Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

BẠN SÂU NHỎ

Ơi bạn sâu nhỏ,

Chớ ăn rau bà!

Công bà chăm sóc,

Đừng phá bà thương!

 

Ơi bạn sâu nhỏ,

Hãy ăn ngọn cỏ!

Đỡ công bà nhổ,

Bà ngồi đau lưng!


Ơi bạn sâu nhỏ,

Lớn nhanh thành bướm!

Bay tìm mật hoa,

Hát ca cùng mình!


Văn Tú.



 

BÉ HẠT TIÊU

Bé Hạt Tiêu
Có chút chíu
Đi líu ríu
Ngày nào mếu
Khóc la nhiều
Đến lớp đều
Được cô dìu
Học bao điều
Ngoan đến chiều
Ba mẹ yêu!
 
Văn Tú


XE MẸ

Xưa, mẹ đi chợ, con ở nhà trông ngóng
Chơi ở sân nhà mà cứ ngó xa xăm
Mong mẹ về nhanh, đặng xem trong giỏ mẹ
Chỉ vài củ khoai hay dăm ba hột đậu
Đã thấy hân hoan, đủ đầy niềm hạnh phúc.
 
Nay, con lớn rồi, cũng là người làm mẹ
Hiểu nỗi vất vả xưa kia cha mẹ gánh
Bao thứ phải lo trên vai gầy bé nhỏ
Xe mẹ vẫn về, với vài thứ mang theo
Xe mẹ trở về vì con gái chờ mong.
 
Văn Tú
 

 

NGHĨ ĐẸP

Khi ánh nắng còn xiên qua kẽ lá
 
Khi chiều tà còn buông dưới song thưa
 
Khi hạt mưa còn tung tăng nhảy múa
 
Khi cây lúa còn trĩu hạt nhẹ lay
 
Khi áng mây còn êm đềm trôi mãi
 
Khi ban mai còn thay thế đêm trường
 
Khi giọt sương còn đọng trên đám cỏ
 
Khi ngọn gió còn len giữa hàng cây
 
Má hây hây em thơ ngây mắt biếc
 
Trao yêu thương cho cuộc sống muôn màu.
 
Văn Tú.
 

 
 



Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

MUỒNG HOA ĐÀO

Tựa Anh Đào nhưng lại thuộc chi Muồng

Cùng họ Đậu với loài cây Phượng Vĩ

Tên dân dã, Phượng Hồng người thường gọi

Hoa phấn hồng, nở rộ lúc hè sang

 

Muồng Hoa Đào từng chùm đơm say đắm

Ngọt ngào dưới nắng e ấp hồn nhiên

Như người thiếu nữ trinh nguyên khờ dại

Nét ngây ngô chưa vướng bận bụi trần

 

Dưới gốc Muồng bên ghế đá thân quen

Em lặng lẽ ngước nhìn qua tán lá

Ngỡ mây hồng là đà ô che nắng

Có phải hoa đang tâm sự cùng em?

 

Hoa chỉ khẽ đung đưa theo làn gió

Xạc xào lay như thể khúc khích cười

Người qua lối cũng nào đâu để ý

Chùm Muồng Hoa giữ nhạt nắng trên đầu.

 

Văn Tú.


 

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

NGƯỜI ĐAN LÁ

Một sáng nọ đi làm, tôi gặp một người phụ nữ trung niên. Đấy là một người mà tôi quen biết dù không thân thiết lắm. Nhà cô ấy ở ngay xóm bên cạnh.

Khoảng hai mươi mấy năm về trước, sau khi công trình đắp đập ngăn sông xây đê phòng hộ đi ngang qua xóm tôi, đa phần bà con hàng xóm tái định cư trên mảnh đất nhà còn sót lại. Chính vì vậy mà đất canh tác không còn nhiều, nhà lại thuần nông, nên bắt buộc nhiều gia đình khác cũng như cha tôi phải mua thêm ruộng đất nơi khác để canh tác.

Do cơ duyên, một mảnh ruộng ở xóm bên được chủ đất rao bán vì cụ ông đã lớn tuổi lại không có con trai nối nghiệp. Ông cụ là người rất cưng ruộng, sức khỏe không tốt, nhưng ông không chịu cho thuê vì sợ người ta mải lo khai thác sử dụng mà không chăm sóc kỹ lưỡng đất của ông. Hai ông bà lão suốt ngày ở ngoài ruộng làm cỏ, đánh mương rồi coi sóc lúa. Ông bà cụ có con muộn, đó là một cô con gái mà ông bà rất thương yêu. Cũng nhờ có đường đê phòng hộ, giao thông thuận lợi hơn nên xóm lá quê tôi cũng dần có mối liên hệ với các xóm lân cận. Nghe tin cha tôi đi dọ hỏi tìm mua ruộng, ông cụ đã chủ động đến gặp cha tôi và ngỏ ý chia lại đất cho cha tôi.

Lúc nhỏ, vào các ngày được nghỉ học, và cả mùa nghỉ hè, bọn con nít chúng tôi thường đi ra đồng phụ gia đình làm cỏ ruộng. Người xóm bên cũng thân thiện lắm. Cha tôi cũng dần được họ yêu quí vì tính cần cù và kỹ thuật canh tác giỏi. Các chú, các bác ở xóm bên cũng thường hay tham khảo ý kiến của cha tôi khi ruộng lúa của họ có vấn đề.

Lớn lên, tôi cũng chọn con đường để đi làm là băng qua xóm bên. Vì đấy là con đường gần nhất để đi ra lộ lớn. Con đường bê tông liên xã rộng hai mét bây giờ được nâng lên ba mét rưỡi. Nhờ theo cha đi ruộng từ nhỏ nên các nhà bên ấy tôi cũng quen biết. Và người phụ nữ mà tôi gặp sáng hôm nọ chính là con gái của người chủ bán đất cho cha tôi năm xưa.

Là đứa con gái rượu của ông bà nên cô ấy rất được chiều chuộng. Nhưng khi sức khỏe của ông cụ quá yếu, cô ấy đã bỏ học đại học để về chăm sóc gia đình. Sau khi ông cụ mất, cô ấy tiếp tục ở nhà làm lụng và chăm sóc cho bà cụ cũng đã yếu đi nhiều. Nhìn mái tóc dài đã lấm tấm sợi bạc được kẹp gọn gàng, nhìn dáng người mảnh khảnh đang đứng cạnh tàu lá dừa rũ xuống, đôi mắt chăm chú nhìn vào những đóa hoa được xếp bằng lá dừa, đôi tay vẫn đang tỉ mỉ đan đóa hoa tiếp theo. Tôi cảm nhận được một sự cô đơn đến đáng thương toát ra từ cô ấy.

Cô gái ấy, người phụ nữ ấy, đã bỏ lại thanh xuân tươi đẹp để chọn lấy con đường hiếu đạo. Cô ấy đã từ bỏ một tương lai gắn với sự phồn hoa nơi đô thị, để chọn lấy mảnh đất gia truyền và học cách làm nông. Cô ấy vẫn lặng lẽ một mình hôm sớm chăm sóc mẹ già mà từ chối lập gia đình riêng.

Buổi chiều, khi tôi quay về và lại đi ngang cây dừa ấy. Nơi mà mới lúc sáng đây thôi, người phụ nữ tôi quen đã đứng thắt những đóa hoa hồng bằng lá dừa. Nắng chiều le lói nhưng cũng đủ làm hiện rõ chiếc bóng nghiêng của vạn vật. Những đóa hoa lá dừa đã được thắt xong. Gần đó, trên sợi dây điện hạ thế, chú chim nhỏ lẻ loi đang đậu một mình. Chợt lòng tôi không khỏi se thắt lại. Bất giác nghĩ, ngoài lá cây đủng đỉnh thì người ta thường dùng lá dừa hay lá dừa nước đan thắt thành hoa để trang trí cho các cổng cưới truyền thống ở quê tôi. Trong tâm tư người phụ nữ ấy có phải chăng cũng có lúc mong mỏi tìm được một hạnh phúc của riêng mình. Hay cô ấy đang chúc phúc cho một ai đó vừa tìm được bến đỗ yêu thương. Dáng dấp cô đơn ấy, mong manh ấy lại chỉ có thể bộc lộ khi cô ấy ở một mình. Tôi hiểu rằng, bất cứ sự mạnh mẽ nào được thể hiện ra bên ngoài cũng là cả một quá trình chịu đau để chống chọi lại sự yếu đuối bên trong.

Văn Tú.

Ảnh: Hoa lá dừa dưới bóng chiều tà

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

CÂY ĐÀO CỦA NỘI

Cũng là cây đào ấy, một cây đào rất đỗi bình thường, nhưng mỗi lần tôi về quê, lại đặc biệt ra đứng ngắm nghía và nhớ đến nội - người bà mà tôi yêu quý nhất, là người mà tôi tôn sùng nhất cuộc đời mình. Cây đào cha trồng trước cửa cho nội, tính đến nay chắc cũng được mười mấy năm. Đối với nhà tôi, cây đào này quý ở chỗ, cái hột đào mà cha đem ương thành cây giống là cái hột duy nhất mà tôi năn nỉ mãi, bà cụ bán đào mới chịu để lại cho.

Hồi trước, nhà chưa có cây đào này, biết nội thích ăn nên mỗi năm vào mùa đào cho quả, chiều đi làm về là tôi cứ nhìn sang bên trái đường, đoạn có cây đào bung tán rất rộng để canh đào chín. Cây đào ấy là của một bà lão cũng lớn tuổi, tóc bạc trắng, lưng cũng lom khom như nội tôi khi ấy.

Cây đào của bà cho trái to, ngọt và không có vị chát. Chính vì vậy mà mỗi khi bà cụ đem rổ đào để cập mép đường bày bán, rất ít khi bị ế. Quả nào quả nấy to tròn, vàng óng ánh, nhìn là muốn ghé mua ngay. Nhưng mỗi khi có khách đến mua, bà cụ để cho khách chọn xong những quả mình ưng thì sau đó bà đều vặn lấy lại hột. Cũng không ít người ngỏ ý muốn mua luôn cả hạt nhưng bà không bán. Còn riêng tôi, chắc có lẽ vì bà thấy tôi là khách quen, lại biết tôi mua về cho nội, cứ đều đặn mỗi tuần hai lần ghé mua đào, nên bà thương chăng. Vậy là nhờ đó mà nhà tôi cũng có được cây đào con chính hiệu của cây đào ngọt nhà bà.

Cây đào nhà tôi lớn lên, vào mùa quả đầu tiên, có lẽ do cây còn tơ nên chỉ đậu có vài quả. Tôi còn nhớ lúc ấy, nội tôi nâng niu đến mức mà nội ra ngắm mỗi ngày. Nhưng tiếc thay hầu hết mấy trái ngon đều bị dơi ăn. Chỉ duy nhất một trái khuất dưới lá cây không bị dơi phát hiện nên nội đã hái mang vào chưng trên bàn thờ cụ. Và năm ấy tôi lại tiếp tục ghé mua đào cho nội ở nhà bà lão trên đường đi làm về.

Năm sau đó nữa, cây đào cũng chỉ cho vài quả mà còn thường bị sâu. Lúc ấy cha tôi còn bảo, thôi chặt cây đó đi, trồng cây khác, có khi cây mẹ tốt nhưng cây con lại không được như cây mẹ. Nhưng nội tôi thì cứ tiếc, không cho chặt. Nội bảo thôi cho nó thêm năm nữa xem thế nào. Và năm đó, nhà bà cụ cũng đóng cửa suốt, không còn bày bán đào trước cửa nhà nữa. Tôi cũng thử ghé mua ở những cây đào khác, đào vàng, đào đỏ, đều không ngọt bằng cây đào nhà bà cụ. Nên nội tôi bảo, thôi, đừng mua nữa. Tâm tư của người bán và cả người ăn đều có những nỗi buồn riêng. Có lẽ, nội không muốn quên đi cái vị đào quen thuộc của bà, lại càng không muốn thay thế bằng những thứ khác nữa.

Vậy rồi mùa đào năm sau nữa cũng đến, cây đào khi ấy cũng được ba mùa cho trái nên đã bắt đầu sai quả. Trái đào cũng to, ngọt như cây đào mẹ. Nội tôi cũng hay cho các anh chị của nội ở trong xóm. Xóm tôi là một xóm quê, truyền thống, mọi người đều là họ hàng, cất nhà gần nhau làm thành một xóm. Nội tôi là út trong họ, cha tôi cũng là con út, đến lượt tôi cũng là út nốt. Nên hồi nhỏ khi tôi đi ra đường, là tự hiểu gặp ai cũng phải dạ, thưa vì biết chắc mình là đứa út xóm. Cái phận làm út tính ra cũng vui, được nhiều ưu ái, anh chị đều nhường. Nhưng tôi là đứa nguyên tắc, cũng không cậy mình được thương mà quá quắt. Chắc cũng nhờ cái tính đó mà tôi càng được cưng nhiều hơn. Từ nhỏ đến lớn, các thế hệ trong xóm nối tiếp nhau, cũng có nhiều thay đổi, nhưng nếp sống nhường cơm sẻ áo, có đồ ăn ngon lại đi cho nhà này nhà kia thì cứ thế vẫn duy trì đến ngày nay. Xóm tôi cũng chẳng có ai gọi là giàu có. Dù có dư dả một chút hay còn khó khăn thì cái cách sống mà nhà tôi gọi là “thảo ăn” cứ thế được truyền lại và thực hiện. Và đứa út nhà, út xóm như tôi cũng hay thay gia đình đi biếu đồ cho các nhà khác. Và cũng vì nhỏ nhất nên cũng hay được cho lại chút gì đó cầm tay đem về.

Nhưng nỗi đau của người nhỏ nhất họ đó chính là phải chứng kiến từng người lớn rời khỏi mình từ khá sớm. Và nội tôi, là người lớn cuối cùng trong vai vế ông bà mà tôi phải tiễn đưa. Rồi thế hệ cha, bác, cô của tôi cũng già đi, tóc xanh cũng dần chuyển hoa râm. Rồi anh chị em bọn tôi cũng lớn lên, đi làm, có đứa đi xa, có đứa quanh quẩn với vườn tược. Nhưng hễ gặp nhau là lại hồ hởi, tình cảm khắn khít ngày nào vẫn còn đó. Rồi tôi cũng lên chức cô, chức dì. Vậy là tôi đã mãn nhiệm kỳ cái chức út xóm. Thay vào đó, đứa con gái út của tôi sẽ lại là út xóm. Tôi lại dạy cho con cách chia sẻ những gì mình có với người khác, không chỉ là trong xóm ở quê ngoại, mà còn ở nơi cư ngụ mới của chúng tôi, trong lớp học và cả ngoài xã hội.

Năm nay, cây đào của nội cũng sai quả như năm nào. Mỗi khi vào độ đào chín rộ, cuối tuần là cha tôi lại hái xuống có khi được cả một rổ đầy. Cha vẫn giữ thói quen chừa một ít để nhà ăn, chọn những trái to ngon sẽ mang qua cho các bác, các cô của tôi. Và dĩ nhiên là ông ngoại lại có thêm một bạn đồng hành nhỏ, lũn đũn theo sát, tay phụ cầm bịch đào chín mọng đi sang biếu cho hàng xóm. Đấy, cuộc sống bên ngoài có xô bồ hối hả đến đâu, tình người bên ngoài có lạnh nhạt như thế nào thì về đến quê, tôi lại thấy bình yên và ấm áp. Nhìn cây đào của nội sau trận mưa hè dường như trở nên xanh mướt hơn, các quả chín vàng cũng được mang đi chia sẻ cho nhiều người cùng thưởng thức. Rồi tuần sau khi chúng tôi về lần nữa, chắc chắn những quả non còn trên cây sẽ lại đến đợt chín tiếp theo. Tôi thầm cảm ơn nội ngày ấy đã ngăn không cho cha chặt cây. Để rồi bây giờ xóm tôi lại có đào ngon để ăn. Và tôi cũng cảm thấy may mắn vì cây đào như một kỷ vật của nội để lại cho con cháu và người thân.

Văn Tú.

Ảnh: Cây đào của nội sau cơn mưa chiều

 

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...