian ra với chủ đích là ngắm nhìn cảnh đẹp và thưởng thức nó. Nhưng qua lời tả của em, tôi như tưởng tượng ra không gian đêm tối yên bình, cô bé Bằng Lăng ngước nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Khung cảnh ấy quả thật có thể thu hút tôi. Tôi như cũng nhìn thấy mình đang ngắm nhìn không gian tuyệt mỹ ấy cùng em. Một cô gái áo tím, tóc buộc cao với sợi ru băng màu tím. Em, chính là điểm nhấn tuyệt vời nhất trong khung cảnh ấy. Chợt tôi nghe em hỏi:

  - “Còn anh Quân thì thích gì?”

Tôi buộc miệng vì nghĩ mình vẫn còn chìm trong cảnh tượng trong đầu, bất giác dịu dàng khẽ trả lời:

- “Anh thích em”.

Vừa nghe đến đấy, Bằng Lăng đã phản ứng ngay, tôi nghe ra có phần bối rối và hốt hoảng. Biết ngay là mình đã lỡ lời và có lẽ đây không phải là thời điểm thích hợp để nói điều đó. Tôi cần chuẩn bị một khung cảnh thật tuyệt đẹp, sự chuẩn bị chỉn chu nhất mà tôi có thể làm, và cả sự chắc chắn về tình cảm của đối phương nữa, để có thể thốt lên ba từ ấy thật chân thành và ngọt ngào. Hơn là lỗ mãn nói ra mà không lường trước hậu quả. Nghe qua câu gặng hỏi, tôi biết là Bằng Lăng cũng chưa chắc chắn những lời cô ấy nghe là đúng. Thế là tôi đành né tránh đáp lời:

- “Anh thích cuộc sống bình yên như em”.

Dù là lãng tránh sang cách nói khác, nhưng hàm ý của tôi vẫn không thể thoát khỏi ý nghĩ, tôi cũng thích cuộc sống bình yên, bình yên như chính em vậy. Thế nhưng có vẻ là tôi thành công lèo lách nên Bằng Lăng đã không bắt bẻ gì thêm. Lát sau, một cú chạm thật mạnh vào đầu làm tôi nghĩ ngay là Bằng Lăng vì mệt quá mà ngủ gật. Theo quán tính bảo vệ người mà mình thương, tôi nhanh đưa tay chụp lấy tay cô ấy kéo choàng lên phía trước để cô ấy ôm lấy tôi. Tôi sợ cô ấy té ngã xuống đường thì nguy hiểm lắm. Nhưng Bằng Lăng thì dứt khoát rụt tay lại. Khiến tôi cũng thấy mình quá tùy tiện và lỗ mãn. Tôi vội xin lỗi để mong được tha thứ. Vì tôi cũng lo Bằng Lăng sẽ nghĩ tôi là người tự tiện, bộp chộp và lợi dụng người khác. Để xác định xem biểu cảm của cô ấy thế nào sau lời xin lỗi của mình. Tôi chỉnh lại kính chiếu hậu về hướng cô ấy. Nhưng qua lớp kính, tôi nhận ra gương mặt biến sắc của cô ấy không giống giận dữ mà giống đau đớn nhiều hơn. Tôi thắng gấp xe lại để quay về sau kiểm tra tình trạng của cô nàng.

Không rõ vì sao mà gần đây, tôi bắt gặp Bằng Lăng có biểu hiện lạ, thường xuyên nghe bảo bị đau bụng mà đề nghị mua thuốc uống hay đi khám bệnh thì lại bướng chẳng chịu đi. Thế là tôi đành tăng tốc chở cô ấy về phòng để được nằm nghỉ may ra sẽ khá hơn.

Vừa về đến nhà xe, Bằng Lăng hầu như là bay ngay vào phòng và bảo Xuân Đào đang ngồi trước cửa đóng cửa lại. Cô nàng có biểu hiện này là không muốn tiếp khách rồi đây. Nhưng tôi và Đạt đều lo lắng cho cô ấy. Thế là cả hai đến trước cửa, do dự một lúc lâu nhưng lại không dám gõ cửa. Đạt có vẻ mất bình tĩnh hơn, vừa đưa tay định gõ cửa thì Xuân Đào bước ra, đuổi cả hai chúng tôi về, bảo rằng để Bằng Lăng nằm nghỉ một lúc là khỏe lại thôi. Sau khi cho biết tình hình của người bên trong, Xuân Đào bước ra khỏi cửa, cẩn thận khóa cửa phòng, không muốn hai chúng tôi ngoan cố đột nhập vào trong. Sau đó Xuân Đào gọi tôi lên ghế đá sân trước để nói chuyện mà không cho Quốc Đạt đi theo.

Thế là, tôi cũng ngoan ngoãn đi theo Xuân Đào như đứa em trai bị chị gái gọi lên dạy việc. Sau khi an vị, Xuân Đào hỏi tôi:

- “Anh có biết Bằng Lăng tại sao lại bị như vậy không?”

Tôi ngơ ngác không biết và cũng rất muốn biết cô ấy đang gặp vấn đề gì nên vừa lắc đầu vừa tha thiết hỏi:

- “Bằng Lăng bị gì thế? Có nguy hiểm không?”

Xuân Đào tỏ ra bí hiểm bảo:

- “Không đến nỗi nguy hiểm nhưng cũng nghiêm trọng hơn xưa rồi đấy. Thời gian bị đau nhiều hơn, số lần bị đau cũng tăng lên.”

Tôi kiên trì hỏi thăm Xuân Đào như đang hết sức mong cầu ý kiến từ chuyên gia:

- “Có phải là bệnh không? Bây giờ phải làm gì để hạn chế việc phát bệnh của cô ấy không?”

Xuân Đào thư thả trả lời rành rọt:

- “Giai đoạn này chưa phải là bệnh. Chỉ mới là hội chứng ruột kích thích. Mỗi lúc cô ấy căng thẳng quá mức sẽ lên cơn co thắt ruột. Thế nên, nếu kiểm soát tốt sự căng thẳng hoặc là không tạo ra căng thẳng cho cô ấy là được.”

Tôi nghĩ một lúc cũng không biết bản thân có thể giúp gì được cho Bằng Lăng không, nên mở miệng hỏi:

- “Vậy tôi có thể giúp gì không?”

Xuân Đào cũng tỏ vẻ ngạc nhiên vì sự mù mờ của tôi, nên hỏi:

- “Chính anh phải biết anh có thể giúp gì chứ! Chẳng phải tình trạng của cô ấy là do anh gây ra sao?”

Tôi ngơ ngác vì chưa rõ những điều mà Xuân Đào vừa cho biết. Hóa ra, tôi lại là nguyên nhân ư. Tôi bần thần ngồi suy nghĩ lại những gì đã xảy ra giữa tôi và Bằng Lăng như cố xâu chuỗi tất cả mọi thứ lại. Tôi nghĩ về cái ngày đầu tiên tôi và Bằng Lăng gặp nhau, cô ấy có ấn tượng không tốt về tôi. Sau đó là tôi đến trọ cùng nhà trọ với cô ấy. Kể từ khi đó tôi biết cô ấy ghét tôi ra mặt, chẳng những thế mà còn cố tình châm chọc đủ đường. Sau đó nữa, chúng tôi thân nhau hơn, rồi cùng nhau chăm sóc cho mẹ con Linh. Rồi sau đó nữa là tôi hiểu rõ lòng mình và quyết tâm theo đuổi Bằng Lăng, bắt đầu bằng việc xác định sẽ trở thành một thần hộ mệnh đặc biệt của cô ấy. Và rồi, bây giờ tôi lại được biết bản thân mình trở thành nguyên nhân dẫn đến các cơn co thắt của cô ấy. Vẫn đang hoang mang vì không biết bản thân mình đã làm gì sai, tôi đuổi khéo Xuân Đào trở về phòng chăm sóc cho Bằng Lăng còn bản thân tiếp tục ngồi lại suy nghĩ một lúc lâu nữa.

Tôi tua chậm lại miền ký ức một năm qua thêm lần nữa như để soi thật kỹ từng ngóc ngách vấn đề. Cuối cùng, tôi cũng nhớ ra, lần đầu tiên tôi phát hiện Bằng Lăng có vẻ khó chịu trong người và ôm bụng rất lâu là khi ở trong bệnh viện, tôi và chồng của Linh cãi nhau và Bằng Lăng đã ngăn cản cơn giận dữ của tôi bằng cách ôm ghì tôi lại. Khi ấy, tôi cứ nghĩ rằng cô ấy đau vì va chạm mạnh vào tôi. Lần thứ hai tôi bắt gặp Bằng Lăng bị đau là khi bọn tôi chuẩn bị đi rước mẹ con Linh xuất viện, mà lúc ấy tôi cứ nghĩ là cô ấy đang có vấn đề về dạ dày nên đã chở cô ấy đi ăn sáng và đề nghị mua thuốc cho cô ấy nhưng cô ấy không chịu. Lần thứ ba tôi bắt gặp Bằng Lăng lại bị đau bụng là lúc nãy, khi tôi chở cô ấy từ nhà Linh trở về. Nhưng tôi vẫn chưa rõ vấn đề nằm ở đâu, bởi cũng có những lần khác, tôi chở Bằng Lăng, lại không có chuyện gì xảy ra, cả hai cũng nói chuyện vui vẻ như mọi khi. Thế thì, nguyên nhân là vì đâu nhỉ?

Vì chưa tìm được lý do cụ thể khiến tôi vô tình trở thành nguyên nhân gây nên những cơn đau bất thường của Bằng Lăng, tôi đành quyết định giữ khoảng cách với cô ấy, ít tiếp xúc, ít gặp nhau để không làm triệu chứng co thắt ruột của cô ấy nặng thêm. Nhìn Bằng Lăng đau đớn, tái nhợt mặt mày, tôi lại càng không dám thử, không dám tìm cách để hiểu rõ nguyên nhân. Bởi vì tôi sợ, những phép thử của mình sẽ lại vô tình làm Bằng Lăng đau đớn hơn, khó chịu hơn. Nhìn người con gái mà mình thương vì mình mà đau đớn, tôi không cách nào thuyết phục được bản thân có đủ dũng khí để tiếp tục theo đuổi mối lương duyên mà tôi hằng khao khát.

Đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với tôi. Khi mà tôi chỉ vừa mới quyết định sẽ thay đổi suy nghĩ của bản thân, sẽ cho bản thân cơ hội để yêu thêm lần nữa, và cũng là lúc tôi xác định được người con gái đã giúp tôi có thể mở lòng thêm một lần nữa. Khi mà đoạn tình cảm ấy chỉ vừa nhen nhóm trong lòng tôi, còn chưa kịp thổ lộ thì tôi đã phải quyết định buông bỏ. Cũng giống như một người đã ở quá lâu và mù mờ trong tăm tối, vùng vẫy giữa cô đơn cuối cùng cũng nhìn thấy tia hy vọng của sự hạnh phúc. Thế mà, niềm hạnh phúc ấy lại quá mong manh, đến nỗi tôi không dám chạm tay vào vì sợ nó tan biến mất. Và điều tôi sợ hãi hơn đó là sợ Bằng Lăng biến mất. Tôi lo ngại nếu tôi kiên trì tiến tới, sẽ vô tình càng làm cho tình trạng của người mình thương càng thêm tệ hại hơn. Tôi không muốn sự xuất hiện và tồn tại của mình sẽ là vấn đề trở ngại đối với cô ấy. Nhưng trái tim của tôi thì nào có chịu dễ dàng buông bỏ. Mỗi lần tôi cố tránh né, cố tỏ ra lạnh lùng với cô ấy, thì trái tim tôi càng thêm quặn thắt. Tôi ép mình quay về vỏ bọc lạnh lùng để chống chọi lại sự thoi thúc và quan tâm cứ bất giác đặt lên gương mặt ấy, lên con người ấy.

Cứ như thế, tôi ép mình trở thành một người vô tâm trước mặt cô ấy trong suốt hai năm tiếp theo. Cho đến khi cô ấy ra trường và trở về quê.

Mặc dù vậy, có lẽ Bằng Lăng giận tôi nhiều lắm, nên dù hai phòng sát bên nhau nhưng kế hoạch cô ấy về quê lập nghiệp không hề bị bất kỳ ai tiết lộ. Hôm ấy, như mọi khi, tôi đi làm từ sớm để tránh gặp mặt Bằng Lăng ở cửa. Đến khi tôi đi làm về, mở cửa ra thì đã thấy dưới sàn nhà có một mảnh giấy nhỏ màu tím, có lẽ là được ai đó nhét từ khe cửa lúc tôi đi vắng.

Cúi người xuống nhặt lấy tờ giấy, tôi sững sờ nhìn vào dòng chữ ghi trên giấy: “Tạm biệt anh, thần hộ mệnh. Bằng Lăng về đây, và trả lại sự tự do cho một vị thần”. Tôi xoay người bước nhanh ra cửa, nhìn sang phòng kế bên, cửa phòng đã khóa ngoài. Bất giác, một ý nghĩ thôi thúc, tôi với tay lấy chìa khóa xe, chạy ra ngoài. Như thể cố gắng chạy theo để mong còn kịp nhìn thấy bóng dáng của cô nàng yêu màu tím hoa bằng lăng thêm một lần nữa. Một lần thôi cũng đủ làm tôi mãn nguyện. Nhưng gió chiều và sương đêm xuống nhanh như để cố khuyên tôi dừng lại. Tôi, đã để lỡ mất cô ấy rồi. Một miền hy vọng của tôi, một vùng trời tươi đẹp của tôi đã hoàn toàn vụt xa tầm tay tôi thật rồi. Ngước nhìn lên bầu trời chỉ le lói một vài ngôi sao nhỏ, tôi không khỏi xót xa, buông ra câu nói “Tạm biệt em!” giữa hư không, liệu rằng em có nghe thấy chăng?

(Trích - Tập truyện ngắn: Sao trong mắt Em, Em trong mắt Anh)

Văn Tú


 

 

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

EM THÍCH BẦU TRỜI NGÀN SAO

         Hôm ấy, tôi và Quân đến nhà Linh. Chúng tôi mang theo lĩnh kĩnh nhiều đồ từ ngoài chợ về. Đấy là một ngày vui với tôi. Vì tự dưng, tôi không tốn chút sức nào cũng nhặt được một thần hộ mệnh giữa đường.

Đấy là Quân.

Lúc đầu, khi tôi buộc miệng kể về thời thơ ấu của mình cho Quân nghe, cứ ngỡ Quân đùa. Nhưng sau khi anh nhấn mạnh là thật thì tôi vô cùng bất ngờ. Có lẽ là anh thương cảm cho tôi vì những nuối tiếc của thời học sinh vẫn còn ray rứt vì chưa một lần chính thức nói lời tha thứ cho Hữu Phong. Bây giờ mất liên lạc với cậu ấy rồi, nó trở thành một điều hối tiếc mà tôi vẫn canh cánh trong lòng. Có lẽ, Quân muốn làm tôi vui. Và quả thật, là tôi vui thật. Tôi cảm thấy bất ngờ và không dám tin là Quân lại là người chủ động xin trở thành một trong những người sẽ bảo vệ tôi. Trong khi theo tôi biết, Quân là một người trầm tĩnh, càng không để tâm những chuyện không liên quan đến mình. Quân cũng tỏ ra không quá thân thiết với tôi. Nên việc tự nhiên anh nhiệt tình lại làm tôi có chút bối rối. Nhưng không sao, dù sao thì là tự Quân muốn chuốc lấy phiền phức đấy nhé, chứ tôi nào ép anh. Nhìn anh hai và anh lớn của tôi thì biết, việc chăm sóc tôi vất vả đến thế nào. Các anh ấy phải luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với sự ngốc nghếch của tôi. Và rõ ràng, các anh vẫn xem tôi là một cô bé con, lúc nào cũng nghĩ tôi còn trẻ con lắm. Có Quân san sẻ cho hai anh, có khi với sự chỉ bảo của Quân, tôi sẽ sớm trưởng thành hơn.

Cũng đã sắp đến đầy tháng của bé Khoai Tây. Quân và tôi dự định sẽ nấu ít món để mừng bé khỏe, hay ăn chóng lớn. Cho nên tối đó, Quân và tôi bắt đầu lên thực đơn, cũng cùng nhau nghĩ xem sẽ tặng gì ý nghĩa cho cháu. Anh lớn khi biết ý định của chúng tôi thì cũng quyết định tham gia cùng. Vậy là cả ba cùng nhau đi đến cửa hàng quà tặng cho bé để chọn quà. Hai ông anh của tôi, quả thật là y chang nước với lửa. Trong mắt tôi, mỗi anh đều rất chững chạc. Tuy nhiên, mỗi lần hai anh cùng lúc đứng trước mặt tôi là hình tượng bắt đầu sụp đổ ngay. Họ cãi nhau suốt. Người này chọn quà này thì người kia không đồng ý. Người kia chọn quà khác thì người này lại chê. Lúc đi hay lúc về đều cãi nhau inh ỏi. Mỗi người tranh nhau chở tôi. Thế là tôi quyết định, lượt đi thì tôi đi với anh lớn. Lượt về thì tôi đi với Quân. Như vậy mới dàn xếp được một trận cãi nhau nữa. Tự dưng nhìn cảnh này, tôi mong sao anh hai của tôi có thể về sớm để mà cân bằng lại.

Trên đường về, Quân tự ý ghé vào một quán chè. Thế là anh lớn cũng phải ghé theo. Vừa ngồi vào bàn, anh lớn đã than:

- “Rõ ràng là Út thiên vị. Bận đi, anh lớn chở Út thì Quân chạy xe không. Tới bận về thì Quân chở Út còn anh lớn lại chở một đống đồ. Đã bảo là mua chung một món đi, mà mọi người không chịu. Bây giờ vì không thống nhất được mà ba đứa mua ba món. Sau này cháu nó biết được cười cho, biết ngay các cậu và dì không đoàn kết.”

Tôi cười tươi, vì rất ít khi thấy anh lớn lại hóa trẻ con như thế. Tính ra tôi cũng nể Quân thật, chỉ có Quân mới có thể biến anh lớn của tôi từ một người điềm đạm và đĩnh đạc thành một anh chàng hay càu nhàu như thế. Tôi bảo:

- “Không sao, cứ nghĩ có nhiều quà thì cháu sẽ thích. Con nít mà, đâu biết thế nào là giá trị hay không. Đẹp, nhiều màu sắc, ngộ nghĩnh là mê thôi. Huống chi có tới tận ba món. Út còn mê nữa huống chi là cháu.”

Chị gái phục vụ bước tới hỏi ba chúng tôi ăn gì. Cả ba đồng thanh gọi món chè đậu ngự rồi nhìn nhau cười xòa. Vậy là hết căng thẳng. Anh lớn là người không thích ăn ngọt, nhưng đi chơi chung với tôi riết cũng bị nhiễm. Còn Quân, có lẽ là từ dạo được ăn thử món chè này đã phát hiện ra món mỹ vị nhân gian chứ gì.

Ngày đầy tháng của bé Khoai Tây, chúng tôi tập hợp ở nhà Linh từ sớm. Mẹ của Linh cũng đã bắt tay làm vài món nhưng chưa xong. Tôi, anh lớn và Quân cũng vào bếp phụ. Quân giỏi nấu nướng nên phụ được nhiều. Tôi và anh lớn thì phụ ngắt rau, làm thịt. Nói chung là phụ sơ chế thôi. Một lúc sau, mẹ của Linh nhắc:

- “Thôi chết, bác quên dặn mấy đứa mua chè. Đầy tháng phải có chè để cúng”.

Tôi liền xung phong:

- “Vậy để con đi mua cho. Mua chè đậu ngự được không bác?”

Mẹ của Linh và Quân cười phá lên vì sự ngây ngô của tôi. Bác gái bảo:

- “Không, không. Con trai thì mình phải cúng chè đậu. Còn con gái thì mình cúng chè trôi nước nghen con.”

Tôi khó hiểu nhưng cũng không dám thắc mắc nhiều. Nhưng có vẻ nhìn mặt tôi ngơ ngác quá, nên bác thương tình giải thích thêm:

- “Chỉ là một cách chơi chữ của ông bà xưa thôi mấy đứa à. Con trai thì hay trọng công danh sự nghiệp, nên ông bà mình hay cúng chè đậu để mong thi đâu đậu đó. Còn con gái thì vẫn là nên trọng cái duyên, giỏi việc gia đình. Chè trôi nước thì là hình tròn, viên của chữ viên mãn, và cũng còn một cách nói chạy từ viên thành duyên ấy mà!”

Tôi nghe bác gái giải thích tường tận thì hiểu ra nên mặt mày cũng sáng lán trở lại. Nhưng do lúc nãy đến cùng với hai anh nên tôi không có xe riêng để đi. Thế là anh lớn xung phong chở tôi đi vì Quân giỏi việc nhà, ở lại phụ sẽ được nhiều hơn. Tôi cũng chưa đến đợt thi bằng lái nên cũng không tự lấy xe các anh mà lái được. Anh lớn thì ít đi chợ nên không biết chỗ mua, còn tôi thì dạo gần đây có theo Quân học hỏi việc đi chợ nên cũng đã khá rành.

Thấy tôi và anh lớn bước ra sân lấy xe mà Quân cứ nhìn theo mãi. Tôi vô tình bắt gặp ánh mắt của anh chứ chăm chăm nhìn về chúng tôi. Nên tôi hỏi:

- “Anh Quân có muốn gửi mua thêm gì không?”

Quân lúc ấy mới thu ánh nhìn lại, khẽ lắc đầu bảo:

- “Thôi, anh không mua gì thêm. Đi sớm về sớm. Cẩn thận đấy!”

Tôi đáp lời:

- “Dạ, Bằng Lăng biết rồi. Với lại, có anh lớn đi cùng mà lo gì. Hi hi.”

Tôi vẫn luôn như thế cơ mà. Có thể tôi hậu đậu, nhưng đối với anh lớn thì tôi tin tưởng như tin anh hai của tôi vậy.

Trên đường đi, anh lớn hỏi:

- “Út dạo này không nghe kêu anh lớn đưa đi tập lái xe nữa vậy?”

Tôi thành thật trả lời:

- “Út vẫn có đi tập lái. Thấy anh lớn bận lo luận văn nên Út nhờ anh Quân dạy. Út học với ảnh cũng ổn. Bây giờ Út lái vững rồi. Tự tin hơn nhiều rồi.”

Anh lớn nghe được tình hình, có lẽ cũng yên tâm nên không tiếp tục hỏi thăm nữa. Lát sau anh chuyển chủ đề:

- “Tầm nửa tháng nữa Chí Trung về đến. Lúc đó chắc phòng cũng sửa xong. Tuần sau là anh lớn bảo vệ luận văn rồi. Sau khi ra trường, anh lớn định ở lại đây lập nghiệp. Chờ Út ra trường rồi tính tiếp.”

Tôi chăm chú nghe nhưng bắt đầu hoang mang. Đây là lần đầu tiên anh lớn tâm sự với tôi về tương lai của anh. Với cái nghề kiến trúc sư của anh lớn và anh hai tôi thì quả thật là nên ở lại nơi thành phố lớn để có cơ hội phát triển nhiều hơn. Tôi cũng nghĩ anh hai của mình sau khi ra trường cũng sẽ ở lại đây lập nghiệp. Hai anh lại học cùng ngành, biết đâu sau này sẽ lại hợp tác cùng nhau phát triển sự nghiệp. Nhưng ở đoạn sau trong lời tâm sự của anh lớn thì làm tôi chưa rõ ý lắm, bèn hỏi:

- “Út cũng nghĩ là anh lớn và anh hai nên ở lại đây để phát triển sự nghiệp nhưng mà còn chờ Út ra trường rồi tính tiếp là ý gì? Út chưa hiểu.”

Anh lớn bảo:

- “À, ý anh lớn là chờ một hai năm nữa Út ra trường, thì trong khoảng thời gian này Chí Trung và anh lớn sẽ ở lại để tiện chăm sóc cho Út. Sau khi Út ra trường, nếu muốn về quê thì bọn anh cũng sẽ chuyển về quê.”

Tôi lại ngạc nhiên hơn vì không nghĩ hai anh của tôi lại chu đáo như vậy. Cứ nghĩ là hai anh chọn ngành này thì nên ở lại. Còn ngành của tôi thì thật ra làm ở đâu cũng được. Nếu không tìm được việc làm phù hợp thì về quê với cha mẹ rồi mở một phòng mạch thú y nhỏ hay một cửa tiệm thuốc thú y cũng được. Nhưng đó là dự định xấu nhất của tôi thôi. Tôi rất thích động vật, nhất là các loài thú cưng. Nên nếu trong tương lai tôi có điều kiện sẽ tự mở một cửa tiệm chăm sóc thú cưng và trang trí không gian thật là dễ thương, như thế là mãn nguyện. Quay lại với những chia sẻ của anh lớn, tôi nói:

- “Út nghĩ hai anh cứ phát triển ở nơi nào phù hợp nhất với các anh đi. Không cần lo cho Út, Út lớn rồi mà. Nếu mà lúc đó các anh đã ổn định sự nghiệp rồi thì không nên thay đổi, để chuyên tâm phát triển thì sẽ tốt hơn. Gầy dựng danh tiếng đâu phải dễ. Út thì nếu có về quê vẫn còn cha mẹ. Anh lớn không cần phải quá lo lắng cho Út. Thêm nữa, nếu anh lớn ở lại lập nghiệp thì cũng đừng lo lắng chuyện hai bác ở nhà. Còn có Út nữa mà, Út sẽ qua thăm nom hai bác phụ anh lớn.”

Nghe tôi nói như thế, có lẽ anh lớn cũng hiểu được tâm tư của tôi. Vì cũng xem như lớn lên cùng nhau, anh lớn quá hiểu hai anh em chúng tôi. Chắc chắn ít nhất một trong hai anh em chúng tôi sẽ trở về để chăm sóc cho cha mẹ. Không anh hai thì là tôi. Lại thêm, với ngành nghề theo đuổi ở hiện tại, anh hai ở lại sẽ thích hợp hơn tôi. Một phần khác nữa là tính tôi vẫn thích khung cảnh bình yên và hợp ở quê nhà hơn, thoáng đãng và không quá bon chen như ở thành phố lớn. Tôi thích những thứ bình ổn và chậm rãi, tôi thích bầu trời đêm ở quê vì có thể nhìn thấy rõ những vì sao lấp lánh, trong khi ở đây thì ánh hào quang của đèn đường đã lấn át hết phần lung linh của những vì sao nhỏ mà tôi yêu thích mất rồi. Anh lớn bảo:

- “Cũng không hẳn về quê là không tốt cho ngành nghề của anh và Trung đâu. Nhưng chắc là trong một hai năm tới đây, các anh sẽ ở lại để phát triển và xây dựng uy tín. Khi đã vững vàng rồi thì mình mở trụ sở ở đâu cũng sẽ được chú ý thôi. Thêm nữa bây giờ mạng Internet cũng phát triển rồi, các anh cũng có thể nhận dự án từ xa. Cái chính là hai anh cũng muốn ở lại để học hỏi và có cơ hội va chạm thực tế nhiều hơn.”

Suy nghĩ một lúc, anh lớn dường như hào hứng lên, giọng điệu chuyển sang vui hơn hẳn, anh nói:

- “Mà có thật là sẽ giúp anh chăm sóc cho cha mẹ anh ít năm nữa không?”

Tôi khẳng khái đáp:

- “Dĩ nhiên là không vấn đề gì. Hai bác cũng thương Út mà.”

Nghĩ đến chuyện lần trước anh lớn hiểu lầm tôi có thai ngoài ý muốn với Quân, anh còn định thay Quân nhận lấy trách nhiệm và dẫn tôi về chính thức ra mắt hai bác với cương vị mới. Bất chợt, tôi lại càng cảm thấy, việc thay anh chăm sóc cho cha mẹ cũng là nghĩa vụ của mình. Bởi vì anh đã không ngại những dị nghị không đáng có mà sẵn sàng bảo vệ tôi, thì lẽ nào tôi lại ngại gian nan mà không giúp anh báo hiếu được sao. Tôi nói tiếp, nhưng giọng thì hạ thấp đi vài phần vì dù sao vẫn còn ngại về chuyện hiểu lầm trước kia:

- “Với lại, anh lớn đã có thể vì bảo vệ Út mà không ngại chịu thiệt thòi thì Út lẽ nào lại tính toán với anh lớn kia chứ.”

Chợt anh lớn hơi xoay mặt qua như để nhìn tôi được rõ hơn, anh nói:

- “Ngốc quá, anh lớn thì phải có trách nhiệm bảo vệ em chứ. Nhưng mà Út thì không cần phải cán đán nhiều như vậy có biết không? Út hãy cứ là một cô bé vô tư. Đừng nghĩ phải trả ơn hay gì cả. Vì anh lớn là anh lớn của Út. Vẫn luôn là như vậy. Dù cho sau này Út có quen ai, yêu ai hay kết hôn với ai đi chăng nữa, hãy cứ nhớ rằng lúc nào cũng có anh lớn đứng về phía Út.”

Tôi cười hiền, trêu anh:

- “Không khéo chị dâu lại ghen mất thôi!”

Anh lại khẳng định:

- “Lại ngốc nữa rồi. Nếu một người không đủ rộng lượng và không thể chấp nhận các mối quan hệ hiện tại của anh lớn. Thì làm sao có cơ hội bước vào thế giới của anh lớn để mà làm chị dâu của Út được kia chứ?”

Tôi cũng băn khoăn nghĩ về mối quan hệ giữa chúng tôi. Có khi nào sẽ là rào cản cho anh lớn trong việc tìm bạn đời hay không? Anh lớn hầu như dành hết sự quan tâm cho đứa em gái không ruột thịt là tôi. Có lẽ vì anh là con trai một trong gia đình, anh rất thèm cảm giác có anh chị em, được bảo vệ nhau, như cách anh lớn đối đãi với anh hai và tôi vậy. Chúng tôi thân thiết đến mức nhiều người cũng hiểu nhầm là người nhà của nhau. Đôi lúc, tôi cũng không ngại đóng vai người yêu của anh lớn để cắt đuôi những cô gái thầm thương trộm nhớ anh lớn. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi, mẫu người mà anh lớn thích là như thế nào. Mà mãi vẫn không thấy anh quen ai. Như anh hai tôi, hay như Quân, tôi còn mạnh dạn đề nghị giới thiệu người này người kia. Chứ còn như anh lớn, rõ ràng là rất hiểu anh, nhưng tôi lại như hoàn toàn mờ mịt về gu bạn gái của anh. Đã không ít lần đóng vai bạn gái của anh, cũng loại trừ được không ít mẫu người mà anh không vừa ý. Nhưng mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm ra được mẫu người nào mà anh lớn cảm thấy thích. Tra hỏi thế nào anh cũng không nói ra, chỉ bảo rằng khi nào gặp đúng người, anh sẽ cho tôi biết đầu tiên. Vậy đó, chúng tôi đồng hành cùng nhau lâu như thế, mà cho đến nay cái thời khắc “khi nào gặp đúng người” mà anh từng nói nó cũng chưa từng đến một lần nào.

Miên man suy nghĩ thì cũng đã đến chợ, tôi tranh thủ đi vào khu bán chè, trong khi anh lớn thì ở ngoài đợi để khỏi phải gửi xe. Biết anh đợi, nên tôi cũng tranh thủ hoàn thành nhiệm vụ, mua nhanh rồi trở ra cùng anh về nhà Linh để tiếp tục chuẩn bị tiệc đầy tháng cho cháu.

Xong tiệc, chúng tôi rời khỏi nhà Linh cũng đã hơn hai giờ chiều. Lượt về, Quân là người chở tôi. Trên xe, Quân bắt chuyện trước:

- “Thích chè đậu ngự dữ vậy đó hả?”

Tôi cũng chưa nghĩ ra vì sao tự dưng Quân lại nhắc đến chè đậu ngự nữa. Vì với tôi, rất nhiều món tôi thích ăn chứ không chỉ chè đậu ngự. Nhưng nếu nói về chè thì chắc là chè đậu ngự là món tôi thích nhất thật. Tôi cũng chưa kịp liên kết với chuyện lúc sáng ở nhà Linh nên hơi lóng ngóng và mơ hồ trả lời:

- “À, ờ. Bằng Lăng thích nhiều món lắm. Mà sao tự dưng anh Quân lại hỏi vậy?”

Lúc này, chính Quân lại như không bắt kịp tôi, nên cũng chưng hửng một lúc rồi trả lời:

- “À, vì là ban nãy chuyện mua chè. Và những lần đi ăn chè chung nên anh tưởng em chỉ thích món đó nhất.”

Tôi chợt hiểu ra, nên giải thích thêm:

- “Hi, nếu là chè thì chè đậu ngự là món khoái khẩu của Bằng Lăng đấy.”

Nghĩ ngợi một lúc, thấy mình cũng nên tiếp tục câu chuyện vì Quân là một người ít nói nhưng lại chịu mở lời bắt chuyện trước thì tôi cũng nên có thành ý phối hợp một chút mới phải phép. Thế là tôi tiếp chuyện:

- “Bằng Lăng là hệ đa sinh thái. Mỗi một chủ đề thì Bằng Lăng đều có cái mình thích và không thích. Bằng Lăng cũng rất rạch ròi cảm xúc của mình.”

Quân có vẻ cũng hào hứng với câu chuyện mà tôi gợi mở, bèn không để câu chuyện lắng xuống. Anh nói:

- “Để anh tổng hợp những điều anh biết xem nhé. Bằng Lăng thích màu tím, yêu hoa bằng lăng, thích ăn chè đậu ngự, thích nghe nhạc trẻ hot trend. Còn gì không nhỉ? À, nếu nói về nếp sống thì em sẽ thích vùng quê yên tĩnh hơn hay thích phố thị xa hoa hơn?”

Nghe Quân tổng hợp, tôi cũng khá bất ngờ về những điều anh biết về tôi cũng không ít. Xem ra anh cũng là một thần hộ mệnh rất có tương lai của tôi đây mà. Thấy thế, tôi cũng thật lòng đáp lời:

- “Nếu mà xét về điều kiện sống thì chắc là ai cũng muốn có cuộc sống đầy đủ tiện nghi rồi. Nhưng nếu như hỏi về nếp sống giữa quê và thành phố thì Bằng Lăng thích quê mình hơn. Có lẽ do gắn bó nhiều năm rồi nên có tình cảm đặc biệt. Với lại, Bằng Lăng thích bầu trời ngàn sao khi về đêm. Mắt cận, nhìn những ngôi sao xa xôi càng thêm lấp lánh lung linh qua cặp kính cận ấy mà.”

Quân gật gù, nhưng cũng thắc mắc:

- “Thế không thích cảnh thành phố về đêm à? Cũng lung linh đèn màu đấy!”

Tôi đưa quan điểm:

- “Thích, nhưng không bằng. Cảm giác của việc ngước lên bầu trời yên tĩnh, ngắm nhìn và kiên nhẫn tìm kiếm những ngôi sao mà mình biết tên. Như mình tìm kiếm những người bạn thân quen giữa biển người mênh mông. Rồi khi tìm thấy, Bằng Lăng cũng thấy vui như được gặp lại những người bạn của mình vậy. Còn đèn đường thì… chắc là do Bằng Lăng không có nhiều dịp dạo quanh thành phố về đêm. Thêm nữa, nếu muốn tập trung ngắm cảnh thì phải có người chở chứ. Mà anh hai thì đi du học từ lúc Bằng Lăng chưa lên đại học. Anh lớn thì rất cứng nhắc, tối thì chỉ thích ở nhà học bài thôi, ít cho Bằng Lăng đi chơi lắm. Anh lớn bảo, mắt yếu, đi ra ngoài một mình buổi tối nguy hiểm. Các chị cùng phòng thì cũng bận lắm, lâu lâu mới đi cùng nhau một lần. Nên tánh Bằng Lăng thực tế lắm, Bằng Lăng thích những gì trong khả năng của mình, thích những cái mình có thể làm được, có thể làm thường xuyên. Còn lâu lâu một lần thì có khi cầu mà không được thì khó chịu trong người lắm.”

Tôi huyên thuyên nói rất nhiều. Cũng chẳng biết là Quân nghe có hiểu hết những gì tôi bộc bạch hay không. Nhưng câu hỏi của Quân và vị trí của Quân đối với tôi lúc này có lẽ cũng đủ trọng lượng để tôi có thể nói nhiều như vậy, tận tình như vậy. Nói một hồi, tôi chợt nghĩ, mình cũng nên có qua có lại nhỉ. Thế là tôi cũng hỏi:

- “Thế còn anh, anh Quân thích gì?”

Quân suy nghĩ một lúc rồi cũng nói, nhưng âm lượng khá là nhỏ giữa cái không gian ồn ào xe cộ. Tôi loáng thoáng nghe được là:

- “Anh thích… em…”

Không biết những điều tôi nghe có chính xác không, nhưng khi nghe như thế làm tôi giật cả mình. Hỏi ngược lại:

- “Hả, anh Quân nói gì?”

Quân lúc này mới nói to rõ cho tôi nghe:

- “Anh cũng thích cuộc sống yên tĩnh như em!”

Tôi an tâm sau khi nghe đầy đủ cả câu trả lời của Quân. Cũng không dám khai thác thêm vì cũng mơ hồ sợ một điều gì đó đang đến. Nên bất giác cũng trở nên trầm lặng hơn. Bầu trời vẫn với cái nắng nóng của mùa hè. Tôi ngồi sau lưng xe của Quân, anh cũng cho xe chậm rãi chạy đi. Phía trước, xa xa, anh lớn cũng có vẻ đang giữ tốc độ vừa phải để không bỏ lại Quân và tôi quá xa. Lâu lâu, có vẻ như anh lớn cũng hay liếc nhìn vào gương chiếu hậu để đảm bảo chúng tôi vẫn đang trong tầm nhìn của anh thì phải. Anh lớn của tôi là vậy, hay lo lắng và không an tâm khi giao tôi cho ai đó, nhất là Quân.

Do Quân cũng không nói gì thêm nên tôi cũng nhân lúc rảnh rỗi không có việc gì làm, bắt đầu suy nghĩ cặn kẽ về cái cảm giác lo sợ thoáng qua trong đầu của tôi khi nãy là gì. Lúc mới biết Linh, tôi cũng tiếp xúc vì lòng tốt. Sau đó nữa là vì Linh là bạn của Quân. Sau đó nữa là một khoảng thời gian tôi cảm nhận được tim mình có chút loạn nhịp khi vô tình những tình huống tiếp xúc gần nhau vô tình xảy ra. Tôi cũng từng có những phản ứng tâm lý căng thẳng khi gần Quân. Đến nỗi tôi đã cố né tránh Quân để những cơn đau bụng nhanh chóng qua đi. Và lúc ấy, tôi vẫn còn nghĩ rằng Quân không quên được Linh, tôi tuyệt đối không được có suy nghĩ chen vào giữa họ, Linh đã quá khổ rồi. Có lẽ tôi cũng đã đủ quyết tâm nên gần đây, dường như tôi đã trở lại bình thường, không còn thấp thỏm sợ cơn đau đột nhiên xuất hiện nữa. Dù người yêu cũ có sẽ là tình mới của Quân hay không, thì tôi cũng cho rằng việc đó không liên quan đến mình. Mặc dù Quân cũng từng nói rõ, đối với Quân bây giờ, Linh chỉ còn là một người bạn. Việc chính hiện tại của tôi bây giờ là học, hoàn thành chương trình đào tạo ngành của mình, sau đó sẽ đi làm và trải qua một cuộc sống bình yên mà tôi muốn. Nghĩ xong, tôi như củng cố thêm niềm tin, vừa gật đầu một cái thật mạnh như để xác định mọi việc thì chợt Quân đang lái xe bỗng buông tay trái đang cầm lái ra để chụp lấy tay tôi kéo lên ôm lấy eo anh. Kèm theo đó là một mệnh lệnh đầy lo lắng:

- “Ngủ gục nữa rồi hả? Vịnh anh chắc vào kẽo té!”

Nói rồi, Quân vẫn chưa an tâm nên chưa buông tay tôi ra. Cảm giác bàn tay nhỏ nhắn của mình nằm gọn trong lòng bàn tay anh, tôi còn cảm nhận rõ từng đốt chay sạn trong lòng bàn tay của chú bộ đội giải ngũ đang chở tôi. Bất giác, cơn đau bụng dữ dội ập tới làm tôi vội vàng rụt tay lại ôm lấy bụng mình vừa nhăn nhó nói:

- “Bằng Lăng không có ngủ gục.”

Nhận thấy hạnh động nhanh gọn rụt tay về của tôi lúc nãy, Quân cũng có vẻ bối rối. Bàn tay trái của anh vẫn còn chưa kịp phản ứng mà chỉ hơi co lại. Anh vội giải thích:

- “Anh tưởng em ngủ gật, sợ em té ngã nên mới kéo lại chứ không…”

Quân vừa nói đến đấy thì tôi cũng nhanh miệng đáp:

- “Không sao, không sao. Bằng Lăng chỉ bị giật mình.”

Quân cũng hơi ngượng nghịu nên cố sửa lại hướng của kính chiếu hậu để nhìn thấy phản ứng hiện tại của tôi. Nhưng khi xác định tôi đang với một biểu cảm bất thường trên gương mặt thì anh thắng gấp xe lại hỏi:

- “Em bị gì thế?”

Tôi xua tay, cố nén cơn đau, nhe răng ra cười gượng gạo:

- “Bằng Lăng không sao. Tự nhiên đau bụng.”

Quân đề nghị:

- “Vậy anh tăng tốc nhé!”

Tôi gật đầu đồng ý. Về đến nhà trọ, tôi nhanh chóng bước xuống xe rồi phi thăng như một cơn cuồng phong, chạy về phòng. Xuân Đào đang ngồi học bài trước cửa phòng cũng chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi nói vọng lại:

- “Chị ơi, đóng cửa!”

Xuân Đào không hiểu chuyện gì nhưng cũng làm theo. Trong khi đó, tôi bay ngay lên giường nằm ôm gối cho đỡ đau. Chị Xuân Đào lo lắng hỏi:

- “Em bị gì vậy?”

Tôi nhăn nhó mặt mày, mếu máo nói với người chị cùng phòng:

- “Em đau bụng nữa rồi!”

Xuân Đào như hiểu ra vì tôi từng kể cho chị nghe trạng thái của mình mỗi lần căng thẳng. Nhưng chị lại thắc mắc:

- “Thì tại sao phải đóng cửa?”

Tôi vừa hít hà cho đỡ đau vừa nói:

- “Sợ anh lớn qua hỏi thăm. Và sợ… cả anh Quân…”

Xuân Đào gật đầu bảo:

- “Thôi nằm đi, chị đi pha cho em miếng nước ấm bỏ vô chai để ôm cho đỡ đau nhé. Chị nghĩ, em nên mua túi chườm nóng Bằng Lăng à. Chứ nếu không kiểm soát tốt cảm xúc thế này thì ảnh hưởng sức khỏe lắm đấy!”

Tôi giờ đó chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Xuân Đào nhanh nhẹn lấy ấm điện nấu ít nước sôi rồi pha cho nguội bớt, sau đó đổ vào một chai thủy tinh cho tôi ôm cho đỡ đau. Tôi đón lấy chai nước, nhét vào dưới bụng, rồi nhồi thêm chiếc mền vào nữa để mong càng nhiều vật đệm càng làm giảm cơn đau của mình.

Nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa, chị Xuân Đào bảo tôi nằm nghỉ ngơi, để chị ra ngoài giải quyết hai ông anh rắc rối ấy giúp tôi. Thế là tôi an tâm cuộn người tròn như chiếc nhọng, thư thả cảm nhận sự âm ấm từ chai nước nóng tỏa ra. Quả thật, cơn đau đã giảm đi ít nhiều.

Cũng lạ một điều là từ sau lần đó, dường như Quân cũng giữ khoảng cách với tôi hơn. Cũng ít khi đi đâu đó cùng tôi nữa. Nếu có dịp đi cùng thì cũng không chở tôi với lý do là phuộc xe hư không chở được nặng. Cũng không sao, vì Quân không chở thì anh lớn của tôi sẽ chở, không thì tôi cũng có thể tự đạp xe được. Dù sao thì trước kia khi Quân chưa tự xin nhận làm thần hộ mệnh của tôi thì tôi cũng có thể tự lực và còn có rất nhiều người thương yêu tôi kia mà.

Nửa tháng sau, phòng của anh lớn cũng sửa xong. Anh lớn dọn trở về phòng cũ. Sau đó thì anh hai Chí Trung của tôi cũng hoàn thành chương trình học và trở về. Vậy là tôi lại có anh hai bên cạnh.

Từ lúc anh hai về, tôi thì cũng học chuyện bếp núc được nhiều nên đã rủ anh hai và anh lớn đến phòng mình ăn cơm mà không cần đi ăn ngoài. Xuân Đào và Nhã Cúc cũng rất vui vẻ chào đón hai anh cùng bàn ăn. Anh hai của tôi cũng thường xuyên phụ giúp. Rồi anh lớn của tôi cũng tốt nghiệp. Anh và anh hai của tôi đã lên kế hoạch từ trước, cả hai cùng nhau hùn vốn mở công ty tư vấn thiết kế nội thất. Ban đầu, do kinh phí eo hẹp nên hai anh vẫn ở lại phòng trọ để dành vốn thuê văn phòng làm việc, một phần cũng là để dễ để mắt đến tôi. Khoảng thời gian đầu, do công việc của hai anh còn chưa ổn định, nên cơm nước đều do tôi và Xuân Đào thay phiên nhau mang đến phòng làm việc cho các anh. Thật ra các anh cũng có thể tự mua cơm được. Nhưng tôi thì cũng muốn ghé thăm để khích lệ anh mình. Còn Xuân Đào, thì dĩ nhiên là cũng đang tích cực tìm hiểu anh hai của tôi. Cuộc sống của chúng tôi quay trở lại quỹ đạo bình thường. Và dường như, Quân và tôi không còn liên quan gì đến nhau nữa.

Thì thôi vậy, nếu Quân đã tỏ rõ ranh giới, tôi cũng nên phối hợp. Và rồi, tôi lặng lẽ từ giã một cảm giác gì đó rất lạ, một cảm giác chưa kịp nhận rõ là gì. Nó không giống như lần tôi tạm biệt cậu bạn Hữu Phong, một sự ray rứt vì chưa kịp nói lời tha thứ cho cậu ấy. Nó không giống như lần tôi tạm biệt anh hai, vì biết anh hai đi rồi sẽ về và tôi còn có anh lớn thay anh hai ở bên cạnh tôi. Nó không giống như lần tôi tạm biệt bạn bè cuối lớp mười hai, dù biết mỗi người mỗi ngã và cơ hội gặp lại nhau cũng không nhiều. Nó là một cảm giác rất lộn xộn, bao gồm sự ấm ức vì bị bỏ rơi, hụt hẫng vì từng hy vọng quá nhiều, luyến tiếc vì không nở buông những xao xuyến mà mình có được, một cảm giác bất lực khi vụt mất một thứ gì đó rất đặc biệt, rất quan trọng.

Và điều đáng buồn cười nhất đó là có lẽ chỉ mình tôi có cảm giác đó, chật vật đối phó với mớ hỗn độn ở trong lòng mình. Cứ thế, tôi cứ âm thầm hy vọng rồi một ngày nào đó Quân sẽ lại là Quân của ngày nào. Tôi kiên trì chờ đợi thần hộ mệnh của mình quay đầu nhìn lại. Tôi như một đứa trẻ đánh rơi món đồ chơi mà mình yêu thích, biết vị trí làm mất và cứ thế ở đó chờ và tìm kiếm để mong có một ngày vật về cố chủ.

Mọi nẻo đường mà tôi đi qua, mọi nơi mà tôi tới. Việc tôi làm là luôn chú ý nhìn quanh một lượt, để xem có thể may mắn vô tình bắt gặp Quân ở đâu đó gần đấy hay không.

Mãi cho đến khi tôi ra trường, không còn lý do gì để ở lại nữa, mới chịu rời đi trong lặng lẽ. Cũng chẳng có đủ can đảm để đối mặt với Quân, nói lời tạm biệt. Hay nói đúng hơn là tôi không can đảm đối mặt với chính mình, tôi sợ những giọt nước mắt sẽ rơi xuống trước mặt Quân. Tôi đã không kiềm được chúng rất nhiều lần, trong căn phòng ấy, trong những đêm tối cô đơn, lặng lẽ rơi xuống, ướt cả gối nằm. Và rồi, tôi cũng như những giọt nước mắt của mình, lặng lẽ đi và từ biệt Quân bằng một tờ giấy nhắn nhỏ. Tôi chỉ gửi lời chào tạm biệt chứ cũng không dám viết những điều khiến đối phương phải khó xử. Dù sao thì, Quân, cũng từng là một thần hộ mệnh của tôi, người từng dạy tôi rất nhiều thứ.

(Trích - Tập truyện ngắn: Sao trong mắt Em, Em trong mắt Anh)

Văn Tú


 

 

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI CÓ ANH

Tôi không biết trước đây, khi tôi chưa xuất hiện bên cuộc đời của cô ấy, thì cuộc sống của cô ấy như thế nào. Tươi đẹp, muôn màu hay có những khoảng lặng không tên? Nhưng tôi biết một điều, thế giới của cô ấy tươi mới và thú vị lắm. Ngay cả cách nghĩ và nhìn nhận vấn đề của cô ấy cũng làm tôi ngạc nhiên vì nhiều lần phá vỡ định kiến trong tôi.

Tôi không hiểu bằng cách nào mà một người có cả một thời thơ ấu nghiêm nghị, có hẳn một danh sách những điều được làm và không được làm, rồi lầm lũi thực hiện nó suốt gần hai chục năm. Lại có thể chuyển đổi thành một cô nàng hoạt bát, năng động, dám nghĩ dám làm như cô ấy ở hiện tại. Và đặc biệt là cô ấy lại từng bước phá vỡ những điều tưởng chừng như bất di bất dịch. Tôi vẫn hoài nghi một câu hỏi ở trong đầu mình, có khi nào đấy là hai con người khác nhau? Hay bằng cách nào cô ấy có thể thay đổi bản thân đến mức hoàn toàn trái ngược với chính mình trước kia. Liệu rằng, có một cú sốc nào khiến cô ấy có động lực thay đổi? Sẽ đến một lúc nào đó, khi tôi và cô ấy đủ thân thiết khiến cô ấy mở lòng tâm sự thì tôi luôn sẵn lòng lắng nghe.

Đó là những gì tôi cứ trăn trở nhiều đêm và vẫn không tìm ra cho mình được một lời giải thích thỏa đáng. Chỉ biết rằng, thế giới của cô ấy, nó quá lạ lẫm và cuốn hút tôi từng bước đến gần và len lỏi tham vọng được chen chân vào thế giới ấy. Nhưng nhìn vào hiện tại, tôi biết con đường để tôi có thể đến được với cô ấy hãy còn xa lắm. Bởi cô ấy chỉ xem tôi như một người anh trai của cô ấy mà thôi. Ý nghĩ nửa muốn bước tiếp, nửa muốn lặng lẽ rút lui càng khiến tôi trở nên gượng gạo mỗi lần đối mặt với cô ấy. Nhưng phòng trọ sát vách nhau, ra vào cứ gặp mặt mãi càng như vết cắt ngày một sâu thêm, dày vò cả trái tim và khối óc của tôi. Nếu cô ấy cứ như buổi đầu gặp mặt, cứ ghét tôi, cứ cạnh khóe tôi thì sẽ giúp tôi có thêm động lực để từ bỏ vì ít ra có thể khẳng định được rằng người ta không thích mình. Còn như hiện tại, cô ấy dần thay đổi thái độ, dần trở nên hòa nhã, cũng nói cười thoải mái cùng tôi, những nét ngây ngô đến đáng yêu của cô ấy càng làm tôi không thể nào rời mắt.

Một hôm, nhân lúc hè còn rảnh rỗi, Bằng Lăng quyết định học bằng lái xe máy. Quốc Đạt vẫn còn ở ghép phòng với tôi vì phòng cậu ấy chưa sửa xong. Các buổi cô ấy đi học lý thuyết về luật giao thông đều có Quốc Đạt chở. Các buổi Quốc Đạt rảnh thì lại chở cô ấy ra khu thực hành để học lái. Có hôm trở về, nhìn thấy điệu bộ dị thường bước xuống xe, rồi đi cà nhắc về phòng của cô ấy thì tôi đoán có lẽ là lái không được tốt nên bị ngã xe chăng. Sau lần đó, không thấy Quốc Đạt chở Bằng Lăng đi học lái nữa. Tôi cũng đoán ra chắc là cô nàng bị một phen hoảng sợ. Quốc Đạt lại đang trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp nên cũng bận rộn, thường xuyên đi khỏi phòng, có lẽ là đến thư viện tìm tài liệu hoặc gặp thầy hướng dẫn nên cũng không có nhiều thời gian để dạy cho Bằng Lăng.

Hôm nay tranh thủ ngày nghỉ, tôi định đi chợ mua thực phẩm dự trữ giúp Linh. Mở cửa ra thấy cô nàng Bằng Lăng đang ngồi trước cửa phòng nhìn mông lung ra phía nhà xe. Tôi hỏi:

- “Chờ Quốc Đạt về chở đi học bằng lái à?”

Bằng Lăng bảo:

- “Đâu có. Bằng Lăng đang nghĩ chẳng lẽ mình vì một lần té mà không dám lái xe nữa sao. Đang tự động viên mình đây.”

Tôi cười bảo:

- “Thế hết đau chưa?”

Bằng Lăng thật thà đáp:

- “Hết thì hết rồi, mà còn sợ.”

Tự dưng tôi lại cảm thương cho cô bé vô cùng, một ý nghĩ lóe lên, che mất cả ý định ban đầu của tôi là đi chợ. Tôi đề nghị:

- “Hay là đổi thầy xem. Biết đâu sẽ có thu hoạch.”

Bằng Lăng do dự:

- “Nhưng mà Bằng Lăng đâu có quen ai nữa để nhờ. Anh hai vẫn chưa về. Anh lớn thì… là một ông thầy nghiêm khắc. Bình thường anh lớn dịu dàng bao nhiêu thì vô tới lúc dạy là hung dữ bấy nhiêu. Bằng Lăng chỉ là lộn chân số với chân thắng. Thay vì muốn lên số, Bằng Lăng lại đạp thắng mạnh quá rồi mất thăng bằng té ngã thôi mà anh lớn cứ cằn nhằn bảo thôi khỏi học, sau này muốn đi đâu để anh lớn đưa đi. Chẳng lẽ Bằng Lăng cứ phải phụ thuộc vào người khác hoài sao. Hay là sau này đi làm bằng xe buýt, hay đạp xe đạp hoài?”

  Nghe Bằng Lăng kể, bất giác tôi hơi nhói lòng vì qua lời kể của cô nàng, thì anh chàng Quốc Đạt rất bảo vệ cô ấy đây. Còn vì sợ cô ấy bị thương mà sẵn sàng làm tài xế cho cô ấy. Nhưng có vẻ như cô bé Bằng Lăng quá đơn thuần nên không nhận ra tâm tư của Quốc Đạt thì phải. Nhìn vẻ mặt u sầu của cô nàng, tôi vừa thương vừa buồn cười. Ai lại vì một chuyện như thế mà bỏ học lái xe đâu chứ. Huống chi, cô bé còn có quyết tâm thế kia mà. Thôi thì tôi là vị cứu tinh chứ còn ai ở đây nữa. Nghĩ thế, tôi đề nghị:

- “Bây giờ có rảnh không? Đi tập lái với anh.”

Bằng Lăng có vẻ bất ngờ, nhưng sau đó nét mặt giãn ra, vui vẻ gật đầu, bảo:

- “Anh đợi Bằng Lăng thay đồ xíu nha.”

Nói rồi cô bé đứng dậy, với tay đóng cửa phòng. Vài phút sau, cô bé đang tinh tươm trong bộ đồ ra đường của mình, tóc buộc gọn thấp sau gáy. Chắc là có kinh nghiệm cho những lần đội mũ bảo hiểm ấy mà.

Tôi chở Bằng Lăng đến sân tập lái, lúc ấy cũng đã gần chín giờ sáng, nhưng có lẽ do đang giờ làm việc và học hành nên sân tập cũng khá vắng người. Tôi thị phạm cho cô nàng hai lần, nhắc cách canh bánh xe trong đường biên. Nghe xong, có vẻ hiểu, Bằng Lăng hào hứng đòi lái thử. Tận dụng cơ hội sân trống, cô nàng có vẻ tự tin hơn. Tuy nhiên, lúc đầu, cô nàng còn hơi nhát, để ga nhỏ nên có khi xe tắt máy, có khi phải chống chân để xe không bị ngã. Tôi đứng bên trong vòng số tám, nhắc bài vài lần. Sau một hồi thấy Bằng Lăng có vẻ tự điều chỉnh được, tôi bước ra bên ngoài đứng quan sát mà không nhắc bài nữa.

Vậy là sau một buổi sáng học lái với tôi, Bằng Lăng dường như đã vượt qua nỗi sợ ngã xe. Trên đường về, tôi hỏi:

- “Chiều nay Bằng Lăng có đi học không?”

Bằng Lăng ngồi phía sau hơi rướn người lên để tôi nghe rõ hơn, cô bé đáp nhanh:

- “Dạ hông, bữa nay Bằng Lăng nghỉ cả ngày.”

Tôi đề nghị:

- “Vậy đi chợ với anh nhé. Mua ít đồ rồi chúng ta cùng qua nhà thăm Linh.”

Bằng Lăng dường như không cần suy nghĩ, gật đầu cái sụp. Tôi cảm giác được là vì cô ấy vừa bổ chiếc nón bảo hiểm kêu “cốp” rõ to vào chiếc nón của tôi. Nhưng sau đó, Bằng Lăng lại dè dặt bảo:

- “Nhưng Bằng Lăng không giỏi đi chợ. Thường ngày toàn là các chị mua rồi về mới tính tiền hùn. Bằng Lăng không biết trả giá.”

Đối với tôi, không câu nệ chuyện nữ giới có giỏi bếp núc hay không. Giỏi thì tốt, không giỏi thì có thể từ từ mà học. Đi chợ cũng vậy. Thế nên, tôi bảo:

- “Vậy thì hôm nay đi chợ tập sự. Anh cho Bằng Lăng học miễn phí. Đi chợ không khó đâu. Cũng không nhất thiết lúc nào cũng phải trả giá, thấy hợp túi tiền thì mua. Nhưng để biết giá có phù hợp không thì phải đi chợ thường, xem giá cả thường vào.”

Thế là, tôi bắt đầu nói nhiều hơn. Chỉ cho Bằng Lăng cách đi chợ, cách phân biệt thịt tươi và thịt cũ, cá lóc đồng và cá lóc nuôi,… Ít ra, đó cũng là cách mà tôi có thể tiếp cận đến cuộc sống của cô ấy, giúp cô ấy trưởng thành hơn, không thể cứ lệ thuộc mãi vào các cô bạn cùng phòng.

Tự dưng, tôi chợt giật mình khi nhận ra khi mình lại có biểu hiện lo cho cuộc sống của Bằng Lăng nhiều đến vậy. Cô ấy giống như một thỏi nam châm, và tôi cứ như một thanh sắt nằm trong vùng từ trường của cô ấy. Tôi cứ bất giác bị hút vào mà không hề hay biết. Mỗi lúc một gần hơn. Đến nỗi nhiều lúc, tôi phải vật vã lắm mới có thể dừng quan tâm cô ấy. Nhưng rồi, chẳng mấy chốc, đâu lại vào đấy, và tôi thì vẫn cứ không thể thoát ra được.

Có nhiều con đường sẽ dẫn đến chợ, nhưng tôi chọn một con đường đặc biệt để đi. Bởi vì, đối với tôi, nó là con đường Bằng Lăng. Chạy giữa hai hàng bằng lăng bên đường đang mùa ra hoa tím cả không trung, tôi chợt hỏi:

- “Bằng Lăng hình như thích màu tím nhỉ?”

Bằng Lăng hớn hở đáp:

- “Dạ. Bằng Lăng thích nhất là màu tím. Nhưng không phải tím nào cũng thích. Màu tím như màu hoa bằng lăng mới đúng tông màu Bằng Lăng thích.”

Tôi đùa:

- “Vậy ra, ba mẹ của em là một nhà tiên tri giỏi. Có thể đoán được màu em thích mà đặt tên cho em.”

Bằng Lăng bảo:

- “Nhưng hồi nhỏ, Bằng Lăng cũng không biết tên mình lại là tên của một loài hoa đẹp như vậy. Đến năm học lớp mười, Bằng Lăng mới được nhìn thấy lần đầu tiên và biết tên của loài hoa này nhờ một người bạn đã chỉ cho Bằng Lăng. Còn trước đó đều qua lời kể của cha. Cũng thật là trùng hợp.”

Sau câu nói ấy, Bằng Lăng có vẻ trầm ngâm, không nói nữa. Phát hiện phía sau mình yên ắng quá, tôi cũng bắt chuyện:

- “Sao thế? Hình như em không vui?”

Bằng Lăng im lặng vài giây, tôi nghe rõ tiếng thở ra thật dài của cô ấy. Sau đó, Bằng Lăng bảo:

- “Tự dưng nhớ chuyện một cậu bạn thôi hà. Là người đã chỉ cho Bằng Lăng biết cây bằng lăng ấy. Giờ bạn ấy đã đi nước ngoài rồi, không còn liên lạc nữa. Tính ra, tuổi thơ Bằng Lăng cũng có nhiều thần hộ mệnh lắm, những người luôn bảo vệ cho Bằng Lăng như anh hai, anh lớn và cả cậu ấy nữa. Mặc dù biết cậu ấy không cố ý chạy đâm vào Bằng Lăng, làm Bằng Lăng té ngã rồi bị thương. Nhưng đã có một khoảng thời gian rất dài, Bằng Lăng giận cậu ấy kinh khủng, không thèm nói chuyện luôn. Vậy mà, cũng có lần, cậu ấy đã đứng ra bênh vực Bằng Lăng đấy. Còn giải thích với cô giúp Bằng Lăng nữa. Tự dưng nghĩ lại, hình như Bằng Lăng còn nợ cậu ấy một câu tha thứ.”

Nghe Bằng Lăng kể. Dù không rõ nguồn cơn. Nhưng từ tâm trạng của cô bé cho thấy, cậu bạn này cũng có một vị trí nhất định trong lòng của Bằng Lăng. Bỗng dưng, tôi lại cảm thấy trong lòng mình có chút kỳ lạ. Không rõ cảm giác đó là gì, ghen tuông hay ganh tị. Ghen tuông thì chắc là không đúng, vì tôi đâu là gì của Bằng Lăng, nhưng khi biết cô ấy còn những trăn trở về một người bạn khác phái, tôi lại thấy có chút khó chịu. Hay đó là ganh tị nhỉ? Tôi ganh tị vì đã có quá nhiều người được gặp và quen biết với Bằng Lăng sớm hơn tôi. Dù tôi chỉ biết có hai người là Quốc Đạt và cậu bạn kia. Nhưng với cái tính hồn nhiên ấy của Bằng Lăng, tôi đoán chắc là còn nhiều nữa, mà có khi cô ấy không nhận ra những cây si bên cạnh mà thôi. Và hình như, tôi cũng sắp sửa nằm trong danh sách hàng đợi vô danh đó thì phải. Chỉ biết rằng, sau cái cảm giác khó hiểu ấy, là một chút đau lòng. Chỉ là nghe kể cô ấy bị đụng trúng té ngã và bị thương thôi, mà tôi đã thấy thương rồi. Nếu tôi có bên cạnh cô ấy lúc đó, chắc hẳn là tôi lại đứng ngồi không yên cho mà xem. Một suy nghĩ khác lại le lói lên trong đầu tôi, một sự ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ người đã bênh vực em, người đã kịp thời xuất hiện ứng cứu cho em trước tình huống khó khăn.

Tôi, quả là đã bỏ lỡ một điều rất lớn.

Mặc dù biết, hai chúng tôi duyên đến muộn, không thể cùng nhau trải qua thời thơ ấu bên nhau, là một điều mà cả hai chúng tôi đều không biết trước và không thể thay đổi được. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy hối tiếc vô cùng. Sau những gì tôi nghe được từ em, tự dưng tôi nảy sinh một quyết định táo bạo. Nếu tuổi thơ em đã có thần hộ mệnh thì hiện tại và tương lai sẽ có tôi. Có lẽ, đây chính là định mệnh của tôi rồi. Tôi sẽ làm nốt phần việc còn lại mà các thần hộ mệnh trước đó đã vì một lý do gì đó mà bỏ lỡ em ở hiện tại.

Với cái miệng huyên thuyên kể rất nhiều chuyện từ hồi xưa bé của Bằng Lăng, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến chợ. Tôi dẫn Bằng Lăng đến quầy thịt, để cô ấy tự chọn miếng thịt và tôi lại kiểm tra xem kiến thức mà tôi vừa cập nhật trên đường ra chợ lúc nãy cô ấy có còn nhớ không. Quả là một cô bé thông minh và biết ứng dụng lý thuyết. Sau đó, chúng tôi lại sang hàng cá để chọn mua cá lóc. Và tôi lại đứng bên quan sát em thực hành chọn cá. Tôi gật gù hài lòng vì biểu hiện khá tốt của Bằng Lăng hôm nay.

Lát sau, trên đường đến nhà Linh, tôi bảo:

- “Bằng Lăng không phải không giỏi đi chợ đâu. Theo anh thấy, là do không có cơ hội phát huy thôi.”

Bằng Lăng cũng sung sướng vì được khen, vui vẻ đáp:

- “Vậy à, đúng là nhân tài không có đất dựng võ phải không? Anh Quân giỏi như vậy, việc gì cũng biết, sau này chắc là chị Linh sẽ đỡ cực rồi.”

Tôi nghe đến đấy, thắng gấp con xe dream dừng lại, xoay lại nhìn Bằng Lăng, có vẻ ánh nhìn của tôi có chút kỳ lạ nên cũng làm cô bé giật mình, ngơ ngác nhìn tôi vì không hiểu lý do vì sao đang nói chuyện vui vẻ, tôi lại bất ngờ thay đổi thái độ.

Rút kinh nghiệm từ những gì đã trải qua, tôi quyết tâm nắm bắt cơ hội, nói rõ với Bằng Lăng:

- “Linh là bạn của anh và của cả Bằng Lăng. Anh không muốn vì chuyện trước đây anh và Linh từng là người yêu của nhau mà gây ra thêm hiểu lầm gì nữa. Anh và Linh, vẫn sẽ mãi là bạn, chỉ là bạn.”

Bằng Lăng ngẩn người ra một lúc, nhưng rồi lại đánh trống lảng:

- “Thì Bằng Lăng có bảo chị không phải là bạn của Bằng Lăng đâu. Mà anh Quân và chị có là bạn hay quay trở lại với nhau thì cũng đâu liên quan gì đến Bằng Lăng đâu à. Nếu mà anh Quân quyết định chỉ làm bạn của chị thì tùy anh Quân vậy. Bằng Lăng biết rồi, sau này sẽ để ý người khác cho anh. Nhưng nói trước là không được chọn chị Xuân Đào nghe chưa! Bằng Lăng đã nhắm chị Xuân Đào làm chị dâu rồi.”

Đến lượt tôi đứng hình mất mấy giây. Cái cô bé này, tôi đang cố vạch ra ranh giới an toàn giữa tôi và Linh, thì cô ấy lại hiểu sang chuyện khác. Đã vậy, cô ấy còn kéo thêm người khác vào nữa. Chả lẽ, trong mắt cô ấy, tôi là người đào hoa thế sao. Không thể hiểu nổi bên trong cái đầu nhỏ nhắn từng tựa vai tôi ngủ này đây lại chứa những gì bên trong. Tôi búng tay vào trán cô ấy một cái cho tỉnh táo ra và hỏi:

- “Em nghĩ gì trong đầu nữa đấy?”

Bằng Lăng vừa xoa trán vừa giải thích:

- “Thì nếu đã hết thương Linh, anh cũng phải thương người khác chứ. Gần anh nhất, mà Bằng Lăng cũng biết thì chỉ có chị Xuân Đào và Nhã Cúc thôi. Nhã Cúc thì có bạn trai rồi. Chỉ còn mỗi Xuân Đào. Chị cũng hay qua nhờ vả anh. Nên Bằng Lăng nhắc trước.”

Tôi bất lực bật cười vì cái suy nghĩ trẻ con của cô ấy. Chả lẽ, bên cạnh tôi, chỉ có bấy nhiêu cô gái đấy thôi sao. Sao cô ấy không kể cả bản thân vào nữa? Nhưng tôi không vội công khai tình cảm của mình với cô ấy, tôi cũng không muốn chuyện tỏ tình quan trọng như thế lại diễn ra giữa đường và trên xe thế này nên cũng phối hợp theo cô ấy:

- “Được, được. Chừa Xuân Đào lại cho anh của Bằng Lăng. Vậy, Bằng Lăng phải đền một cô khác vào danh sách giới thiệu cho anh mới được.”

Nói rồi, tôi quay người về trước, tiếp tục lên ga cho xe chạy đi. Bằng Lăng đinh ninh:

- “Nhất định rồi. Anh Quân tốt như vậy, Bằng Lăng sẽ giới thiệu người tốt cho anh. Mà anh Quân giỏi như vậy, cái gì cũng lo liệu chu toàn được hết, chắc tiêu chí chọn bạn gái cũng cao lắm!”

Tôi khẽ cười trước sự nhiệt tình của cô bé, cũng muốn ám chỉ về việc cô ấy hoàn toàn xứng đáng trong danh sách “chỉ có một” của tôi nên tôi nhẹ nhàng bảo:

- “Không sao, từ từ chọn. Anh không kén. Không biết nấu ăn thì anh dạy. Không thích nấu thì anh nấu. Hai người yêu nhau đâu phải để kiếm người nấu ăn giùm đâu, đúng không nè? Nhưng điều quan trọng đối với anh, vợ sẽ là người mà anh có thể mở lòng lần nữa, yêu sâu đậm hơn cả mối tình đầu. Chính vì vậy, em hãy chọn người sẵn sàng phát triển một mối quan hệ dài lâu. Anh không muốn lại đổ vỡ lần nữa.”

Bằng Lăng bỗng lắc đầu buồn so:

- “Vậy chắc là quanh Bằng Lăng không có ai phù hợp với anh Quân rồi. Bạn bè của Bằng Lăng đều ngang tuổi Bằng Lăng, đang tuổi ăn tuổi học, đâu ai lại chịu kết hôn sớm.”

Tôi nghe ra ý có vẻ như Bằng Lăng cũng đang đặt mình trong suy nghĩ ấy mà nói, nên liền bảo:

- “Không sao. Anh có thể chờ cô ấy lớn lên. Nhưng mong là ai đó không chê anh già.”

Bằng Lăng cười to, hơi cúi người lên phía trước, sát tai tôi hơn, rồi nói với âm lượng hơi nhỏ lại, nhưng cũng đầy tự tin:

- “Anh Quân mà già gì. Như anh Quân, gọi là chững chạc. Bằng Lăng cho chín điểm rưỡi. Thua anh hai Bằng Lăng nửa điểm, và bằng điểm với anh lớn.”

Tôi lại bất ngờ với cô bé này mất thôi. Hóa ra, cô ấy còn chấm điểm nữa cơ đấy. Dù trong mắt cô ấy, tôi bằng điểm Quốc Đạt, tôi cũng biết khá rõ tình cảm của Bằng Lăng dành cho Quốc Đạt là tình anh em. Điều đó có nghĩa, tôi đâu đó cũng đang nằm trong miền tình cảm anh em với Bằng Lăng. Nhưng lúc này đây, tôi lại nghĩ thoáng hơn. Không sao, anh em thì anh em. Từ từ quen thân rồi tính. Ít ra, tôi cảm thấy lạc quan vì không ít hơn hai lần Bằng Lăng đánh giá tôi ngang bằng với Quốc Đạt, một người anh, một thần hộ mệnh nhiều năm của cô ấy. Và tôi biết, cơ hội của tôi đã hé mở. Con đường mà tôi muốn đi đã mở lối. Dù có thể không hề suôn sẻ, nhưng còn đỡ hơn là không có lối để đi.

Bỗng dưng, nhớ đến chuyện Bằng Lăng bảo tuổi thơ cô ấy có nhiều thần hộ mệnh. Tôi khôn khéo ngỏ lời:

- “Mà anh bảo này, lực lượng thần hộ mệnh của Bằng Lăng hiện giờ có vẻ hơi mỏng. Có cần bổ sung thêm người không?”

Bằng Lăng đang vui bỗng đổi giọng buồn:

- “Ai lại chê thần hộ mệnh nhiều bao giờ. Nhưng mà muốn kiếm cũng chưa chắc có. Không dễ để gặp được một người sẵn sàng bảo vệ mình, che chở mình. Nếu mà có, cũng chưa chắc Bằng Lăng được may mắn hoài như vậy.”

Tôi gợi ý:

- “Thế nếu là anh thì có đạt yêu cầu không?”

Cô bé có vẻ ngạc nhiên và bất ngờ, nên bảo:

- “Anh Quân đừng có ghẹo Bằng Lăng nữa. Bằng Lăng dễ tin người, tưởng thật thì mắc công anh em trở mặt lắm à.”

Tôi trấn an:

- “Anh nói thật, không đùa. Dù sao với một cô bé con đơn giản như em, việc hộ mệnh cũng không quá sức với anh.”

Bằng Lăng vô tư xác nhận:

- “Thế thì xem như anh Quân tự nguyện đấy nhé. Đến lúc gặp phiền phức thì đừng có hối hận.”

Tôi gật gù, nhưng sau đó nhớ ra một việc, đó là cố gắng tránh vết xe đỗ của Quốc Đạt, vì danh xưng “anh lớn” mà mãi chẳng thể tiến xa hơn được với Bằng Lăng, nên tôi ra điều kiện:

- “Nhưng anh có một điều kiện là Bằng Lăng không được xem anh như anh lớn nữa. Và tuyệt đối không xưng “Út” với anh. Anh không muốn làm anh lớn, anh kết nghĩa, anh nuôi gì cả nhé. Chỉ là anh Quân thôi.”

Cô bé dường như chưa rõ dụng ý của tôi, nên phản ứng hơi chậm. Lát sau, Bằng Lăng cũng gật đầu, bảo:

- “Được thôi.”

Vậy là tôi thành công xác lập thân phận thần hộ mệnh thứ n của Bằng Lăng. Có thể, tại thời điểm ấy, đối với Bằng Lăng chỉ là một cuộc tán gẫu giết thời gian. Nhưng đối với tôi, đó lại là một cột mốc quan trọng. Nó đánh dấu sự mở đầu của hành trình đi tìm hạnh phúc của tôi. Đấy cũng là thời khắc tôi đưa ra quyết định táo bạo nhất cuộc đời mình, quyết định cho phép mình phá bỏ rào cản của bức tường thành cô độc mà tôi đã cất công xây dựng nên, để bảo vệ lấy tâm hồn từng bị tổn thương của mình. Đấy là thời điểm, tôi xác định được người con gái đang ngồi sau xe của tôi, chính là một nửa còn lại để tôi phấn đấu.

(Trích - Tập truyện ngắn: Sao trong mắt Em, Em trong mắt Anh)

Văn Tú


 

 

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...