Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

ĐỒNG CHÍN

Một chiều thứ sáu trước Tết Nguyên Đán, mẹ con tôi được dịp về quê. Chạy ngang cánh đồng lúa chín ửng, bất giác tôi ngừng xe lại và chụp một tấm hình rồi khẽ cười một mình. Thầm nghĩ, vụ đông xuân đang vào cuối mùa, lúa ửng vàng mang theo bao nhiêu niềm hy vọng và cả lo lắng của bà con nông dân. 

Con gái lớn ngồi phía trước hỏi: 

- "Ruộng ông ngoại chỗ nào vậy mẹ?" 

Tôi phóng mắt về hướng xa tít, một tay chỉ về hướng cánh đồng còn xanh hơn và nói với con:

- "Ruộng ông ngoại ở trong đó, chỗ đám lúa màu xanh xanh đó con."

Con gái tôi lại thắc mắc:

- "Sao ruộng người ta chín rồi mà ruộng ông ngoại còn chưa chín hén mẹ."

Tôi cười hiền, xoa đầu con bé rồi giải thích:

- "Ruộng mình bên trong, phải gieo sau vài ngày để chín muộn hơn, nhường cho các ruộng ngoài gặt trước. Máy cắt của hợp tác xã sẽ cắt lần lượt từ ngoài vào trong con à."

Con gái như cũng hiểu ra, gật gù bảo:

- "Cũng giống như con và em vậy hén mẹ, làm gì cũng phải xếp hàng chờ đến lượt."

Tôi gật đầu, vừa đề máy xe vừa nói với con:

- "Ừ, phải biết phối hợp khi làm cùng nhau thì mọi việc sẽ thuận lợi con à."

Nhìn vào kính chiếu hậu, phía sau, ông xã cũng đang chở con gái nhỏ chạy tới. Tôi lên số rồi cho xe chạy. Miên man nghĩ, bà con mình đã tân tiến hơn xưa nhiều rồi, đã biết làm việc đồng loạt và theo quy trình chứ không còn tự phát nữa. Nhờ vậy mà giảm công chăm sóc, ít sâu rầy, ít bị thương lái ép giá mà cũng nhẹ nhân công nhờ máy móc hiện đại hỗ trợ nhiều. Thầm mong cho mưa thuận gió hòa, để cho bà con nông dân mình có cái Tết no ấm hơn, vui vẻ hơn.


Văn Tú.

Ảnh: Đồng chín. Tác giả: Văn Tú

HOA SAO NHỎ

Cuối tháng tư, ôi mùa hoa Sao nhỏ!
Lủng lẳng đầu cành tựa pháo xuân xưa
Gió lùa qua như xác pháo giao thừa
Cánh hoa Sao xoay mình hòa trong gió.

Ngao du khắp chốn giữa buổi trưa hè
Hoa Sao nhỏ là đà rơi xuống đất
Hết gió rồi, sao nâng cánh được đây?
Đành phận bạc, mặc chân người giày xéo!

Nàng qua lối cũ, cúi người nhặt lấy
Thương cánh hoa Sao, rơi vãi trên đường
Khẽ thì thầm, hoa ơi đừng lạc lối
Mãi rong chơi, bỏ quên gốc cây già!

Hoa Sao nhỏ muốn cùng anh Dầu to
Dang đôi cánh rộng dài mà xoay tít
Bay theo gió, Dầu-Sao cùng hạnh phúc
Anh Dầu hỡi, chờ hoa Sao bé nhỏ!

Gọi theo người nhưng chẳng được đoái thương
Thôi thì cứ một mình em nhảy múa
Cánh Sao rơi, cũng làm cảnh nên thơ
Dầu vô tình, Sao hữu ý trăm năm.

Nên thương tổn cũng mình Sao nhận lấy
Biết làm sao khi đã lỡ mong chờ
Duyên không đến, lại rời xa gốc rễ
Mấy ai thương, hoa Sao nhỏ bọt bèo!

Văn Tú.

 

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

CÒ CHIỀU

Chiều xuống, bầu trời thật đẹp. Những dải mây hồng kéo dài từ đằng Đông sang đằng Tây, trông giống như một xưởng nhuộm lụa khổng lồ đang phơi vải trên bầu trời. Cũng như các tuần trước, mấy mẹ con tôi lại đùm túm nhau về quê ngoại, vừa chạy, vừa trò chuyện cho con đỡ buồn ngủ vì đường xa. Thoáng chốc, tôi lại ngó lên ngắm nhìn bầu trời như một cô thợ nhuộm canh lụa đang phơi. Đường về quê nhờ đó mà như gần hơn.

Mẹ tôi thường hay đợi cuối tuần, khi bọn tôi về, sẽ nấu thêm món ngon. Mẹ tôi thường đùa rằng mẹ đang rải lúa dụ vịt về chuồng. Nghĩa là mẹ hay chọn nấu những món chúng tôi thích để về ăn, và như vậy là cả nhà được đoàn tụ.

Nghe thì có vẻ chúng tôi hơi tham ăn nhỉ. Nhưng đó là cách mẹ dành tình cảm cho những đứa con, đứa cháu xa nhà như bọn tôi. Thêm nữa, cuối tuần cũng là lúc anh chị của tôi được nghỉ làm, tụ họp cả ngày để ăn được nhiều hơn những món ngon mà mẹ dụng tâm tẩm bổ cho gia đình vì một tuần vất vả làm việc.

Tình cờ, trong lúc tôi nhìn lên bầu trời, một cánh cò bay qua. Chú cò cô đơn, một mình cặm cụi bay một cách gấp gáp trong khi trời đã nhá nhem tối. Hẳn là nó cũng vội về tổ để đoàn tụ với gia đình như bọn tôi đấy mà. Biết đâu, các con của nó đang trông ngóng nó về để có buổi ăn chiều. Trong lòng tôi lại nảy lên suy nghĩ, hồi trước đi học, hình ảnh con cò trong ca dao tục ngữ luôn đại diện cho sự cần mẫn, cho tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ. Nhưng hôm nay, tự dưng, tôi lại có cảm giác mình cũng như một chú cò. Nhưng không vì tôi cũng là phụ nữ, cũng không phải vì tôi đảm đang hay kiên cường gánh vác gì cả. Mà cảm giác của tôi đó là sự ấm áp của việc được về nhà.

Mấy mẹ con tôi về đến nhà thì trời cũng tối mịt. Cổng rào đã mở sẵn vì cha sợ con về tối không thấy đường mở khóa. Từ ngày nội mất, không còn ai ra ngồi ở trước cửa để chờ tôi nữa. Cha mẹ tôi thì giờ này chắc là đang tất bật lo cho đàn heo sau nhà. Nhìn vào trong nhà, thấy dáng anh chị và các cháu đã có mặt nên tôi xuống xe khóa cửa rào. Nhìn lên bầu trời cao, trăng hôm nay như cái miệng cười tươi, còn sao hôm thì như một hòn ngọc sáng điểm xuyến cho gương mặt của bầu trời thêm phần khả ái.

Dù có đi xa hay đi gần, được về nhà đối với một người luôn là điều hạnh phúc nhất. Bởi vì nơi đó, luôn có tình thương ấm áp, có những người thân trong gia đình đang chờ mình về. Cho dù mỗi nhà mỗi cảnh, có người may mắn cũng có người bất hạnh, có người hạnh phúc cũng có người buồn khổ. Nhưng khi ta có một nơi để về đã là một điều vô cùng an ủi. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười hiền lành còn nở trên môi, còn nghe giọng nói trầm ấm, còn thấy dáng người lom khom dọn dẹp, như thế đã đủ làm an lòng của đứa con xa nhà. Được trở về, dù biết rằng chẳng mấy chốc rồi sẽ lại ra đi. Cuộc đời là như vậy. Cứ đi rồi lại về, về rồi lại đi, nhưng đi rồi sẽ lại trở về mà thôi. Có những người thân đã không thể chờ ta trở về được nữa. Chính vì vậy mà, dù đi xa hay gần, hãy cứ sắp xếp thời gian để trở về. Trở về, như một cách tiếp thêm sức mạnh để rồi ta lại tràn trề năng lượng để bước tiếp cuộc đời của chính mình. Trở về, như một cách tiếp thêm dũng khí cho người ở lại, kiên trì chờ đợi, vững niềm tin ở người ra đi. Chỉ cần, ta có thể sống tốt cuộc đời của mình, không để cha mẹ lo lắng, nhọc nhằn vì ta, đấy cũng là đền đáp công ơn của bậc sinh thành.

Văn Tú.

 Ảnh: Cò chiều

 

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

NGÀY HÈ NĂM CŨ

 

 
Ảnh: Một sáng hè TVU

Đi giữa hàng cây còng già, giữa tiếng ve râm ran, xa xa một cây phượng đã trổ bông như tô điểm cho cả khoảng trời đỏ rực, tôi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời trong xanh chỉ lưa thưa vài cụm mây trắng. Hè về. Một đặc trưng dễ nhận biết nơi khuôn viên trường học. Cũng chẳng hiểu vì sao, ve sầu lại thích ẩn mình trong các tán cây ở trường đến thế. Trong khi cũng thời điểm này, ở nhà tôi không hề có một tiếng ve nào. Từ nhỏ đến lớn, tôi chuyển từ trường này sang trường khác, vẫn nét riêng ngày hè mà chỉ ở trường, tôi mới có thể bắt gặp được, mỗi năm một lần, đều đặn đến, kéo dài từ khoảng gần cuối học kỳ hai đến khi nghỉ hè. 

Còn nhớ hồi tôi học cấp một, cũng vào độ chớm hè. Khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống dù không đủ làm dịu cái khí trời oi ả nhưng cũng đủ gọi lũ ve thức giấc. Ngoài tiếng ve mỗi lúc một to, âm thanh đều đặn đến điếc cả tai, thì cổng trường tôi sẽ có các cô chú bán bù rầy, một loài bọ cánh cứng khá to mà bọn con nít rất thích chơi, nhất là đám con trai. Mỗi con bù rầy thường có giá tầm một nghìn đến một nghìn rưỡi đồng ở thời điểm đó. Những chiếc xe bù rầy tự chế bằng dây kẽm trông như chiếc xe đạp tí hon cũng được bày bán cùng. 

Còn nhớ những giờ chơi, tôi ngồi trong lớp ôn bài trong khi các bạn thi đua xem bù rầy của ai giỏi hơn, đẩy xe nhanh hơn, đám đông cũng hò hét cổ vũ hết sức sôi nổi. Thỉnh thoảng không có bài để ôn, tôi cũng ngồi tại chỗ của mình để xem các bạn chơi chứ không tham gia. Một phần vì tính cách khép kín, một phần là do tôi ít khi đùa giỡn.

Một lần nọ, một người bạn nam cùng lớp và cũng sinh hoạt Đội Thiếu niên Tiền phong trong liên đội cùng với tôi, mang đến đưa cho tôi một con bù rầy màu xám trắng, bảo rằng tặng cho tôi làm quạt. Cậu ấy còn bảo con này siêng và mạnh lắm, cậu ấy lựa mãi mới được con có cánh số 0 đấy. Tôi cũng chả hiểu quy luật mà cậu ấy nói. Cũng chẳng cần suy nghĩ, tôi từ chối ngay lập tức vì mỗi lần thấy cảnh đó tôi lại thấy tội cho tụi bù rầy quá. Trò tách lớp cánh cứng bên ngoài cho chập vào nhau để cầm, rồi thổi vài cái là bù rầy sẽ bay, các bạn trong lớp cũng hay chơi, lại có thể tận dụng thổi mát giữa trưa hè. Cậu bạn cũng nhiệt tình tách cánh rồi chọc cho con bù rầy có cánh số 0 của cậu ấy bắt đầu đập cánh rồi nhét vào tay tôi. Nhưng liền ngay sau đó, tôi buông tay thả cho con bù rầy bay mất. Cũng vì vậy mà cậu ấy đã giận tôi rất lâu không thèm nói chuyện nữa. Cũng đúng, đó là công sức của cậu ấy. Không dễ để tìm được con bù rầy hiếm, lại còn là số tiền nhịn ăn quà vặt của cậu ấy, mà tôi lại thả cho bay không chút do dự, làm sao mà không giận cho được.

Nhiều mùa hè trôi qua, ngày hè năm nào đã lùi xa về quá khứ, và chỉ một mình tôi lớn lên. Còn cậu bạn của tôi, đã về bên đất mẹ vào một buổi chiều mưa hè sấm chớp. Và cũng từ đó, mỗi lần được dịp bắt gặp một chú bù rầy, tôi lại hay giở cánh giáp của nó ra để xem có số gì trên lớp cánh mỏng manh bên trong. Để rồi, tôi lại thả lên bầu trời xanh như mong chú bù rầy kia tìm được chủ mới, người có thể biết trân trọng khả năng của nó.

Văn Tú.

Ảnh: Một trưa hè TVU

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

CÁNH BẰNG LĂNG RƠI GIỮA THÁNG TƯ

Tháng Tư với sự chuyển giao của thời tiết từ xuân sang hè. Cái nắng hanh gắt đến rát da bắt đầu xuất hiện. Tháng Tư với những tiếng ve bắt đầu râm ran trong kẽ lá. Các cô cậu học trò với những cảm xúc lẫn lộn trước khoảng thời gian cuối học kỳ hai, áp lực thi cử và việc chia xa cũng sắp đến gần. Có khi chỉ là vài tháng xa nhau, có khi là chẳng bao giờ gặp lại nữa.

Giữa tháng Tư, khi tiết trời thấm đậm sự oi bức của mùa hè. Giữa tháng Tư, khi những tán phượng bắt đầu khoe sắc đỏ. Giữa tháng Tư, khi những áng mây cao vợi lơ đãng trôi trên bầu trời xanh ngắt. Và khi giữa tháng Tư, có những cánh bằng lăng nở sớm đã qua mùa hương sắc, rơi rơi từ giã cành.

Cả cuộc đời đã góp mặt cho cảnh sắc ngày hè thêm lãng mạn. Cả cuộc đời đã thủy chung son sắt bên cây. Đến khi lìa cành, vì quá mỏng manh mà bị gió cuốn đi, chẳng thể nằm lại bên cây. Cánh bằng lăng bay trong gió tạo nên một khung cảnh buồn thương. Nhưng biết làm sao được, đấy là quy luật của đất trời. Có rực rỡ thì cũng có lúc lụi tàn. Có hội tụ thì sẽ có phân ly.

Đã không thể thay đổi thì an nhiên chấp nhận. Như cánh bằng lăng kia, may mắn được nằm cạnh gốc là một sự ấm áp của số phận. Mà nếu tung mình bay trong gió thì cũng là một cơ duyên may mắn được ngao du khám phá những điều mới lạ. Để rồi lại mang sắc tím bằng lăng nhuộm màu những nơi xa. 

Giá trị của việc xuất hiện là mang đến sự cống hiến. Giá trị của việc rời đi là mang đến sự khởi đầu. Biết trân trọng những điều đến bên mình, biết chấp nhận những điều đã kết thúc và biết cảm ơn cả những điều không đến bên ta. 

Văn Tú

Ảnh: Cánh bằng lăng rơi giữa tháng tư




BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...