Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022

5 PHÚT BẠN ĐỌC CÙNG VĂN TÚ - NGÀY 14/5/2022

 CÂY BẰNG LĂNG CHA TRỒNG

    Ngày nội còn khỏe, nhà chúng tôi ở là một ngôi nhà tổ. Ông bà bao đời đã sinh sống ở đây. Miền quê yên bình với những căn nhà lá thân thương. Xóm giềng cũng chính là họ hàng thân thuộc. Cuộc sống tách biệt với thị thành tất bật, nên người dân quê tôi cũng chân chất và miệt mài với ruộng nương. Những chuyến đi chợ xa của mẹ luôn làm bọn trẻ chúng tôi háo hức chờ đợi. Bởi quà vặt thường ngày của chúng tôi chủ yếu là các loại trái cây quanh vườn hay khoai mì có sẵn bên các luống rau. Mỗi lần mẹ đi chợ về là chúng tôi lại được thưởng thức những món bánh cầu kỳ hơn, những món trái cây theo mùa mà vườn nhà không có.

    Biết nội hay ra làm cỏ ngoài sân, cha cố gắng trồng nhiều cây xanh che bóng mát cho nội. Thế là nhờ vậy mà nhà có đủ loại như ổi, sơ ri, quách, sa bô chê, chuối, xoài, dừa... Những cây ăn trái quanh nhà, đa phần đều có tuổi đời nhiều hơn tôi. Có cây, tuổi còn lớn hơn cả cha tôi, là do ông cố trồng. Nhớ nhất là cây sơ ri già, tán rộng che kín cả sân. Mỗi lần leo lên hái trái, chỉ sơ bộ vài phút cũng được đầy cả rổ. Đủ cho cả mấy chị em tôi và chúng bạn quanh xóm đánh chén hả hê.

    Nhiều năm trôi qua, chính sách phát triển và đổi mới nông thôn cũng khiến cho bộ mặt quê hương không còn mang vẻ ẩn dật như trước nữa. Những con lộ mới được mở ra, phủ bê tông các con đường mòn nông thôn. Nhà tôi cũng vì thế mà nhiều lần di dời rồi tái định cư. Nói là chuyển nhà nhưng thực chất chỉ là chuyển sang vị trí mới trong phần đất tổ. 

    Từ lúc tôi nhớ chuyện đến nay, nhà tôi chắc cũng chuyển đến tận bốn lần. Nên cây cối, vườn tược quanh nhà bây giờ cũng xem như gây dựng lại từ đầu, cũng không còn những cây ăn quả lâu năm nữa. Biết nội thích màu vàng, cha lại trồng mai, thiên lý, hoàng yến cho nội ngắm đỡ buồn. Những lúc rảnh rỗi, nội lại ra ngoài hiên nhà, ngồi nhìn ra con lộ đê hộ phòng trước cửa. Cha lại quyết định trồng cho nội một cây có tán rộng bên hiên nhà để che mát. Lại biết con gái yêu màu tím nên cha chọn ươm và trồng cây bằng lăng từ hạt nhặt về của đúng cây bằng lăng có màu con gái ưng nhất. Vì bằng lăng có nhiều loại và độ đậm nhạt của sắc tím cũng khác nhau. Thế là vẹn cả đôi bề. Ươm lên được hai cây, một cây cha trồng trước sân nhà, cây còn nhỏ nhưng ra hoa rất say. Cây còn lại, cha trồng bên hiên che nắng chiều cho nội, cây gần ao nhưng lại chỉ chăm phát triển thân và lá, tán rộng sum suê nhưng lại chẳng chịu ra bông. Có lẽ là vì cái cây ấy biết, nhiệm vụ chính của nó là che mát cho nội.  

Ảnh: Bằng lăng ngày đẹp trời. Tác giả Văn Tú

    Con đê trước nhà được xây bằng đất đỏ. Vào mùa nắng thì bụi bay bám đỏ cả nhánh cây ven đường. Còn mỗi lần mưa về thì chèm nhẹp những vũng nước đậm màu cam, đám nữ sinh bọn tôi đều phải vắt vạt áo dài lên cao, và xắn ống quần lên tận nửa ống quyển để không bị văng trúng. Bởi cái loại nước bẩn ấy quá khó trị, giặt mỏi nhừ cả hai bàn tay mà vẫn còn vết ố vàng rất lâu mới phai được. 

    Từ lúc tôi ra trường và đi làm, nhà xa cơ quan nên hay về muộn. Là con út trong nhà, lại là thân gái, tính tình thì khờ khạo, mắt lại cận nên ban đêm càng khó nhìn đường, gia đình càng thêm lo lắng. Nhất là nội tôi. Hôm nào nội cũng ngồi trước hiên nhà, trông ra ngoài con đê. Nhìn theo từng dáng người qua lại, nhận dạng xem có phải cháu mình không. Có hôm bận việc, tôi về muộn hơn, ánh đèn đường giữa không gian tối mịt, lại thêm mắt yếu chỉ nhìn thấy mập mờ, nội lại bật thêm đèn hành lang như để tăng thêm ánh sáng soi đường cho tôi. Nhìn dáng người gầy còm, lưng còng đi vì một tai nạn trượt ngã của nội, cứ đi ra đi vào ngóng trông mà lòng tôi quặn thắt. Chợt thấy mình tệ quá, lớn thế này rồi mà còn phải để nội lo.

    Những hôm được nghỉ, tôi lại cùng ra sân làm cỏ vườn với nội. Hai bà cháu thủ thỉ những chuyện thường nhật và cả những chuyện ngày xưa. Ký ức của tôi được lấp đầy cả phần ký ức của nội. Chiều chiều, hai bà cháu lại ra hiên nhà ngồi bên gốc bằng lăng, ngắm nhìn cây bằng lăng nhỏ trước sân trổ bông. Nhìn từng cánh hoa tím rơi nhè nhẹ theo gió, nội bảo: Cây bằng lăng trước sân, đèo giống tôi, nhỏ nhỏ mà xinh, trổ bông giỏi thật. Còn cây bên nhà, cũng giống tôi nốt, giống ở cái tính cứng đầu và cố chấp. Nội còn bảo: "Cây bằng lăng này, nếu sau này vẫn không chịu ra bông, thì bảo cha con cũng đừng có chặt, để che mát cho cháu cố của nội sau này chiều ra sân chơi".

    Vào dịp tháng tư năm nọ, cây bằng lăng cha trồng bên hiên nhà đột nhiên ra hoa. Nội lại ngồi nhìn những cánh bằng lăng rơi, bảo: "Chịu ra bông rồi hén! Đúng lúc thật." Tôi nghe thế còn đùa với nội: "Chắc nó cứng đầu nhưng cũng ngoan giống con". Nội tôi cười hiền, bảo: "Bằng lăng tím buồn. Mai vàng rực rỡ, nhìn vào sẽ thấy tinh thần phấn chấn. Sau này thấy bằng lăng thì nhớ nội, mà thấy mai vàng thì dù có chuyện gì cũng phải biết tự lấy lại tinh thần".

    Năm đó, cây bằng lăng bên hiên nhà trổ bông rất lâu, khoảng gần bốn tháng mới chịu tàn. Cứ hết tóp này đến tóp khác. Từ màu tím đậm, chuyển dần sang nhạt, rồi lại sang hồng, nhìn rất bắt mắt. Cánh hoa rụng, rơi đầy trên mặt nước, nhuộm tím cả một góc ao.

 Ảnh: Bằng lăng ngày mưa. Tác giả: Văn Tú

    Cuối mùa bằng lăng năm ấy, nội tôi yếu dần rồi về với đất tổ cũng vỏn vẹn chỉ mấy ngày. Những cánh hoa bằng lăng cuối cùng rơi trong gió, như đưa tiễn nội, người bạn già đồng hành cùng nó suốt những mùa mưa nắng. Không biết nội có nhắn gửi gì với nó không mà lại từng bảo rằng kịp lúc. Cơn mưa đêm đủ làm ướt mặt lộ đất đỏ, không vướn bụi đường nhưng cũng không quá trơn trợt như để dọn đường cho những người đưa nội đi. Mỗi người chúng tôi, tay cầm theo một nhành huệ trắng, tiễn nội về ngôi nhà mới. Ngôi nhà đã có ông bà nằm đó chờ đón từng đứa con cháu đến sum vầy ở một thế giới khác. Trước khi đi, nội bảo, những ai cầm nhành huệ trắng tiễn nội thì không được khóc. Giọt nước mắt không thể rơi đúng lúc, làm cho người ra đi an tâm, nhưng kẻ ở lại thì cứ đau đáu trong lòng. 

    Những khoảng thời gian đầu lạc lõng, mất phương hướng khi không còn nội bên cạnh. Tôi loay hoay trong sự cô độc và kiềm nén của bản thân. Một góc khuất nào đó trong tôi, vẫn còn chìm trong những ngày xa xưa ấy, ngày cùng nội chuyện trò, cùng nội ngắm hoa, làm cỏ. Dù sau này có tự cân bằng được, hay theo guồng quay của cuộc sống. Dù vẫn cảm nhận nội đang dõi theo, chỉ dạy tôi từng ngày. Nhưng nhiều năm trôi qua, như một nút thắt, không thể giải bày.

    Nay, cây bằng lăng qua bao mùa thay lá rồi trổ bông, nội đã không còn bên tôi nữa. Tôi cũng có gia đình riêng, cất nhà gần cơ quan để tiện việc đi làm và cho con đi học. Cây bằng lăng nhỏ cha trồng đã bị chặt đi để dọn trống sân trước. Nhưng cây bằng lăng bên hiên nhà vẫn được cha giữ lại theo lời nội. Cây chăm ra hoa hằng năm nhưng lại thường trổ sớm, khoảng giữa tháng tư là lại ra hoa tím rực cả góc sân nhà. Cha tôi bảo, cây bằng lăng này biết nịn lắm. Hồi nội còn sống, thì không chịu ra bông, lo đâm cành che mát. Trước khi nội đi thì nó bung bông cho nội ngắm một lần. Giờ nội đi rồi, nó lại chăm ra hoa giữa tháng tư, vì đó cũng là khoảng thời gian sinh nhật của tôi. 

    Mỗi lần về thăm quê vào dịp tháng tư, nhìn thấy cây bằng lăng của cha trồng trổ bông, tôi lại thấy lòng mình nhẹ nhõm và thương lắm. Như nhìn thấy bóng dáng nội ngồi đó, bên hiên nhà, cạnh góc bằng lăng đang chờ tôi về.

 Ảnh: Bằng lăng năm nay. Tác giả: Văn Tú

Văn Tú

 


     


    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SẼ ỔN THÔI

Sẽ ổn thôi, bao nhiêu là vụn vỡ Trái tim không lành vết sẹo càng sâu Thế thái nhân tình, buồn thương cũng thế Đã mệt rồi, hãy dừng lại đi th...