Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

TIN HỌC VỠ LÒNG

Từng ngày đến lớp, là điều thú vị

Thế hôm nay, chúng ta sẽ học gì?

Nghe khô khan và chan chán phải không?

Hông đâu nhé, đây là lời cô nói

Thử xem nào, có gì đó hay hay!

 

Em có biết “Xê-Pê-U”[1] chưa nhỉ?

Não con người, nơi điều khiển hành vi

Thì đây chính “não bộ” anh máy tính!

Thế nghĩ xem “ổ cứng” nghĩa là sao?

“Kho” ở nhà, chứa tài sản, là đây!

 

Còn “Diu-Ét-Bi”[2] thì em có biết?

Đồ đạc nhiều, chọn túi xách mang đi

Chính là nó, một “nhà kho di động”

Nhưng bây giờ, người ta dùng “thẻ nhớ”

Nhỏ gọn hơn, gắn được trong điện thoại

 

Xong rồi nhé, giờ sang “ROM”, “RAM” xíu

“Bộ nhớ trong”, không thể để rời xa

Như trí nhớ ta, khi còn khi mất

ROM chỉ đọc, RAM truy cập ngẫu nhiên

ROM giữ hoài, tắt nguồn RAM mất hết

 

“Thư mục” tựa như cái ba lô lớn

Đựng ví tiền, rồi tập sách bên trong

Thì như cách nó chứa Phon-đờ[3] khác

Và tập sách chính là “tập tin” đó

Có nội dung, như quyển vở em nè!

 

Giờ sang đến lịch sử web chút nha

Đố em biết, ai là người sáng lập

Ngôn ngữ thịnh hành cho web ngày nay?

Éch-Ti-Em-Meo[4] luôn là chân lý

Thì cha đẻ, Tim Berners-Lee chứ ai!

 

Gửi thư tay thì vài ngày mới đến

Nay “mail” nhé, vừa bấm send tới liền

Chỉ cần có “Ín-tơ-nẹt”[5], “Gu-gồ”[6]

Thì như thể “bách toàn thư điện tử”

Em chưa biết, thì lên đấy tìm thêm

 

Hôm nay ta chỉ cần bao nhiêu đó

Bài học vỡ lòng, cho tiết đầu tiên

Môn tin học đâu gì là cứng nhắc

Cũng vui vui và dễ nhớ em à

Cuộc sống ngoài kia, đem vào liên tưởng!

 

Tuần sau nhé, chúng ta còn gặp lại

Cô muốn nghe, có ai đó trình bày

Em thích gì trong cái môn tin học

Có yêu chăng, chiếc máy tính để bàn?

Hay vẫn còn mê đắm với Mác-phon[7]?

 

--------Văn Tú--------



[1] Xê-Pê-U: CPU

[2] Diu-Ét-Bi: USB

[3] Phon-đờ: Folder

[4] Éch-Ti-Em-Meo: HTML

[5] Ín-tơ-nẹt: Internet

[6] Gu-gồ: Google

[7] Mác-phon: Smartphone

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

ÔNG NGOẠI

      Cha tôi lam lũ, đội nắng dầm mưa, từ năm này qua tháng nọ. Ruộng lúa trong gia đình, một tay cha chăm sóc. Khi phơi đồng, cha lại chuyển sang chăm sóc vườn tược quanh nhà. Cha nghiêm nghị, mọi việc khi cha bắt tay vào làm thì đều rất chu đáo và tỉ mỉ. Cha lại rất nhiệt tình giúp đỡ hàng xóm, chẳng ngại chia sẻ những kỹ thuật canh tác mới. Mỗi mùa lúa đến, cha là người liên hệ máy cày, máy xới, đi chọn giống lúa, thăm đồng, cảnh báo khi phát hiện đồng của ai đó trong khu vực bị bệnh, chỉ cho họ cách phòng trị, kiểm tra mực nước, độ mặn của nước và cả kêu máy cắt khi đến ngày thu hoạch cho cả khu.

      Dường như cha tôi chỉ nghỉ ngơi khi cha bệnh nặng. Cha thường nói, mỗi lần mới chớm bệnh, cha đều cố gắng vượt qua, kiếm gì đó để làm nếu không sẽ không lướt qua nổi. Chính vì vậy, mỗi lần thấy cha nằm mãi không chịu dậy, là chúng tôi biết, khi đó, cha tôi bệnh nặng lắm. Nhưng cha tôi cố chấp trong việc chăm lo cho sức khỏe bản thân lắm. Cha chỉ mua thuốc uống qua loa ở quầy thuốc tây. Càng lớn tuổi, sức khỏe cha càng yếu, không còn ráng gượng qua những lần bệnh nặng nữa. Có lần mẹ tôi phải chủ động mời bác sĩ gia đình đến khám và điều trị cho cha.

      Cha thích uống nước trà, nói chuyện hàn huyên cùng những người bạn già. Mỗi lúc rỗi rảnh, các chú các bác cũng thường đến chơi nhà, nói chuyện phiếm cùng cha. Những câu chuyện của họ trở nên đặc sắc và thú vị lắm. Dù mỗi khi khách đến chơi, bọn trẻ chúng tôi thường tránh mặt sau khi đã chào hỏi, để nhường lại không gian riêng. Nhưng tôi biết, họ rất thích nói chuyện cùng cha. Bởi vì, những câu chuyện cứ kéo dài mãi, những tiếng cười sảng khoái vang lên, có khi đến tận mấy tiếng đồng hồ khách mới ra về.

      Để chuẩn bị cho con trai cưới vợ, cha dồn hết tiền dành dụm để cất nhà mới, nhằm mong muốn một cuộc sống sung túc, tiện nghi cho con dâu khi về ở chung nhà. Khi có cháu nội, cha đặc biệt chú trọng đến việc vệ sinh nhà cửa hơn nữa, quét dọn sân trước sân sau thật sạch sẽ để các cháu ra sân chơi đùa, cũng là để giữ gìn sức khỏe cho cháu.

      Khi mua được con xe Dream II, cha lại là tài xế riêng của mẹ. Cha chở mẹ về thăm ông bà ngoại thường xuyên hơn, chở mẹ đi chợ, rồi đi thăm suôi gia,…

      Khi cha lên chức ông ngoại, gánh nặng dường như càng thêm bội phần khi con rể ở xa. Những lần cháu đi chích ngừa ở xã, những lần cháu ốm phải gặp bác sĩ, hầu như đều là cha chở mẹ con tôi đi.

      Khi tôi dời lên tỉnh sinh sống để tiện cho việc đi làm và cho con đi học, cha lại thường xuyên trông nôm việc xây cất nhà cho tôi, trồng thêm vài cây mai vàng cha bứng từ quê nhà cho có không khí ấm áp gia đình trên mảnh đất mới. Mỗi lần lên thăm chúng tôi, thấy dây bụi mọc nhiều, cha lại lấy dao chặt dây leo, dọn bụi rậm, vì sợ rắn rết sinh sống rồi bò ra cắn cháu.

      Lần mang thai thứ hai của tôi là một quá trình khó khăn, đổi cả mạng sống để cứu lấy đứa bé non nớt. Tôi nằm trên giường suốt 3 tháng trời và nhập viện đến tận 4 lần. Khi xe cứu thương chuyển tôi lên Từ Dũ, đẩy con gái đang nằm trên chiếc cáng màu xám, mặt cha nhợt nhạt vì tất bật cả đêm nhưng vẫn cố trấn an tôi bình tĩnh trong khi cha thì lo lắng đến nỗi chìa khóa để trong túi áo mà cứ mãi kiếm tìm. Tôi ở trọ trên đất Sài Thành một tháng trời để đề phòng lại phải nhập viện cấp cứu. Suốt thời gian đó, cha lo cơm nước và đưa rước con gái lớn của tôi đến trường mỗi ngày. Cùng lúc đó, dịch heo tai xanh bùng phát, dù cha đã rất cẩn thận áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhưng virut vẫn len lỏi vào và tàn phá đến mấy chuồng. Ruộng lúa cũng bị nước mặn xâm nhập do không kịp phát hiện và đóng cửa cống, lại thêm cha quá nhiều việc phải lo nên chưa be bờ ruộng. Kinh tế gia đình thiệt hại nghiêm trọng nhưng cha vẫn cố gắng lao động, cố gắng khắc phục.

      Tôi sinh non khi em bé mới chỉ 7 tháng. Đứa bé chỉ vỏn vẹn 2 ký lô, cơ thể bé tí teo đến nỗi ông ngoại không dám ẵm vì sợ tay chân vụng về làm đau cháu.

      Khi mẹ lên nhà chăm sóc tôi, heo cuối ở quê, ruộng vườn đều do cha chu toàn. Đó cũng là lúc cha gầy dựng lại kinh tế gia đình, dịch bệnh trên heo được triệt tiêu, cha mua thêm vài bầy heo con, rồi bắt đầu một vụ lúa mới. Công việc bộn bề là thế nhưng tuần nào cha cũng sắp xếp lên thăm cháu chỉ để xem con bé có khỏe không, có tăng thêm được gram nào không.

      Đứa cháu út dần lớn lên, ông ngoại cũng già đi nhiều, tóc bạc trắng cả đầu. Và dường như, nó cũng biết mọi người đã cực khổ vì nó nhiều rồi. Thế nên lúc nào con bé cũng vui vẻ, hài hước và đeo ông ngoại lắm. Mẹ tôi thường nói: “Cha mày hồi đó tới giờ chưa từng phụ ẵm con, suốt ngày chỉ đi ruộng, nuôi heo. Vậy mà đến đứa cháu ngoại lụm từ thành phố về này lại may mắn lắm, được ông ngoại ẵm, còn leo lên trên vai ông ngoại mà ngồi”.

      Cha tôi bảo: “Không phải cha không khoái con nít, cũng không phải không thương những đứa cháu còn lại. Nhưng vì những đứa kia mạnh khỏe, lại có nhiều người lo. Còn đứa cháu út này, vừa đèo, lại vừa lận đận”.

      Dù là lý do gì đi nữa, thì ông ngoại luôn là nhất. Một người nông dân chân chất điển hình, ngại bày tỏ, âm thầm chăm lo mọi thứ cho con cháu, không nề hà, không kể khổ dù là bất cứ chuyện gì. Một người ông vừa đủ sự nghiêm nghị để răn đe con cháu, lại vừa đủ ấm áp và là điểm tựa cho các con. Con gái, dù gả đi rồi nhưng với cha tôi, chẳng phải bát nước đổ đi mà như là có thêm một bát nước nữa để mà gợn đục, để mà lắng trong. Bởi vì, khi cuộc đời con sang trang mới, thì cha mẹ vẫn cứ dõi theo, vẫn cứ đứng đó đợi con về, vẫn sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón, sẵn sàng vì con cái mà một đời lo lắng và chu toàn. Cảm ơn cha, người đàn ông tuyệt vời!

Ảnh: Ông ngoại và cháu
 

Văn Tú


 

XÓM LÁ QUÊ TÔI

    Quê tôi, mọi người thường phân biệt các vùng quê với nhau bằng cách gọi các tên như xóm trên, xóm dưới, xóm trong, xóm ngoài… Trước đây, nhà chúng tôi ở xóm dưới, hay còn gọi là xóm lá. Vì đi đâu cũng thấy những đám lá dừa nước được trồng bạt ngàn. Một loại đặc sản quê tôi. Cây dừa nước có thân mọc dưới lớp bùn lầy, chỉ có lá và hoa là vươn cao khỏi mặt nước. Lá cây dừa nước có thể được kết lại như đường may áo, gọi là chầm lá. Lá chầm dùng để lợp nhà, dừng vách. Có khi, người ta chỉ dùng lá chầm để lợp mái, còn phần vách thì dừng bằng lá xé, hoặc ngược lại. Lá xé cũng là lá dừa nước nhưng để nguyên cọng rồi xé đôi theo chiều dọc của sống lá, sau đó phơi qua vài nắng cho dẻo và đem đan lại xếp chồng liền nhau để dừng làm vách hoặc lợp nhà. 

    Những ngôi nhà lá là đặc trưng của vùng nông thôn quê tôi. Chỉ một vài gia đình khá giả mới có vách tường và mái ngói. Nhưng đa phần người dân quê tôi lúc ấy, dù có giàu có cũng sẽ che thêm một cái chòi lá hoặc che thêm mái hiên, gác bếp mái lá cho mát. Vì vậy, cây lá quê tôi dù đơn sơ nhưng rất thông dụng. 

    Quả dừa nước mọc thành từng quài tròn xoe, ăn rất ngon và mát. Chọn được thời điểm quả dừa nước vừa đủ độ dày cơm cũng cần có chút kinh nghiệm. Cha không cho chúng tôi thử bằng cách chặt một quả vì như vậy sẽ làm hư cả quài, các quả còn lại sẽ không còn ngọt nữa. Nhìn màu sắc của quả không quá đậm, cuống không quá khô là lúc vừa ăn. Ngày đó, chúng tôi chỉ thường ăn dừa nước tươi trộn đường, không được đa dạng cách chế biến như bây giờ. Nhà có sẵn nhưng vì nhiều nên cũng ít khi chúng tôi hái ăn. Có những quài dừa nước già, tự rụng trái xuống bùn rồi mọc mầm vươn lên thành cây mới. Nhờ vậy mà rừng dừa nước cứ thế duy trì và phát triển.

    Nhà chúng tôi ở lúc ấy là ngôi nhà tổ. Ông bà bao đời đã sống ở đó, dù có chuyển đến ấp chiến lược trong thời chiến tranh thì cũng có người ở lại giữ nhà, lo nhang khói cho bàn thờ tổ tiên. Cũng từng che chở cho biết bao lượt cô chú bộ đội, du kích về trong đêm. 

    Lúc ấy, cha tôi chỉ mới là học sinh trung học cũng theo nội tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm lên rừng cho các chú. Rừng có địa thế đặc biệt, được bao bọc xung quanh là những đầm lầy dừa nước, dễ ẩn nấp khó bị tấn công. Mỗi lần đến, nội và cha phải bơi xuồng nhỏ, đi vào một con rạch nhỏ sâu tít mới đến được nơi các chú ở. Một thời vất vả, một thời cam go, nguy hiểm tiềm ẩn là thế, bọn trẻ chúng tôi lại thấy hồi hộp theo từng lời kể của nội. Thế mà khi kể lại, tôi chỉ thấy nội bồi hồi, ngậm ngùi vì nhớ đến những đứa con, đứa cháu, đứa em xa lạ từng ghé nhà trú chân. Tôi hỏi nội có sợ không, nội lại chỉ bình thản, xem như đó là một việc tất yếu, là nhiệm vụ phải làm, không than thở, nhưng cũng không đến mức tự hào vì nội bảo như thế thì có là gì so với sự hy sinh của các chú, các bác của con. Tôi nghe mà nhớ hoài, cảm phục cái cách mà nội đối mặt với khó khăn và biết nhìn từ hướng của người khác. Cũng có lẽ nhờ hưởng tính này của nội, nên tôi luôn cố gắng hướng suy nghĩ của mình tích cực lên, lạc quan hơn. Dần dần dường như cũng trở thành thói quen, và như một thú vui trong cuộc sống trải nghiệm của mình, tôi cứ "tận hưởng ngày khó", xem như đó là cơ hội quý giá cần phải trân trọng để bản thân rèn luyện và để thấy nhờ có những ngày khó khăn như thế mà càng thêm "quý ngày bình yên" hơn nữa.

“Trước gian nguy, lòng không nao núng

Khó khăn riêng trong vạn dặm đường

Khúc quanh co, chỉ là thử sức  

Tận hưởng ngày khó, quý ngày bình yên”

(Trích: Có những ngày thật khó – Tác giả: Văn Tú)

    Trong một đoạn kể của nội, tôi nghe mà xót xa. Trong trận đánh cuối trước giải phóng, bác hai tôi - một trong những trinh sát ngoan cường của bộ đội ta, là con trai lớn của một người anh nhưng được nội nuôi từ nhỏ - đã hy sinh cùng với 11 người đồng đội của mình khi cố thủ giữ lấy pháo đài vừa chiếm được để chờ bộ đội chi viện đến tiếp quản. Sau này, vào ngày giỗ của bác, gia đình tôi lại bày mâm cơm cúng với 12 bát cơm để mời cả hương hồn của các đồng đội cùng bác về ăn cơm. Tinh thần phóng khoáng, quật cường và lạc quan của các bác như một niềm tự hào to lớn của gia đình tôi.

    Sau này, khi kết thúc chiến tranh, trải qua các giai đoạn và thời kỳ đổi mới. Xóm lá cũng không còn mang tên là xóm lá nữa, không còn mang vẻ ẩn dật mà khoác lên mình chiếc áo mới, hòa vào nhịp phát triển của đất nước. Những đám lá bạt ngàn ven sông cũng dần thu hẹp, nhường chỗ cho những con đường, những ngôi nhà mọc lên. Nhưng những vùng có nước xoáy, nước ngập, lá vẫn phát huy tác dụng của mình, giữ đất và chống xói mòn. Nhìn những tàu lá xanh rì, vỗ vào nhau kêu lạch tạch trong gió, dù ngoài trời vẫn nắng chói chang, thì khi đi ngang qua những đám lá, tôi vẫn cảm thấy dịu mát và thân thương mùi bùn, mùi hơi nước. Chợt nhớ về cái thời tuổi thơ đi trên đầu bập dừa như những diễn viên xiếc thực thụ để băng qua nhà chúng bạn cho gần; hay những lần lặn ngụp dưới sình lầy bắt cá bống sao về cho mẹ kho tiêu; hoặc lội xuống kéo lá lên bờ phụ cha để về chầm lá sửa nhà, sửa chuồng heo; và cả những câu chuyện về những đám lá dừa nước say mình bảo hộ đất đai và con người nơi đây.

Văn Tú

 

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

HÌNH MẪU

     Không ai muốn mình là bản sao của người khác. Cũng không người nào muốn mình bị nhầm với bất kỳ ai. Nhưng nề nếp giáo dục gia đình xưa nay vẫn có không ít cha mẹ muốn con mình phải giống một ai đó, hoặc xem ai đó là “hình mẫu” để “huấn luyện” con. Và tôi cũng như thế. Tôi lớn lên bên một tượng đài của người anh trai 100 điểm. Hình mẫu như một ánh hào quang ngũ sắc, lấn át những vẻ đẹp xung quanh, khiến cho mọi thứ trở nên tầm thường hơn, lu mờ hơn.

    Có lẽ tôi dần thoát khỏi cái bóng quá lớn của anh ba kể từ năm tôi học lớp sáu. Một người quá hoàn hảo, giỏi nhất nhì trường, nắm kỷ lục nhiều năm liền với điểm trung bình chung gần như tuyệt đối, tốt nghiệp trường cũ nhưng vẫn còn phải bảo vệ đứa em gái nhút nhát, ngây ngô như tôi.

    Lúc trước, thầy cô hầu như có ấn tượng đầu tiên về tôi có lẽ là vì tôi chính là em của anh ba. Khi đi họp phụ huynh, thầy cô cũng hay so sánh tôi với anh ba để báo kết quả học tập của tôi cho cha. Cũng chính vì vậy mà vô tình lại có một áp lực vô hình luôn đè nặng lên vai tôi. Để thầy cô nhớ đến tên tôi, phân biệt giữa tôi và anh ba, tôi đã phấn đấu hằng ngày. Không chỉ ở trường, mà cả ở nhà. Noi gương anh trai là điều hiển nhiên tôi phải làm và chắc chắn phải làm được. Một quy định trong nhà mà tôi luôn tuân theo ngay từ nhỏ là chuyên tâm học hành, tự thân vận động, tự giác thực hiện mọi việc của bản thân. Một cái bàn học, hai anh em chia làm đôi, mỗi người một bên, mạnh ai nấy học. Cha mẹ không đặt yêu cầu quá cao với tôi, chỉ cần bằng anh là được. 

    Nếu như nhiều bạn cùng lớp xem tôi là đối thủ cạnh tranh của họ thì trong khi đó, đối thủ của tôi chỉ có hai người, một là bản thân tôi và... đối thủ còn lại chính là thành tích học tập của anh ba mặc dù anh đi trước tôi tận bốn khóa. Có lẽ, từ nhỏ đến lớn, duy nhất chỉ có nội là không so sánh tôi với anh, không so tôi với bất kỳ ai ngoại trừ bản thân tôi của ngày hôm qua. Đó chính là lý do khiến tôi tiến bộ lên từng ngày, vượt qua những áp lực và hoàn thiện bản thân mình.

    Có lẽ, tôi cũng là đứa cháu mà nội đặt nhiều hy vọng nhất. Nếu như chị hai là người mà nội lo lắng và thương nhất vì Hai chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ, sức khỏe yếu, phải nghỉ học sớm nhưng nội dễ bề chăm sóc và bao bọc mọi chuyện, vì nội luôn giữ Hai bên mình. Còn tôi, theo sự phát triển của xã hội, theo quy luật tự nhiên, tôi lớn lên trong sự nuôi nấng của cha mẹ, sự giáo dục của thầy cô và cả sự mài giũa của nội để có thể tìm thấy giá trị thật sự của bản thân mình. 

    Sự rèn luyện mà mọi người nhìn vào cho rằng có phần khắt khe, như một mầm non trưởng thành trong một lồng kiếng với những đợt giá rét nhân tạo thách thức sự chịu đựng trước khi cho ra đời tiếp xúc với thực tế. Nếu như những đứa trẻ cùng trang lứa có những giờ chơi bên cạnh việc học, thì tôi vẫn miệt mài với những bài thử thách hằng ngày. Thử thách của tôi không chỉ đơn thuần là những bài học trên lớp, mà còn là những cuộc đánh giá về cách đối nhân xử thế, về cách giải quyết vấn đề, về bản lĩnh đối mặt trước khó khăn. Nhưng chưa bao giờ tôi nản chí. Đơn giản chỉ vì khi nhìn về phía trước, tôi vẫn thấy nội đang ở điểm đích chờ tôi. Cứ mỗi lần khám phá giới hạn của bản thân, nội lại đặt ra cho tôi một mục tiêu mới, và dời mức giới hạn ấy lên một bậc. Cứ như vậy, ngày qua ngày, tôi lại thấy đó là niềm vui vì nhận ra mình còn mục tiêu để phấn đấu, và còn nội đứng chờ phía trước. Cứ như thế, tôi dần trưởng thành sau hai thập kỷ được nuôi dưỡng và giáo dục như thế. “Khóa huấn luyện” của tôi kết thúc khi tôi 23 tuổi, ra trường, đi làm, tự đặt ra mục tiêu cho bản thân mà không còn có sự chỉ bảo của nội và tự nâng khoảng cách với hồng tâm trên bia mục tiêu. Thật may thay, tôi đã không còn là cái bóng của bất kỳ ai. Tôi nhận ra hình mẫu nên là đòn bẫy để ta tiến xa, hơn là mục tiêu để ta phấn đấu.

    Đã từ lâu lắm, nội không còn đi ra khỏi nhà nữa, có lẽ là từ sau khi dời từ nhà tạm về ngôi nhà hiện tại chúng tôi đang ở. Nội cứ lẩn quẩn trong khuôn viên nhà. Và cứ chiều chiều là lại ra ngồi ở hiên nhà, trông chờ các cháu về đủ nội mới vào trong. Cứ hôm nào anh em tôi đi làm về trễ, là nội lại chờ cổng đến tận khi thấy cháu về mới chịu. 

    Vậy đấy, dù có chí lớn đến đâu, dù có bận bịu đến nhường nào, thì khi về già niềm vui lớn nhất cũng chỉ là xum vầy bên con cháu mà thôi. Bạn trẻ, hãy hiểu và thông cảm hơn cho các bậc sinh thành của mình nhé. Dù họ có nghiêm khắc đến đâu, thì cũng là đang muốn bạn tốt hơn mà thôi. Có thể phương pháp của họ chưa phù hợp, nhưng tình yêu thương của họ không bao giờ là sai cả. Người trẻ, hãy cảm thông và đặt mình ở vị trí của họ để suy nghĩ. Vì cái mà chúng ta có nhiều nhất chính là thời gian. Còn các bậc tiền bối, các đấng sinh thành, họ không chờ chúng ta lâu được nữa. Đừng ngại nói lời yêu thương, đừng ngại sẻ chia và đừng ngại thu xếp chút thời gian cá nhân, đừng ngại gạt ra chút thú vui riêng để về bên gia đình, về thăm quê. Hạnh phúc đến từ những điều giản đơn như thế, "hình mẫu" cũng đến từ những điều đơn giản như thế. Và rồi, dù vô tình hay cố gắng theo đuổi, thì cũng sẽ đến ngày chúng ta trở thành "hình mẫu" của một ai đó. Có thể là con cái của chúng ta, những đứa cháu, hay một người không quen nào đó. Những điều tốt đẹp chúng ta làm ở hiện tại, sẽ trở thành một điều gì đó tuyệt vời cho những lứa con cháu sau này. Cố lên, thế hệ 7x, 8x, 9x!

Văn Tú



 

 

 

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

HỒI ỨC QUÊ NHÀ

      Quê hương tôi không thi vị, không nổi bật, cũng chẳng phải là điểm đến du lịch. Quê tôi yên ả và bình dị lắm, chân chất lắm. Người dân hiền lành, tự quản và tự canh tác. Cuộc sống rất đỗi bình yên.

     Cũng như bao miền quê nghèo khác trên đất nước hình chữ S này, rồi cũng đến lượt quê tôi được đầu tư, được khoác lên mình bộ áo mới. Những cánh đồng lúa hun hút thẳng cánh cò bay được chăm sóc với kỹ thuật tiên tiến. Những giống lúa chịu phèn, chịu mặn được nhập về. Những giống lúa cao sản được chọn mặt gửi vàng trên các hợp tác xã chuyên canh. Năm tháng dần trôi càng khẳng định sự thay đổi của bộ mặt quê nhà. Nhưng đó, là cả một hành trình dài cho việc xây dựng và phát triển.

     Nhà tôi nằm ngay mặt lộ đê. Còn nhớ, con đường đê bằng đất đỏ được xây nên nhờ vào chương trình đắp đập ngăn sông, kết hợp công trình xây cống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và trồng lúa nước truyền thống. Lúc ấy, tôi còn nhớ là vào năm tôi học lớp ba, lớp bốn gì đấy thì dự án được khởi xướng. 

    Bắt đầu với các buổi họp dân dài lê thê, từ việc triển khai các văn bản pháp lý, đến trấn an lòng dân, rồi giải trình về tương lai đổi mới, nông nghiệp chuyển mình từ chuyên canh lúa nước sang một hoặc hai vụ lúa, một vụ hoa màu, một vụ tôm khiến dân làng cũng vài phần phấn khởi, đôi phần lo lắng. Vui mừng vì các hộ nuôi tôm sẽ có lối thoát, lại là nghề mang lại kinh tế cao ở thời điểm đó, càng khiến nhiều hộ muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Lo lắng vì các hộ trồng lúa chuyên canh bấy lâu nay từ sản xuất ba vụ thì nay phải giảm lại còn một hoặc tối đa là hai vụ, để nhường nguồn nước mặn cho nuôi tôm. Tuy nhiên, lúc ấy tôi chưa hiểu hết những điều vĩ mô như thế. Chỉ biết rằng, cha cứ được gọi đi họp mãi. Và khi cha về thì người lớn lại bàn luận cùng nhau.

    Phơi đồng cho đất được nghỉ ngơi cũng là một điều tốt, con người cần phải đền bù lại cho mẹ thiên nhiên đồng thời cũng là vì mục đích khai thác lâu dài. Nhưng nỗi lo nước mặn xâm nhập khiến người nông dân mất ăn mất ngủ. Chính vì vậy mà rất lâu sau đó mới có thể đạt đến thỏa thuận đền bù và giải phóng mặt bằng. Mãi đến năm tôi học lớp năm thì dự án chính thức khởi công. Nội, anh ba và tôi sang ở nhờ miếng đất kế bên nhà bà Năm - bạn của nội - để tiện việc cho anh ba và tôi đi học. Nhà bà Năm ở bên kia sông, thuộc xã khác, và không nằm trong khu vực giải tỏa.

    Trong khi đó, cha, mẹ và chị hai của tôi thì ở lại giữ phần đất còn lại và làm kinh tế. Nhà xây tạm bợ, trên một nền đất thấp chỉ rộng chừng 35 mét vuông. Mất nguồn thu từ lúa vụ ba, hai mươi công đất và việc đóng đáy trên sông, gia đình tôi chỉ còn làm hai vụ trên phần đất ruộng chỉ vỏn vẹn gần hai công đất còn lại của gia đình và bầy heo bốn con để duy trì cuộc sống mưu sinh cho sáu nhân khẩu.

    Công trình tiến hành rất khó khăn, nhiều đợt biểu tình vì làm quá lâu mà không hiệu quả, bao nhiêu đất đổ xuống sông đều bị cuốn đi hết. Người dân quá nóng lòng vì kinh tế thiệt hại, không thể làm gì nuôi sống gia đình, mà ngày ngày đất từ nơi khác chở về đổ xuống đều trôi hết. Nhiều người nản chí và tỏ ra bất lực vì công tác trị thủy này có vẻ đang đi ngược lại với quy luật tự nhiên.

    Thấy ở nhờ mãi không phải là cách lâu dài trong khi việc đắp sông không mấy gì tiến triển. Một năm sau, khi tôi lên lớp sáu, ba bà cháu quay về ngôi nhà tạm, sum họp với các thành viên còn lại trong gia đình, cùng đùm bọc nhau.

    Từ ngày chúng tôi về lại nhà mình, mỗi lần hai anh em đi học, lại phải cần người đưa rước qua sông, cũng may hai anh em đi học cùng buổi. Lúc đầu, cha gửi xuồng ở nhà người quen cách nơi ngăn sông khoảng 500 mét để đưa rước chúng tôi. Nhưng trường cấp ba mà anh tôi học thì xa hơn trường cấp hai của tôi nên mỗi lần tan học, về đến chỗ chờ cha rước, tôi thường ngồi bên kia sông, ngay góc cây còng già, tranh thủ học bài, chừng 45 phút thì anh cũng về đến. Bạn bè cũng có vài đứa chờ phụ huynh rước cùng chỗ với tôi, nhưng tôi không quá giang về trước vì sợ tìm không gặp tôi cha mẹ và anh ba lại lo lắng.

    Nhưng đến khoảng sang học kỳ hai của năm học ấy, thì những người thực hiện công trình đắp đập cũng đã có kinh nghiệm, tránh luồng nước xoáy và đắp được gần nửa sông. Con sông bị thu hẹp, nước càng chảy xiết nên xuồng nhỏ của chúng tôi không thể băng sang sông được nữa mặc dù xuồng đã cách xa nơi ngăn đập. Thế là gần đó có người dùng ghe máy đưa đò, mỗi chuyến đò có thể chở được tận mười người. Bọn học trò chúng tôi và cả những cô bác đi chợ sớm đều chỉ trông cậy vào chiếc đò đó để sang sông. Cha cũng cấp cho tôi chiếc xe đạp khi trường tôi chuyển địa điểm xuống cơ sở mới. Tôi phải gửi xe ở nhà người đưa đò. Hằng ngày, anh em tôi lội bộ đến bến đò, gọi đò, sang bên kia sông và lấy xe đi học. Tôi cũng không cần chờ anh về cùng nữa.

     Khi công trình thủy lợi hoàn thành, sông cũng đã được chắn ngang với một cống nhỏ hai cửa và một cống lớn sáu cửa để điều phối nước tưới tiêu. Chúng tôi bắt đầu gầy dựng lại ngôi nhà mới, kiên cố và ở cho đến nay.

 Ảnh: Cống Chà Và (cống 2 cửa) và Cống Vinh Kim (cống 6 cửa)

     Còn nhớ khi ấy, cả nhà tôi, từ lớn đến bé, đều cùng nhau đắp nền nhà. Những khối đất lớn vừa sức ôm, cứ được xắn ra và từng người rinh xếp san sát nhau. Nhìn chúng tôi khi đó, nội hay trêu, sao mà giống kiến tha mồi về tổ. Vậy đấy, thế mà sức năm người chúng tôi cùng với sự cổ vũ của nội cũng đã đắp xong cái nền nhà cao ráo.

     Những đổi thay mỗi ngày tưởng chừng như không có gì lớn lao. Nhưng khi nhìn lại cả một chặng đường dài, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra quê hương mình đã đổi mới quá nhiều. Từ những con đường mòn chỉ có xe đạp và người đi bộ thì giờ đây xe máy đầy đường, xe hoa chạy đến tận cửa để đón dâu, xe tải có thể vào tận xóm, tận đồng để thu mua lúa và hoa màu. Lưu thông hàng hóa rất thuận tiện. Chợt thấy mình nợ quê hương một tiếng cảm ơn. Cảm ơn vì đã oằn mình chịu đau cho những bước chuyển, chịu thoát bỏ những điều lạc hậu đã trở thành định kiến, chịu đón nhận những tiến bộ tưởng chừng không với tới. Cảm ơn quê hương!

  Ảnh: Con đường đất đỏ quê tôi

 Văn Tú

 

     

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...