Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

XÓM LÁ QUÊ TÔI

    Quê tôi, mọi người thường phân biệt các vùng quê với nhau bằng cách gọi các tên như xóm trên, xóm dưới, xóm trong, xóm ngoài… Trước đây, nhà chúng tôi ở xóm dưới, hay còn gọi là xóm lá. Vì đi đâu cũng thấy những đám lá dừa nước được trồng bạt ngàn. Một loại đặc sản quê tôi. Cây dừa nước có thân mọc dưới lớp bùn lầy, chỉ có lá và hoa là vươn cao khỏi mặt nước. Lá cây dừa nước có thể được kết lại như đường may áo, gọi là chầm lá. Lá chầm dùng để lợp nhà, dừng vách. Có khi, người ta chỉ dùng lá chầm để lợp mái, còn phần vách thì dừng bằng lá xé, hoặc ngược lại. Lá xé cũng là lá dừa nước nhưng để nguyên cọng rồi xé đôi theo chiều dọc của sống lá, sau đó phơi qua vài nắng cho dẻo và đem đan lại xếp chồng liền nhau để dừng làm vách hoặc lợp nhà. 

    Những ngôi nhà lá là đặc trưng của vùng nông thôn quê tôi. Chỉ một vài gia đình khá giả mới có vách tường và mái ngói. Nhưng đa phần người dân quê tôi lúc ấy, dù có giàu có cũng sẽ che thêm một cái chòi lá hoặc che thêm mái hiên, gác bếp mái lá cho mát. Vì vậy, cây lá quê tôi dù đơn sơ nhưng rất thông dụng. 

    Quả dừa nước mọc thành từng quài tròn xoe, ăn rất ngon và mát. Chọn được thời điểm quả dừa nước vừa đủ độ dày cơm cũng cần có chút kinh nghiệm. Cha không cho chúng tôi thử bằng cách chặt một quả vì như vậy sẽ làm hư cả quài, các quả còn lại sẽ không còn ngọt nữa. Nhìn màu sắc của quả không quá đậm, cuống không quá khô là lúc vừa ăn. Ngày đó, chúng tôi chỉ thường ăn dừa nước tươi trộn đường, không được đa dạng cách chế biến như bây giờ. Nhà có sẵn nhưng vì nhiều nên cũng ít khi chúng tôi hái ăn. Có những quài dừa nước già, tự rụng trái xuống bùn rồi mọc mầm vươn lên thành cây mới. Nhờ vậy mà rừng dừa nước cứ thế duy trì và phát triển.

    Nhà chúng tôi ở lúc ấy là ngôi nhà tổ. Ông bà bao đời đã sống ở đó, dù có chuyển đến ấp chiến lược trong thời chiến tranh thì cũng có người ở lại giữ nhà, lo nhang khói cho bàn thờ tổ tiên. Cũng từng che chở cho biết bao lượt cô chú bộ đội, du kích về trong đêm. 

    Lúc ấy, cha tôi chỉ mới là học sinh trung học cũng theo nội tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm lên rừng cho các chú. Rừng có địa thế đặc biệt, được bao bọc xung quanh là những đầm lầy dừa nước, dễ ẩn nấp khó bị tấn công. Mỗi lần đến, nội và cha phải bơi xuồng nhỏ, đi vào một con rạch nhỏ sâu tít mới đến được nơi các chú ở. Một thời vất vả, một thời cam go, nguy hiểm tiềm ẩn là thế, bọn trẻ chúng tôi lại thấy hồi hộp theo từng lời kể của nội. Thế mà khi kể lại, tôi chỉ thấy nội bồi hồi, ngậm ngùi vì nhớ đến những đứa con, đứa cháu, đứa em xa lạ từng ghé nhà trú chân. Tôi hỏi nội có sợ không, nội lại chỉ bình thản, xem như đó là một việc tất yếu, là nhiệm vụ phải làm, không than thở, nhưng cũng không đến mức tự hào vì nội bảo như thế thì có là gì so với sự hy sinh của các chú, các bác của con. Tôi nghe mà nhớ hoài, cảm phục cái cách mà nội đối mặt với khó khăn và biết nhìn từ hướng của người khác. Cũng có lẽ nhờ hưởng tính này của nội, nên tôi luôn cố gắng hướng suy nghĩ của mình tích cực lên, lạc quan hơn. Dần dần dường như cũng trở thành thói quen, và như một thú vui trong cuộc sống trải nghiệm của mình, tôi cứ "tận hưởng ngày khó", xem như đó là cơ hội quý giá cần phải trân trọng để bản thân rèn luyện và để thấy nhờ có những ngày khó khăn như thế mà càng thêm "quý ngày bình yên" hơn nữa.

“Trước gian nguy, lòng không nao núng

Khó khăn riêng trong vạn dặm đường

Khúc quanh co, chỉ là thử sức  

Tận hưởng ngày khó, quý ngày bình yên”

(Trích: Có những ngày thật khó – Tác giả: Văn Tú)

    Trong một đoạn kể của nội, tôi nghe mà xót xa. Trong trận đánh cuối trước giải phóng, bác hai tôi - một trong những trinh sát ngoan cường của bộ đội ta, là con trai lớn của một người anh nhưng được nội nuôi từ nhỏ - đã hy sinh cùng với 11 người đồng đội của mình khi cố thủ giữ lấy pháo đài vừa chiếm được để chờ bộ đội chi viện đến tiếp quản. Sau này, vào ngày giỗ của bác, gia đình tôi lại bày mâm cơm cúng với 12 bát cơm để mời cả hương hồn của các đồng đội cùng bác về ăn cơm. Tinh thần phóng khoáng, quật cường và lạc quan của các bác như một niềm tự hào to lớn của gia đình tôi.

    Sau này, khi kết thúc chiến tranh, trải qua các giai đoạn và thời kỳ đổi mới. Xóm lá cũng không còn mang tên là xóm lá nữa, không còn mang vẻ ẩn dật mà khoác lên mình chiếc áo mới, hòa vào nhịp phát triển của đất nước. Những đám lá bạt ngàn ven sông cũng dần thu hẹp, nhường chỗ cho những con đường, những ngôi nhà mọc lên. Nhưng những vùng có nước xoáy, nước ngập, lá vẫn phát huy tác dụng của mình, giữ đất và chống xói mòn. Nhìn những tàu lá xanh rì, vỗ vào nhau kêu lạch tạch trong gió, dù ngoài trời vẫn nắng chói chang, thì khi đi ngang qua những đám lá, tôi vẫn cảm thấy dịu mát và thân thương mùi bùn, mùi hơi nước. Chợt nhớ về cái thời tuổi thơ đi trên đầu bập dừa như những diễn viên xiếc thực thụ để băng qua nhà chúng bạn cho gần; hay những lần lặn ngụp dưới sình lầy bắt cá bống sao về cho mẹ kho tiêu; hoặc lội xuống kéo lá lên bờ phụ cha để về chầm lá sửa nhà, sửa chuồng heo; và cả những câu chuyện về những đám lá dừa nước say mình bảo hộ đất đai và con người nơi đây.

Văn Tú

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SẼ ỔN THÔI

Sẽ ổn thôi, bao nhiêu là vụn vỡ Trái tim không lành vết sẹo càng sâu Thế thái nhân tình, buồn thương cũng thế Đã mệt rồi, hãy dừng lại đi th...