Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

HÌNH MẪU

     Không ai muốn mình là bản sao của người khác. Cũng không người nào muốn mình bị nhầm với bất kỳ ai. Nhưng nề nếp giáo dục gia đình xưa nay vẫn có không ít cha mẹ muốn con mình phải giống một ai đó, hoặc xem ai đó là “hình mẫu” để “huấn luyện” con. Và tôi cũng như thế. Tôi lớn lên bên một tượng đài của người anh trai 100 điểm. Hình mẫu như một ánh hào quang ngũ sắc, lấn át những vẻ đẹp xung quanh, khiến cho mọi thứ trở nên tầm thường hơn, lu mờ hơn.

    Có lẽ tôi dần thoát khỏi cái bóng quá lớn của anh ba kể từ năm tôi học lớp sáu. Một người quá hoàn hảo, giỏi nhất nhì trường, nắm kỷ lục nhiều năm liền với điểm trung bình chung gần như tuyệt đối, tốt nghiệp trường cũ nhưng vẫn còn phải bảo vệ đứa em gái nhút nhát, ngây ngô như tôi.

    Lúc trước, thầy cô hầu như có ấn tượng đầu tiên về tôi có lẽ là vì tôi chính là em của anh ba. Khi đi họp phụ huynh, thầy cô cũng hay so sánh tôi với anh ba để báo kết quả học tập của tôi cho cha. Cũng chính vì vậy mà vô tình lại có một áp lực vô hình luôn đè nặng lên vai tôi. Để thầy cô nhớ đến tên tôi, phân biệt giữa tôi và anh ba, tôi đã phấn đấu hằng ngày. Không chỉ ở trường, mà cả ở nhà. Noi gương anh trai là điều hiển nhiên tôi phải làm và chắc chắn phải làm được. Một quy định trong nhà mà tôi luôn tuân theo ngay từ nhỏ là chuyên tâm học hành, tự thân vận động, tự giác thực hiện mọi việc của bản thân. Một cái bàn học, hai anh em chia làm đôi, mỗi người một bên, mạnh ai nấy học. Cha mẹ không đặt yêu cầu quá cao với tôi, chỉ cần bằng anh là được. 

    Nếu như nhiều bạn cùng lớp xem tôi là đối thủ cạnh tranh của họ thì trong khi đó, đối thủ của tôi chỉ có hai người, một là bản thân tôi và... đối thủ còn lại chính là thành tích học tập của anh ba mặc dù anh đi trước tôi tận bốn khóa. Có lẽ, từ nhỏ đến lớn, duy nhất chỉ có nội là không so sánh tôi với anh, không so tôi với bất kỳ ai ngoại trừ bản thân tôi của ngày hôm qua. Đó chính là lý do khiến tôi tiến bộ lên từng ngày, vượt qua những áp lực và hoàn thiện bản thân mình.

    Có lẽ, tôi cũng là đứa cháu mà nội đặt nhiều hy vọng nhất. Nếu như chị hai là người mà nội lo lắng và thương nhất vì Hai chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ, sức khỏe yếu, phải nghỉ học sớm nhưng nội dễ bề chăm sóc và bao bọc mọi chuyện, vì nội luôn giữ Hai bên mình. Còn tôi, theo sự phát triển của xã hội, theo quy luật tự nhiên, tôi lớn lên trong sự nuôi nấng của cha mẹ, sự giáo dục của thầy cô và cả sự mài giũa của nội để có thể tìm thấy giá trị thật sự của bản thân mình. 

    Sự rèn luyện mà mọi người nhìn vào cho rằng có phần khắt khe, như một mầm non trưởng thành trong một lồng kiếng với những đợt giá rét nhân tạo thách thức sự chịu đựng trước khi cho ra đời tiếp xúc với thực tế. Nếu như những đứa trẻ cùng trang lứa có những giờ chơi bên cạnh việc học, thì tôi vẫn miệt mài với những bài thử thách hằng ngày. Thử thách của tôi không chỉ đơn thuần là những bài học trên lớp, mà còn là những cuộc đánh giá về cách đối nhân xử thế, về cách giải quyết vấn đề, về bản lĩnh đối mặt trước khó khăn. Nhưng chưa bao giờ tôi nản chí. Đơn giản chỉ vì khi nhìn về phía trước, tôi vẫn thấy nội đang ở điểm đích chờ tôi. Cứ mỗi lần khám phá giới hạn của bản thân, nội lại đặt ra cho tôi một mục tiêu mới, và dời mức giới hạn ấy lên một bậc. Cứ như vậy, ngày qua ngày, tôi lại thấy đó là niềm vui vì nhận ra mình còn mục tiêu để phấn đấu, và còn nội đứng chờ phía trước. Cứ như thế, tôi dần trưởng thành sau hai thập kỷ được nuôi dưỡng và giáo dục như thế. “Khóa huấn luyện” của tôi kết thúc khi tôi 23 tuổi, ra trường, đi làm, tự đặt ra mục tiêu cho bản thân mà không còn có sự chỉ bảo của nội và tự nâng khoảng cách với hồng tâm trên bia mục tiêu. Thật may thay, tôi đã không còn là cái bóng của bất kỳ ai. Tôi nhận ra hình mẫu nên là đòn bẫy để ta tiến xa, hơn là mục tiêu để ta phấn đấu.

    Đã từ lâu lắm, nội không còn đi ra khỏi nhà nữa, có lẽ là từ sau khi dời từ nhà tạm về ngôi nhà hiện tại chúng tôi đang ở. Nội cứ lẩn quẩn trong khuôn viên nhà. Và cứ chiều chiều là lại ra ngồi ở hiên nhà, trông chờ các cháu về đủ nội mới vào trong. Cứ hôm nào anh em tôi đi làm về trễ, là nội lại chờ cổng đến tận khi thấy cháu về mới chịu. 

    Vậy đấy, dù có chí lớn đến đâu, dù có bận bịu đến nhường nào, thì khi về già niềm vui lớn nhất cũng chỉ là xum vầy bên con cháu mà thôi. Bạn trẻ, hãy hiểu và thông cảm hơn cho các bậc sinh thành của mình nhé. Dù họ có nghiêm khắc đến đâu, thì cũng là đang muốn bạn tốt hơn mà thôi. Có thể phương pháp của họ chưa phù hợp, nhưng tình yêu thương của họ không bao giờ là sai cả. Người trẻ, hãy cảm thông và đặt mình ở vị trí của họ để suy nghĩ. Vì cái mà chúng ta có nhiều nhất chính là thời gian. Còn các bậc tiền bối, các đấng sinh thành, họ không chờ chúng ta lâu được nữa. Đừng ngại nói lời yêu thương, đừng ngại sẻ chia và đừng ngại thu xếp chút thời gian cá nhân, đừng ngại gạt ra chút thú vui riêng để về bên gia đình, về thăm quê. Hạnh phúc đến từ những điều giản đơn như thế, "hình mẫu" cũng đến từ những điều đơn giản như thế. Và rồi, dù vô tình hay cố gắng theo đuổi, thì cũng sẽ đến ngày chúng ta trở thành "hình mẫu" của một ai đó. Có thể là con cái của chúng ta, những đứa cháu, hay một người không quen nào đó. Những điều tốt đẹp chúng ta làm ở hiện tại, sẽ trở thành một điều gì đó tuyệt vời cho những lứa con cháu sau này. Cố lên, thế hệ 7x, 8x, 9x!

Văn Tú



 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...