Hôm nay, một ngày sôi nổi, ngày hội trại thanh niên. Đi một vòng khu vực cắm trại, nhìn từng cái tên trại được trang trí tỉ mỉ, tôi lại cảm thấy nao nao trong lòng. Có những cái tên mang dấu ấn của thời thanh xuân, cũng có những cái tên mang đậm chất chuyên ngành. Những con hạc giấy dùng để trang trí. Những bông hoa được tết từ lá của cây dừa nước, và cả từ giấy thủ công nhiều màu sắc. Càng không thể thiếu cờ nước, cờ Đoàn và ảnh Bác được đặt ở nơi trang nghiêm, trịnh trọng nhất trong trại.
Nhìn các em, những người trẻ, đang háo hức và chăm chút với tuyệt tác của trại mình, tôi như được sống lại thời sinh viên của chính mình. Đấy là lần đầu tiên tôi được tham gia hội trại. Dù được kết nạp Đoàn từ rất sớm, năm tôi học lớp 6. Nhưng chưa một lần được tham gia hội trại nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn. Hồi còn nhỏ, vì nhà xa, lại là thân gái, nên gia đình không cho tham gia. Lớn lên, trở thành sinh viên đại học, tôi mới có cơ hội tham gia hội trại.
Cũng có thể do không biết phải làm gì và chuẩn bị gì cho hoạt động này, nên đối với tôi khi ấy là một sự chấp hành, phân công gì thì làm nấy, ai nói gì thì nghe nấy. Chúng tôi cũng có các buổi họp lớp để chuẩn bị, lên kế hoạch tổ chức, đề xuất và biểu quyết chọn tên trại, phân công tìm vật tư vật liệu trang trí trại. Khi ấy, việc dựng trại là một việc vô cùng khó khăn và tốn thời gian đối với những cô cậu trẻ chúng tôi. Theo quy định, chúng tôi phải tự thực hiện tất cả các công việc từ dựng cột, căng lều trại đến trang trí và đấu dây điện thắp sáng cho trại. Sau khi hoàn thành việc trang trí trại, tôi cũng đi dạo một vòng để ngắm nghía các trại bạn. Và dĩ nhiên là không quên trở về trại lớp mình trước giờ chấm điểm trại.
Lần đầu tiên tôi được tham gia không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng cũng vô cùng hào hứng, tham gia các trò chơi nhảy sạp, đi tìm kho báu, và cả hoạt động tiếp đón các đoàn đến giao lưu từ các trại khác. Còn nhớ khi ấy, tôi hầu như sử dụng hết công suất giọng oanh vàng của mình, chơi hay cổ vũ đều thuộc dạng sôi nổi chẳng kém cạnh ai. Đến nỗi mà sau đợt hội trại đầu tiên của tôi ở thời đại học, tôi bị tắt tiếng hơn một tháng trời. Lúc đầu cũng nghĩ do bản thân la hét nhiều quá, từ từ sẽ khỏe lại. Nhưng chờ mãi không hết thì cuối cùng cũng vì một lời hù dọa của nhỏ bạn mà tôi vác thân đi khám. Sau trận khóc nhè vì bị nội soi cổ họng khó chịu quá, bác sĩ đã cho tôi kết luận rằng tôi bị viêm thanh quản mãn tính kèm theo là cây kẹo dụ em bé để tôi nín khóc. Các cô chú bên ngoài khi thấy tôi bước ra cũng hoảng sợ vì nghĩ mức độ đau của nội soi thật kinh khủng, bằng chứng là con bé khóc quá trời.
Hoài niệm tiếp về lần hội trại ấy, bất giác tôi lại thấy bồi hồi nhớ về một sự ấm áp. Chuyện là chẳng biết thông tin đến với tôi là đúng hay sai, chỉ biết rằng các bạn bảo không được ngủ trong trại. Tôi cũng ngoan ngoãn cố gắng mở to mắt đến tận hai, ba giờ sáng. Các trại cũng đã giảm âm lượng. Ai về nhà trọ thì cũng đã về trước 11 giờ đêm. Nhà trọ nơi tôi ở đóng cửa lúc 10 giờ tối. Vì thế, đã chịu đến giờ này thì tôi không còn đường thoái lui, chỉ có thể cố nhướng mắt chịu trận. Trại cũng chỉ còn vài bạn nam và nhóm bạn nữ ở lại, tâm sự có, kể chuyện cười có, chơi những trò nhẹ nhàng như oẳn tù tì nói thật cũng có. Tôi cũng cảm nặng đến kiệt sức, lúc đầu còn ngồi dựa vào người chị kết nghĩa, một lúc cũng tự ngã ngang. Mấy bạn trong lớp luôn xem tôi là bé nhất lớp, mặc dù là xét về tháng sinh thì tôi không phải người nhỏ nhất. Nhưng xưa nay là vậy, người mới tiếp xúc sẽ nghĩ rằng tôi già dặn lắm. Quen nhau lâu dần lại thấy tôi như một đứa em lớn xác. Đầu óc trong trẻo, trong đến nỗi nhiều lần tôi ngẩn người vì không nhận ra thâm ý trong lời nói đùa của ai đó. Giọng nói cũng trong veo, tính tình thì nhí nhảnh. Nói tóm lại, hầu như đa phần các bạn trong lớp đều quý mến tôi như một đứa em gái. Các “chị gái” cùng lớp của tôi vô cùng tinh ý khi cố ngồi che chắn để tôi đánh một giấc ngủ say. Nằm co mình trên tấm bạt trải của trại, tôi mơ hồ nhận ra một cô bạn lấy chiếc áo khoác đắp lên người tôi. Cô ấy còn cẩn thận sờ trán xem tôi có sốt không. Trong lúc mơ màng tôi còn nghe cô ấy bảo, thôi để con bé ngủ một chút, trán nóng hầm hầm rồi nè. Sau đấy, tôi nhận thấy lưng mình chạm vào một hai người nữa. Thì ra là các bạn đang gom lại ngồi gần nhau hơn để che cho tôi ngủ ở phía sau lưng họ. Tôi an tâm không cần phải phòng bị nữa, ngoan ngoãn nhắm nghiền mắt lại và ngủ một giấc cho đỡ mệt.
Khi tôi giật mình dậy cũng đã là 5 giờ sáng, khi ấy các bạn không ở lại giữ trại cũng đã vào đem theo đồ ăn sáng. Một giấc ngủ quên, cùng một chén nui với nước súp nóng hổi làm tôi tỉnh ngủ, thấy khỏe hơn lúc khuya nhiều, nhưng hoàn toàn bị tắt tiếng. Các bạn hoảng sợ, bảo tôi ăn sáng xong thì về trước nghỉ ngơi, đi khám bệnh, không cần ở lại dọn trại. Lúc ấy tôi cũng chỉ còn có thể gật và lắc đầu, hoa tay múa chân các kiểu để mọi người hiểu ý tôi, chứ chẳng thể mở miệng nói được tiếng nào. Vì muốn buổi cắm trại của mình là một trải nghiệm hoàn chỉnh, tôi vẫn cố gắng ở lại dọn dẹp cùng các bạn. Vậy đấy, ngày hội trại đầu tiên của tôi diễn ra như thế.
Quay lại với hiện tại, một em sinh viên từng học môn tôi dạy bước tới chào hỏi. Tôi nhìn lên tên trại, “Deadline Camp”. Tôi chợt cười tươi bảo: Tới cắm trại mà cũng không tha nữa à? Các em sinh viên khác cũng tiến đến giới thiệu, đấy là trạng thái một năm qua của chúng em đó cô. Tôi cười khích lệ, cổ vũ: Có deadline có nổ lực, có nổ lực có chiến thắng. Thật vậy, với một người thường xuyên chạy deadline mà nói, có deadline để chạy, đã là một điều hạnh phúc. Vì khi đó, ta còn công việc để làm, người khác còn công nhận năng lực của ta. Ta nên vui vì ta còn được cống hiến. Và bây giờ, các em hãy cống hiến hết mình, dùng sức trẻ và tài trí của tuổi trẻ, niềm đam mê và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, làm nên những thành tích mới khiến bản thân các em và cả những người xung quanh tự hào về thế hệ trẻ Việt Nam.
Với quan điểm đấy, nhiều lúc tôi vẫn muốn quên đi cái tuổi đã bước qua bên kia con dốc của cuộc đời, vẫn hay đùa và đề nghị mọi người nhìn nhận rằng tôi còn trẻ, còn có thể phát huy và cống hiến nhiều hơn nữa. Cũng có lúc đuối sức vì cố níu kéo và giữ một điều khiên cưỡng. Nhưng tôi nghĩ, cuộc sống này ai cũng có những điều mà mình luôn cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày. Và khi chúng ta chưa nhận định rằng đấy đã là hoàn thiện nhất thì cứ cải thiện nó khi còn có thể. Chúng ta vẫn đang lớn lên cả về tuổi tác lẫn tâm hồn. Chính vì vậy, dù tuổi có lớn hơn, rồi đến lúc cũng phải chấp nhận tuổi mình đã già, nhưng đừng để tâm hồn mình già đi. Ai cũng có cách để cống hiến và cho đi của riêng mình. Hãy cứ vun trồng cho cây tâm hồn của mình trở thành một cây cổ thụ sum suê tươi tốt theo thời gian. Dù không xanh mơn mởn đầy lộc non thì cây cổ thụ cũng vẫn thanh xuân theo cách của chính mình, phủ bóng mát rộng, cho những hoa quả ngọt để giúp ích cho đời. Đấy chính là cách tốt nhất để chứng minh sự tồn tại hữu ích của chính mình.
Văn Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét