Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

CHƯƠNG 15 - BĂNG, THẠCH ANH VÀ LỬA

Từ ngày Tú Linh nhận lời thiết kế và trình bày cho báo tường của khối 12, cô thường ở lại trường sau khi tan lớp. Tùng cũng chọn thêm vài người ở lại hỗ trợ cho Tú Linh. Khi đó, Tú Linh đề xuất Hạ Vy. Mà có Hạ Vy thì Khải Triều cũng tham gia. Vậy là Tùng bất đắc dĩ cũng phải đồng ý.

Thật ra, Khải Triều cũng rất có khiếu thẩm mỹ, và cũng rất tỉ mỉ, bằng chứng từ việc cậu đã làm thay đổi con búp bê của Hạ Vy một cách đáng ngạc nhiên, mang được nét riêng và đậm chất thời trang. Sau khi trang trí xong, đến phần trình bày các tác phẩm của học sinh gửi lên tờ báo. Đa phần là thơ, văn, tranh ảnh. Hạ Vy nói:

- Tui đề xuất tôn trọng những người đã sáng tác. Chúng ta sẽ giữ và trình bày chính bản gốc của các bạn ấy lên báo chứ không viết lại.

Tùng không đồng ý:

- Tôi không đồng ý. Tôi đề nghị chúng ta cử người viết chữ đẹp để trình bày lại. Như vậy thì báo tường của khối ta mới hoàn hảo nhất.

Hạ Vy lại nói:

- Tui không tán thành. Những bài viết này ngoài ý nghĩa còn có cả tấm lòng của các bạn ấy gửi đến thầy cô thông qua việc chính tay viết ra. Giờ mình chép lại thì vô tình làm vơi đi tấm lòng của các bạn ấy.

Tùng lại ý kiến:

- Nhưng báo tường của toàn khối 12 đặt lên vai chúng ta. Nếu chúng ta làm không tốt thì sẽ thua các khối khác.

Hạ Vy tranh luận:

- Vậy sao lớp phó biết nếu để nguyên bản gốc thì sẽ không tốt?

Tùng cũng không thua:

- Thì tôi thấy chữ không đẹp làm mất thẩm mỹ của toàn tờ báo.

Hạ Vy lại nói:

- Vậy chúng ta chọn những bài chữ khó coi, đưa cho tác giả viết lại lần nữa. Còn nếu không, hãy hỏi ý của họ trước khi chúng ta chép lại.

Tú Linh và Khải Triều từ nãy giờ vẫn chưa có cơ hội chen ngang. Nghe không khí có phần căng thẳng, Tú Linh lên tiếng:

- Linh thấy hai bạn đều có lý của mình. Nhưng Linh ủng hộ ý kiến của Vy. Không phải Linh lười không muốn chép lại, nhưng nếu chép lại, tờ báo tường của khối mình sẽ bị một màu. Nhìn vào cũng không thấy nét riêng của từng tác phẩm. Mình có thể thảo luận với những bạn có bài viết chưa được, nếu các bạn ấy muốn tự tay viết lại hay nhờ người khác viết thì cũng sẽ tôn trọng. Chỉ cần sạch đẹp, không bôi xóa, dễ coi là được.

Hạ Vy có thêm đồng minh vội nói:

- Thấy chưa?

Tùng quay sang Khải Triều, mặc dù cơ hội mong manh nhưng vẫn mong là lớp trưởng và lớp phó có chút đồng thuận nên nói:

- Ý ông sao?

Khải Triều ngang nhiên đáp:

- Ý tui khác ý ông.

Tùng kết luận:

- Được rồi, nếu mọi người đã quyết như vậy thì cứ theo số đông.

Thế là cả nhóm tiến hành theo kết quả thảo luận. Các bài trình bày đẹp, được giữ nguyên để đưa lên báo tường, còn những bài có bôi xóa hoặc viết không đẹp thì cả nhóm chia nhau đi tìm tác giả để thảo luận thêm về việc tác giả viết lại hay nhờ nhóm trình bày lại. Vậy là cũng ổn phần báo tường cho khối 12.

Một hôm, vào giờ chơi, Tùng gọi Hạ Vy:

- Vy, ra ngoài tôi bàn chút chuyện.

Hạ Vy nhìn về phía Tú Linh, cả hai đều tỏ vẻ khó hiểu. Vì đang yên đang lành, Hạ Vy đâu có động chạm gì tới tảng băng trôi đó đâu nhỉ, sao lại gọi ra nói chuyện. Mặc dù tự tin mình vô can, nhưng Hạ Vy cũng bước ra ngoài với tâm trạng thấp thỏm.

Tùng đang đứng đợi Hạ Vy ở đầu cầu thang, cách lớp 12/3 một phòng học. Vừa đến chỗ Tùng, Hạ Vy lên tiếng:

- Có chuyện gì không lớp phó? Sao bữa nay lại kêu tui ra nói chuyện riêng nữa?

Tùng trả lời bằng một câu hỏi:

- Có biết vì sao Vy và Triều được chuyển sang lớp này không?

Hạ Vy ngơ ngác:

- Ờ thì nhà trường xếp sao thì tui học vậy. Đâu có thắc mắc chi đâu.

Tùng lắc đầu, bảo:

- Không phải ngẫu nhiên mà Vy được xếp vào lớp mình đâu. Vì cô chủ nhiệm xin đó.

Hạ Vy thắc mắc:

- Ủa, mà sao cô phải xin cho tui qua lớp mình?

Tùng thành thật:

- Là vì tôi không giỏi đều các môn. Tôi không thể giúp cả lớp cải thiện việc học một cách hoàn hảo được. Hai năm rồi, lớp chưa từng được nhận cờ thi đua lần nào. Vy tưởng chúng tôi không cố gắng sao? Tuần nào cũng là lớp Vy lên nhận. Có biết đó là niềm mơ ước của cả lớp tôi hai năm qua không?

  - Thì lớp tui cũng cố gắng mới có được chứ đâu phải tự nhiên mà có! – Hạ Vy bênh vực lớp cũ của mình.

Tùng lý giải:

- Tôi biết chứ. Nhưng sự cố gắng đó có là gì so với sự cố gắng của chúng tôi. Lớp các bạn bản chất chỉ cách vạch đích có một bước chân. Trong khi lớp tôi còn đang ở vạch xuất phát.

Hạ Vy có phần không hài lòng, trong lòng cảm thấy khó chịu. Rõ ràng, đó là một sự xem thường. Cậu ta bảo rằng lớp cô không cố gắng bằng lớp cậu ta. Cậu ta có ở trong lớp của cô đâu mà hiểu. Một sự lệch pha nghiêm trọng khiến các giáo viên giảng dạy bộ môn và thầy cô chủ nhiệm phải đau đầu. Vì một nhóm thì hiểu quá nhanh, còn một nhóm lại ì ạch, giảng hoài không thấm nổi.

Cô chủ nhiệm năm lớp 10, thầy chủ nhiệm lớp 11 đã phải tìm nhiều biện pháp để dung hòa sự mất cân bằng ấy, đã bắt cả lớp của Hạ Vy phải học nhóm rồi đến một kèm một. Bài tập cũng phải chia làm hai nhóm để kéo dần khoảng cách giữa các thành viên mà không làm các bạn học tốt bị sụt lùi, không làm các bạn học dở nản chí.

Từng người đã cố gắng hết sức mình để có một tập thể vững mạnh. Để đến khi cuối lớp 11, cả lớp của Hạ Vy đã có thể tự hào về chính bản thân mỗi người. Có sự cố gắng nào mà không đáng được tôn trọng đâu cơ chứ. Huống chi, việc cả lớp cùng cố gắng đã đạt đến ngưỡng để có được sự thay đổi rõ rệt, khiến thầy cô phải công nhận công sức ấy.

Và điều đáng nói là bản thân từng người trong lớp 11/4 ấy không hề tự cao, cũng không tự mãn với kết quả ấy, tất cả vẫn cố gắng hàng ngày. Ngay cả một học sinh cá biệt như Khải Triều còn thay đổi. Như thế còn chưa thể chứng minh sao.

Hạ Vy có phần cảm thán, nghĩ: "Mô hình học tập ấy được nhà trường nhân rộng bằng cách tách chúng tôi ra, để dung hòa cùng các lớp khác. Nhưng rõ ràng, chúng tôi thì không phân biệt, nhưng họ thì luôn có ác cảm với chúng tôi."

Hạ Vy thở dài ngao ngán, nhìn chặng đường hơn một tháng học cùng nhau. Vậy ra, trong tâm tưởng của một lớp phó học tập, lại xem thường những người bạn từ lớp 11/4 đến như thế. Hạ Vy không muốn nói chuyện với cậu ta nữa. Cô quay lưng lại nói với cậu ta một câu, rồi bỏ đi:

- Không cùng quan điểm. Không muốn nói tiếp. Tui về lớp đây.

Nhìn Hạ Vy bước đi, Tùng nói với theo:

- Vy có biết cô chủ nhiệm đặt hết hy vọng vào Vy không? Nếu Vy không giúp, lớp chúng ta năm nay sẽ có nhiều bạn không thể tốt nghiệp được.

Hạ Vy dừng chân, suy nghĩ vài giây, rồi quay lại nói:

- Lớp của lớp phó. Không phải lớp của chúng tôi. Lớp chúng tôi sẽ thi đậu hết.

Vừa quay mặt bước đi, Hạ Vy còn lầm bầm một mình:

- Lúc cần thì lớp chúng ta. Lúc không cần thì phân biệt lớp tui lớp ông. Được thôi, tự mà lo lấy. Muốn chia phe chứ gì. Khi dễ chứ gì. Đợi đấy.

Hạ Vy quay về đến lớp. Cô đi thẳng đến chỗ Khải Triều, bảo:

- Cậu thông báo với các bạn lớp 11/4, chút hết giờ ở lại họp chút. Tớ có chiến lược học tập cho các bạn ấy. Năm cuối cấp nên rất quan trọng. Yêu cầu không ai được bỏ về.

Khải Triều thắc mắc:

- Vậy sao không triển khai cho cả lớp mà chỉ một nhóm của 11/4?

Hạ Vy còn nhớ đến những lời của Tùng ban nãy, bèn nói:

- Không thích.

Khải Triều nhìn nét mặt căng thẳng của Hạ Vy, biết ngay là lúc đi ra ngoài nói chuyện với Tùng đã có mâu thuẫn. Khải Triều hài hước bảo:

- Được rồi, mà cậu có áp dụng biện pháp như lúc đối với tớ không đấy? Không phải ai cũng chịu nổi chiêu của cậu đâu. Tớ nội công thâm hậu mới không mất mạng đấy.

Hạ Vy nghe vài câu nói trêu đùa của Khải Triều, biết rằng cậu bạn này lo lắng cho mình, cố tình đùa cho mình vui nên cũng thấy dễ chịu hơn, lòng nhẹ đi phần nào, nói:

- Không phải ai cũng đáng bị như cậu.

Khải Triều biết ngay là Hạ Vy đã giảm hỏa, bèn nói tiếp:

- Phải, phải. Tớ là độc nhất mà. Tớ lì vậy mà cậu còn giũa được thì mấy bạn khác nhằm nhò gì với cậu. Thôi, đi rửa mặt đi cho bớt nóng. Nhăn nhó, xấu hoắc rồi.

Hạ Vy lườm Khải Triều một cái, nhưng cũng nghe lời đi vào nhà vệ sinh rửa mặt. Khải Triều ở lại lớp, chỉnh giọng trang trọng thông báo:

- Thông báo: Hết giờ CẢ lớp mình ở lại họp.

Sau khi Khải Triều thông báo được một lúc thì Hạ Vy bước vào. Trùng hợp, Tùng cũng vừa đi tới. Cả hai gặp nhau ở cửa lớp. Hạ Vy chẳng thèm nói một câu nào, lại biết thân phận mình ngồi trong nên bước nhanh hơn để vào trước cậu ta.

Cuối buổi học, như mọi khi, Tùng thu dọn tập sách rồi đứng dậy bước ra về. Cũng không để ý cả lớp hôm nay có vẻ chậm chạp hơn, chuông reo nhưng vẫn chưa có ai bước ra khỏi chỗ. Tùng vẫn còn thắc mắc về chuyện làm Hạ Vy giận lúc nãy. Rõ ràng những gì cậu nói là thực tế. Cậu chẳng hiểu mình sai ở đâu, lại càng không hiểu vì sao lại làm Hạ Vy giận đến thế.

Tùng cảm thấy ý tốt của mình chưa được Hạ Vy thấu hiểu. Bởi Tùng biết cô chủ nhiệm đã đấu tranh nhiều để xin được Hạ Vy và Khải Triều về lớp của mình. Tùng cũng biết, Hạ Vy dường như đang có vấn đề về tâm lý, cô nàng không mở rộng mối quan hệ với các bạn nam được. Đó chính là một rào cản khiến Hạ Vy chưa phát huy được thế mạnh của mình. Việc thu người trong vỏ bọc của Hạ Vy vô tình làm cho cô chủ nhiệm thất vọng.

Điều cô chủ nhiệm mong mỏi ở Hạ Vy là sự hào sảng và nhiệt tình chia sẻ ấy sẽ được trải rộng hơn chứ không chỉ dành cho các bạn cùng phái. Có như thế, cả lớp 12/4 mới có thể đứng dậy được. Chỉ e là tâm huyết của cô sẽ bị bỏ phí mất thôi.

Còn Hạ Vy, nhìn thấy chỉ mỗi mình Tùng bước ra thì cảm thấy lạ. Lát sau, Khải Triều bước đến bàn của Hạ Vy, ngồi vào chỗ của Tùng, bảo:

- Cậu biết đấy, không nên chia rẽ nội bộ. Tớ là lớp trưởng. Không thể chỉ lo cho các bạn cũ mà bỏ bạn mới. Dù sao chúng ta cũng học cùng lớp. Phải phấn đấu cùng nhau chứ. Chúng ta đã làm như vậy hai năm rồi. Năm nay dù thành viên có thay đổi ít nhiều, nhưng đoàn kết là bí kíp giúp lớp chúng ta thành công. Cậu nghĩ có đúng không?

Hạ Vy cũng dịu giọng, nhưng Khải Triều vẫn còn nghe rõ mùi giấm:

- Tớ không có ý muốn chia rẽ. Nhưng người ta không coi chúng ta là cùng tập thể. Vậy thì cớ gì tớ phải quan tâm đến tập thể của người ta chứ.

Khải Triều chiều theo ý của Hạ Vy nhưng cũng không quên năn nỉ:

- Ai, đứa nào? Đứa nào dám coi chúng ta không cùng một tập thể? Cậu nói đi, tớ sẽ cho nó biết tay. Mà cậu đại nhân đại lượng, không chấp kẻ tiểu nhân, cậu càng làm cho lớp mình đoàn kết, cậu càng làm cho lớp mình tiến bộ, thì ĐỨA ĐÓ nó sẽ càng sáng mắt ra, càng nể cậu chứ sao. Tớ nói có đúng không?

Hạ Vy nói:

- Tớ chẳng cần ai nể. Nhưng tớ ghét ai coi thường người khác. Được rồi. Lần này nghe theo cậu.

Nói rồi Hạ Vy đứng dậy, nói với cả lớp về kế hoạch học tập của mình. Những bạn học khá sẽ kèm những bạn học trung bình. Những bạn học giỏi sẽ kèm những bạn học yếu kém. Giờ chơi, tranh thủ giúp nhau ôn bài, kiểm tra bài. Những buổi nghỉ trong tuần thì vào thư viện hoặc vào lớp học nhóm. Sau các buổi học trong tuần, cả lớp sẽ ở lại thêm nửa tiếng để giải đáp thắc mắc trong bài học mới nhằm giúp mỗi người hiểu rõ bài hơn, như vậy khi về nhà tự học cũng sẽ nhanh hiểu hơn, sẽ có nhiều thời gian làm bài tập và ôn luyện hơn. Những bài tập từ trung bình đến khó sẽ được giảng giải lại, làm cho đến khi hiểu cách làm thì sẽ làm bài mới. Cả lớp sẽ thực hiện việc học nhóm cho đến khi bản thân mỗi người có thể tự giải được bài tập thì có thể ngừng kế hoạch.

Cũng từ hôm đó, Tùng phát hiện Hạ Vy bỗng dưng thay đổi. Cô bạn không chỉ chịu hướng dẫn lại bài giúp các bạn nam mà có khi còn chủ động đến tra bài và hướng dẫn các bạn nam học yếu làm bài tập. Không những thế, trong số những người được Hạ Vy chỉ cách học, có cả các bạn lớp 11/3 trước đây. Thế là vào một buổi trưa, khi tiếng chuông reo báo hiệu hết giờ học, các bạn lại không có động thái gì là chuẩn bị về. Tùng giả vờ cất tập sách và bước ra khỏi lớp. Tùng nấp vào một góc quan sát. Quả nhiên, cả lớp đang học nhóm rất tập trung, có người còn vừa gặm đỡ bánh mì vừa làm bài. Tùng bước vào, nói:

- Có phải mọi người định cô lập tôi luôn không?

Mọi người lúc này mới vỡ lẽ ra, lần trước họp lớp triển khai kế hoạch hành động, chỉ riêng Tùng bỏ về trước là do không được triển khai chứ không phải là do Tùng bận việc không tham gia được. Một người trong số đó nói:

- Đâu có, tụi này tưởng ông không tham gia được. Tụi này cũng biết hai năm nay ông rất khổ tâm với lớp. Nên tụi tui cũng sẽ cố gắng. Năm nay có thêm Hạ Vy giúp ông chỉ bài cho tụi tui học. Tụi tui phải càng cố gắng hơn nữa. Đâu có dễ để được Hạ Vy chỉ.

Tùng ngại ngùng đi đến trước mặt Hạ Vy nói:

- Cảm ơn Vy!

Hạ Vy không quen nghe những lời khách sáo, thẳng thắn nói:

- Cảm ơn thì tui không cần. Nhưng giúp đỡ thì tui cần. Nếu lớp phó đã thông suốt thì tui đây cũng chẳng nhỏ nhen làm gì. Lớp phó cứ chọn người để hỗ trợ hén. Lớp lớp phó cũng được, lớp tui cũng được. Số còn lại thì để tui.

Tùng ngượng nghịu bảo:

- Cái gì mà lớp tui, lớp lớp phó nữa. Tôi biết lỗi rồi. Tha lỗi cho tôi đi. Lớp CHÚNG TA sẽ cùng nhau tiến bộ thôi. Mà kế hoạch là gì vậy? Nói tôi biết với.

Hạ Vy trêu:

- Muốn biết không? Đổi chức lớp phó cho tui đi, tui chỉ cho vài chiêu.

Tùng nghiêm túc:

- Thật không?

Hạ Vy nói:

- Không!

Nói rồi Hạ Vy quay sang các bạn nói:

- Thôi, mọi người tập trung làm bài đi. Chúng ta chỉ có 30 phút mỗi ngày. Đã mất hết phân nửa thời gian để chào đón người mới rồi. Càng rề rà, mọi người càng bị bỏ đói đó nghen. Về trễ quá, bị ba mẹ mắng ráng chịu. Tui không chịu trách nhiệm à.

Cả lớp quay lại tiếp tục việc học nhóm. Lúc ra về, Tùng đi theo Hạ Vy nói:

- Hay tôi xin cô chủ nhiệm đổi lớp phó học tập nhé.

Hạ Vy thắc mắc:

- Để làm gì? Chẳng phải lớp phó đang làm rất tốt sao?

Thanh Tùng có phần xấu hổ, bảo:

- Tôi thật xấu hổ quá. Thân làm lớp phó học tập hai năm của lớp, nhưng chẳng làm gì giúp lớp được.

Hạ Vy nghiêm túc bảo:

- Lỗi của lớp phó là ôm hết việc vào mình. Không biết tận dụng con người và không cho người khác cơ hội. Lớp phó mắc bệnh tự tin quá đó có biết không?

Tùng tỏ vẻ buồn, trả lời:

- Tôi cũng mới nhận ra gần đây. Nhờ Vy mà tôi thấy lớp mình học có không khí hơn. Các bạn không còn trong trạng thái nặng nề và áp lực nữa.

Hạ Vy trấn an:

- Nhận ra là được rồi. Biết sai thì sửa. Vậy là quý rồi. Lớp phó có kinh nghiệm, lại được các bạn trong lớp tin tưởng, phải lấy đó làm động lực. Với lại, như vậy mới là không phụ lòng của cô chủ nhiệm và cả lớp nữa.

Tùng nói:

- Vy cũng đã không làm cô chủ nhiệm thất vọng. Tôi tin, đầu tuần sau cô sẽ ngạc nhiên lắm. Rồi vài tuần nữa các bạn chắc sẽ mừng lắm khi nhận ra sự thay đổi của chính bản thân mỗi người.

Hạ Vy buộc miệng khoe:

- Sời, lớp mình như vậy thì cũng đâu đến nỗi nào đâu. Hồi xưa ở lớp cũ, vì lớp phó không học chung nên không biết đó thôi. Lì có, ngoan có. Cực giỏi có, cực tệ cũng có. Người bù lu bù loa có, mà người trầm mặc chẳng thèm nói đến ai cũng có. Chỉ cần làm cho các bạn hiểu rõ vấn đề, nhận thấy được bản thân mình, xác định được mục đích học tập. Tự nhiên các bạn sẽ chịu hợp tác với mình thôi. Lớp mình đỡ ở chỗ các bạn ấy rất chịu hợp tác, chỉ là chưa có phương pháp học phù hợp thôi. Không có những thành phần ương ngạnh như lớp cũ của tui đâu. Hồi đó tui khó khăn lắm mới kéo được Khải Triều tham gia vào học nhóm đấy. Cậu ấy, chỉ có thể dùng đúng hai chữ để tả thôi, "khó trị".

Tùng gật gù như hiểu ra vấn đề, việc tổ chức học nhóm, ai cũng biết. Thế nhưng cách mà Hạ Vy và các bạn cùng lớp của cô ấy đã làm thì không phải ai cũng làm được. Đó chính là sự kiên trì, sự thấu hiểu và cả sự cương quyết nữa. Tùng khâm phục nói:

- Đúng là khó trị. Nhưng Vy đã làm được.

Hạ Vy tiếp lời:

- Mà lớp phó phải cảm ơn Khải Triều đi. Nếu không vì Khải Triều kêu cả lớp ở lại họp, muốn tất cả mọi người đều chung tay đồng lòng phấn đấu thì tui cũng chẳng thèm lo chuyện bao đồng đâu nhé.

Qua sự việc lần này, Tùng nhận ra, cặp đôi Khải Triều và Hạ Vy này làm cho cậu có suy nghĩ khác. Hai năm trôi qua, có những thành kiến và mặc cảm nhất định đối với người của lớp đứng nhất. Nay hiểu ra, họ đứng nhất là có cái lý của họ. Dù có bắt đầu từ vạch xuất phát hay cách đích không xa, nếu không cố gắng thì chẳng bao giờ có kết quả.

Tùng nhận ra, hai năm qua, cậu nghĩ mình đã hết mình, đã làm hết sức. Nhưng thật ra, so với họ, so với những con người trong tập thể ấy, điều cậu thiếu, đó chính là sự cương quyết, sự hy sinh và cả sự đoàn kết. Lớp của cậu, mặc dù đã cố gắng, nhưng luôn mất niềm tin vì cứ bị cản trở tâm lý rằng họ giỏi hơn chúng ta, dù có cố gắng thế nào cũng không thể vượt qua được họ.

Trong khi lớp cậu còn đang than vãng, còn đang so đo phân bì thì lớp họ đã đang nổ lực hết mình rồi. Và trong khi lớp cậu chỉ dựa vào mỗi mình cậu để kéo cả lớp thì lớp họ đã chia đều công việc nặng nhẹ tùy sức của từng thành viên. Người khá cũng được cơ hội giảng lại bài cho các bạn khác. Nhờ đó mà họ nhớ bài lâu hơn, hiểu sâu hơn. Những bạn giỏi thì càng được tận dụng trong việc chỉ cho bạn kém học, vừa không làm gánh nặng cho một người, lại giúp tất cả thành viên lớp đều tự tin hơn, chăm chỉ hơn, hứng thú hơn trong việc học.

Giờ đây, Tùng nhận ra, Khải Triều chính là mấu chốt của vấn đề. Cậu ta có khả năng hóa giải mâu thuẫn. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà cô chủ nhiệm đồng ý chọn cậu ta làm lớp trưởng.

Khải Triều như lửa, nhưng biết nặng nhẹ. Đối với tảng băng như Tùng, Khải Triều biết từng bước đốt cháy, làm tan chảy sự lạnh giá. Còn Hạ Vy như một viên đá thạch anh, lạnh lùng có, rắn rỏi có, uy nghi có. Nếu không cẩn thận, thạch anh và băng có thể va chạm vào nhau, cả hai đều sẽ bị trầy xước, có khi sẽ vỡ tan, làm mất giá trị của nhau. Nhưng nếu khôn khéo, băng và thạch anh có thể phản chiếu cho nhau, tôn lên nét đẹp của nhau. Còn về phần ngọn lửa Khải Triều, cậu ta có thể hòa giải sự tương khắc của hai khối đá và băng cứng nhắc là Hạ Vy và Thanh Tùng. Cậu ta còn có thể biến đổi viên đá thạch anh tím như Hạ Vy chuyển màu và nâng lên tầm giá trị mới bằng ngọn lửa bùng cháy đầy nhiệt huyết, hun đúc nên một Hạ Vy mới đa màu sắc hơn, hoàn mỹ hơn.

 Và hơn ai hết, cô chủ nhiệm chính là người đáng được tán thưởng. Vì cô ấy đã nhìn thấy được giá trị thật sự của những cô cậu học trò ấy. Chính cô đã kéo khối băng lạnh giá đến gần viên thạch anh sắc sảo và ngọn lửa tinh quái ấy. Cũng nhờ có cô, mà Tùng đã được giải tỏa bớt gánh nặng. Hạ Vy có cơ hội được hòa nhập. Còn Khải Triều được chín chắn hơn. Mỗi người họ đều đã có cơ hội để thay đổi, để thử sức và để hoàn thiện hơn, trưởng thành hơn.



 

BÉ MƯA

Sáng đi chợ, hai mẹ con mắc mưa. Mưa tới nhanh đến nỗi không kịp dừng xe để lấy áo mưa mà mặc. Luýnh qua luýnh quýnh cuối cùng cũng mở được ...