Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

BÁNH MẶN TÌNH MẸ

Sau những ngày bệnh nặng, đấy là lần đầu tiên tôi trở về quê. Có lẽ cũng đã hơn ba tháng, tôi chưa về thăm cha mẹ. Mặc dù nhà tôi chỉ cách nhà cha mẹ tầm hai mươi kí lô mét. Vừa về đến nhà, cha mẹ đã hỏi thăm rối rít về bệnh tình của tôi. Gần đây sức khỏe của cha cũng không còn tốt như xưa, thi thoảng cha mới chở mẹ lên thăm con cháu nếu tôi không sắp xếp về quê được. 

Mỗi lần về quê, tôi như trở thành một đứa trẻ, được cha mẹ chăm sóc mọi điều. Cha thì đem con xe hơn mười năm của tôi ra lau cho bóng loáng. Cha tỉ mỉ chùi từng đốm gỉ sét do trời mưa để bảo dưỡng cho chiếc xe được bền hơn. Mẹ thì thường nấu những món tôi thích ăn. Chị Hai nhiều khi còn đùa bảo rằng mong tôi về lắm, vì mỗi lần tôi về là nhà lại được ăn ngon. Tôi nghe mà thương vô cùng. Thương Hai vất vả gánh gồng cùng cha mẹ lo trong lo ngoài. Không phải bình thường mẹ không nấu món ngon cho gia đình. Mà cả nhà thường nghĩ, chờ con cháu về đông đủ rồi làm để cùng ăn và ấm tình thân. 

Có khi mẹ chiên bánh xèo, có lần mẹ hấp bánh chuối, khi lại nấu bún nước lèo… Tôi thường khen, món nào mẹ nấu cũng ngon. Mẹ hay bảo rằng tôi nịn nọt lấy lòng. Nhưng không, đối với tôi, được ăn món mẹ nấu là niềm hạnh phúc to lớn. Vì biết khi ấy mẹ còn khỏe. Và như vậy, đã là một niềm an ủi vô bờ bến. Nhiều lần mẹ thấy tôi húp cạn phần nước lèo thừa trong tô bún, hay những lần tôi liếm sạch dĩa nước cốt dừa chấm bánh chuối, mẹ lại bảo: “Còn nhiều lắm, ăn thoải mái, có đâu mà vét sạch thấy thương vậy?” Tôi chỉ nhìn mẹ cười và đáp lời rằng: “Con đang tận hưởng tinh túy đến giọt cuối cùng.” Xưa giờ, ít khi nào tôi bỏ thừa phần ăn do mẹ nấu. Dù có mệt hay những hôm ăn chẳng vô nhưng hễ món mẹ làm là tôi lại ráng ăn cho hết. Vì tôi biết, đó là tấm lòng của mẹ. 

Lần này tôi về, mẹ lại rủ tôi ăn bánh gì không. Sau một loạt gợi ý của mẹ, tôi đề xuất: “Lâu rồi không được ăn bánh mặn. Hay lần này làm bánh mặn nghen mẹ.” Mẹ tôi cười bảo: “Đúng là không quên món khoái khẩu hén?” Đúng thật là thế, từ nhỏ đến lớn tôi ăn rất nhiều loại bánh mẹ làm, nhưng món tôi ghiền nhất chính là bánh mặn. Một số nơi khác còn gọi là bánh đúc mặn. Nhưng ở quê tôi thì mọi người vẫn thường quen gọi là bánh mặn.

Để làm bánh mặn cần nạo dừa khô để vắt lấy nước cốt rồi trộn vào bột gạo và đem hấp. Kinh nghiệm của người làm bếp, họ hay dùng một cọng lá dừa, chuốt bỏ sạch phần lá, chỉ để gân lá làm thành một cây tăm dài, sau đó ghim thẳng vào xửng bột đang hấp trên bếp để thăm độ chín của bột. Nếu bột không dính vào tăm dừa là bột đã chín, có thể tắt bếp. Phần nhân bánh mặn thì cực kỳ hấp dẫn với một màu cam đặc trưng trải đều trên mặt bánh. Lớp nhân bánh mặn bao gồm các nguyên liệu như củ sắn và cà rốt cắt hạt lựu, thịt heo và đặc sắc nhất chính là tôm khô, thêm chút hành lá để tăng màu sắc và dậy mùi cho nhân bánh. Để nhân bánh có thêm màu cam đẹp mắt, mẹ thường sẽ cho thêm một ít hương va-ni thơm và màu gạch tôm vào xào chung. Nhân sau khi được xào chín thì được rải đều một lớp mỏng dày tùy thích lên khắp mặt xửng.


Ảnh: Xửng bánh mặn của mẹ - Tác giả: Văn Tú

Bánh mặn phải ăn kèm nước chấm và rau cải thì mới ngon. Loại nước chấm ăn chung với bánh mặn cũng góp phần làm cho món bánh này ngon tuyệt hơn bao giờ hết. Đó chính là nước chấm tỏi ớt chua ngọt. Ớt phải đủ cay, tỏi phải xắt nhuyễn, độ chua của chanh hoặc giấm vừa phải, mằn mặn của nước mắm và ngọt thanh của đường. Các gia vị dung hòa lại tạo nên một loại nước chấm giúp kích thích vị giác và làm cho món ăn thêm đậm đà.

Hôm ấy, tôi còn nhớ là đang mùa mưa. Tiết trời ẩm thấp nên mẹ không có tép phơi sẵn. Thế là tôi đề nghị để tôi hùn mua tép khô ngoài chợ. Trời mưa tầm tã, tôi đội mưa về sau khi tan ca, vẫn không quên ghé mua tép khô như đã hứa với mẹ. Về đến nhà thì hai xửng bột cũng đã hấp xong. Tôi giao nguyên liệu cho mẹ và đi tắm rửa. Sau khi quay lại thì hai xửng bánh đã hoàn thành. Mẹ bảo, thèm thì lấy dĩa xắn ra ăn trước đi kẻo đói. Sau khi tự thưởng cho mình một dĩa bánh to đùng, tôi cho ngay một miếng vào miệng nhai ngấu nghiến. Vẫn hương vị ngày nào, ngon béo vừa miệng, cay nồng nhè nhẹ, giòn bùi của giá và rau, từ từ đi qua đầu lưỡi, xuống vòm họng, trôi vào bao tử. Một cảm giác đủ đầy hạnh phúc, ấm áp tình thương của người mẹ quê. Chợt mong khoảnh khắc này ngừng lại, để con cứ vẫn là một đứa trẻ bên cha mẹ mỗi ngày.

Ảnh: Dĩa bánh mặn ngày nào - Tác giả: Văn Tú

Văn Tú

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...