Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

CÁNH TAY GẦY

Trưa nay đi trên đường, bỗng tôi gặp một cô bé khiến tôi chợt phải bồi hồi thốt lên, sao mà giống đến vậy. Một cô bé có thân hình nhỏ nhắn, tay áo xoắn lên khỏi khuỷu tay, ngồi phía sau xe một ông bác tóc đã hoa râm. Tóc cô bé buộc cao, vai mang chiếc ba lô nhỏ còn điệu đà treo thêm hai con thú bông nhỏ bên hông.

Điều ấn tượng của tôi khi nhìn thấy cô bé ấy là đâu đó giống hình bóng của một tôi trong quá khứ. Một cô bé gầy nhom, tay chân khẳng khiu, thích buộc tóc nhỏng đuôi gà, thích mặc áo sơ mi tay dài rồi xoắn lên đến khuỷu tay và thích treo thú bông trên cặp.

Nhìn lại mình của hiện tại, không có gì thay đổi nhiều so với hồi bé. Ngoài mấy nếp nhăn ương ngạnh xuất hiện như để báo hiệu tuổi đời của tôi cũng không còn trẻ trung gì thì chỉ còn khác ở chỗ không còn đủ trẻ con như xưa mà thôi. Cũng phải, ai rồi cũng sẽ lớn, cũng sẽ trưởng thành.

Cánh tay gầy của tôi cũng từng là trở ngại lớn khi tôi không ném nổi quả bi tạ trong môn thể dục. Cánh tay gầy của tôi cũng từng không nâng nổi bao lúa để đi chà gạo. Là con nhà nông, nên cha tôi cũng từng lo ngại tôi không thể làm việc nặng nhọc. Nhưng từ nhỏ, tôi cũng đã biết phụ giúp gia đình, những gì quá sức thì tôi chia nhỏ ra mà làm. Không xách được thùng nước lớn thì cũng chia thành hai xô nhỏ mà xách. Không rinh nổi bao lúa thì chia thành từng thúng mà bưng. Không vác nổi hai giạ gạo thì rinh một giạ cũng không sao. Việc gì người ta làm một lần là xong, mình làm một lần không được thì làm hai ba lần, thậm chí là năm sáu lần. Cứ như thế, bản thân học được cách làm việc cần mẫn, lấy sự kiên trì để bù vào khiếm khuyết.

Cánh tay gầy của tôi cũng từng không nâng nổi con, phải nhờ mẹ phụ đỡ lên giúp. Rồi dần dần, tay chân cũng bớt lóng ngóng, ẵm con thành thục, biết thế đỡ con gọn gàng mà không mất sức. Khi con lớn, lâu lâu lại muốn được mẹ bồng, cánh tay gầy của tôi cũng từng không bế nổi con, phải nhờ con nhảy lên để trợ lực nâng cho tôi. Và rồi tôi lại học được sự kiên nhẫn với trẻ con, những tâm hồn mong manh cần được thương yêu và âu yếm. Tôi nhận ra rằng, con trẻ trở nên biết quan tâm người khác khi bậc làm cha mẹ chịu khó lắng nghe và siêng năng phản hồi lại với con. Lúc trước, cứ nghĩ rằng con cũng mê điện thoại, sẵn sàng ăn vạ khi không được cho xem. Nhưng không, khi chúng ta quan tâm đến trẻ, bọn trẻ sẵn sàng quăng điện thoại ra một xó để được trò chuyện cùng bạn, chơi với bạn, hay thậm chí chỉ đơn giản là quấn quít bên bạn.

Tôi không bao giờ nghĩ mình chính là người gánh vác chuyện gia đình, cũng chưa từng so bì việc phải làm là nhiều hay ít, lại càng không nghĩ đấy là gánh nặng. Bởi vì tôi luôn cho rằng gia đình là cùng nhau xây dựng. Mái ấm là chung tay vun đắp. Một khi có so sánh là đã có nghi ngờ. Việc nhà chỉ là những việc vặt vãnh nhưng lại nhiều vô kể. Thế nên người này không làm thì người kia sẽ làm. Làm cùng nhau thì thêm phần gắn kết. Còn không được giúp thì hãy tự mình làm, hãy thông cảm cho nhau một chút, chia sẻ khó khăn vì nhau một chút. Vậy là mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đấy. Cánh tay gầy của tôi cũng từng chẳng nề hà mà bê thùng nước 21 lít vào nhà. Cánh tay gầy của tôi cũng từng chở che và dìu dắt con tập đi. Cánh tay gầy của tôi từng thay ba của bọn trẻ sửa xe hay lắp ráp cầu tuột cho con. Những khoảnh khắc như thế, cực hay không cũng không sao. Khi nhìn thấy sự mong chờ và hào hứng của con cái, khi nghĩ đến ánh mắt ngây thơ và niềm vui sướng của con, sự cực khổ tự dưng lại trở nên nhỏ nhặt vô cùng.

Và cánh tay gầy của tôi từng đưa không ít chuyến đò tri thức, tiễn chân các bạn sinh viên qua bên bờ tương lai với những chặng đường quan trọng như đồ án, thực tập, khóa luận tốt nghiệp. Cánh tay ấy cũng từng là điểm tựa, là la bàn chỉ hướng cho các em tìm thấy nguồn tri thức mới, đột phá ở bản thân. Cánh tay ấy cũng từng cho các em cảm giác ấm áp của sự an toàn, dìu bước các em trong những ngày chập chững vào ngành ở ngưỡng cửa đại học. Cánh tay ấy từng xông xáo kéo các em vực dậy tinh thần, làm gương cho các em không bỏ cuộc cho dù bản thân thì buộc phải nằm trên giường suốt ba tháng trời không được đi lại. Cánh tay ấy lại cũng từng nghiêm khắc không chìa ra để các em học cách tự lực, tự khám phá giới hạn của bản thân. Cánh tay ấy cũng từng chơi vơi giữa không trung khi lo lắng các em vấp ngã. Cánh tay gầy ấy cũng từng quẹt những giọt nước mắt vì cảm động hay vì những lần chia xa chưa biết khi nào sẽ gặp lại những người học trò của mình mỗi lần dự lễ tốt nghiệp.

Sự bào mòn của thời gian khiến mọi thứ dần dần trở nên già đi. Nhìn xuống đôi bàn tay gân guốc, các đốt ngón tay nhăn nheo, chẳng còn mượt mà, mềm mại của tuổi xuân thì. Đôi bàn tay ấy lại chẳng từng được nuôi móng dài, chưa từng được trang điểm hay vẽ vời như các bạn trẻ bây giờ. Nhưng tôi lại thấy thương và hài lòng vô cùng. Cánh tay gầy ấy, mặc dù mỏng manh và nhỏ bé thôi, nhưng cũng mang đến những điều giá trị và đã góp phần tạo nên một tôi rất riêng. Một cô giáo, một người viết, vẫn miệt mài với niềm đam mê, lý tưởng và công việc của chính mình.

Văn Tú.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...