Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

CÂY ĐÀO CỦA NỘI

Cũng là cây đào ấy, một cây đào rất đỗi bình thường, nhưng mỗi lần tôi về quê, lại đặc biệt ra đứng ngắm nghía và nhớ đến nội - người bà mà tôi yêu quý nhất, là người mà tôi tôn sùng nhất cuộc đời mình. Cây đào cha trồng trước cửa cho nội, tính đến nay chắc cũng được mười mấy năm. Đối với nhà tôi, cây đào này quý ở chỗ, cái hột đào mà cha đem ương thành cây giống là cái hột duy nhất mà tôi năn nỉ mãi, bà cụ bán đào mới chịu để lại cho.

Hồi trước, nhà chưa có cây đào này, biết nội thích ăn nên mỗi năm vào mùa đào cho quả, chiều đi làm về là tôi cứ nhìn sang bên trái đường, đoạn có cây đào bung tán rất rộng để canh đào chín. Cây đào ấy là của một bà lão cũng lớn tuổi, tóc bạc trắng, lưng cũng lom khom như nội tôi khi ấy.

Cây đào của bà cho trái to, ngọt và không có vị chát. Chính vì vậy mà mỗi khi bà cụ đem rổ đào để cập mép đường bày bán, rất ít khi bị ế. Quả nào quả nấy to tròn, vàng óng ánh, nhìn là muốn ghé mua ngay. Nhưng mỗi khi có khách đến mua, bà cụ để cho khách chọn xong những quả mình ưng thì sau đó bà đều vặn lấy lại hột. Cũng không ít người ngỏ ý muốn mua luôn cả hạt nhưng bà không bán. Còn riêng tôi, chắc có lẽ vì bà thấy tôi là khách quen, lại biết tôi mua về cho nội, cứ đều đặn mỗi tuần hai lần ghé mua đào, nên bà thương chăng. Vậy là nhờ đó mà nhà tôi cũng có được cây đào con chính hiệu của cây đào ngọt nhà bà.

Cây đào nhà tôi lớn lên, vào mùa quả đầu tiên, có lẽ do cây còn tơ nên chỉ đậu có vài quả. Tôi còn nhớ lúc ấy, nội tôi nâng niu đến mức mà nội ra ngắm mỗi ngày. Nhưng tiếc thay hầu hết mấy trái ngon đều bị dơi ăn. Chỉ duy nhất một trái khuất dưới lá cây không bị dơi phát hiện nên nội đã hái mang vào chưng trên bàn thờ cụ. Và năm ấy tôi lại tiếp tục ghé mua đào cho nội ở nhà bà lão trên đường đi làm về.

Năm sau đó nữa, cây đào cũng chỉ cho vài quả mà còn thường bị sâu. Lúc ấy cha tôi còn bảo, thôi chặt cây đó đi, trồng cây khác, có khi cây mẹ tốt nhưng cây con lại không được như cây mẹ. Nhưng nội tôi thì cứ tiếc, không cho chặt. Nội bảo thôi cho nó thêm năm nữa xem thế nào. Và năm đó, nhà bà cụ cũng đóng cửa suốt, không còn bày bán đào trước cửa nhà nữa. Tôi cũng thử ghé mua ở những cây đào khác, đào vàng, đào đỏ, đều không ngọt bằng cây đào nhà bà cụ. Nên nội tôi bảo, thôi, đừng mua nữa. Tâm tư của người bán và cả người ăn đều có những nỗi buồn riêng. Có lẽ, nội không muốn quên đi cái vị đào quen thuộc của bà, lại càng không muốn thay thế bằng những thứ khác nữa.

Vậy rồi mùa đào năm sau nữa cũng đến, cây đào khi ấy cũng được ba mùa cho trái nên đã bắt đầu sai quả. Trái đào cũng to, ngọt như cây đào mẹ. Nội tôi cũng hay cho các anh chị của nội ở trong xóm. Xóm tôi là một xóm quê, truyền thống, mọi người đều là họ hàng, cất nhà gần nhau làm thành một xóm. Nội tôi là út trong họ, cha tôi cũng là con út, đến lượt tôi cũng là út nốt. Nên hồi nhỏ khi tôi đi ra đường, là tự hiểu gặp ai cũng phải dạ, thưa vì biết chắc mình là đứa út xóm. Cái phận làm út tính ra cũng vui, được nhiều ưu ái, anh chị đều nhường. Nhưng tôi là đứa nguyên tắc, cũng không cậy mình được thương mà quá quắt. Chắc cũng nhờ cái tính đó mà tôi càng được cưng nhiều hơn. Từ nhỏ đến lớn, các thế hệ trong xóm nối tiếp nhau, cũng có nhiều thay đổi, nhưng nếp sống nhường cơm sẻ áo, có đồ ăn ngon lại đi cho nhà này nhà kia thì cứ thế vẫn duy trì đến ngày nay. Xóm tôi cũng chẳng có ai gọi là giàu có. Dù có dư dả một chút hay còn khó khăn thì cái cách sống mà nhà tôi gọi là “thảo ăn” cứ thế được truyền lại và thực hiện. Và đứa út nhà, út xóm như tôi cũng hay thay gia đình đi biếu đồ cho các nhà khác. Và cũng vì nhỏ nhất nên cũng hay được cho lại chút gì đó cầm tay đem về.

Nhưng nỗi đau của người nhỏ nhất họ đó chính là phải chứng kiến từng người lớn rời khỏi mình từ khá sớm. Và nội tôi, là người lớn cuối cùng trong vai vế ông bà mà tôi phải tiễn đưa. Rồi thế hệ cha, bác, cô của tôi cũng già đi, tóc xanh cũng dần chuyển hoa râm. Rồi anh chị em bọn tôi cũng lớn lên, đi làm, có đứa đi xa, có đứa quanh quẩn với vườn tược. Nhưng hễ gặp nhau là lại hồ hởi, tình cảm khắn khít ngày nào vẫn còn đó. Rồi tôi cũng lên chức cô, chức dì. Vậy là tôi đã mãn nhiệm kỳ cái chức út xóm. Thay vào đó, đứa con gái út của tôi sẽ lại là út xóm. Tôi lại dạy cho con cách chia sẻ những gì mình có với người khác, không chỉ là trong xóm ở quê ngoại, mà còn ở nơi cư ngụ mới của chúng tôi, trong lớp học và cả ngoài xã hội.

Năm nay, cây đào của nội cũng sai quả như năm nào. Mỗi khi vào độ đào chín rộ, cuối tuần là cha tôi lại hái xuống có khi được cả một rổ đầy. Cha vẫn giữ thói quen chừa một ít để nhà ăn, chọn những trái to ngon sẽ mang qua cho các bác, các cô của tôi. Và dĩ nhiên là ông ngoại lại có thêm một bạn đồng hành nhỏ, lũn đũn theo sát, tay phụ cầm bịch đào chín mọng đi sang biếu cho hàng xóm. Đấy, cuộc sống bên ngoài có xô bồ hối hả đến đâu, tình người bên ngoài có lạnh nhạt như thế nào thì về đến quê, tôi lại thấy bình yên và ấm áp. Nhìn cây đào của nội sau trận mưa hè dường như trở nên xanh mướt hơn, các quả chín vàng cũng được mang đi chia sẻ cho nhiều người cùng thưởng thức. Rồi tuần sau khi chúng tôi về lần nữa, chắc chắn những quả non còn trên cây sẽ lại đến đợt chín tiếp theo. Tôi thầm cảm ơn nội ngày ấy đã ngăn không cho cha chặt cây. Để rồi bây giờ xóm tôi lại có đào ngon để ăn. Và tôi cũng cảm thấy may mắn vì cây đào như một kỷ vật của nội để lại cho con cháu và người thân.

Văn Tú.

Ảnh: Cây đào của nội sau cơn mưa chiều

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SẼ ỔN THÔI

Sẽ ổn thôi, bao nhiêu là vụn vỡ Trái tim không lành vết sẹo càng sâu Thế thái nhân tình, buồn thương cũng thế Đã mệt rồi, hãy dừng lại đi th...