Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

NGƯỜI ĐAN LÁ

Một sáng nọ đi làm, tôi gặp một người phụ nữ trung niên. Đấy là một người mà tôi quen biết dù không thân thiết lắm. Nhà cô ấy ở ngay xóm bên cạnh.

Khoảng hai mươi mấy năm về trước, sau khi công trình đắp đập ngăn sông xây đê phòng hộ đi ngang qua xóm tôi, đa phần bà con hàng xóm tái định cư trên mảnh đất nhà còn sót lại. Chính vì vậy mà đất canh tác không còn nhiều, nhà lại thuần nông, nên bắt buộc nhiều gia đình khác cũng như cha tôi phải mua thêm ruộng đất nơi khác để canh tác.

Do cơ duyên, một mảnh ruộng ở xóm bên được chủ đất rao bán vì cụ ông đã lớn tuổi lại không có con trai nối nghiệp. Ông cụ là người rất cưng ruộng, sức khỏe không tốt, nhưng ông không chịu cho thuê vì sợ người ta mải lo khai thác sử dụng mà không chăm sóc kỹ lưỡng đất của ông. Hai ông bà lão suốt ngày ở ngoài ruộng làm cỏ, đánh mương rồi coi sóc lúa. Ông bà cụ có con muộn, đó là một cô con gái mà ông bà rất thương yêu. Cũng nhờ có đường đê phòng hộ, giao thông thuận lợi hơn nên xóm lá quê tôi cũng dần có mối liên hệ với các xóm lân cận. Nghe tin cha tôi đi dọ hỏi tìm mua ruộng, ông cụ đã chủ động đến gặp cha tôi và ngỏ ý chia lại đất cho cha tôi.

Lúc nhỏ, vào các ngày được nghỉ học, và cả mùa nghỉ hè, bọn con nít chúng tôi thường đi ra đồng phụ gia đình làm cỏ ruộng. Người xóm bên cũng thân thiện lắm. Cha tôi cũng dần được họ yêu quí vì tính cần cù và kỹ thuật canh tác giỏi. Các chú, các bác ở xóm bên cũng thường hay tham khảo ý kiến của cha tôi khi ruộng lúa của họ có vấn đề.

Lớn lên, tôi cũng chọn con đường để đi làm là băng qua xóm bên. Vì đấy là con đường gần nhất để đi ra lộ lớn. Con đường bê tông liên xã rộng hai mét bây giờ được nâng lên ba mét rưỡi. Nhờ theo cha đi ruộng từ nhỏ nên các nhà bên ấy tôi cũng quen biết. Và người phụ nữ mà tôi gặp sáng hôm nọ chính là con gái của người chủ bán đất cho cha tôi năm xưa.

Là đứa con gái rượu của ông bà nên cô ấy rất được chiều chuộng. Nhưng khi sức khỏe của ông cụ quá yếu, cô ấy đã bỏ học đại học để về chăm sóc gia đình. Sau khi ông cụ mất, cô ấy tiếp tục ở nhà làm lụng và chăm sóc cho bà cụ cũng đã yếu đi nhiều. Nhìn mái tóc dài đã lấm tấm sợi bạc được kẹp gọn gàng, nhìn dáng người mảnh khảnh đang đứng cạnh tàu lá dừa rũ xuống, đôi mắt chăm chú nhìn vào những đóa hoa được xếp bằng lá dừa, đôi tay vẫn đang tỉ mỉ đan đóa hoa tiếp theo. Tôi cảm nhận được một sự cô đơn đến đáng thương toát ra từ cô ấy.

Cô gái ấy, người phụ nữ ấy, đã bỏ lại thanh xuân tươi đẹp để chọn lấy con đường hiếu đạo. Cô ấy đã từ bỏ một tương lai gắn với sự phồn hoa nơi đô thị, để chọn lấy mảnh đất gia truyền và học cách làm nông. Cô ấy vẫn lặng lẽ một mình hôm sớm chăm sóc mẹ già mà từ chối lập gia đình riêng.

Buổi chiều, khi tôi quay về và lại đi ngang cây dừa ấy. Nơi mà mới lúc sáng đây thôi, người phụ nữ tôi quen đã đứng thắt những đóa hoa hồng bằng lá dừa. Nắng chiều le lói nhưng cũng đủ làm hiện rõ chiếc bóng nghiêng của vạn vật. Những đóa hoa lá dừa đã được thắt xong. Gần đó, trên sợi dây điện hạ thế, chú chim nhỏ lẻ loi đang đậu một mình. Chợt lòng tôi không khỏi se thắt lại. Bất giác nghĩ, ngoài lá cây đủng đỉnh thì người ta thường dùng lá dừa hay lá dừa nước đan thắt thành hoa để trang trí cho các cổng cưới truyền thống ở quê tôi. Trong tâm tư người phụ nữ ấy có phải chăng cũng có lúc mong mỏi tìm được một hạnh phúc của riêng mình. Hay cô ấy đang chúc phúc cho một ai đó vừa tìm được bến đỗ yêu thương. Dáng dấp cô đơn ấy, mong manh ấy lại chỉ có thể bộc lộ khi cô ấy ở một mình. Tôi hiểu rằng, bất cứ sự mạnh mẽ nào được thể hiện ra bên ngoài cũng là cả một quá trình chịu đau để chống chọi lại sự yếu đuối bên trong.

Văn Tú.

Ảnh: Hoa lá dừa dưới bóng chiều tà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...