Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

ÔNG NGOẠI

      Cha tôi lam lũ, đội nắng dầm mưa, từ năm này qua tháng nọ. Ruộng lúa trong gia đình, một tay cha chăm sóc. Khi phơi đồng, cha lại chuyển sang chăm sóc vườn tược quanh nhà. Cha nghiêm nghị, mọi việc khi cha bắt tay vào làm thì đều rất chu đáo và tỉ mỉ. Cha lại rất nhiệt tình giúp đỡ hàng xóm, chẳng ngại chia sẻ những kỹ thuật canh tác mới. Mỗi mùa lúa đến, cha là người liên hệ máy cày, máy xới, đi chọn giống lúa, thăm đồng, cảnh báo khi phát hiện đồng của ai đó trong khu vực bị bệnh, chỉ cho họ cách phòng trị, kiểm tra mực nước, độ mặn của nước và cả kêu máy cắt khi đến ngày thu hoạch cho cả khu.

      Dường như cha tôi chỉ nghỉ ngơi khi cha bệnh nặng. Cha thường nói, mỗi lần mới chớm bệnh, cha đều cố gắng vượt qua, kiếm gì đó để làm nếu không sẽ không lướt qua nổi. Chính vì vậy, mỗi lần thấy cha nằm mãi không chịu dậy, là chúng tôi biết, khi đó, cha tôi bệnh nặng lắm. Nhưng cha tôi cố chấp trong việc chăm lo cho sức khỏe bản thân lắm. Cha chỉ mua thuốc uống qua loa ở quầy thuốc tây. Càng lớn tuổi, sức khỏe cha càng yếu, không còn ráng gượng qua những lần bệnh nặng nữa. Có lần mẹ tôi phải chủ động mời bác sĩ gia đình đến khám và điều trị cho cha.

      Cha thích uống nước trà, nói chuyện hàn huyên cùng những người bạn già. Mỗi lúc rỗi rảnh, các chú các bác cũng thường đến chơi nhà, nói chuyện phiếm cùng cha. Những câu chuyện của họ trở nên đặc sắc và thú vị lắm. Dù mỗi khi khách đến chơi, bọn trẻ chúng tôi thường tránh mặt sau khi đã chào hỏi, để nhường lại không gian riêng. Nhưng tôi biết, họ rất thích nói chuyện cùng cha. Bởi vì, những câu chuyện cứ kéo dài mãi, những tiếng cười sảng khoái vang lên, có khi đến tận mấy tiếng đồng hồ khách mới ra về.

      Để chuẩn bị cho con trai cưới vợ, cha dồn hết tiền dành dụm để cất nhà mới, nhằm mong muốn một cuộc sống sung túc, tiện nghi cho con dâu khi về ở chung nhà. Khi có cháu nội, cha đặc biệt chú trọng đến việc vệ sinh nhà cửa hơn nữa, quét dọn sân trước sân sau thật sạch sẽ để các cháu ra sân chơi đùa, cũng là để giữ gìn sức khỏe cho cháu.

      Khi mua được con xe Dream II, cha lại là tài xế riêng của mẹ. Cha chở mẹ về thăm ông bà ngoại thường xuyên hơn, chở mẹ đi chợ, rồi đi thăm suôi gia,…

      Khi cha lên chức ông ngoại, gánh nặng dường như càng thêm bội phần khi con rể ở xa. Những lần cháu đi chích ngừa ở xã, những lần cháu ốm phải gặp bác sĩ, hầu như đều là cha chở mẹ con tôi đi.

      Khi tôi dời lên tỉnh sinh sống để tiện cho việc đi làm và cho con đi học, cha lại thường xuyên trông nôm việc xây cất nhà cho tôi, trồng thêm vài cây mai vàng cha bứng từ quê nhà cho có không khí ấm áp gia đình trên mảnh đất mới. Mỗi lần lên thăm chúng tôi, thấy dây bụi mọc nhiều, cha lại lấy dao chặt dây leo, dọn bụi rậm, vì sợ rắn rết sinh sống rồi bò ra cắn cháu.

      Lần mang thai thứ hai của tôi là một quá trình khó khăn, đổi cả mạng sống để cứu lấy đứa bé non nớt. Tôi nằm trên giường suốt 3 tháng trời và nhập viện đến tận 4 lần. Khi xe cứu thương chuyển tôi lên Từ Dũ, đẩy con gái đang nằm trên chiếc cáng màu xám, mặt cha nhợt nhạt vì tất bật cả đêm nhưng vẫn cố trấn an tôi bình tĩnh trong khi cha thì lo lắng đến nỗi chìa khóa để trong túi áo mà cứ mãi kiếm tìm. Tôi ở trọ trên đất Sài Thành một tháng trời để đề phòng lại phải nhập viện cấp cứu. Suốt thời gian đó, cha lo cơm nước và đưa rước con gái lớn của tôi đến trường mỗi ngày. Cùng lúc đó, dịch heo tai xanh bùng phát, dù cha đã rất cẩn thận áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhưng virut vẫn len lỏi vào và tàn phá đến mấy chuồng. Ruộng lúa cũng bị nước mặn xâm nhập do không kịp phát hiện và đóng cửa cống, lại thêm cha quá nhiều việc phải lo nên chưa be bờ ruộng. Kinh tế gia đình thiệt hại nghiêm trọng nhưng cha vẫn cố gắng lao động, cố gắng khắc phục.

      Tôi sinh non khi em bé mới chỉ 7 tháng. Đứa bé chỉ vỏn vẹn 2 ký lô, cơ thể bé tí teo đến nỗi ông ngoại không dám ẵm vì sợ tay chân vụng về làm đau cháu.

      Khi mẹ lên nhà chăm sóc tôi, heo cuối ở quê, ruộng vườn đều do cha chu toàn. Đó cũng là lúc cha gầy dựng lại kinh tế gia đình, dịch bệnh trên heo được triệt tiêu, cha mua thêm vài bầy heo con, rồi bắt đầu một vụ lúa mới. Công việc bộn bề là thế nhưng tuần nào cha cũng sắp xếp lên thăm cháu chỉ để xem con bé có khỏe không, có tăng thêm được gram nào không.

      Đứa cháu út dần lớn lên, ông ngoại cũng già đi nhiều, tóc bạc trắng cả đầu. Và dường như, nó cũng biết mọi người đã cực khổ vì nó nhiều rồi. Thế nên lúc nào con bé cũng vui vẻ, hài hước và đeo ông ngoại lắm. Mẹ tôi thường nói: “Cha mày hồi đó tới giờ chưa từng phụ ẵm con, suốt ngày chỉ đi ruộng, nuôi heo. Vậy mà đến đứa cháu ngoại lụm từ thành phố về này lại may mắn lắm, được ông ngoại ẵm, còn leo lên trên vai ông ngoại mà ngồi”.

      Cha tôi bảo: “Không phải cha không khoái con nít, cũng không phải không thương những đứa cháu còn lại. Nhưng vì những đứa kia mạnh khỏe, lại có nhiều người lo. Còn đứa cháu út này, vừa đèo, lại vừa lận đận”.

      Dù là lý do gì đi nữa, thì ông ngoại luôn là nhất. Một người nông dân chân chất điển hình, ngại bày tỏ, âm thầm chăm lo mọi thứ cho con cháu, không nề hà, không kể khổ dù là bất cứ chuyện gì. Một người ông vừa đủ sự nghiêm nghị để răn đe con cháu, lại vừa đủ ấm áp và là điểm tựa cho các con. Con gái, dù gả đi rồi nhưng với cha tôi, chẳng phải bát nước đổ đi mà như là có thêm một bát nước nữa để mà gợn đục, để mà lắng trong. Bởi vì, khi cuộc đời con sang trang mới, thì cha mẹ vẫn cứ dõi theo, vẫn cứ đứng đó đợi con về, vẫn sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón, sẵn sàng vì con cái mà một đời lo lắng và chu toàn. Cảm ơn cha, người đàn ông tuyệt vời!

Ảnh: Ông ngoại và cháu
 

Văn Tú


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...