Tại sao phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn bị gán ghép với sự chịu đựng như là một nhiệm vụ phải làm được? Trải qua bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu thời kỳ, bao nhiêu giai đoạn phát triển, vai trò của người phụ nữ Việt Nam rõ ràng đã được cải thiện và nâng lên rất nhiều.
Nếu như người phụ nữ xưa tập trung tâm sức vào chuyện nội trợ, nuôi dạy con cái, chăm lo bữa cơm, vun vén chi tiêu gia đình; trong khi đàn ông sẽ là người gánh gồng kinh tế gia đình, tập trung lo kế sinh nhai. Người phụ nữ ngày xưa là hậu phương, là điểm tựa, là nền móng của ngôi nhà. Còn người chồng, người cha chính là trụ cột gia đình, là mái nhà che chở cho vợ và đàn con thơ.
Người phụ nữ hiện đại có thể được cất nhắc nắm giữ những vị trí quan trọng trong công việc, được tự chủ kinh tế, được tự do lựa chọn và quyết định con đường hôn nhân của bản thân. Nhưng trong quan điểm gia đình, người phụ nữ hiện đại dường như vẫn chưa thoát ra được cái định luật bao đời nay với sự gánh gồng và cam chịu. Ngoài giỏi việc nước còn phải đảm việc nhà. Người phụ nữ có thể rất giỏi giang trong lao động và trong xây dựng kinh tế gia đình nhưng vẫn không quên kèm theo những công việc nhà vẫn còn đặt lên đôi vai họ.
Chính vì vậy, đa phần các gia đình đều đòi hỏi người phụ nữ đồng thời phải thỏa mãn được việc thu xếp chuyện nhà cửa, con cái trước khi tham gia vào lực lượng sản xuất của xã hội. Thế thì trong khi vai trò của người phụ nữ dần thay đổi và ngày càng mang nhiều việc hơn trên đôi vai mình. Thì đàn ông, dường như họ chỉ mải với những bước giậm chân tại chỗ. Có chăng, ở những gia đình tiến bộ, họ cũng tham gia gánh đỡ việc nuôi dạy con và phụ giúp việc nhà cùng vợ, nhưng số đó không nhiều và lượng thời gian cũng như công sức họ đặt vào đó không nhiều.
Ngày nay, mọi người thường gọi vui rằng phụ nữ là nóc nhà để khẳng định việc ghi nhận những cống hiến của người phụ nữ trong xây dựng cuộc sống gia đình. Cũng thể hiện phần nào sự yêu chiều mà đấng mày râu dành cho một nửa yêu thương của họ. Thế nhưng, có bao nhiêu người phụ nữ được công nhận với danh xưng như thế đâu, mặc dù tất cả họ đều đã hi sinh quá nhiều cuộc sống riêng tư của mình để xây dựng mái ấm.
Nếu xem như thời gian làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ của mọi người là như nhau để xem xét. Ta có, mỗi người làm việc 8 tiếng, ăn cơm 3 buổi với tổng thời gian trung bình khoảng 1 tiếng rưỡi, nghỉ trưa 1 tiếng rưỡi, ngủ 8 tiếng. Như vậy, mỗi người sẽ có lượng thời gian sử dụng chung như nhau là 19 tiếng, còn tận 5 tiếng để dành cho những việc như chăm sóc gia đình và bản thân.
Trong khi phụ nữ dành dành 5 tiếng còn lại trong ngày cho việc coi sóc con cái, làm việc nhà và một số người dành ít thời gian chăm sóc bản thân. Ấy vậy mà, đàn ông họ có nhiều việc hơn để làm cho 5 tiếng ngoài quỹ chung ấy như ngồi hàng giờ ở quán cà phê cùng bạn bè, tổ chức các buổi tiệc vui cùng nhóm đội ít nhất cũng phải đôi ba tiếng đồng hồ mới nói hết chuyện và ăn uống no say, sau đó nữa là ngủ dưỡng sức, chơi một ít game hoặc xem phim, xem ca nhạc giải trí, hoặc số ít người phụ vợ làm việc nhà, giữ con.
Nếu tính về công lao động mà nói, làm việc tại cơ quan hay làm việc nhà thì đều là lao động. Như vậy, có phải là phụ nữ ngày nay đang bị chính những người được mệnh danh là chồng bốc lột sức lao động không? Trong khi họ đang vui vẻ bên bạn bè cùng những cuộc vui không nỡ bỏ qua, những cái hẹn không đành bỏ lỡ, thì vợ của họ vẫn mải miết với những công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt mà lại chiếm hết cả thời gian. Khi tôi trao đổi với nhiều chị em phụ nữ, họ đều nhận định chung là phụ nữ luôn vất vả, và gắng gượng để duy trì cũng như là gánh gồng quá nhiều việc. Và rồi, cuối cùng họ kết luận rằng, đó là phận phụ nữ. Không thể đòi hỏi một người đàn ông phải tinh tế, và đảm đang hơn bởi họ vụng về trong chuyện bếp núc, không đủ kiên nhẫn để dạy con học, không thể làm bạn cùng con chơi những trò quá là nhàm chán, hoặc khi nhờ họ giữ con thì họ lại giao nhiệm vụ ấy lại cho chiếc điện thoại thông minh. Những lúc như thế, tôi chỉ bảo: Quả thật, phụ nữ chính là những siêu anh hùng giữa đời thường và giữa cuộc sống của họ.
Nhưng giá như, giữa những nhiệm vụ tưởng chừng như mặc định thuộc về từng vị trí trong gia đình mà có sự đan xen, giúp đỡ nhau thì hay biết nhường nào. Cuộc sống gia đình cũng không cần phải rạch ròi công ai nhiều ít thì ắc hẳn việc kết hợp hai lối sống của hai người dưng dưới một mái nhà sẽ vô cùng thú vị.
Nếu những thử thách trong cuộc sống tương đồng với nhiệt độ của môi trường. Khi thử thách cam go thì nhiệt độ tăng cao. Khi cuộc sống bình ổn thì nhiệt độ trung bình. Những lần thất bại như những lần nhiệt độ bị hạ thấp bất thường. Và nếu như hành động sẻ chia chính là chất xúc tác kéo gần hay đẩy một mối quan hệ ra xa là tương đồng với môi trường thể lỏng. Khi mỗi người không quan tâm đến đối phương thì xem như chất lỏng ấy hóa thành chất rắn. Hành động quan tâm nhau sẽ làm cho chất lỏng ấm dần lên. Nếu vượt qua sự quan tâm, ta gọi là kiểm soát thì chất lỏng sẽ bốc hơi và biến mất.
Và nếu mỗi cá thể là một mảng màu riêng. Khi hai người kết hợp lại với nhau sống cùng chung mái nhà cũng giống như một họa sĩ cố gắng phối màu cho bức tranh của anh ta. Nếu mỗi cá thể cứ giữ mãi cái tôi, một bên chịu đựng, một bên vô tâm thì như hai mảng màu dù có được đặt chồng lên nhau cũng không thể hòa quyện, bởi theo giả thiết ở trên thì mỗi mảng màu bị khô cứng đều đã được định hình và có ranh giới rõ ràng.
Nhưng nếu ngược lại, sự cảm thông và chia sẻ cùng nhau giữa hai người sống chung sẽ như hai mảng màu ở thể lỏng lại được đặt trong môi trường dung hòa sẽ pha trộn vào nhau cho ra một màu mới. Cuộc sống của họ sẽ có cả những màu đã có và cả những màu lam pha trộn khác nhau nhờ vào tỉ lệ của mỗi màu tại mỗi thời điểm.
Cuối cùng là khi sự quan tâm vượt quá giới hạn, nó trở thành kiểm soát. Cũng giống như ta đang sống trong hình hài của ta nhưng lại hoàn toàn bị che lấp bởi biểu hiện như một cá thể khác. Cũng giống như tỉ lệ pha quá nhiều màu này mà lại rất ít màu kia nên cuối cùng hầu như ta chỉ thu lại được một màu cũ với thể tích lớn hơn một chút mà thôi. Bởi thế mới nói, sống cùng nhau là một nghệ thuật không phải ai cũng làm được. Và dù có một nơi nào đó dạy ta những lý thuyết này, những bài thực hành, những tình huống giả định thì cũng chỉ góp một phần rất nhỏ vào sự thành công của bạn mà thôi. Điều cốt lõi vẫn là phải tự mình trải nghiệm qua và hoàn thiện. Nhưng hôn nhân không phải là một phép thử, nếu hai người đến với nhau với tâm thế “nếu không hợp thì ly hôn” thì cả một hệ quả kéo dài ở sau đó. Cũng có không ít người cho rằng mình hầu như bất ngờ đến ngã ngửa vì bản thân đã tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định đi đến hôn nhân. Thế mà đến khi sống chung nhà, với những trách nhiệm mới, với những tình huống mới, họ mới vỡ lẽ vì nhận ra mình chưa hiểu hết đối phương. Bạn đừng mong chờ đến khi mình hiểu hết một ai đó rồi hẳn kết hôn. Vì thực chất, chúng ta không thể hiểu hết suy nghĩ của người khác. Ngay cả việc hiểu được chính bản thân mình đã là một việc cực kỳ khó thì việc mong muốn thấu hiểu một ai đó lại càng khó khăn hơn gấp trăm lần. Nhất là tư duy con người thường rất khó biết hài lòng, và khi thấu hiểu hết mọi ngóc ngách thì lại nảy sinh tâm lý chán và không coi trọng. Bởi ẩn sâu trong mỗi chúng ta đều có ý nghĩ chinh phục. Cho nên, cuối cùng lại, việc chọn hay không chọn một ai đó, bạn đừng chờ đến lúc hiểu hết họ. Chỉ cần bạn phát hiện ra người ấy có tố chất của một người không vô tâm thì đã là một bậc thang vô cùng vững chắc để bạn tiếp tục. Bởi bất kể thứ gì dù có bắt đầu hoa mỹ, dù có gần như sắp đạt móc thành công mà không có sự quan tâm trong đó thì đều có thể gãy đổ và trở về con số không bất cứ lúc nào.
Mỗi người đều có quyền được lựa chọn cách sống cho riêng mình, nhất là phụ nữ. Họ đã quá cực khổ rồi. Chính vì vậy, nếu bạn là một người phụ nữ, hãy nghiêm túc suy xét về cuộc sống hiện tại của mình. Nếu bạn cảm thấy những công việc mà bạn gánh vác mang lại cho bạn niềm vui và sự hạnh phúc. Bạn sẵn sàng hi sinh để làm tốt những việc đó một cách tự nguyện và cảm thấy đó chính là trách nhiệm của bạn. Thì không có gì phải bàn cãi nữa, bạn hãy tiếp tục cố gắng nhé. Còn nếu bạn cảm thấy những việc bạn đang làm chỉ là một sự cam chịu, bạn muốn thoát ra nhưng không thể được. Thì đó chính là lúc bạn phải lên tiếng. Bạn cần phải lên tiếng để đòi lại sự công bằng vốn có. Đó là quyền con người, bạn không việc gì phải ngại hay e sợ bất cứ điều gì. Hãy nói lên ước muốn và nguyện vọng của bạn với gia đình, với người đã lạm dụng chiếm giữ thời gian của bạn để thay họ làm những việc vốn dĩ không chỉ là trách nhiệm của bạn. Rằng bạn không muốn cam chịu như thế nữa, bạn muốn được chia sẻ. Hãy mạnh mẽ lên, hãy là một người phụ nữ hiện đại thật sự. Đừng bao giờ làm người phụ nữ sống trong thời hiện đại mà lại mang tư duy lỗi thời nữa. Nếu như thế, bạn sẽ mãi là người chịu thiệt thòi mà thôi.
Văn Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét