Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

ĐỔI GÓC NHÌN – SỬA THÁI ĐỘ

         Bất kỳ một sản phẩm nào được làm ra đều có ý nghĩa của nó. Một sản phẩm thành công, hiển nhiên được mọi người đón nhận bởi cái giá trị quá rõ ràng mà nó mang lại. Một cây viết, một cuốn tập, hay một món đồ chơi xinh đẹp, bắt mắt là cả một quá trình nghiên cứu dày công, thiết kế chuyên nghiệp, phối màu hài hòa, hun đúc cầu kỳ,… và nhận phản hồi từ người dùng mà thành. Không ai có thể chối cãi hay phủ nhận quá trình vất vả hoàn thành một sản phẩm như thế.

Nhưng một sản phẩm chưa đủ sự hài lòng thì sao? Có người gọi nó là sản phẩm thất bại, vì họ nhìn thẳng vào vấn đề, vào mục tiêu mà họ đặt ra so với kết quả mà họ nhận được. Điều đó không có gì là sai cả, tôi gọi đó là sự dũng cảm, vì họ đã nghiêm khắc nhìn thẳng vào kết quả. Người sử dụng có thể chê bai, bởi nó không đạt kỳ vọng của họ và họ có quyền làm điều đó khi họ bỏ tiền ra để mua lại một điều mà họ không hài lòng. Tôi gọi đó là sự sòng phẳng. Bởi bất kỳ sản phẩm nào nếu đã chấp nhận mang đi giao thương, chấp nhận định giá cho nó thì cũng phải chấp nhận giá trị của nó tương đương với số tiền mà người dùng bỏ ra. Và số tiền mà họ bỏ ra dù lớn hay nhỏ thì đó cũng là từ công sức lao động của họ kiếm được, cũng giống như công sức của một người đứng ở cương vị sản xuất hàng hóa mà thôi, suy cho cùng thì đó cũng vẫn là lao động. Mà đã là lao động, thì dù là cung, hay là cầu, cũng đều cần được tôn trọng.

Còn tôi, tôi không gọi những sản phẩm ấy là kết quả của sự thất bại, mà tôi gọi nó là thành quả của sự chưa thành công. Cũng giống như thang đo định lượng, nếu như “thất bại” đồng nghĩa với fail, với điểm dưới 5 của học trò, hay là điểm F của sinh viên thì “chưa thành công” đã vượt qua mức trung bình, nằm ở mức đậu, nhưng điểm không cao. Bởi theo quan điểm của tôi, một sản phẩm trước khi trình làng, nó dĩ nhiên đã được kiểm nghiệm nhiều lần, có thể đã fail nhiều lần, chỉnh sửa nhiều lần. Nhưng một khi đã công bố thì ít nhất, nó phải đạt một chuẩn mực nhất định, nó có thể chưa đạt A hay A+ nhưng nó phải trên F chứ nhỉ?

Ở một góc độ nào đó, thất bại vẫn là thất bại, có thể cảm thông hay không đều được nhưng cần nhìn nhận đúng vấn đề. Nhưng sự nhìn nhận ấy nếu chỉ dừng lại ở chê bai và phản bác, thì thế giới này quá ư là rạch ròi và lãnh đạm.

Công việc của một giảng viên buộc tôi phải luôn đánh giá công bằng và nghiêm minh trên mọi bài làm của học viên. Đôi lúc, tôi cũng chênh vênh vì đứng trước những hoàn cảnh đặc biệt, buộc tôi phải lựa chọn sẽ phải để quả cân như thế nào cho công bằng, cho thấu tình đạt lý. Bởi năng lực của một người đâu chỉ thể đánh giá qua một hai tiếng đồng hồ căng não ngồi thi. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với việc, bản lĩnh đương đầu với áp lực thời gian là cách để rèn luyện bản thân tốt nhất. Bọn trẻ dù sao cũng còn non nớt và cần thời gian để huấn luyện, tôi rèn thêm.

Chính vì vậy, mặc dù là một người nghiêm khắc và đặt nhiều kỳ vọng cao đối với bản thân, với chất lượng công việc của mình và cả với các lứa sinh viên mà tôi giảng dạy, nhưng tôi vẫn lựa chọn cho mình thái độ ôn nhu khi đối mặt với những khó khăn, vấp váp trong cuộc sống. Bởi tôi biết, không ai là không từng thất bại, không ai không từng sai lầm. Chúng ta sống mỗi ngày, chẳng phải là vì phấn đấu để thành nhân hay sao? Cũng từng trong tâm trạng hụt hẫng khi bị chê bai, cũng từng tổn thương vì thái độ cầu thị không được đáp lại, tôi nhận ra bản chất của thành nhân chính nằm ở nghị lực chứ không phải nỗ lực. Ngoại lực bên ngoài chỉ khiến bạn nỗ lực vì một điều gì đó và nếu may mắn bạn đạt đến thành công mà không còn ngoại lực đó nữa, thì liệu rằng bạn giữ lại được gì sau những thành công ấy? Nhưng nội lực bên trong chính là nghị lực của bạn, nó như một đống than hồng, cứ âm ỉ cháy và khi ý chí của bạn đủ mạnh, đống than hồng ấy sẽ bùng cháy lên, vực bạn dậy từ trong những bế tắc, thoát ra khỏi những bó buộc giới hạn của bản thân. Bạn sẽ khám phá ra những giới hạn mới của bản thân mình và đẩy lùi ranh giới của cái gọi là “tôi sợ”, “tôi không thể làm được”. Tôi không cho phép mình thất bại, tôi không cho phép mình có sai sót. Nhưng nếu như có sai sót, có thất bại, tôi sẵn sàng đón nhận, nghiền ngẫm nó, phân tích nó như là một cơ hội quý báu. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào thất bại để mà chỉ trích, thì sao ta không thử đổi góc nhìn tích cực hơn, sửa thái độ nhẹ nhàng hơn? Nếu chỉ đổi góc nhìn đẹp mà vẫn giữ thái độ cũ, hoặc đổi thái độ mà không chịu hành động, không chịu bước ra vị trí mới thì có phải vẫn là phiến diện, võ đoán không? có phải giống đi xem hài mà khóc như mưa, hay không rớt nổi giọt nước mắt nào khi xem một đoạn phim cảm động hay sao? Không miễn cưỡng, không cố ép bản thân bước vào những suy nghĩ rập khuôn, giáo điều, bạn sẽ lại thấy cuộc đời này biết bao điều tươi đẹp ngoài kia đang chờ đợi. Chân lý là phải do chính mình ngộ ra, chứ người khác nói và mình tin mù quáng thì nó vô tình trở thành định lý rồi còn gì.

Ảnh: Giếng trời - Tác giả: Văn Tú

         Chính vì vậy, quan trọng hơn hết là bạn học được gì từ cuộc sống này. Ngay cả thất bại cũng có giá trị của nó, giá trị của bài học kinh nghiệm, của những thành công sau này. Và giá trị của nó chỉ thật sự mang lại thành công khi chính người trong cuộc nhận thấy, tiếp thu và hành động vì nó.

Một cây bút với đầu viết to cầm không chắc tay. Hay tôi còn nhớ vết chai trên đốt ngón tay giữa vì cầm cây bút Bến Nghé ngày xưa chỉ với giá 400 đồng suốt thời tiểu học để rồi sau này trở thành dị dạng, ngón tay không thể thẳng hoàn toàn được nữa. Và ngày nay, họ đã cải tiến những vòng xoắn ở đầu viết một thời in hằng trên tay cả một lớp thế hệ học trò mà bây giờ chắc cũng đã là U30-40, trở thành những gờ nhỏ hay ốp thêm một lớp nhựa mềm bên ngoài vừa có tác dụng giữ viết không bị trơn tụt vì mồ hôi tay, lại ít làm đau tay người sử dụng. Vậy mới thấy, đó là cả một quá trình lâu dài hàng mấy chục năm để có một chỗ đứng trên thị trường và trong lòng người sử dụng. Vậy mới thấy, có những đổi thay phải trả giá bằng cả năm dài tháng rộng, bằng cả xương máu, tâm huyết và thanh xuân chứ chẳng phải chuyện đùa. Vậy thì, hãy thôi phán xét, hãy ngừng thụ động, hãy đổi góc nhìn và hãy sửa thái độ…vì một phiên bản tốt đẹp hơn của chính chúng ta.

Ảnh: Góc nhìn - Tác giả: Văn Tú 
 

Văn Tú

 

1 nhận xét:

  1. Bài hay, ảnh đẹp, tràn đầy cảm xúc, ngôn từ chuẩn xác, Có thể nói cuộc sống này quá ư là rộn ràng, có quá nhiều điều để chúng ta phải lưu ý, nhưng trong đó không thể không có sự góp mặt của những điều nhỏ nhoi...💜

    Trả lờiXóa

SẼ ỔN THÔI

Sẽ ổn thôi, bao nhiêu là vụn vỡ Trái tim không lành vết sẹo càng sâu Thế thái nhân tình, buồn thương cũng thế Đã mệt rồi, hãy dừng lại đi th...