Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

VỢ SẼ LÀ TÌNH MỚI CỦA ANH

Trong ký ức ấy, không chỉ tôi, mà cả lớp 12A4 chúng tôi, ai cũng không khỏi khâm phục cô bạn ấy – Thùy Linh. Một cô bạn dáng người nhỏ nhắn, thân hình mảnh mai nhưng giàu nghị lực và có lòng kiên nhẫn phi thường. Tuy nhiên, ban đầu cô ấy không dễ gì có được cảm tình của chúng tôi, nếu không muốn nói là bị chúng tôi ghét bỏ và cô lập.

Lúc ấy, vào đầu năm học lớp mười hai, cả lớp chúng tôi vui mừng gặp lại nhau sau những tháng ngày nghỉ hè. Chỉ riêng một cô bạn chúng tôi không thân mấy mặc dù biết tên, từ lớp láng giềng năm lớp mười một chuyển sang, cô ấy ngồi im, không nói gì đến ai. Vào năm học trước, lớp của cô bạn này có chút xích mích với đội cờ đỏ của lớp tôi. Lúc trước, lớp ấy luôn là lớp đứng đầu khối mười một về xếp hạng thi đua tuần, cả về học lực hai năm liền cũng dẫn đầu. Có một lần, lớp đó không đồng ý với điểm trực nhật mà đội cờ đỏ lớp tôi chấm, nên đôi bên kéo lên phòng làm việc của thầy Tổng phụ trách để giải quyết khiếu nại. Năm học này, riêng chỉ có lớp của cô bạn ấy có một vài học sinh giỏi bị tách ra, chuyển đến các lớp khác. Các lớp còn lại thì giữ nguyên thành viên cũ.

Vì thế, khi cô bạn ấy được chuyển sang lớp tôi, chúng tôi cũng không có mấy thiện cảm. Hơn thế nữa, cô chủ nhiệm của chúng tôi còn đề cử bạn ấy làm lớp phó học tập của lớp. Bởi học lực của bạn ấy còn cao hơn cả Thanh - thần tượng của chúng tôi hai năm qua, chính là lớp phó học tập cũ của lớp. Mặc dù bạn ấy cũng xin phép cô không nhận chức vụ, mặc dù lớp tôi cũng xin cô giữ lại lớp phó cũ, nhưng lớp phó cũ của chúng tôi thì lại đồng ý với quyết định của cô. Trước áp lực đó, cô chủ nhiệm nói:

- “Cô không phải không tin tưởng các em, cũng không phải không tin tưởng Thanh. Mà cô muốn đề cử Linh vì cô muốn lớp chúng ta có thêm luồng gió mới, tinh thần mới cho năm học quyết định này. Mặc dù Linh chưa quen với lớp chúng ta, nhưng Linh có khả năng giúp lớp chúng ta đi lên, vì bạn ấy có kinh nghiệm từ lớp cũ. Cô biết hai năm qua, Linh cũng không đảm nhận chức vụ gì trong lớp của bạn ấy, nhưng bạn ấy là một trong những học sinh ưu tú nhất và đã giúp nhiều bạn trong lớp của bạn ấy học tốt. Lớp chúng ta hãy hợp tác với bạn ấy trong vòng một tháng, cô sẽ đồng ý với lớp, để Thanh làm lại lớp phó. Bây giờ, cô muốn Thanh hỗ trợ Linh trong quản lý và đốc thúc các bạn; Thành làm lớp trưởng, quản lý lớp và phối hợp cùng Linh thực hiện các biện pháp giúp lớp tiến bộ. Nếu các em không hết lòng phối hợp, cô sẽ giữ nguyên thành phần ban cán sự hôm nay cho đến hết năm học dù kết quả ra sao.

Một tháng sau đó là cả quá trình đấu tranh tư tưởng của chúng tôi. Lúc đầu, chúng tôi đều không hợp tác với Linh. Những chủ trương mà bạn ấy đưa ra, chúng tôi mặc kệ. Chúng tôi chấp nhận đóng tiền phạt vào quỹ lớp, cũng không chịu học bài, cũng không kiểm tra bài chéo lẫn nhau. Mục đích của chúng tôi là để tình hình lớp tệ hơn, để cô thay đổi quyết định. Nhưng chúng tôi chỉ là những học sinh cấp ba, sống phụ thuộc gia đình, một môn học không thuộc bài phải đóng quỹ lớp năm nghìn đồng thì còn được. Nhưng mỗi ngày, chúng tôi học khoảng ba môn, số tiền đóng phạt ngày càng nhiều thì chúng tôi không cách nào đóng nổi. Nhiều đứa cũng bắt đầu lung lay. Có đứa còn bị ba mẹ phạt đòn vì không thuộc bài, bị cắt tiền ăn quà vặt. Rồi một vài đứa trong chúng tôi đành phải học bài để khỏi bị đóng phạt. Người hay bị gọi lên trả bài nhất lớp vì tiền sử mang nhãn “siêu lười”, không chịu học bài, lần đầu tiên nhận được điểm bảy trong đời học sinh trung học phổ thông rớt giọt nước mắt vì sung sướng.

Ba tuần sau cam kết với cô chủ nhiệm, Linh đã đưa lớp chúng tôi từ hạng sáu trong các lớp khối 12A lên đứng hạng ba toàn khối. Chúng tôi bất chấp đang là buổi chào cờ đầu tuần, vừa nghe công bố, cả lớp đã đứng dậy hò reo. Nhưng nhìn quanh thì không thấy Linh đâu. Sau buổi chào cờ, cô chủ nhiệm đến thăm lớp trong giờ chuyển tiết, lớp chúng tôi quên luôn những gì không hài lòng về quyết định ban đầu của cô, chúng tôi vây quanh cô, có đứa òa khóc. Nhưng sau đó, cô chủ nhiệm thông báo rằng phụ huynh của Linh gọi điện xin cho bạn ấy nghỉ một hôm vì bệnh nặng. Chúng tôi còn dự định hết buổi học sẽ đến nhà thăm bạn ấy, nhưng sau khi cô rời lớp không lâu thì Linh vào, mặt nhợt nhạt. Sau khi hay tin lớp chúng tôi được tuyên dương, Linh nói:

- “Đó là vì trước đây các bạn chưa thực sự cố gắng!”

Đúng vậy, nhờ có Linh, chúng tôi mới biết, chúng tôi có thể làm được những điều tưởng chừng như quá sức. Khả năng của bản thân, là phải tự mình khám phá. Tự dưng trong lòng tôi lúc ấy, cảm phục bạn ấy vô cùng. Ai ai trong chúng tôi cũng bắt đầu có suy nghĩ khác về Linh. Bạn ấy quả thật có thể thay đổi chúng tôi.

Giờ chơi hôm ấy, là một giờ chơi mà tôi nhớ nhất trong cuộc đời học sinh của mình. Cô chủ nhiệm vừa hay tin Linh vào học nên cũng ghé thăm. Khi cô về, Linh còn bệnh nên gục trên bàn, lớp chúng tôi chỉ còn vài đứa ở lại, đa số đã đi căn-tin, tôi và bạn cùng bàn đang ôn bài. Chúng tôi giật mình ngẩng đầu lên vì có vài người lạ bước vào lớp, lớn tiếng la hét, tìm Toàn, chính là “siêu lười” của lớp. Từ ngày đạt điểm bảy đầu tiên, Toàn chăm chỉ hơn, thường ở lại ôn bài trong giờ ra chơi. Hai bên cãi nhau gì đấy. Thấy Toàn có vẻ yếu thế, tôi bước ra can ngăn, nhưng Linh ngồi trước tôi một bàn cũng đồng thời bước tới trước ngăn cản. Thế nhưng đám người lạ kia vẫn xông tới. Một người trong số họ lấy sợi dây xích giấu trong người ra quất vun vút. Linh vừa bảo cô bạn ngồi cùng bàn chạy lên phòng giáo viên báo với thầy cô thì tôi cũng vừa tiến đến chỗ họ và kéo Toàn lùi lại. Trong lớp lúc ấy chỉ còn mỗi mình tôi và Toàn là con trai, phòng giáo viên xa quá, chắc là không kịp, Linh kêu một bạn chạy ra ngoài tìm lớp trưởng. Bên trong lớp, tôi và Toàn vẫn đang giằng co với bọn người lạ. Mục tiêu của bọn họ là Toàn, nên họ cũng không tấn công vào Linh, chỉ xô cô ấy sang một bên. Mâu thuẫn càng lúc càng lớn, không ai chịu nghe ai nói. Bọn họ bắt đầu động thủ thật sự. Hung khí vô tình, người dùng hữu ý, tên cầm dây xích quất mạnh về phía Toàn và tôi. Theo quán tính, tôi kéo Toàn lùi lại. Chúng tôi tránh được đòn đầu tiên. Tên hành hung lại tiếp tục ra đòn thứ hai. Khi dây xích được quất tới, Linh bất ngờ chạy tới quyết tâm can ngăn. Vừa lúc các bạn và lớp trưởng quay lại, thì tay của Linh đã bị đánh trúng, bầm đen một vệt dài do đỡ thay cho chúng tôi. Thành và một số bạn nam khác đứng chắn trước mặt Linh. Tôi và Toàn đỡ Linh ở phía sau. Bọn họ thấy chúng tôi đông người nên cũng lùi lại. Lát sau cô chủ nhiệm cùng thầy Hiệu trưởng, thầy Tổng phụ trách và chú bảo vệ đến giải quyết.

Sau lần đó, lớp tôi ai cũng khâm phục sự gan dạ và nhanh trí của Linh, càng ủng hộ và nghe lời Linh hơn. Nhưng riêng tôi, thì gọi đó là sự liều lĩnh. Linh mặc kệ, vẫn cười cho qua. Còn chúng tôi thì cứ trách Toàn không chọn bạn mà chơi. Linh thì vẫn phân công vài đứa con trai trong chúng tôi thay phiên nhau cùng Linh hộ tống Toàn suốt nhiều ngày liền. Toàn gọi đó là sự phiền phức. Linh cũng mặc kệ, vẫn cứ thế mà làm.

Vào một buổi trưa, tôi theo sự phân công của Linh, cùng Linh hộ tống Toàn về nhà. Nói là hộ tống nhưng thật ra chỉ là chúng tôi cùng đi với Toàn cho có bạn, đông người thì bọn người kia nếu có ghi thù cũng không dám manh động. Sau khi Toàn vào nhà thì tôi và Linh tiếp tục về nhà. Nhà tôi và nhà Linh cùng đường thêm một đoạn nữa, cả hai đạp xe bên nhau cũng ít khi trò chuyện. Tôi lại là đứa trầm tính nên lại càng khó bắt chuyện. Linh hỏi thì tôi trả lời. Nhưng Linh thì lại là người hòa đồng và kiên nhẫn. Tôi cũng biết nói chuyện với tôi thì chán lắm nhưng Linh thì vẫn cố tìm chuyện này chuyện kia để nói với tôi. Linh đùa:

- “Toàn thì cứng đầu, còn Quân thì cứng miệng hé. Khó khai khẩu cho Quân thiệt đó.”

Tôi cũng chỉ cười trừ chứ không đáp lại. Tôi ít khi hoạnh họe người khác. Nhưng đúng là cô bạn này có chút đặc biệt. Ánh mắt nhiệt huyết, trong veo. Mái tóc dài buộc gọn. Dáng người nhỏ nhắn, trông có vẻ mong manh thế mà lại lì đòn hết cỡ. Nghiêng qua nhìn cô ấy, chợt tôi cảm thấy tâm hồn mình như được tưới mát bởi một sự trong trẻo, đáng yêu. Ác cảm ban đầu đối với con bé lớp bạn cũng tự dưng tan biến.

Tuần cuối cùng trong “hiệp ước” với cô chủ nhiệm cũng qua, lớp chúng tôi đúng lý là đứng đầu khối nhưng vì có sự cố ấy mà bị hạ xuống hạng hai. Chúng tôi không ai muốn nhắc đến cái hiệp ước đó nữa. Nhưng chính Linh và cô chủ nhiệm đã nhắc trước. Sau buổi họp lớp, dù tình hình lớp khả quan hơn, nhưng Linh vẫn từ chức. Thanh trở lại làm lớp phó học tập. Nhưng Linh vẫn hỗ trợ Thanh cho đến hết năm học ấy. Tôi và Linh cũng cởi mở và nói chuyện với nhau nhiều hơn. Có lẽ, Linh là người duy nhất trong lớp mà tôi nói chuyện nhiều nhất, và gần gũi nhất. Tôi cũng thích cảm giác học cùng Linh.

Cũng sau lần đó, cả lớp chúng tôi bao gồm cả Linh cũng hòa đồng hơn. Không còn phân biệt hay chia rẽ nữa. Mùa hè đến là lúc học sinh khối 12 càng siết chặt lịch học và tăng cường giờ học. Những buổi ra chơi không còn đi căn-tin. Nhiều đứa phải ở lại trường để tham gia ôn luyện buổi chiều vì nhà xa. Tôi và Linh cũng ở lại.

Nắng sân trường vàng ươm, nhưng góc sân thì tím cả một vùng vì hoa bằng lăng đang mùa khai nở. Cả hai cùng ngồi trên ghế đá bên gốc bằng lăng ôn bài. Một cánh hoa rơi lên sách Linh đang đọc, cô ấy nhẹ nhàng ép vào trang sách làm kỷ niệm. Chợt Linh nói:

- “Quân sau này sẽ học ngành gì?”

Tôi đáp:

- “Quân chưa chọn được. Vậy còn Linh?”

Linh hào hứng nói về ngành học tương lai:

- “Linh sẽ học ngành quản trị nhân sự. Linh thích tìm hiểu về con người và phát triển bản thân.”

Tôi cũng ủng hộ, tiếp lời:

- “Phải, Quân thấy Linh cũng hợp với ngành này. Linh biết cách điều hành lớp và cả thấu hiểu tâm tư người khác nữa.”

- “Nhưng mà vẫn chưa hiểu hết được Quân.”– Linh tiếp.

Tôi cười, bảo:

- “Quân có gì đâu mà khó hiểu. Một người đơn giản, ít nói, không có gì đặc biệt.”

- “Sao Quân lại nói vậy. Linh thấy Quân rất chăm chỉ, trầm tính nhưng mà biết quan tâm người khác. Nếu mà chưa nghĩ ra sẽ học ngành gì, hay là học cùng trường với Linh đi. Bạn bè đi xa có nhau, dễ giúp đỡ hơn.”

Tôi cũng gật đầu đồng ý, trong lòng cũng định hình được mình sẽ học gì và trường nào rồi. Bởi vì tôi vẫn muốn tiếp tục ở bên cạnh cô bạn này thêm ít năm nữa.

Một lần nọ, tôi mượn quyển vở của Linh để tra đáp án bài giải. Linh là người giỏi nhất lớp tôi. Giải xong bài tập, muốn biết có đúng không mà không cần hỏi thầy cô thì chỉ có thể là xem bài giải của Linh sẽ biết ngay thôi. Linh viết chữ rất đẹp, bài làm cũng rất cẩn thận và diễn giải tỉ mỉ. Không chỉ tôi, mà cũng có nhiều bạn khác cũng thường mượn vở của Linh để so đáp án. Nhưng hôm ấy, trước tôi đã có một bạn đến mượn tập, Linh bảo rằng chưa làm xong. Tôi ngồi sau lưng Linh cũng vừa định mượn, nghe Linh trả lời với bạn kia như thế nên tôi cũng không mở lời. Thế nhưng lát sau, Linh quay xuống, đưa cho tôi cuốn tập của Linh. Tôi hơi bất ngờ vì ban nãy Linh vừa từ chối người khác nhưng giờ lại chủ động cho tôi mượn tập. Quyển tập hôm nay của Linh là lạ, có một trang hơi phồng lên, đúng ngay trang tôi cần tra bài. Là một tấm thiệp đặt trong bì thư màu tím, trang trí hoa văn và một bông hoa cẩm tú cầu tự vẽ. Góc dưới đề hai chữ: “Gửi Quân”. Sau khi nhìn thấy hai chữ ấy, tự dưng tôi như một kẻ lén lúc, lập tức khép quyển tập lại như để che giấu điều gì đấy, nhìn về phía Linh vẫn đang ngồi chăm chú làm bài ở bàn trên như không hề có chuyện gì đặc biệt. Tôi ngó nghiêng xem có ai để ý không. Sau khi xác định không có ai đang nhìn, tôi nhanh chóng cất bao thư vào cặp mình. Cả buổi học hôm ấy, trong lòng tôi cứ xao xuyến khó tả, chỉ mong sao buổi học kết thúc để tôi có thể tìm một nơi yên tĩnh vắng người và mở xem Linh viết gì trong đó.

Sau khi tan lớp, tôi cố tình thu dọn tập sách chậm chạp hơn thường ngày, chờ cho mọi người về hết mới mở bao thư ra xem. Là nét chữ của Linh. Một tấm thiệp trang trí rất xinh xắn, những cánh hoa bằng lăng ép khô được dán cẩn thận ở một góc thiệp thành hình hai chú bướm đang bay trên một chùm hoa. Dòng đầu tiên, Linh viết: “Happy birthday to Quan”. Ôi, sao Linh lại biết hôm nay là sinh nhật của tôi nhỉ. Tôi chưa từng nói với ai trong lớp về ngày sinh của mình. Có lẽ, lúc Linh còn làm lớp phó học tập, từng có đặc quyền xem danh sách lớp có ngày sinh của các thành viên chăng. Nếu là lúc ấy, hẳn là Linh đã ghi chú lại rồi. Vì đã lâu lắm rồi mà, từ đầu năm học lận. Thì ra những lần nhặt cánh bằng lăng rơi là vì để trang trí tấm thiệp mừng sinh nhật này đây. Phía sau là một đoạn chúc của Linh, kèm theo hai câu thơ:

“Bằng lăng hỡi sao mà cứ rơi mãi

Chẳng níu nổi cành, hay muốn gió cuốn đi?”

Đọc xong hai câu thơ, tôi bỗng nghe lòng mình xót xa đến lạ. Tôi chưa bao giờ vương vấn suy tư về sự ra đi của những cánh bằng lăng. Tôi chỉ nghĩ đó là quy luật của cuộc sống. Hoa nở rồi hoa sẽ tàn. Dù có muốn ở lại cùng cành thì nào có được đâu. Hoa đã không thể lựa chọn được con đường của mình, nhưng tôi thì lại khác. Những điều muốn, tôi có thể phấn đấu và nắm giữ.

Cẩn thận gấp tấm thiệp, bỏ vào bì thư rồi đặt trong chiếc cặp đi học mỗi ngày của mình. Tôi kéo dây kéo cặp lại rồi đứng dậy bước ra về. Lòng vẫn mơn man suy nghĩ và có chút vui mừng hí hửng về món quà bất ngờ từ Linh. Bước xuống nhà xe, sân trường hầu như thưa thớt người. Giờ này học sinh hoặc là về nhà ăn cơm, số ở lại học buổi chiều thì cũng đi mua cơm. Tôi dắt xe ra cổng để tìm một quán cơm. Vừa ra khỏi cổng được vài trăm mét, tôi đã thấy Linh đang lui cui với chiếc xe đạp bị hư. Tôi thắng xe lại, hỏi:

- “Xe bị sao vậy Linh?”

- “Hình như bị sút sên rồi, mà hộp sên kín, Linh không gắn vào được.”

Thế là tôi cho Linh quá giang. Linh ngồi phía sau xe tôi, một tay vịnh lấy cổ xe của cô ấy để dẫn theo. Tôi cũng đạp chậm rãi hơn một chút vì lo cô ấy ngồi phía sau khó giữ cho chiếc xe đạp hư di chuyển theo cùng. Chúng tôi đi được thêm khoảng năm trăm mét thì cũng có tiệm sửa xe. Vì cũng đã xế trưa, chúng tôi cần tiết kiệm thời gian đi ăn cơm để chiều còn học tiếp nên Linh gửi xe lại cho chủ tiệm sửa, rồi sau đó tôi chở Linh đến quán cơm phần. Cả hai chọn món rồi tìm bàn trống để ngồi. Linh chọn tàu hủ dồn thịt. Cô ấy bảo rất thích món này. Tôi thì không kén chọn món ăn lắm, chỉ cần có món mặn, canh rau là tôi thấy ổn.

Mùa hè, nắng đó rồi mưa đó. Trên đường trở về trời đón chúng tôi bằng cơn mưa bất chợt. Cả hai chúng tôi đều có mang áo mưa riêng, nhưng vì tôi chở Linh ngồi phía sau nên Linh chỉ cần che nhờ vạt áo mưa của tôi là được. Linh ngồi sau lúc đầu thì vịnh vào yên xe. Nhưng có lẽ là vì bị che bên trong nên Linh mất cảm giác an toàn và loạng choạng. Sau một lúc thì cô ấy chuyển tay từ vịnh yên xe thành vịnh áo tôi.

Lần đầu tiên, tôi và Linh gần nhau đến như vậy. Linh nói:

- “Trong này hơi tối, Linh cần điểm an toàn để bám. Quân thông cảm nghen!”

Tôi mỉm cười, nhẹ nhàng bảo:

- “Không sao, vịnh chắc vào.”

Linh tiếp lời:

- “Vậy Linh không khách sáo à nha!”

Sau câu nói ấy, tôi cảm giác được Linh nắm chặt hơn và vịnh hẳn vào sau lưng tôi. Khoảng mười lăm phút sau thì chúng tôi đến tiệm sửa xe mà lúc nãy Linh đã gửi xe lại. Xe của Linh đã sửa xong, Linh mở cặp lấy áo mưa ra mặc vào rồi đi tiếp cùng tôi về trường.

Sau lần ấy, chúng tôi có lẽ là thân thêm được một bước dài. Linh và tôi khắn khít cùng nhau hơn. Rồi từ từ tình cảm vượt ra khỏi sự cảm mến và rung động hồi nào cũng không hề hay biết.

Lên đại học, tôi và Linh học chung trường, Linh học ngành quản trị nhân sự, còn tôi học ngành công nghệ thực phẩm. Cả hai thuê cùng nhà trọ và cạnh phòng nhau để tiện bề giúp đỡ nhau hơn. Nhà trọ cũng gần trường, thi thoảng chúng tôi mới đi xe đạp qua trường, còn bình thường thì chúng tôi chỉ đi bộ. Vào đầu học kỳ một của năm nhất, tôi và Linh tốn khá nhiều thời gian để làm quen và thích nghi với môi trường học đại học. Linh có lịch học giáo dục quốc phòng trước tôi. Cô ấy cứ đi mỗi ngày hai buổi liên tục trong tuần và kéo dài cả tháng trời. Càng dần về sau, tôi càng thấy Linh có vẻ mệt mỏi, lòng bỗng nhiên thấy xót xa vô cùng. Cũng chẳng biết làm gì để giúp cô ấy, chỉ biết cố gắng mỗi ngày cùng đi bên cạnh, cứ hễ hết tiết là cả hai lại chờ nhau ở cổng trường để cùng về nhà trọ.

Một hôm, do tôi không có lịch học chiều nên Linh đi học một mình. Chiều tối, tôi cũng định ghé tiệm cơm gần trường mua về ăn, sẵn tiện chờ Linh tan lớp về chung. Nhưng hôm nay, tôi không gặp được Linh ở cổng. Chờ mãi không thấy nên tôi đi vào trong tìm. Khu thực hành giáo dục quốc phòng khá là âm u, hàng cây dương san sát nhau càng làm cho không gian thêm trầm mặc. Trời càng về tối, sương xuống nhiều nên khí lạnh bao quanh. Không có người nào ở đó cả. Tôi gọi cho Linh, nhưng cô ấy không nghe máy, điện thoại vẫn đổ chuông. Tôi kiên nhẫn vừa gọi vừa chạy đi tìm. Lát sau có người bắt máy nhưng không phải tiếng Linh, giọng một người nam, có phần hơi xấc xược và khiếm nhã. Nghe tiếng vọng vào thì ở đó có tiếng giằng co, nhiều người nam khác và có cả tiếng của Linh. Tôi nghe loáng thoáng có tiếng xe bóp còi, nghĩ là Linh đã ra về bằng cổng khác mà tôi không biết nên mới bỏ lỡ cô ấy. Tôi vừa chạy vừa cố ý kéo dài thời gian và bật dò tìm định vị của cô ấy. Vị trí của Linh cách trường không xa, nhưng là ngược hướng với đường về nhà trọ.

Cuối cùng thì tôi cũng chạy đến nơi. Linh đang bị một đám côn đồ bao quanh chọc ghẹo. Ngõ hẻm vắng tanh không người. Cách đường lớn tầm một trăm mét. Tôi chạy đến bên Linh và bảo vệ cho cô ấy. Việc gì đến rồi cũng đến, bọn chúng đông người và manh động, trong khi tôi còn chưa kịp nói gì, bọn chúng đã ra tay ẩu đả. Tôi bị một tên trong số đó đấm một cú mạnh vào mặt làm tôi loạng choạng. Chưa bao giờ tôi thấy mình vô dụng đến như thế. Đến bảo vệ một người con gái yếu đuối cũng không xong. Bọn chúng còn cười cợt nhã, lăng mạ tôi. Trong lúc bọn chúng đang vây đánh tôi thì Linh nhanh trí hô hoán lên, giả vờ cầm điện thoại lên như đang báo án với công an. Bọn chúng nghe thấy thế cũng nhanh chóng rút lui sau khi chỉ chỏ cảnh cáo chúng tôi.

Linh lúc ấy mới chạy đến đỡ tôi đứng dậy. Nhìn vết bầm trên má và khóe miệng rướm máu của tôi, đột nhiên cô ấy ôm chầm lấy tôi rồi khóc nức nở. Có lẽ vừa sợ, vừa uất ức, và vừa bất lực nữa, Linh khóc rất to, tôi khuyên thế nào cũng không nín. Chỉ đến khi tôi dùng hết can đảm, choàng tay ra sau lưng cô ấy, đáp lại cái ôm uất nghẹn thì cô ấy mới dần bình tĩnh lại và nín khóc. Linh từ nãy giờ vẫn sụt sùi, dụi mặt vào ngực tôi mà khóc, đến lúc cảm nhận được hơi ấm từ đôi bàn tay tôi đan sau lưng thì cô ấy ngẩng đầu lên nhìn tôi lần nữa. Tôi buông một tay ra để lau giọt nước mắt còn lăn dài trên má Linh, bảo:

- “Không sao rồi. Về thôi.”

Linh như cũng biết tôi lo lắng, bảo:

- “Linh xin lỗi nhé. Hôm nay thầy cho nghỉ sớm. Linh về nhà trọ của bạn cùng lớp, bạn ấy ở trọ trong hẻm này. Bọn mình định cùng nhau ôn tập chuẩn bị thi.”

Tôi từ tốn an ủi:

- “Linh không sao là Quân yên tâm rồi. Mai mốt thân gái một mình, đừng có đi lung tung nữa.”

Linh gật đầu, buông tay ra, rồi cùng tôi về nhà trọ. Cô ấy mua bông gòn và nước rửa vết thương để sát trùng cho tôi. Tối đó là một tối vô cùng đặc biệt, mà tôi cho rằng mình sẽ nhớ đến suốt cuộc đời này. Hành động chăm sóc, cử chỉ lo lắng, xót xa vì vết thương khá nặng, Linh lại một lần nữa tiến sát gần đến tôi. Mùi hương thơm nhè nhẹ toát ra từ người cô ấy làm tôi như quên đi cơn đau trên mặt mình. Sau khi sát trùng xong vết thương, Linh bất ngờ hôn lên má tôi một cái rồi chạy nhanh về phòng. Tối đó, tôi lâng lâng khó tả, cứ nằm lăn qua lăn lại nghĩ kỹ càng về hành động của Linh để xác nhận xem điều cô ấy thể hiện có giống với những gì tôi đang nghĩ và cảm nhận không.

Sáng hôm sau, tờ mờ sáng, tôi đã ra đứng trước cửa phòng Linh, chờ cô ấy xuất hiện. Sáu giờ ba mươi phút sáng, Linh mở cửa bước ra, trang phục đi học chỉnh tề. Cửa vừa kéo mở, Linh bất ngờ khi thấy tôi đứng đó tự bao giờ. Có lẽ vì nụ hôn hôm qua vẫn còn sâu đậm trong trí nhớ, Linh có phần ngượng ngùng, né tránh ánh mắt của tôi, cô ấy hỏi:

- “Mới sáng sớm, Quân làm gì đứng đây? Làm Linh giật mình hà.”

Tôi không nói gì, lấy hết can đảm, tiến lên một bước gần như chạm vào người Linh. Linh thụt lùi vào trong. Tôi theo đó tiến vào phòng và dùng tay đóng cửa lại. Linh lùi bao nhiêu bước thì tôi tiến bấy nhiêu bước. Cho đến khi lưng Linh chạm vào tường, cô ấy đứng im, mặt vẫn hơi né tránh, cô ấy nói nhỏ:

- “Quân hôm nay sao lạ thế?”

Tôi một tay chống lên tường để chắn không cho Linh né tránh nữa, một tay từ từ nâng nhẹ mặt cô ấy lên để ánh mắt có thể nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi nói:

- “Quân muốn Linh xác nhận một chuyện. Xem đó có phải là định luật mới hay chỉ là nhất thời cảm hứng?”

Cuối cùng thì Linh cũng dịu dàng mỉm cười rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, tay không còn bám vào tường nữa mà đưa lên gỡ lấy bàn tay tôi xuống khỏi gương mặt trái xoan rồi đan ngón tay vào bàn tay tôi, bảo:

- “Quân đoán xem?”

 Nhìn bàn tay nhỏ nhắn, lành lạnh có lẽ vì hồi hộp đang siết chặt lấy tay mình, tôi coi như xác định được tình cảm ấy chính xác là gì. Tôi cũng nở một nụ cười hạnh phúc đáp lại, đồng thời cũng siết chặt tay mình hơn. Hai ánh mắt trìu mến nhìn nhau, tôi cũng nhẹ nhàng đặt lên trán Linh một nụ hôn thay lời ước hẹn và xác lập một định luật giữa chúng tôi, định luật mang tên tình yêu.

Tình yêu của chúng tôi êm đềm, bền bỉ và không kém phần ngọt ngào. Chỉ trừ việc khiến chúng tôi lo lắng đó chính là ngay từ đầu, ba mẹ Linh đã không muốn chúng tôi quen nhau. Ba mẹ Linh muốn cô ấy chuyên tâm lo việc học và quen người cùng ngành hoặc cùng công ty sau này đi làm để dễ bề chăm sóc nhau. Tuy nhiên, vì Linh là con gái duy nhất của ông bà, lại đi học xa nên ba mẹ Linh cũng không yên tâm. Cũng chỉ có tôi là bạn học thời phổ thông, chơi thân với Linh, lại ở cùng nhà trọ, cũng là một lựa chọn gửi gắm trông nôm con gái tạm thời giúp họ. Nhờ vậy mà chúng tôi không bị phản đối kịch liệt. Người lớn thì nghĩ chúng tôi tự chăm sóc cho nhau ở giai đoạn này. Còn chúng tôi thì lại nuôi hy vọng, tấm chân tình mà hai đứa dành cho nhau sẽ làm thay đổi suy nghĩ của ba mẹ cô ấy. Rồi sẽ thuyết phục được ba mẹ cô ấy chấp nhận và cho phép chúng tôi kết hôn sau khi ra trường.

Bên nhau như thế tận bốn năm học đại học. Cho đến khi ra trường được ba tháng rồi mà tôi chưa xin được việc làm. Trong khi đó, Linh được gọi đi làm ngay sau khi ra trường. Công ty Linh làm việc là một công ty về tư vấn thiết kế nội thất. Đó là công ty của một người bạn cũ của ba Linh.

Sau đó, tôi có giấy báo gọi đi nhập ngũ. Thời gian huấn luyện và kỹ luật trong quân đội khiến tôi không thể bên cạnh, cũng như là nhắn tin hay gọi điện thường xuyên cho Linh. Nhưng cô ấy rất thông cảm và động viên tôi cố gắng. Ấy vậy mà khoảng một năm sau, Linh bất ngờ nói lời chia tay với tôi và báo sẽ kết hôn với con của giám đốc công ty nơi cô đang làm. Chồng của cô ấy lúc đó chỉ mới là một nhà thiết kế nội thất. Cô ấy bảo rằng Long – chồng của cô ấy – cũng giúp đỡ rất nhiều lúc cô ấy mới bắt đầu vào làm tại công ty của ba anh. Long cũng đã nghe nói về cô thông qua lời kể của ba mình và ba của Linh. Long cũng rất mong chờ ngày gặp mặt. Vì ba của Long và ba của Linh là bạn thân với nhau, Long được cho xem hình của Linh trước đó rất nhiều lần. Còn về Long, vì để cuộc gặp mặt lần đầu tiên được diễn ra một cách tự nhiên và không ngượng nghịu, nên ba của Linh đều không giới thiệu trước. Chỉ đến khi Linh tốt nghiệp, ra trường đi làm ở công ty của ba Long thì cô mới gặp Long. Tiếp xúc hàng ngày, lại thêm Long cũng nhiều lần hỗ trợ Linh trong việc quản lý nhân sự trong công ty. Linh cũng có thiện cảm với Long rất nhiều. Khoảng thời gian ấy, tôi lại bắt đầu nhập ngũ và thưa dần việc liên lạc làm cho Linh cảm thấy chơi vơi. Nghĩ về tương lai mờ mịt, Linh lung lay cũng là chuyện dễ hiểu và dễ thông cảm. Trong khi đó, Long lại là người sôi nổi, rất biết làm vừa lòng người khác, lại yêu chiều Linh như thế, sao mà không rung động được kia chứ.

Ngày Linh đám cưới, tôi không xin được ngày phép nên không thể đến dự. Mà có lẽ, ba mẹ Linh cũng không muốn tôi đến. Còn Linh, dĩ nhiên cũng sẽ ngại khi gặp tôi trong ngày hôn lễ. Thế nên, tôi không cố xin thủ trưởng giải quyết đơn nghỉ phép cho tôi nữa. Trước ngày hôn lễ của Linh, tôi gọi điện cho em và chúc em hạnh phúc. Chúng tôi chia tay nhau một cách êm đẹp như lúc chúng tôi đến với nhau. Kỷ niệm về mối tình đầu của tôi là thế.

Sau mối tình đầu với Linh, tôi chuyên tâm vào việc tham gia huấn luyện tại đơn vị, hoàn thành đúng thời hạn rồi xuất ngũ. Tôi tự nhủ với lòng mình rằng sẽ chẳng yêu ai nữa nếu như không đủ khả năng và không có tương lai. Tôi sẽ chỉ cưới vợ khi cô ấy là tình mới của tôi mà thôi. Những tổn thương ngày trước đã khiến cho tôi không còn mạnh mẽ cháy hết mình trong một mối quan hệ không rõ ràng, hay không chắc sẽ tiến đến hôn nhân được. Tôi muốn sự an toàn và chắc chắn. Tôi hoạch định mọi việc và triển khai mọi thứ theo kế hoạch, và chỉ làm đúng những điều khoản mà bản thân đã định ra, tuyệt nhiên không muốn phát sinh bất kỳ một điều khoản nào ngoại lệ nữa. Điều đó giúp tôi độc thân thêm được hai năm nữa, đến khi xuất ngũ, đi làm. Và rồi, tôi gặp cô ấy. Một cô bé còn là sinh viên, kém hơn tôi tận năm tuổi, nhưng tính cách và suy nghĩ thì con số ấy có thể còn chênh lệch xa hơn nữa. Cô bé mang tên Bằng Lăng, một cái tên từng là kỷ niệm của bức thư đầu tiên mà người cũ đã tặng cho tôi nhân dịp sinh nhật.

Nhưng cái cô bé Bằng Lăng này lại không như những gì mà kỷ niệm tôi từng có và trân trọng. Bên cạnh cô ấy, tôi như thấy mình trẻ lại. Nhiều lúc, tôi chợt thấy mình trở nên ngây ngô trước những điều mà cô ấy nghĩ. Thế giới của cô ấy không êm đềm, nhẹ nhàng và có phần ảm đạm, buồn tẻ như thế giới của tôi. Thế giới ấy muôn màu sắc, sôi nổi và trong veo đến nỗi làm tôi cảm thấy mình được mở mang đầu óc và vô cùng thú vị. Tôi cứ từng bước bị cuốn hút vào thế giới ấy, dù có cố kiềm chế, có cố thoát ra cũng lại vô thức mà bị kéo vào. Tôi phát hiện ra bản thân mình khó lòng điều khiển và thoát ra được khi chợt nhận ra nhiều lúc tôi thay đổi những quan điểm mà bấy lâu nay tôi vẫn đinh ninh như thế. Từ gu nghe nhạc, cách nói chuyện, các món ăn, các cử chỉ của cô ấy cứ như xuyên thẳng vào đầu, vào mắt, vào tai tôi đến nỗi tôi không thể xóa chúng ra khỏi đầu và tâm trí của mình. Đến nỗi mà có những lúc tôi giật mình vì chợt nhận ra bản thân mình lại giận vu vơ khi đôi lần nghe những điều cô ấy vô tư nói ra. Đến nỗi mà cái suy nghĩ “Hay là bỏ đi cái ý định vợ mới chính là người tôi trao yêu thương một lần nữa” lại len lỏi vào đầu và muốn một lần yêu thật sôi nổi, yêu thật hồn nhiên cùng cô ấy, không cần quan tâm đến tương lai có kết quả gì không.

Khi tôi gặp lại Linh sau nhiều tháng trời không liên lạc, cô ấy đang mang thai, khệ nệ bước ra từ siêu thị. Đang định bước đến xách đồ giúp cô ấy thì gần đấy Bằng Lăng cũng tiến đến và trò chuyện cùng Linh. Tôi đi chậm lại, nép vào góc khuất của nhà xe để họ không nhìn thấy. Qua cuộc trò chuyện giữa họ, tôi biết Bằng Lăng có lòng tốt định giúp Linh nhưng cô ấy lực bất tòng tâm. Bằng Lăng không biết lái xe máy huống chi là xe tay ga thì lại càng không. Tự dưng trong đầu tôi chợt nảy ra ý định, một ngày nào đó, nhất định sẽ dạy cô ấy học lái xe gắn máy, để còn thi lấy bằng và sau này còn ra trường đi làm nữa chứ. Chả lẽ lại cứ chạy xe đạp mãi như thế.

Nhận thấy tình hình có vẻ không khả thi nên tôi bước ra, rồi giúp Linh chở đồ về nhà. Nhờ vậy mà tôi biết được chuyện Linh đã ly hôn. Vậy là sau việc lần trước tôi lỡ hẹn với Linh vì bận đưa Bằng Lăng về nhà trọ thì chuyện giữa Linh và chồng đã không thể dàn xếp được nữa. Linh bảo lúc ấy cũng không hay bản thân mình đang có em bé. Nhưng vì Long đam mê người mới nên Linh không muốn tha thứ cho những lời lẽ mà anh ta bênh vực người tình lúc cả hai ngồi xuống nói chuyện.

Thế là sau khi chia tay, Linh dọn ra khỏi nhà Long và cắt liên lạc với anh ta. Tính Linh là vậy, trọng tình nhưng lại dứt khoát, không thích dây dưa. Tôi biết rõ tính này của Linh từ hồi đi học phổ thông rồi kia mà.

Hơn nữa, Linh đến với Long xuất phát từ sự cảm động chứ không phải rung động. Cô ấy cảm động trước những điều mà Long làm và lo lắng cho cô ấy lúc mới vào nghề. Sau đó mới yêu Long khi tình cảm với tôi dần nhạt đi và sự chăm sóc quan tâm không còn kịp lúc nữa. Linh ngã vào lòng Long như một sự bù đắp vào khoảng trống vắng lúc ấy thì giờ đây Linh ra đi vì khoảng cách giữa Linh và Long đã đủ để một người thứ ba chen vào. Nếu Long đã không còn yêu thương Linh thì liệu rằng có ích gì không khi cô ấy cố níu những thứ đã không thuộc về mình nữa rồi.

Tôi giữ liên lạc lại với Linh cũng là giúp cô bạn của tôi vượt qua những ngày khốn khó. Như cách chúng tôi nương tựa nhau hồi học đại học. Dù đã không còn là của nhau, đã không còn cảm giác yêu nhau nữa nhưng trong tôi luôn còn trách nhiệm của một người bạn, một người đàn ông. Chính vì vậy, kể từ ngày hôm ấy, tôi thu xếp những buổi không có ca trực để đến giúp Linh như đi chợ, nấu ăn, hay làm chân sai vặt giúp cô ấy, vì bụng Linh cũng lớn rồi, đi tới lui không tiện lắm.

Ngày hôm sau, tình cờ được hai cô bạn cùng phòng của Bằng Lăng cho biết là cô ấy không khỏe và nhờ tôi sang để ý hộ. Nghĩ cũng lạ, hai cô bạn này rất biết cách nhờ vả. Không biết, trước khi tôi đến ở trọ thì bọn họ thế nào nhưng từ khi tôi đến, dường như được nhờ những chuyện lặt vặt rất nhiều, như làm giúp cái này cái kia, hay có khi là xin mì gói mà mang tiếng là mượn, hay là mượn nhờ coi chừng giúp cô em này đây. Trong khi đó, Đạt ở ngay dãy đối diện chứ chẳng đâu xa.

Sau khi kiểm thân nhiệt, xác định cô ấy không nóng quá mức, tôi bước vào khu vực bếp, nấu một tô cháo trứng cho cô ấy lót dạ. Xong việc, tôi quay lại giường định gọi cô ấy dậy ăn cháo nhưng xem trạng thái có vẻ là cô ấy đang mơ một giấc mơ đẹp. Lúc đầu, cô ấy hơi nhíu mày nhưng sau đó đôi hàng chân mày từ từ dãn ra, khóe môi khẽ mỉm cười. Tôi đưa tay đặt lên trán cô ấy lần nữa để xác định xem có phải cô ấy nóng đến mê sảng không. Nhưng không, đầu cũng chỉ ấm hơn thân nhiệt hiện tại của tôi một chút. Trong đầu nảy lên ý nghĩ, chút nữa đi ra ngoài, tôi sẽ mua một chiếc máy đo thân nhiệt cầm tay để phòng trường hợp bệnh bất tử thì có cái mà kiểm tra cho chính xác. Chợt nhìn thấy nụ cười đáng yêu ấy, bất giác tôi quên mất là phải rụt tay về. Thay vào đó, trong vô thức tôi lại xoa đầu cô ấy như đang chiều chuộng một chú mèo con đang ngủ nướng. Nụ cười ấy lại trở nên tươi hơn vài phần sau cái xoa đầu của tôi. Nghĩ là động tác vừa rồi đã làm cô ấy thoải mái, dù sao thì cô ấy cũng đang có một giấc mộng đẹp. Tôi giữ tay xoa thêm một lúc nữa.

Bất ngờ sau đó, cô ấy choàng tỉnh và ôm chầm lấy tôi. Một cái ôm đã bao lâu rồi tôi không tiếp xúc thân mật với bất kỳ người con gái nào sau Linh. Một cái ôm khiến tôi nghe được cả tiếng đập loạn xạ của con tim mình. Tôi lúng túng không biết làm gì tiếp theo và phản ứng như thế nào khi hai người đối mặt nhau đây. Sau khi nghe câu hỏi của cô ấy, tôi phát hiện ra là cô ấy nhận nhầm tôi với người anh ruột thịt của mình. Lối thoát của tôi là đây. Cô ấy không nhận thấy những gì thay đổi bên trong lồng ngực của tôi. Thế là, tôi xem như chỉ là một hiểu lầm nho nhỏ và cho nó trôi qua một cách nhẹ nhàng. Nhưng đó chỉ là đối với cô ấy thôi. Còn đối với tôi, rõ ràng hành động của tôi không phải là một sự hiểu lầm, cảm giác muốn yêu trở lại của tôi cũng không phải là thoáng chốc mà nó như một kết luận chặt chẽ cho những gì tôi cố công gầy dựng vỏ bọc cho mình. Lý trí thì tránh yêu, sợ yêu. Nhưng con tim thì bắt đầu thổn thức và xác định cái ôm ấy là hơi ấm mà tôi đang thiếu từ lâu lắm. Nhìn về cục diện hiện tại, tôi rối như tơ vò. Vì trái tim tôi đang rung động với một người mà lý trí tôi nhận định rằng đó là ngõ cụt, là không có kết quả.

Lần thứ hai tôi đến nhà Linh là chiều tối hôm ấy. Lúc đầu, tôi định đến vào buổi sáng, nhưng mãi lo chăm bệnh cho Bằng Lăng, thời gian trôi nhanh cũng đã gần trưa. Khi thấy Quốc Đạt ghé thăm Bằng Lăng, tôi mới an tâm lấy xe chạy đi họp ở cửa hàng. Công việc khá bận nên khi tôi quay về cũng đã xế chiều. Thế là, tôi quyết định sẵn tiện trên đường về, ghé cửa hàng vật tư y tế mua máy đo nhiệt kế. Sau đó thư thả tản bộ ra quán cơm ăn cơm phần cho gọn. Không ngờ trùng hợp là tôi gặp hai anh em họ đang ngồi ăn cơm trong quán.

Bằng Lăng gọi tôi đến ngồi cùng. Nhìn quanh một lượt, quán cũng khá đông khách. Tôi đến tủ thức ăn chọn món rồi cũng đến ngồi vào vị trí Bằng Lăng đã có nhã ý chuẩn bị sẵn cho tôi. Đạt và tôi trước đây hầu như chỉ biết nhau với tư cách là cùng ở chung một nhà trọ. Nhưng trưa hôm trước, chủ nhà trọ có đến hỏi ý tôi về việc cho Quốc Đạt ở ghép một hai tháng để họ sửa phòng cho cậu ấy. Tôi cũng đã vui vẻ đồng ý. Nghĩ rằng đây cũng là cơ hội thắt chặt mối quan hệ bạn cùng phòng dù chỉ là tạm thời, nên tôi cũng cởi mở đến ngồi chung bàn. Nhưng có lẽ Đạt vẫn còn khúc mắc với tôi nên cậu ấy có vẻ trầm lặng. Tôi cũng không phải người giỏi giao tiếp nên trước phản ứng ấy của Quốc Đạt, bản thân tôi cũng trầm lặng theo. Cũng may, còn có cô nàng nhí nhố Bằng Lăng cứ tìm cách bắt chuyện trong lúc ăn nên không khí mới bớt trầm mặc.

Mưa bắt đầu rơi và ngày càng nặng hạt. Chúng tôi đã cố gắng ăn chậm lại nhưng vẫn không chờ được mưa tạnh. Mưa tầm tã không có tín hiệu suy giảm. Lại nghe cô nàng Bằng Lăng đang luống cuống vì phải đi họp lớp. Nhìn cô nàng lo lắng, tôi lại nhớ đến cái ôm nhận nhầm là anh hai của cô ấy lúc sáng. Chợt tôi thoáng đỏ mặt, nhưng cố gắng trấn tĩnh rồi quyết định chạy về trước mang áo mưa ra cho cô ấy. An tâm vì Bằng Lăng có Quốc Đạt hộ tống, tôi chạy nhanh về trong mưa, tắm rửa rồi đến nhà Linh.

Tôi đến trước cửa rào nhà Linh và gọi cửa. Trời vẫn còn mưa lâm râm. Linh bất ngờ vì không nghĩ tôi đến thăm. Dù thân hay không, cô ấy đều rất ít khi gây phiền hà cho người khác. Đến nỗi một mình mang thai, tự chăm sóc bản thân, không nhờ vả ai, cũng không cho ba mẹ biết tình trạng của mình ở hiện tại. Tôi nhìn mà cảm thương quá. Khi vào trong nhà, Linh bảo:

- “Linh cứ nghĩ vô tình gặp lại Quân trong hoàn cảnh thế này, Quân chở đồ về giúp rồi thôi. Nào ngờ, Quân lại còn quan tâm đến Linh như thế. Mà đến thăm được rồi, còn mua đồ ăn khuya cho Linh nữa.”

Tôi biết Linh ngại, bởi giữa chúng tôi từng là người yêu, không phải ai cũng có thể quay lại làm bạn sau chia tay. Đối với tôi, dù Linh muốn hay không, tôi luôn coi Linh là bạn, mà đã là bạn thì giúp nhau cũng là lẽ thường. Huống chi cô ấy còn đang mang em bé thế này. Không muốn Linh hiểu lầm sự quan tâm ấy là sự thương hại, tôi bộc bạch:

- “Có gì đâu mà Linh ngại. Chúng ta lúc nào cũng là bạn mà. Quen Quân lâu rồi còn không biết tính Quân sao?”

Cô ấy vẫn bất an:

- “Quân cứ đến giúp Linh hoài, có phiền Quân không?”

Tôi trấn an Linh:

- “Không sao đâu. Dù sao cũng rảnh. Quân tính là sắp tới Quân sẽ ghé nhà Linh nhiều hơn, phụ giúp Linh làm việc lặt vặt, đi chợ nấu cơm cho Linh đỡ cực.”

Linh nghe thế thì nhìn tôi một lúc lâu, chắc là trong lòng cũng đang đấu tranh nội tâm việc nhận hay không nhận lòng tốt của tôi đây mà. Lát sau, Linh nhẹ nhàng bảo:

- “Ừ, nếu mà Quân rảnh thì cứ ghé chơi với Linh. Mà nếu không thu xếp được thì thôi nghen, Linh vẫn có thể tự lo được. Quân đừng lo quá. Quân cứ ưu tiên lo cho công chuyện của Quân và cả công việc ở cửa hàng nữa.”

Tôi tiếp tục trấn an Linh:

- “Linh cứ an tâm. Dù nếu không đi chợ nấu cơm nhà Linh thì Quân cũng đi chợ nấu ăn ở phòng mình thôi. Nấu cho Linh ăn luôn để Linh khỏi phải tốn công. Lo mà nghỉ ngơi dưỡng sức chờ ngày sinh đi. Đừng có lo.”

Linh ngậm ngùi, mắt hướng ra ngoài cửa nhìn những giọt mưa đọng trên mái hiên cứ cách vài giây lại rơi xuống một lần, giọng trầm tư:

- “Nếu mà trước đây chúng ta kiên trì thêm chút nữa thì có lẽ bây giờ…”

Tôi an ủi Linh:

- “Cũng do duyên số chúng ta chỉ có thể làm bạn. Đi một vòng lớn rồi cuối cùng vẫn chỉ như thế. Mà như hiện tại Quân thấy cũng tốt. Ít ra, Linh và Quân vẫn còn là bạn, không phải kẻ thù, lại có thể nói chuyện vui vẻ như hồi còn học chung, như thế đã là may mắn đối với Quân rồi.”

Linh nói tiếp:

- “Linh biết là bây giờ Linh không có tư cách để nói về điều này. Lại càng không dám nghĩ chúng ta có thể quay lại và tiến xa hơn. Linh bây giờ chỉ muốn bình yên sinh bé ra đời và nuôi con khôn lớn. Đời này có lẽ Linh sẽ không dám mở lòng yêu một ai nữa. Nhưng Quân thì khác. Quân có tìm được người nào để yêu chưa?”

Tôi đắn đo nghĩ về bóng hình của một người con gái trẻ gần đây đã làm tôi xao xuyến và đôi lần muốn nhảy ra khỏi vùng an toàn của mình để đến bên cô ấy, hòa nhập vào thế giới của cô ấy. Nhưng nghĩ lại, cô ấy có lẽ là không thuộc về tôi. Cô ấy có một người anh nuôi luôn chăm chút cho cô ấy. Tôi cũng nhìn ra được chàng trai ấy rất cưng chiều cô ấy, quan tâm đến cô ấy không theo cách của một người anh trai mà lại có sự nuông chiều và ái mộ của tình yêu nam nữ.

Còn nhớ hôm qua khi tôi từ nhà Linh trở về, Đạt đã chặn đường tôi ở nhà xe để hỏi rõ vấn đề. Đạt cho rằng Bằng Lăng cũng đang có em bé và tôi chính là cha của đứa bé đó. Anh ta còn suýt chút nữa là cho tôi ăn đấm vì tôi không nhận. Tôi đoán, Đạt hiểu lầm về chuyện Linh mang thai chứ không phải Bằng Lăng, vì Bằng Lăng gặp Linh lúc chiều và bắt đầu xuất hiện câu chuyện liên quan đến cái thai. Tôi cũng tin tưởng Bằng Lăng là một cô gái ngây thơ trong trắng. Cô ấy ngây thơ nhưng thông minh, không thể nào để bị lừa đến phải mang thai ngoài ý muốn. Vả lại, tôi cũng tin tưởng Bằng Lăng vì cô ấy suốt ngày chỉ biết có học, chỉ quen thân với các chị cùng phòng và anh lớn của cô ấy. Còn tôi, trong mắt Bằng Lăng cũng chỉ là một người thuê phòng cùng nhà trọ, điều gần gũi nhất có thể chỉ là hai phòng sát vách, và cô ấy không ít lần gây khó dễ cho tôi. Thêm nữa, về căn bản là Quốc Đạt không cho Bằng Lăng có thời gian để tiếp xúc với người lạ. Anh ta theo sát Bằng Lăng như một người phụ huynh mẫu mực suốt ngày chăm chăm nhìn vào đứa con gái yêu dấu của mình.

Tôi cũng nhìn ra cô ấy rất nể trọng người anh này. Hơn thế nữa, đối với cô ấy, đó là một người rất quan trọng, hầu như không thể thiếu của cô ấy. Giữa họ đã có mối gắn kết từ lâu. Trong khi đó, tôi là người mới bước vào một phân vùng bên cạnh thế giới của cô ấy mà thôi. Chung quy lại, tôi không có khả năng để tranh giành công bằng với chàng trai ấy. Và tôi lại càng không muốn đẩy người mà tôi để ý mỗi lúc một nhiều hơn vào những tình huống khó xử phải lựa chọn. Thay vì như vậy, tôi sẽ lựa chọn giúp cô ấy. Đó là không làm nhiễu loạn thế giới vốn bình yên và đủ đầy mọi thứ của cô ấy, bằng cách chỉ dừng lại từ xa, thỉnh thoảng nghe tiếng cười sảng khoái ngây thơ của phòng bên cạnh, lâu lâu tìm một cơ hội nào đó để nghe được tiếng cô ấy nói, dù chỉ là vài câu thôi, để biết cô ấy vẫn ổn như mọi khi. Như thế, đối với tôi đã là quá đủ.

Sau dòng suy nghĩ trải dài, tôi lắc đầu, trả lời Linh:

- “Quân không muốn tìm kiếm một người để yêu. Quân sẽ tìm hiểu và cưới một cô gái. Khi ấy, Quân sẽ yêu vợ của mình. Vợ sẽ là tình mới của Quân. Quân sẽ dành hết tình cảm và sự yêu thương cho cô ấy, bồi đắp tình cảm hàng ngày và giữ tay cô ấy thật chặt. Sẽ không để cô ấy cảm thấy cô đơn như Linh đã từng. Sẽ không để người thứ ba có thể chen chân vào phá vỡ hạnh phúc ấy. Từ giờ đến đó, có lẽ Quân sẽ trang bị cho mình những điều thật tinh tế, sự quan tâm và thể hiện sự quan tâm ấy ra ngoài để cô ấy biết, hơn là để trong lòng như Quân trong quá khứ đã từng.”

Linh cũng gật gù, chăm chú lắng nghe những điều tôi bộc bạch. Chợt bên ngoài có tiếng chuông cửa. Thấy Linh còn đang ăn tối, lại thêm mới hết mưa, ngoài sân có lẽ sẽ trơn trợt, nên tôi thay Linh ra mở cửa rào. Linh cho tôi mật khẩu mở khóa cửa.

Tôi ra ngoài xem thì bất ngờ xuất hiện trước mắt tôi là Bằng Lăng và người anh nuôi của cô ấy. Hôm nay, cô ấy không khỏe, thế mà lúc chiều còn mắc mưa. Lúc ăn cơm chung còn nghe nói tối nay sẽ đi họp lớp. Bệnh mà không chịu về nghỉ ngơi sớm, lại chạy sang đây thăm Linh.

Đây là lần đầu tiên Bằng Lăng đến nhà thăm Linh. Đạt lại cố tình nhắc đến chuyện Bằng Lăng mang thai. Nhìn biểu cảm của cô ấy, tôi càng khẳng định suy đoán của mình là đúng. Nhưng nghĩ rằng, việc giải thích rõ ràng mọi chuyện nên dành lại cho cuộc nói chuyện giữa hai người họ hơn là tôi phải nói.

Sau lần đó, nhà Linh lâu lâu lại có thêm hai người khách nữa là Bằng Lăng và Quốc Đạt. Có lẽ, Đạt càng đề phòng tôi hơn, nên những nơi có tôi xuất hiện cùng Bằng Lăng là lại có Đạt ở đó. Điều này càng khiến cho tôi hiểu rằng, cơ hội dành cho tôi đến bên Bằng Lăng là rất bé.

Vài tuần sau, trong giờ làm, tôi nhận được cuộc điện thoại của Bằng Lăng gọi đến. Cô ấy báo rằng Linh hình như xảy ra chuyện, cô ấy gọi cửa nhưng Linh không trả lời, trong khi nhìn từ ngoài cổng rào, nhà vẫn đang mở cửa. Tôi nhanh chóng thu xếp gọi người vào thay ca rồi chạy qua nhà Linh. Đến nơi thì thấy cô nhóc Bằng Lăng đang tìm cách leo rào vào trong nhà. Tội nghiệp, với thân người nhỏ nhắn nếu không muốn nói thẳng là hơi thấp, cô ấy có thể leo qua cái hàng rào cao như thế để vào trong thì hẳn là cũng mất không ít công sức rồi đây. Tôi nhanh chóng mở khóa rào. Từ lúc tôi biết nhà Linh, để tiện việc cho tôi ra vào mua đồ dùng giúp cô ấy, Linh đổi mật mã ổ khóa rào sang biển số xe tôi cho tôi dễ nhớ. Linh bảo, đổi như thế tôi không mất công phải nhớ thêm những thứ không đâu nữa.

Cửa rào vừa mở, tôi tiến ngay đến, nhấc bổng cô bé nhỏ nhắn đang đu đeo ra khỏi tường rào và giúp cô ấy tiếp đất an toàn. Sau đó, tôi mới vào xem Linh thế nào. Linh đã vỡ ối nhưng ngất xỉu, có lẽ là vì đau quá, điện thoại lại đang sạc ngoài phòng khách nên có lẽ cô ấy không di chuyển nổi ra ngoài để gọi báo ai cả. Chúng tôi gọi xe cứu thương và chuẩn bị đồ đạc cho Linh và cho cả em bé sắp chào đời. Để tiết kiệm thời gian, tôi bảo Bằng Lăng lên xe cứu thương cùng đến bệnh viện trước với Linh để có người lo thủ tục giấy tờ nhập viện. Tôi ở lại dắt xe của Bằng Lăng vào nhà, khóa cửa rồi chạy ra ngân hàng rút tiền. Tôi đoán là phí nhập viện ban đầu thân nhân phải ứng trước để chờ bảo hiểm thanh toán lại, tôi không giữ nhiều tiền mặt trong người nên phải đến rút thẻ tiết kiệm.

Khi tôi tìm được đến phòng tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện thì Bằng Lăng cũng đang ở đó làm thủ tục. Cô bé đang loay hoay vì khâu viện phí thì tôi cũng vừa tiến đến phía sau để giải quyết. Xong xuôi, chúng tôi quay trở lại phòng chờ. Chợt nhớ ra giờ này cũng đã giữa trưa, không biết chiều Bằng Lăng có tiết học hay không, cô ấy thì đi phía trước tôi vài bước chân. Lại thêm Linh đang thế này, tôi cũng không thể chở Bằng Lăng về nhà Linh lấy xe và cặp sách được. Dù sao cũng cần người rước Bằng Lăng. Tôi gọi cho Quốc Đạt. Anh ta cũng vừa chuyển sang ở nhờ phòng tôi không lâu, hai người cũng có trao đổi số điện thoại để tiện liên lạc khi cần.

Lát sau, cô nàng sực nhớ ra là chiều có tiết học nên xin phép đi trước. Dự là khoảng cách từ nhà trọ đến bệnh viện cũng tầm ấy thời gian, chắc là Quốc Đạt cũng gần đến nơi nên tôi không đưa Bằng Lăng xuống lầu mà tiếp tục ngồi chờ tin của bác sĩ từ phòng mổ. Biết Bằng Lăng không giỏi trong việc xác định phương hướng nhưng trong đầu tôi nghĩ, từ vị trí chúng tôi đang đứng xuống tới tầng trệt có vẻ không khó đi. Mặc dù thang máy chỉ dành cho cấp cứu và di chuyển bệnh nhân, nhưng nếu đi theo thang bộ thì thể nào cũng xuống được tới tầng trệt. Chính vì vậy mà sau khi cân nhắc, tôi vẫn nghĩ là ở lại trực phòng chờ sẽ quan trọng hơn. Nhưng sau này, vào một dịp khác, tôi nhận ra cô nàng Bằng Lăng này hầu như bị mù hướng hoàn toàn. Chẳng những cô ấy chỉ nhớ những đường thẳng. Quẹo lòng vòng chừng ba bốn lần là cô ấy không nhớ nổi đường ra. Mà còn mắc hội chứng rối loạn thị giác khi vào không gian khép kín. Khi lạc vào các kiến trúc có dạng vòng tròn hay hình vuông, các tòa nhà na ná nhau là hay nhầm lẫn, nhìn một lúc là hoa cả mắt lên, không nhận diện được vị trí của mình đang đứng ở đâu và nhìn mọi vật trở nên quay cuồng.

Nói về Linh, sau gần ba tiếng đồng hồ cấp cứu thì cũng mẹ tròn con vuông. Đứa bé hô hấp yếu nên phải thở máy và cách ly với mẹ tận năm ngày mới được cho về bên mẹ.

Ngày thứ sáu, tại bệnh viện. Em bé đã được trả về nằm cùng giường với mẹ. Trước đó, cứ thấy Linh nhìn con của người khác mà tủi thân vì không được gần con. Tôi cũng đau lòng theo. Sau nhiều cuộc gọi nhỡ thì cuối cùng đêm qua tôi cũng gọi được cho Long. Anh ta có vẻ khá bận rộn đến nỗi thấy cuộc gọi nhỡ cùng số mà vẫn không gọi lại. Nhưng thấy Linh cứ buồn hoài, nên tôi nghĩ nếu có người thân bên cạnh an ủi động viên cô ấy sẽ khá hơn. Nghe nói người mẹ mà bị căng thẳng thì không tiết sữa, tôi biết được thông tin này, càng thương cho em bé vừa đang xa mẹ lại không có sữa uống thì tội lắm. Cho nên, dù thế nào tôi cũng kiên trì gọi cho Long, mong anh ta đến bệnh viện trò chuyện với Linh cho cô ấy đủ dũng khí vượt qua những ngày khó khăn chờ ngày con khỏe trở về.

Sáng hôm đó, may thay bác sĩ thông báo em bé của Linh đã có thể tự thở tốt nên sẽ được trao lại cho Linh. Chúng tôi chuẩn bị khăn và áo quần mới để đi đón bé. Lần đầu tiên được gặp và ẵm con trên tay, dù còn vụng về nhưng Linh hạnh phúc đến rơi nước mắt. Nhìn thấy đứa bé đáng yêu, nhỏ nhắn, đôi mắt mở hi hí nhìn không gian lạ lẫm xung quanh thật lòng trái tim tôi như tan chảy. Cũng muốn xin phép Linh cho ẵm thử em bé nhưng lại sợ bàn tay thô ráp vụng về lại làm đau cháu nên tôi lại thôi. Chỉ đứng nhìn mẹ con họ thôi cũng đã thấy hạnh phúc. Con của Linh mà tôi đã như thế, tự dưng nghĩ nếu một ngày nào đó tôi có một đứa con của riêng mình, hẳn là tôi còn hạnh phúc đến nhường nào nữa.

Vừa hoan hỉ với niềm vui con trở về, thì một chuyện khác không vui lại ập đến. Long cuối cùng cũng quyết định đến bệnh viện thăm Linh và con. Nào ngờ khi anh ta đến, chẳng những không có thiện chí mà còn nói lời cay đắng khiến Linh đau lòng. Anh ta nghi ngờ đứa con là của tôi vì những ngày qua tôi đã tận tình lo cho mẹ con Linh. Anh ta cũng đã biết tôi là người yêu cũ của Linh nên càng không tin tưởng tình bạn giữa tôi và Linh ở hiện tại là trong sạch. Anh ta cho rằng Linh quyết tâm cắt đứt là vì muốn quay lại bên tôi. Quá đáng hơn, sau những lời cay đắng ấy, anh ta bảo rằng nếu muốn chứng minh trong sạch thì đem đứa bé đi thử huyết thống với anh ta. Nếu chứng minh được là con của anh ta thì anh ta sẽ nhận lỗi và rước Linh về. Tôi nghe mà cơn giận lớn dần đến không thể kiềm chế được. Không ngờ một người cha, một người chồng đã từng vì Linh mà chờ đợi rồi tìm mọi cách để kéo cô ấy về phía anh ta, giờ đây anh ta lại có thể nặng lời phán xét như thế. Chẳng những anh ta không tôn trọng tôi, không tôn trọng tình cảm thuần khiết của chúng tôi, anh ta còn không tôn trọng cả vợ và không tin tưởng con trai của mình. Cơn giận lên đến đỉnh điểm trước những lời nhục mạ, tôi muốn xông lên cho anh ta một trận nhớ đời.

Bỗng dưng từ đâu Bằng Lăng chạy đến ôm chầm lấy tôi, chắn trước ngực làm tôi không thể nào xông tới được nữa. Đó là lần thứ hai Bằng Lăng chủ động ôm tôi. Nhưng cả hai lần đều trong tình huống dở khóc dở cười. Chưa có lần nào là một cái ôm đúng nghĩa, một lần bị nhận nhầm là anh hai, và một lần vì muốn dùng toàn sức để chặn cơn thịnh nộ của tôi. Chỉ thế thôi.

Nhìn xuống thân người nhỏ nhắn đang cố hết sức ghì tôi lại của Bằng Lăng mà tôi chợt thấy xót xa. Chợt nghĩ, tự dưng hai chúng tôi bị dính vào chuyện lùm xùm này một cách vô thức, đến khi vỡ chuyện thì cũng chính hai chúng tôi đi giải quyết đống hỗn độn này. Và khi Bằng Lăng đứng ra dàn xếp mọi việc, tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ về cô bé này. Hóa ra, cô ấy trưởng thành nhiều hơn tôi tưởng. Cứ ngỡ cô ấy chỉ là một cô bé lốc chốc, ngây ngô chẳng biết gì. Thế mà đã hai lần cứu nguy cho tôi, một lần giúp tôi không phải ê chề trước những lời khinh rẻ của Long khi anh ta cùng Linh đến cửa hàng của tôi ăn uống và cả lần này nữa.

Cái ôm ấy dễ dàng xoa dịu cơn giận dữ đang dâng lên trong tôi. Tôi dần lấy lại bình tĩnh, nhìn xuống mái đầu của người đang can ngăn mình. Tự hỏi, cô ấy nhỏ nhắn như thế, sức mạnh nào giúp cô ấy cản lại một thằng con trai như tôi trong lúc không kiểm soát được hành vi của mình. Nhớ lại ngày nào Linh cũng từng ra tay nghĩa hiệp ngăn cản bọn côn đồ vào trường gây sự với cậu bạn cùng lớp. Hai cô gái này, có điểm tương đồng là liều lĩnh chăng?

Lần này, Bằng Lăng làm tôi hết sức ngạc nhiên vì hành động của cô ấy ở chốn đông người. Tôi cũng vô cùng bối rối khi cô ấy bất ngờ phản ứng mạnh mẽ như thế. Nhưng vì sao thế nhỉ, cô ấy có bao nhiêu sức đâu, sao lại có thể khiến tôi bình tĩnh lại được nhỉ. Và cô ấy cũng chẳng nói hay khuyên tôi nhiều, chỉ bằng một cái ôm như thế. Con người ấy, như có một sức mạnh gì đó khiến tôi phải phục tùng, nhưng cũng khiến tôi muốn chở che và yêu mến lắm. Bằng chứng là gần đây, không hiểu sao tôi lại rất hay có hành động xoa đầu, nâng niu cô ấy như một món đặc sản mà lần đầu tiên trong đời mình được diện kiến và tiếp xúc. Cô ấy dẫn tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, và mỗi lần tôi nhận ra sự đáng yêu ấy, tôi lại càng muốn kết thân với cô ấy, muốn hành động thân thiết như những người nhà với nhau mà không cần câu nệ tiểu tiết. Chưa bao giờ tôi có cảm giác đó, ngay cả đối với Linh.

Sau khi tôi dịu lại thì Bằng Lăng cũng đứng ra nói đỡ cho tôi để Long không suy diễn lung tung. Anh ta tức giận bỏ đi mang theo chút ê chề vì bị mọi người xung quanh chỉ trích là kẻ bạc tình phụ nghĩa.

Nhưng có lẽ, Bằng Lăng cũng ngại ngùng sau chuyện đó, nên có phần e dè và né tránh tôi. Hành động tránh xa và dè chừng của cô ấy làm tôi chợt tỉnh và quyết định dừng lại những suy nghĩ bâng quơ trong đầu. Vì tôi biết, cả tôi và Bằng Lăng đều không sẵn sàng để bắt đầu một điều gì đó khác và xa xôi hơn danh phận hai người trọ sát vách.

Một hôm, khi Linh đã xuất viện và mẹ cô ấy đã được cô ấy gọi điện giải bày những gì đã xảy ra trong thời gian qua. Mẹ của Linh cũng thu xếp đến chăm sóc Linh trong những ngày cô ấy và em bé còn non tháng. Tôi cũng sắp xếp thời gian những hôm trống lịch thì ghé thăm Linh. Nhưng có lẽ vì có mẹ ở chung nhà, nên Linh cũng thiếu đi phần tự nhiên khi tôi đến. Chính vì vậy, tôi cũng chỉ phụ giúp đi chợ, mua đồ để vào tủ lạnh giúp bác gái và cô ấy mà thôi. Vì mẹ của Linh cũng không rành đường trên này nên cũng không đi chợ như ở dưới quê. Mẹ của Linh cũng lo lắng việc tôi giúp đỡ hoài sẽ làm Linh cảm động và quay lại bên tôi. Tôi hiểu những điều mà mẹ của Linh lo lắng cho con gái đã một lần lỡ dỡ sẽ yếu lòng và bác gái cũng ngại vì trước đây gia đình bác không ưng tôi cho lắm. Khi không có mặt Linh ở đó, mẹ của Linh hay dò xét để ý xem tôi đối với Linh thế nào, có còn tình cảm nam nữ hay không.

Cũng từng giải thích với mẹ Linh rằng chúng tôi bây giờ chỉ đơn thuần là bạn, nhưng có vẻ mẹ của Linh không tin lắm. Tối đó, nhân lúc Bằng Lăng cũng ghé thăm mẹ con Linh. Tôi nắm bắt ngay cơ hội chứng minh với mẹ của Linh. Cũng cảm thấy có lỗi với cô bé Bằng Lăng vô cùng. Nhưng cũng chỉ có như thế mới có thể xua tan những nghi ngờ của mẹ Linh mà thôi.

Sau buổi bất ngờ đóng giả người yêu của nhau thành công ngoài mong đợi, không ngờ là cô bé Bằng Lăng này cũng rất biết phối hợp, không làm tôi lộ tẩy. Mặc dù là tôi và Linh trong sáng là sự thật, nhưng dùng Bằng Lăng để chứng minh cho sự trong sáng đó thì tôi cũng cảm thấy vô cùng có lỗi với cô bé. Thế là, trên đường trở về nhà trọ, tôi ngỏ ý rủ Bằng Lăng ghé vào một quán chè bên đường để đãi cô bé một chầu xem như lời cảm ơn.

Tuy nhiên, cũng vì buổi ăn chè cùng nhau đó, tôi lại phát hiện ra được nhiều điều về Bằng Lăng hơn. Và cả những điều mà tôi nghĩ về mối quan hệ giữa Bằng Lăng và Quốc Đạt cũng sai tám nghìn dặm. Trước đây, tôi còn nghĩ Bằng Lăng thích Quốc Đạt vì căn bản là họ không phải anh em gì cả, lại quấn quít bên nhau suốt. Nhất là những việc quan trọng của Bằng Lăng thì đều có mặt Quốc Đạt. Chính vì vậy, nhiều lần tôi cố trấn tĩnh mình bằng cách nhắc nhở bản thân rằng Bằng Lăng là của Quốc Đạt. Bọn họ tâm đầu ý hợp, tôi không thể chen vào dù là vì tôi hay vì cô ấy thì tôi đều không nên làm như vậy. Tôi đã nhiều đêm nghiêm túc nghĩ đến chuyện này và luôn cố răng đe bản thân ghi nhớ điều đó.

Hóa ra, tôi mới chính là người ngăn cản bước chân mình đến bên Bằng Lăng chứ không phải ai hết. Tôi đã cố vẽ ra một ranh giới rạch ròi để bản thân mình và cả cô ấy không được bước qua. Tôi đã từng tự đóng cửa trái tim mình sau lần tan vỡ đầu tiên, từng mất niềm tin vào một tình yêu đẹp và thấu hiểu nhau, từng quyết tâm chỉ cưới rồi mới yêu. Giờ đây khi nghe Bằng Lăng bảo rằng cô ấy chỉ xem Quốc Đạt là anh trai, chỉ tiện thể nhân lúc mình còn chưa có người yêu thì giúp cậu ấy cắt những cái đuôi mà cậu ấy không thích. Nhận ra tình cảm của Bằng Lăng đối với Quốc Đạt cũng đơn thuần như tình cảm của tôi đối với Linh lúc này, càng làm tôi chợt nghĩ mình có thêm nhiều hy vọng và muốn thử cho phép mình phá bỏ cái vỏ bọc mà mình tự xây nên.

Nhưng mà vui mừng còn chưa được vài phút thì ngay sau ấy, cô ấy đã khẳng định rằng thích Quốc Đạt như thích tôi vậy. Điều đó có nghĩa là cô ấy cũng xem tôi như một Quốc Đạt thứ hai, một người anh lớn mà thôi. Niềm hy vọng vụt tắt khi cô ấy giải thích rõ việc “thích như” là như thế nào. Quá rõ ràng, những điều tôi hiểu và nghĩ trùng khớp với những gì cô ấy giải thích. Tự dưng cảm giác bản thân như một bản sao của người khác. Vậy mà, vừa mới vài phút trước, tôi còn xốn xang trong lòng vì le lói tia hy vọng cơ đấy. Bất giác, tính trẻ con trong tôi lại nổi lên. Có lẽ, đã lâu lắm rồi, tôi mới có lại cảm giác giận hờn vô cớ như thế. Tôi cụt ngủn cắt ngang lời giải thích của cô nàng và chỉ tập trung vào việc xử lý hết ly chè của mình rồi hộ tống cô ấy cùng về.

(Trích - Tập truyện ngắn: Sao trong mắt Em, Em trong mắt Anh)

Văn Tú


 

 

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...