Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

HỒI ỨC QUÊ NHÀ

      Quê hương tôi không thi vị, không nổi bật, cũng chẳng phải là điểm đến du lịch. Quê tôi yên ả và bình dị lắm, chân chất lắm. Người dân hiền lành, tự quản và tự canh tác. Cuộc sống rất đỗi bình yên.

     Cũng như bao miền quê nghèo khác trên đất nước hình chữ S này, rồi cũng đến lượt quê tôi được đầu tư, được khoác lên mình bộ áo mới. Những cánh đồng lúa hun hút thẳng cánh cò bay được chăm sóc với kỹ thuật tiên tiến. Những giống lúa chịu phèn, chịu mặn được nhập về. Những giống lúa cao sản được chọn mặt gửi vàng trên các hợp tác xã chuyên canh. Năm tháng dần trôi càng khẳng định sự thay đổi của bộ mặt quê nhà. Nhưng đó, là cả một hành trình dài cho việc xây dựng và phát triển.

     Nhà tôi nằm ngay mặt lộ đê. Còn nhớ, con đường đê bằng đất đỏ được xây nên nhờ vào chương trình đắp đập ngăn sông, kết hợp công trình xây cống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và trồng lúa nước truyền thống. Lúc ấy, tôi còn nhớ là vào năm tôi học lớp ba, lớp bốn gì đấy thì dự án được khởi xướng. 

    Bắt đầu với các buổi họp dân dài lê thê, từ việc triển khai các văn bản pháp lý, đến trấn an lòng dân, rồi giải trình về tương lai đổi mới, nông nghiệp chuyển mình từ chuyên canh lúa nước sang một hoặc hai vụ lúa, một vụ hoa màu, một vụ tôm khiến dân làng cũng vài phần phấn khởi, đôi phần lo lắng. Vui mừng vì các hộ nuôi tôm sẽ có lối thoát, lại là nghề mang lại kinh tế cao ở thời điểm đó, càng khiến nhiều hộ muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Lo lắng vì các hộ trồng lúa chuyên canh bấy lâu nay từ sản xuất ba vụ thì nay phải giảm lại còn một hoặc tối đa là hai vụ, để nhường nguồn nước mặn cho nuôi tôm. Tuy nhiên, lúc ấy tôi chưa hiểu hết những điều vĩ mô như thế. Chỉ biết rằng, cha cứ được gọi đi họp mãi. Và khi cha về thì người lớn lại bàn luận cùng nhau.

    Phơi đồng cho đất được nghỉ ngơi cũng là một điều tốt, con người cần phải đền bù lại cho mẹ thiên nhiên đồng thời cũng là vì mục đích khai thác lâu dài. Nhưng nỗi lo nước mặn xâm nhập khiến người nông dân mất ăn mất ngủ. Chính vì vậy mà rất lâu sau đó mới có thể đạt đến thỏa thuận đền bù và giải phóng mặt bằng. Mãi đến năm tôi học lớp năm thì dự án chính thức khởi công. Nội, anh ba và tôi sang ở nhờ miếng đất kế bên nhà bà Năm - bạn của nội - để tiện việc cho anh ba và tôi đi học. Nhà bà Năm ở bên kia sông, thuộc xã khác, và không nằm trong khu vực giải tỏa.

    Trong khi đó, cha, mẹ và chị hai của tôi thì ở lại giữ phần đất còn lại và làm kinh tế. Nhà xây tạm bợ, trên một nền đất thấp chỉ rộng chừng 35 mét vuông. Mất nguồn thu từ lúa vụ ba, hai mươi công đất và việc đóng đáy trên sông, gia đình tôi chỉ còn làm hai vụ trên phần đất ruộng chỉ vỏn vẹn gần hai công đất còn lại của gia đình và bầy heo bốn con để duy trì cuộc sống mưu sinh cho sáu nhân khẩu.

    Công trình tiến hành rất khó khăn, nhiều đợt biểu tình vì làm quá lâu mà không hiệu quả, bao nhiêu đất đổ xuống sông đều bị cuốn đi hết. Người dân quá nóng lòng vì kinh tế thiệt hại, không thể làm gì nuôi sống gia đình, mà ngày ngày đất từ nơi khác chở về đổ xuống đều trôi hết. Nhiều người nản chí và tỏ ra bất lực vì công tác trị thủy này có vẻ đang đi ngược lại với quy luật tự nhiên.

    Thấy ở nhờ mãi không phải là cách lâu dài trong khi việc đắp sông không mấy gì tiến triển. Một năm sau, khi tôi lên lớp sáu, ba bà cháu quay về ngôi nhà tạm, sum họp với các thành viên còn lại trong gia đình, cùng đùm bọc nhau.

    Từ ngày chúng tôi về lại nhà mình, mỗi lần hai anh em đi học, lại phải cần người đưa rước qua sông, cũng may hai anh em đi học cùng buổi. Lúc đầu, cha gửi xuồng ở nhà người quen cách nơi ngăn sông khoảng 500 mét để đưa rước chúng tôi. Nhưng trường cấp ba mà anh tôi học thì xa hơn trường cấp hai của tôi nên mỗi lần tan học, về đến chỗ chờ cha rước, tôi thường ngồi bên kia sông, ngay góc cây còng già, tranh thủ học bài, chừng 45 phút thì anh cũng về đến. Bạn bè cũng có vài đứa chờ phụ huynh rước cùng chỗ với tôi, nhưng tôi không quá giang về trước vì sợ tìm không gặp tôi cha mẹ và anh ba lại lo lắng.

    Nhưng đến khoảng sang học kỳ hai của năm học ấy, thì những người thực hiện công trình đắp đập cũng đã có kinh nghiệm, tránh luồng nước xoáy và đắp được gần nửa sông. Con sông bị thu hẹp, nước càng chảy xiết nên xuồng nhỏ của chúng tôi không thể băng sang sông được nữa mặc dù xuồng đã cách xa nơi ngăn đập. Thế là gần đó có người dùng ghe máy đưa đò, mỗi chuyến đò có thể chở được tận mười người. Bọn học trò chúng tôi và cả những cô bác đi chợ sớm đều chỉ trông cậy vào chiếc đò đó để sang sông. Cha cũng cấp cho tôi chiếc xe đạp khi trường tôi chuyển địa điểm xuống cơ sở mới. Tôi phải gửi xe ở nhà người đưa đò. Hằng ngày, anh em tôi lội bộ đến bến đò, gọi đò, sang bên kia sông và lấy xe đi học. Tôi cũng không cần chờ anh về cùng nữa.

     Khi công trình thủy lợi hoàn thành, sông cũng đã được chắn ngang với một cống nhỏ hai cửa và một cống lớn sáu cửa để điều phối nước tưới tiêu. Chúng tôi bắt đầu gầy dựng lại ngôi nhà mới, kiên cố và ở cho đến nay.

 Ảnh: Cống Chà Và (cống 2 cửa) và Cống Vinh Kim (cống 6 cửa)

     Còn nhớ khi ấy, cả nhà tôi, từ lớn đến bé, đều cùng nhau đắp nền nhà. Những khối đất lớn vừa sức ôm, cứ được xắn ra và từng người rinh xếp san sát nhau. Nhìn chúng tôi khi đó, nội hay trêu, sao mà giống kiến tha mồi về tổ. Vậy đấy, thế mà sức năm người chúng tôi cùng với sự cổ vũ của nội cũng đã đắp xong cái nền nhà cao ráo.

     Những đổi thay mỗi ngày tưởng chừng như không có gì lớn lao. Nhưng khi nhìn lại cả một chặng đường dài, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra quê hương mình đã đổi mới quá nhiều. Từ những con đường mòn chỉ có xe đạp và người đi bộ thì giờ đây xe máy đầy đường, xe hoa chạy đến tận cửa để đón dâu, xe tải có thể vào tận xóm, tận đồng để thu mua lúa và hoa màu. Lưu thông hàng hóa rất thuận tiện. Chợt thấy mình nợ quê hương một tiếng cảm ơn. Cảm ơn vì đã oằn mình chịu đau cho những bước chuyển, chịu thoát bỏ những điều lạc hậu đã trở thành định kiến, chịu đón nhận những tiến bộ tưởng chừng không với tới. Cảm ơn quê hương!

  Ảnh: Con đường đất đỏ quê tôi

 Văn Tú

 

     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SẼ ỔN THÔI

Sẽ ổn thôi, bao nhiêu là vụn vỡ Trái tim không lành vết sẹo càng sâu Thế thái nhân tình, buồn thương cũng thế Đã mệt rồi, hãy dừng lại đi th...