Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

THƯƠNG GIÁO VIÊN MẦM NON - TIỂU HỌC

Hôm nay là ngày cuối cùng học sinh tới lớp trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán. Cũng như nhiều phụ huynh khác, mình tranh thủ chuẩn bị cho hai cô con gái nhỏ đến trường. Để tiện việc đưa đón, mình đã đăng ký cho hai con học ở một ngôi trường bán trú có cả khối mầm non và tiểu học. Hôm nay, hai con đều được chọn tham gia tiết mục văn nghệ mừng Xuân. 

Nghĩ lại, mình thật sự ngưỡng mộ các cô. Một mình lo hai đứa nhỏ đã thấy biết bao nhiêu là rắc rối. Ấy vậy mà các cô lại quán xuyến cả một lớp thật là đâu ra đó. Còn nhớ ngày đầu tiên con đi học. Mẹ đi làm cũng hồi hộp quá đỗi.

Cô chị ngày đầu tiên học lớp mầm, không hề khóc. Có lẽ con chưa biết sẽ phải xa mẹ cả ngày. Và thế là, chiều đến đón, con vừa nhìn thấy mẹ đã mếu máo khóc ngon lành. Vậy mà, chỉ một tuần con đã quen với cô và lớp. Chị hai xưa nay vẫn được mọi người nhận xét là ngoan, hiền và dịu dàng nhỏ nhẹ lắm.

Cô em thì lại khác hẳn. Đi học khi chỉ gần 2 tuổi. Ngày đầu tiên gặp cô, dù dạn dĩ hơn chị nhưng lại khóc to và dai dẳng hơn chị. Chắc cũng tầm nửa tháng mới chịu nín khóc. Ngộ một điều là dù khóc nhưng vẫn ôm cô và đeo cô suốt. Đeo đến mức cô phải để cho em ngồi trong lòng để mà dạy các anh chị bạn cùng lớp. Ngủ cũng phải quay mặt về phía em thì em mới chịu. Vì em bé nhất nên lúc nào cũng được cô và các anh chị thương nhiều. Lâu dần em có cả chị giúp thay đồ, khui sữa. Năm các anh chị bạn được lên lớp thì em vẫn ở lại lớp mầm. Em cũng quen cả các cô lớp chồi, lớp lá, cũng sang lớp các bạn năm trước học cùng giờ chính thức là anh chị để chơi. Lâu lâu chị bạn ngày nào giúp em thay đồ khui sữa cũng quay về lớp cũ tìm em chơi vào cuối giờ tan học. 

Giờ thì, lần đầu tiên em được lên sân khấu, được biểu diễn văn nghệ cho mọi người xem. Cách đó một hôm, em còn mời cả ba mẹ đến xem em múa. Em khoe rằng em múa mạnh lắm. Người ta thì bảo là múa đẹp còn em thì nói rằng múa mạnh. Vì với em múa mạnh là phải múa rõ từng động tác, như thế mới đẹp. Thấy em tự tin, mẹ cũng yên tâm. 

Xưa khi chưa có con, thấy các bé múa trên ti vi, mình thường hay trầm trồ sao các cháu còn nhỏ mà giỏi quá. Mạnh dạn, tự tin là một chuyện, nhưng để nhớ động tác của cả bài múa thì thật không dễ dàng chút nào.

Sau này khi có con học mầm non, mình mới hiểu thì ra là bên dưới sân khấu, các bé đều có cô chủ nhiệm hướng dẫn. Nhưng như thế các cháu cũng đã giỏi lắm rồi vì phải luyện tập nhiều nên mới nhớ động tác nhắc của cô được chứ. Hơn nữa, khi nghe tiếng lục lạc, mình cực kỳ thích thú và ngưỡng mộ các cô. Nhiều động tác khó, toàn đội không giống nhau, hay khi phải xoay mặt hướng khác, không nhìn thấy cô ra hiệu, các con đều múa trơn tru không lỗi nhịp nào nhờ vào tiếng lục lạc ấy. Quả thật là cách tổ chức rất hay. 

Nhìn từng hành động nhỏ của các cô trong buổi biểu diễn cuối năm, mới thấy nghề giáo viên mầm non, tiểu học không dễ làm. Bởi vì các con còn quá nhỏ, như một tờ giấy trắng, các thầy cô đã phải nắn nót chỉ bảo từng chút một. Và điều đặc biệt hơn hết là sự cảm thông cho nhận thức còn rất ít ỏi và nhỏ bé của các con, biết cảm thông cho sự chênh lệch giữa một người trưởng thành và một em bé. Nói thì nghe có vẻ dễ và bình thường, nhưng ai từng tiếp xúc lâu dài với các em nhỏ mới biết không phải ai cũng nhớ và thấu hiểu cho trẻ nhỏ như thế. Bằng chứng là không ít phụ huynh đã đòi hỏi quá nhiều ở con mình về sự giỏi giang và hoàn hảo. Đôi lúc chúng ta còn không đủ kiên nhẫn và đồng cảm với những hạn chế ấy của con.

Tận mắt nhìn thấy sự chăm lo của các thầy cô chủ nhiệm cho các cháu khi ngồi xem văn nghệ, chợt cảm thấy ấm lòng vô cùng. Một cô chủ nhiệm lớp hai, mang đến một phích nước cho học sinh của mình uống giải khát trước cái nắng đã dần về trưa. Xa xa, một cô giáo mầm non dùng chiếc nón tai bèo lúc trình diễn văn nghệ để quạt cho các con đỡ nực. Đằng kia nữa một cô phụ trách đang nhắc nhở các con giữ trật tự khi xem văn nghệ và ngồi xuống để các bạn phía sau có thể nhìn rõ. Và kìa, trên sân khấu, một tiết mục múa của các cháu lớp mầm vừa kết thúc, các cháu đang di chuyển vào trong, khi đi qua các bậc thềm đều được các thầy cô dẫn xuống, có cháu nhỏ xíu còn được hỗ trợ bế xuống các bậc thang.

Nhìn các cô xông xáo, chạy đôn chạy đáo, từng giọt mồ hôi rơi dưới sàn diễn, hai tiếng rưỡi đồng hồ, từng tiết mục diễn ra, với những tràng pháo tay rôm rả, những màn trình diễn tuyệt vời. Chợt mình thấy thương các cô quá. Các cô giáo mầm non yêu nghề, yêu trẻ. Để dạy những tiết mục ấy cho các con, với nhận thức non nớt, sự cảm nhạc cũng chỉ vừa bén rễ, các cô đã chăm chút, gieo trồng từng hạt giống nhỏ trong các con. Rèn luyện cho các con cả về năng khiếu và khả năng tự lực đầu đời. Từ việc ca múa, tập thể dục, học tô, học dán, học nặn tạo hình cho đến việc tự mặc quần áo, tự múc ăn hay tự rửa mặt đánh răng, rồi những bài học nhận biết những đồ vật xung quanh. Quả là một công trình vĩ đại đáng được trân trọng.

Nắng lên cao, sân trường cũng đã kết thúc buổi biểu diễn. Nhìn các con xếp hàng nối đuôi nhau về lớp rất trật tự. Một số học sinh được cử ở lại xếp ghế và mang vào nhà ăn. Ngôi trường ấy, một nơi sẽ gắn liền với tám năm tuổi thơ của hai con, sẽ là một hồi ức mãi đẹp mà các con nên giữ. Và tôi, một người phụ huynh, cũng như bao phụ huynh khác, biết ơn sự dạy dỗ và quan tâm của các thầy cô dành cho các con. 

Một năm nữa sắp đến, lại thêm một tuổi nghề mới. Mến chúc quý thầy cô luôn nhiệt huyết và giữ mãi lửa nghề cũng như lòng yêu trẻ. Và rồi, những tốp học sinh ra trường để tiếp tục hành trình học tập ở những cấp bậc cao hơn, sẽ mãi nhớ về kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp ấy. Kỷ niệm dưới mái trường mà các con được rèn luyện và học cách cống hiến từ chính những người thầy, người cô kính yêu của mình.

Hoa vẫn nở khi trời còn đủ nắng

Mây vẫn bay khi gió còn ùa về

Thì em nhé, thầy cô còn ở đó

Dõi bước chân em, dù đã sang đò

Văn Tú







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SẼ ỔN THÔI

Sẽ ổn thôi, bao nhiêu là vụn vỡ Trái tim không lành vết sẹo càng sâu Thế thái nhân tình, buồn thương cũng thế Đã mệt rồi, hãy dừng lại đi th...