Một tác phẩm khi được tạo ra, ngoài việc truyền tải ý tưởng của tác giả đến với thế giới xung quanh, còn thể hiện cá tính, nét độc đáo riêng của người viết. Một tác phẩm hay là tác phẩm có thể thuyết phục và thu hút được người đối diện. Không ngoại lệ, một tác phẩm viết hay khi nó có thể khiến người đọc đồng cảm với những gì tác giả viết ra và bị lôi cuốn vào câu chuyện mà tác giả muốn chuyển đến.
Viết, sáng tác và sáng tạo trong sáng tác nó như những bậc thang nối tiếp nhau và ngày càng nâng cao cảm xúc của độc giả hơn. Nếu như viết là cách để bạn vẽ lại những suy nghĩ trong đầu, có khi bạn viết rất nhanh để ghi ra hết những gì mình nghĩ, có khi bạn viết và nhấn mạnh lại những điều đã có như thể tô đậm thêm cho một mảng màu đã có, có khi bạn viết để tiếp nối một điều gì đó đã dần định hình, bạn tô lại đường biên của một bức tranh. Nhưng sáng tác, là điều mà bạn chắt chiu, chọn lọc và viết ra với phong cách của riêng mình, sáng tác là những nét vẽ mới, có thể nó có cùng xuất phát điểm với điều đã có nhưng bạn có cống hiến và có hướng đi cho riêng mình, bạn tạo nên một điều mới cho cuộc đời này dù là nhỏ bé hay lớn lao. Còn sáng tạo thì sao? Sáng tạo trong văn học được xem như là một sự nhuần nhuyễn trong sáng tác, bạn chủ động nắm vững kỹ thuật và nguyên lý để trình bày điều mình viết ra một cách đột phá và đặc biệt nhất.
Hẳn là đôi lần bạn từng nghe đến những bài thơ có thể đọc xuôi và đọc ngược đều có nghĩa. Hay những bài thơ có thể đọc đủ từ hoặc cắt bớt lần lượt số lượng từ trong câu nhưng vẫn đầy đủ ý diễn đạt. Hay những bài thơ khi bạn tinh ý phát hiện ra ẩn sau mỗi câu thơ, bạn có thể nhặt ra được từ khóa để ghép thành một câu hoàn chỉnh mà tác giả muốn gửi gắm. Đấy, đều là những sáng tạo trong văn học. Người sáng tác ngoài việc sáng tạo ra nội dung mới, họ còn không ngừng phát triển, khéo léo và tinh tế trong việc tạo ra giá trị ngày càng cao cho các tác phẩm của mình.
MÙA ĐÔNG Ở LẠI CÙNG NGƯỜI cũng là một tác phẩm mà tác giả Văn Tú đã xây dựng cách viết dựa trên sự sáng tạo của riêng mình. Bởi với tác phẩm này, bạn có thể đọc được với cả hai ngôi "Anh" và "Em". Ngoài việc bạn có thể đóng vai là một người qua đường đọc câu chuyện của họ, cảm thông cho những gì khúc mắc và trăn trở của nhân vật. Điều đặc biệt là, khi bạn đặt tâm mình vào bài tản văn này, bạn có thể dùng tâm trạng của nhân vật nữ hoặc nhân vật nam để mà hiểu lòng mình và hiểu cả đối phương. Có những điều mà trong cuộc sống hằng ngày, bạn cứ ngỡ như nó quá dễ dàng, nhưng khi bạn đứng trên vai trò của người trong cuộc, bạn sẽ thấy từng cái khó mà họ phải trải qua. Không những vậy, không chỉ là thấy và chiêm nghiệm từ câu chuyện của người khác, bạn còn có thể đồng cảm sâu sắc như chính bạn là người trong tình huống ấy.
Chỉ riêng cái tên thôi, MÙA ĐÔNG Ở LẠI CÙNG NGƯỜI cũng đã ẩn chứa nhiều điều và nhiều cách nghĩ. Mùa đông ở lại cùng người thì có phải cái lạnh cứ mãi đeo lấy hay không? Hay mùa đông ở lại cùng người là cái cơ hội vàng mà người đã nhận ra sự ấm áp của một người ở lại cùng ta? Mùa đông, mùa của lạnh giá, mùa của sự kết thúc một chu kỳ tròn trĩnh của năm, mùa của sự chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Dù là với nghĩa nào đi chăng nữa, MÙA ĐÔNG Ở LẠI CÙNG NGƯỜI cũng đã khơi dậy sự tò mò cho những người tinh ý phát hiện ra điều mà tác giả ẩn chứa trong tác phẩm này.
Mở đầu câu chuyện, tác giả bắt đầu từ một tình huống hết sức đời thường, tưởng chừng như không có vấn đề gì đáng bàn luận. Thế nhưng mà, những rắc rối dần phát sinh. Một mối quan hệ khởi đầu quá tốt đẹp tưởng chừng như trong mơ nhưng lại ẩn chứa bao nhiêu khúc mắc. Dù nhỏ nhưng lớn dần và cách mà họ ở bên nhau cũng khiến ta nhận ra, trong cuộc sống này, tất cả mọi người đều cần được quan tâm và yêu thương. Một giá trị nhân văn cao đẹp và ý nghĩa mà ai trong chúng ta cũng hướng tới, đó là yêu thương và được yêu thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét