Nhập ngũ hơn một năm, em báo tin lấy chồng, tôi co mình trong vỏ bọc của sự mạnh mẽ. Tôi chúc phúc cho em. Tôi gượng cười để em yên tâm lên xe hoa mà không cảm thấy có lỗi với tình yêu gần năm năm của chúng tôi. Nhưng con tim tôi tan nát. Em không chê tôi nghèo. Cũng chẳng ngại tôi đi xa. Lý do duy nhất mà tôi được cho biết đó là ba mẹ em không ưng tôi. Ba mẹ em đã gả em cho con của một người bạn thân. Đó là một người giỏi giang và có học thức, sự nghiệp vững vàng, là giám đốc tương lai trong ngành thiết kế nội thất. Tôi mừng cho em. Cũng buồn cho tôi. Tôi vừa ra trường đã nhập ngũ. Tôi chưa lập được sự nghiệp, chưa có được việc làm ổn định, làm sao dám mong em có thể vì tôi mà chờ đợi thêm nữa. Dẫu biết rằng em là cả thanh xuân của tôi. Tuổi trẻ tôi hình như chỉ rung động trước mỗi em mà thôi. Nhưng đó đã là chuyện xưa cũ.
Hết thời gian phục vụ trong quân ngũ, tôi chuẩn bị hành trang trở về quê hương. Đó là một ngày nắng đẹp. Nhưng mọi chuyện thì không có vẻ suôn sẻ cho lắm. Đầu tiên là tôi lỡ chuyến xe khách để có thể đi thẳng một mạch về quê. Tôi đành bắt xe chuyền. Vì vậy, tôi phải xuống xe và chờ ở trạm xe buýt để đi đoạn đường kế tiếp.
Ở trạm dừng, đã có một cô gái chờ sẵn, tóc buộc cao, đeo mắt kính gọng tím, mặc áo sơ mi tím, ôm chiếc túi xinh xinh trước ngực cũng màu tím nốt, hai tai đang gắn tai phone, mắt chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại. Khi xe đến, cả hai chúng tôi bước lên, tôi nhường cô ấy đi trước. Sau khi lên xe, nhìn quanh một lượt, tôi tiến đến chiếc ghế còn trống duy nhất ở hàng ghế thứ năm. Phía trong đã có người ngồi, là cô gái lúc nãy. Cô ấy cũng vừa an vị, đang cuối xuống sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng. Nghe có tiếng động, cô ấy ngẩng đầu lên nhìn. Thấy tôi đang chuẩn bị ngồi vào chỗ kế bên, cô ấy cũng nhích người vào sát cửa sổ để nhường chỗ vì ba lô của tôi khá to.
Xe lại tiếp tục lăn bánh. Xe đi được tầm mười lăm phút, cô gái ngồi kế bên bắt đầu nhắm mắt lại. Lúc đầu tôi còn nghĩ rằng cô ấy đang chăm chú nghe nhạc, tận hưởng những bản nhạc du dương trong chiếc tai nghe ấy. Cho đến khi cô ta ngã đầu qua vai một người lạ như tôi một lúc mà vẫn không có phản ứng gì thì tôi đoán chắc rằng cô ta đã ngủ mất rồi.
Tôi đỡ đầu cô ấy ngay ngắn lại và nhẹ nhàng cho dựa vào thành ghế phía sau. Nhưng chẳng mấy chốc cái đầu ấy lại ngã sang vai tôi lần nữa. Sau hai lần cố gắng giúp cô ta dựa đầu vào ghế thì cuối cùng tôi cũng bỏ cuộc vì chẳng bao lâu lại y như rằng đâu lại vào đấy. Đành làm ghế tựa cho cô ta một lúc vậy.
Còn khoảng nửa chặng đường nữa là đến nhà tôi, chợt điện thoại trong túi tôi rung lên. Tôi thường có thói quen chỉnh điện thoại về chế độ im lặng khi đến chỗ đông người, nhằm tránh làm phiền người khác. Nhưng vai phải của tôi đang bận làm chỗ dựa cho người ngồi kế bên, chiếc điện thoại thì lại nằm trong túi bên ấy.
Thế là tôi lại đỡ cô ấy dựa vào thành ghế của cô ấy để tôi có thể dễ dàng nghe máy. Không ngờ đoạn đường ấy có ngã rẽ nên trong lúc tôi đẩy đầu cô ấy ra thì làm cô ấy mất đà ngã đầu vào cửa kính thay vì là băng ghế. Cú ngã làm cô ấy tỉnh giấc, mở mắt ra nhìn trong lúc tôi còn chưa kịp rụt tay về.
Có lẽ, cô nàng nghĩ rằng tôi đã đẩy mạnh làm cô ta va đầu vào cửa kính nên cứ nhìn chầm chầm vào tôi vài giây không chớp mắt. Tôi mặc kệ, vì dù sao cũng không phải lỗi tại mình. Huống chi, tôi đã có lòng tốt cho cô ta tựa khá lâu rồi còn gì.
Tôi rút điện thoại ra xem, là mẹ tôi gọi, hỏi xem tôi về gần đến nhà chưa. Ba mẹ tôi có hai người con trai, tôi là anh lớn nhưng vì xa nhà nên vẫn khiến mẹ tôi lo lắng từng chút. Mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một vài món mà tôi thích ăn để đợi tôi về.
Tắt máy, tôi cất điện thoại vào túi, vô tình nhìn sang, cô gái ấy vẫn còn đang quan sát tôi. Tai nghe đã được tháo ra và cầm trong tay, cô ấy chỉ nhìn mà không nói gì cả. Nhưng đúng thật là kỳ lạ, cảm giác bị cô ấy nhìn chăm chăm thật khó chịu.
Tôi bắt đầu cảm thấy mặt mình nóng lên. Tôi chưa từng có cảm giác như vậy bao giờ. Không muốn cảm giác ấy cứ tiếp tục kéo dài nữa, tôi quay mặt sang chỗ khác, vờ như không để ý đến việc cô ấy đang nhìn tôi.
Cũng may, một lúc sau, phụ xe báo sắp đến điểm dừng tôi đang cần, tôi lui cui lấy chiếc ba lô bộ đội màu xanh rêu đang đặt trước chỗ ngồi của mình lên, ôm vào người để chuẩn bị bước ra khi xe dừng. Nhận thấy hành động chuẩn bị của tôi, cô gái ấy cũng nép người và thu ánh nhìn lại để tôi có thêm không gian thu gom đồ đạc của mình.
Xe dừng, tôi bước xuống. Đứng bên ngoài, khi xe lăn bánh đi qua, tôi vẫn nhìn thấy cô gái ấy, mắt to tròn, nhanh nhẹn kéo mở cửa kính, tóc búi cao bay trong gió, nhìn về phía tôi cho đến khi xe rời khỏi.
Trong đầu tôi giờ mới thắc mắc và muốn hỏi một câu: “Tôi có gì lạ mà em nhìn tôi đến thế, cô bé áo tím?”
Sau khi xuất ngũ, tôi nộp hồ sơ xin việc vào một hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh. Họ đang tuyển quản lý, không yêu cầu kinh nghiệm. Tôi được nhận vào làm sau khi đậu phỏng vấn. Tôi tham gia khóa huấn luyện ba tuần và thử việc ở tổng công ty, sau đó được chuyển về chi nhánh mới ở Cần Thơ. Thế nên tôi lại khăn gói lên đường và tìm nhà trọ trước khi vào nhận việc.
Tôi là bộ đội xuất ngũ nên đã quen với sương gió, yêu cầu về chỗ ở của tôi cũng không cao, chỉ cần thoáng mát sạch sẽ là được. Tôi mới đi làm nên cũng muốn tiết kiệm, thế là tôi chọn một nhà trọ bình dân.
Đang trò chuyện với chủ nhà trọ thì tôi nhìn thấy xa xa có cô gái với ánh mắt quen quen đang nhìn về phía tôi rất lâu, nhưng cô ấy không có phản ứng gì, có lẽ là không nhận ra tôi. Là cô ấy, cô bé áo tím hôm nào trên chuyến xe buýt về quê.
Lát sau, cô ấy cùng hai người con gái khác đi ra ngoài.
Trùng hợp làm sao, bà chủ nhà trọ dẫn tôi vào xem phòng, là căn phòng sát vách với phòng cô ấy. Tôi nhìn xung quanh một lượt, phòng khá rộng, có sẵn giường, nhà vệ sinh trong phòng, một chiếc bàn xếp và ghế ngồi. Cuối cùng, tôi đồng ý thuê căn phòng ấy.
Tôi xách xe chạy đi mua một chiếc tủ xếp để máng quần áo, rồi quay về dọn dẹp và sắp xếp mọi thứ. Phòng kế bên vẫn còn khóa cửa.
Một lúc sau, cô bé ấy và những người bạn cùng phòng cũng về đến. Đúng lúc tôi bước ra đi đổ rác thì cô bé ấy đối diện trước mặt tôi. Vẻ mặt ngạc nhiên nhìn tôi như kiểu tôi là một thằng đàn ông không đàng hoàng, có thù oán với cô tự bao giờ. Qua cuộc trò chuyện ngắn giữa họ, tôi biết được cô bé ấy tên là Bằng Lăng. Một cái tên thật hiếm gặp và cũng không kém phần lãng mạn. Vừa nghe đến cái tên ấy, trong tôi như hiện lên khung cảnh ngày nào, tôi cùng người con gái tôi yêu, ngồi trên ghế đá sân trường, dưới gốc cây bằng lăng tím đang trổ bông, cùng đọc chung một quyển sách. Ngày ấy, cô bạn tôi còn trách sao bằng lăng cứ rụng mãi, cánh hoa bằng lăng mỏng manh rơi trên trang sách, bay trong gió, tô điểm cả góc sân một màu tim tím.
Tôi chợt thấy khóe mắt mình cay cay khi nhìn theo hình dáng nhỏ nhắn của cô bé ấy đi về phòng.
Công việc ở cửa hàng của tôi cũng khá ổn. Dần dần, tôi cũng quen với việc đi làm theo ca. Cũng vì đặc thù công việc nên có hôm tôi phải làm ca tối, đến tận mười một giờ đêm mới về đến nhà trọ nên bà chủ nhà ưu ái, cấp riêng cho tôi một chìa khóa cổng rào. Mỗi tháng, tôi được tùy ý xếp lịch nghỉ bốn đến năm ngày không liên tục. Nên vì vậy, tôi cũng tận dụng lịch nghỉ để sắp xếp về thăm gia đình. Mọi việc xem như cũng ổn định, sau khi trừ tiền phòng và chi phí sinh hoạt trong tháng, tôi cũng gửi về phụ ba mẹ lo cho đứa em sắp vào đại học và tích góp được một ít dành dụm.
Cuộc sống của tôi cứ thế trôi qua từng ngày thật êm đềm, chỉ riêng một điều bất thường. Đó chính là không hiểu vì sao mà cô bé Bằng Lăng ấy cứ như sinh ra là để chọc tức tôi. Từ việc cố tình đậu xe trước cửa phòng tôi, choáng cả cửa vào. Nhắc nhở thì cô ấy lại bảo phòng ba người, không có chỗ đậu xe nên đậu ké. Trong khi nhà trọ có cả nhà xe chung thì cô ấy lại không đậu, bảo rằng sợ không để ý sẽ bị mất xe. Nhưng thật ra nhà trọ chúng tôi được xây dựng theo hình chữ U, mà phòng tôi và phòng cô ấy là hai phòng cuối dãy, lại nằm sát nhà xe.
Rồi khi trời mưa, tôi thì trong ca làm, đến lúc tôi về đến thì quần áo phơi ngoài sân bị ướt sũng. Trong khi cô ấy thì ngồi ngay trước cửa phòng vừa cắt móng tay vừa bảo:
- “Anh không dặn, Bằng Lăng đâu biết!”
Cùng lúc ấy, một nam thanh niên vừa lấy xong một số quần áo của anh ta được treo trên hai sào đồ chung ở nhà xe. Khi đi ngang chúng tôi, cậu ta bảo:
- “Hôm nay Bằng Lăng lấy đồ vô giùm anh à? Cảm ơn em nhé!”
Cô bé vui vẻ trả lời:
- “Không Bằng Lăng thì ai vào đây!”
Cậu thanh niên kia nói tiếp:
- “Sáng đi gấp quá, sợ trễ học, biết hôm nay Bằng Lăng không có tiết, mà quên mượn Bằng Lăng canh lấy đồ giùm. Lúc nãy mưa lớn quá, anh tưởng ướt hết rồi!”
Cô bé lại đáp, thái độ thì càng như để trêu tức tôi, và như cố ý nói để cho tôi nghe hơn là cho cậu thanh niên kia nghe:
- “Có gì đâu! Anh em chung nhà trọ. Giúp nhau là chuyện thường mà. Sẵn lấy hết đồ của cả nhà trọ vô luôn mà!”
À, thì ra là cô bé này tốt bụng thật, tốt với tất cả mọi người, ngoại trừ với tôi. Chẳng thèm đứng đó lắng nghe câu chuyện nhạt nhẽo giữa họ thêm một phút giây nào nữa, tôi quay vào trong phòng và… đóng cửa lại. Bên ngoài vẫn còn văng vẳng tiếng cười khúc khích đầy hả hê của cô bé áo tím.
Một lần, trên đường đi làm về, tôi bắt gặp cô bé ấy đạp xe trong mưa, áo quần ướt sũng. Thế nhưng khi tôi nhường áo mưa cho em thì em lại không nhận. Thật lạ, tôi tự hỏi mình đã làm gì khiến em “không ưa” tôi đến thế.
Tôi thường nói với em, “Sức chịu đựng của bộ đội cao lắm!”, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đang tạo cơ hội để em khiêu chiến với tôi, khiêu chiến với sức chịu đựng của tôi. Đối phó với người cứng đầu như em, tôi chỉ còn biết cứng đầu hơn em, kiên nhẫn hơn em mà thôi.
Trông dáng người nhỏ nhắn ấy đạp xe trong mưa nhưng lại không có vẻ gì gấp gáp mà lại như đang tận hưởng cảm giác của cái lạnh, của những giọt mưa thay nhau rơi lên mặt, rơi lên người. Không hiểu là em ngốc hay tôi ngốc, chỉ biết tôi không thể mặc kệ em một mình như thế. Tôi đành cùng em về trong mưa như thế.
Bất giác tôi khẽ cười, chợt nghĩ, người thích ngắm mưa vì lãng mạn, kẻ muốn dầm mưa vì có tâm sự, còn em và tôi, hai cá thể chẳng mấy gì ưa nhau, lại cùng nhau đội mưa là vì lý do gì, chẳng lẽ là vì ghét nhau chăng? Chợt nhận ra, có lẽ chúng tôi ghét nhau đến nỗi vắng nhau thì thấy buồn, xa nhau thì thấy nhớ, mà gần nhau thì lại không biết nói gì cho nhau vui, chỉ có thể lẳng lặng đi bên nhau như thế.
Một lần nọ, vào buổi tối thứ bảy, khi tôi vào ca làm. Bằng Lăng và những người bạn cùng phòng vừa đi siêu thị ra, tay xách lĩnh kĩnh đồ đạc. Cả nhóm ba người ghé vào cửa hàng nơi tôi đang làm để ăn uống.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp cô ấy trong ca làm của tôi. Vì cuối tuần khách đông nên sau khi cả ba chọn xong thức ăn thì cầm thẻ chờ rồi về bàn ngồi. Cũng vì lượng khách quá đông nên tôi điều động thêm một vài nhân viên vào ca làm, trong lúc chờ họ đến, tôi mặc tạp dề và đi vào khu vực bếp. Các món ăn theo thực đơn, nhân viên bếp và quản lý đều được tập huấn như nhau để phòng trường hợp khách đông thiếu người đứng bếp, lại thêm đây cũng không phải lần đầu tiên tôi vào đứng bếp phụ.
Một lúc sau, thấy khu vực bếp đã tạm ổn, hầu hết các đơn hàng cũng đã cơ bản được chuẩn bị xong, nên tôi mới bước ra chào hỏi cả nhóm, sẵn tiện mang theo thức ăn cho họ. Bằng Lăng có vẻ khá bất ngờ khi thấy tôi bưng khay thức ăn ra, nhưng tôi thì không ngạc nhiên vì đã lướt thấy họ khi cả ba đang đứng chọn món ở quầy phục vụ. Cũng vì thế, tôi nhớ được những món mà Bằng Lăng đã gọi, tôi đặt đĩa mì xào và ly kem việt quất trước mặt cô bé. Những phần thức ăn còn lại thì tôi đặt giữa bàn để hai cô bạn cùng phòng với cô ấy tự chọn lấy. Cô bé nhìn những món đặt gần trước mặt, rồi lại ngước nhìn tôi, đôi mắt to tròn long lanh sau lớp kính dày chớp chớp vài lần trông rất ngộ nghĩnh và đáng yêu. Tôi khẽ cười và nói khẩu hiệu:
- “Chúc quý khách ngon miệng!”
Rồi tôi quay người bước vào trong và tiếp tục công việc của mình. Phía sau lưng, còn văng vẳng cuộc trò chuyện của ba người họ. Một cô gái trong nhóm nói:
- “Anh ấy biết Bằng Lăng chọn món gì luôn kìa!”
Lại nghe tiếng đính chính của Bằng Lăng:
- “À chắc tại nãy ảnh ở trỏng ảnh nghe á mà!”
Cô gái lúc nãy lại lên tiếng:
- “Vậy sao ảnh hổng nghe hai chị kêu gì ta? Bất công quá vậy nè chèn?”
Bằng Lăng hình như xấu hổ, cắt ngang câu nói của cô chị cùng phòng, bảo:
- “Thôi, lo ăn đi kìa!”
Trong lúc tôi quay về bàn phục vụ, vô tình chạm mặt với vị khách mà tôi không ngờ đến. Là cô ấy, Linh. Thanh xuân của tôi, mối tình đầu của tôi. Cô ấy khoác tay một người đàn ông trẻ, ăn bận khá phóng khoáng. Em cũng ngạc nhiên khi đứng trước mặt tôi. Trong bối cảnh ấy, tôi không biết mình nên cư xử thế nào cho phải lẽ, chào hỏi em, hay cứ xem như không hề quen biết em. Cuối cùng, tôi gật đầu chào rồi nhanh chóng bước qua em, trở về bàn phục vụ.
Tôi không định quay lại tiếp chuyện với em, nhưng vô tình một lúc sau, khay thức ăn mà tôi mang đến lại là bàn của em. Tôi đặt các món ăn lên bàn. Cô ấy vẫn chăm chú nhìn tôi, chợt lên tiếng:
- “Anh vẫn khỏe chứ?”
- “Cảm ơn em! Anh vẫn bình thường.” – Tôi trả lời.
- “À, em giới thiệu với anh, đây là Long, chồng em!” – Cô ấy nói tiếp.
Tôi hướng mắt về phía người đàn ông ngồi cạnh cô ấy, chào hỏi:
- “Chào anh, tôi là Quân, bạn học ngày xưa của Linh.”
Chồng em cũng lịch sự đứng dậy, lấy từ trong túi ra một tấm danh thiếp, đưa cho tôi và nói:
- “Chào anh! Đây là danh thiếp của tôi.”
Tôi thoáng đọc thông tin trên danh thiếp, “Phan Huy Long, Giám đốc công ty tư vấn và thiết kế nội thất…”, cũng lịch thiệp đón nhận tấm danh thiếp. Vừa lúc ấy, em nói:
- “Anh làm ở đây lâu chưa?”
- “Cũng được gần một năm rồi em!” – Tôi đáp.
- “Giờ anh đang ở chỗ nào?” – Em hỏi tiếp.
- “À, anh đang ở trọ trên đường Ba Tháng Hai.” – Tôi e dè trả lời.
- “Anh là nhân viên ở đây à?” – Em lại hỏi.
Tôi ngập ngừng một lúc, cũng chưa biết trả lời thế nào. Chồng em chen vào:
- “Em, sao lại hỏi như vậy? Anh ấy còn đang mặc tạp dề kia kìa.”
Nói đoạn, anh ấy quay sang nhìn tôi, thẳng thắn đề nghị:
- “Anh làm phục vụ ở đây gần một năm rồi đúng không? Có phải không tìm được việc phù hợp không? Có cần tôi giới thiệu cho công việc tốt hơn không? Bạn của Linh thì tôi cũng coi như bạn bè của tôi, tôi quen biết rộng lắm, anh đừng ngại, có cần tôi giúp thì cứ nói.”
Tôi cay cay nơi sống mũi, chợt phía sau tôi vang lên tiếng một người con gái quen thuộc, có phần chanh chua:
- “Này anh gì ơi, người ta làm phục vụ thì sao hả? Sao nói chuyện không biết lịch sự gì hết vậy?”
Tôi vừa xoay qua thì Bằng Lăng đã bước đến bên cạnh, khoác tay vào tay tôi, mặt có vẻ thách thức. Tôi kiềm cô ấy lại, nói:
- “Thôi Bằng Lăng, anh không sao.”
Chợt, cậu nhân viên bếp mới vào ca đến bên cạnh tôi nói:
- “Anh, em mới vô!”
Tôi cởi tạp dề vừa đưa cho cậu ta vừa nói:
- “Ừ, em vào bếp phụ đi. Mới vô đơn thêm nữa đấy!”
Cậu nhân viên nhận lấy tạp dề trên tay tôi và đáp “Dạ!” rồi đi ngay vào bếp. Tôi xoay sang vợ chồng em, nói:
- “Thôi, hai bạn ăn ngon miệng nhé! Tôi xin phép!”
Nói rồi tôi kéo tay Bằng Lăng trở về bàn của cô ấy. Đến nơi, tôi ấn nhẹ vai cô ấy để cô bé ngồi vào chỗ, nói với cả nhóm:
- “Các em từ từ dùng tiếp nhé. Giữ giúp tôi cô em này. Đừng để đi gây sự với người khác.”
Hai cô bé ngồi chung bàn, mắt mở to ngạc nhiên, nhưng cũng gật đầu nghe theo lời tôi. Còn Bằng Lăng thì định mở miệng lên tiếng đôi co, nhưng tôi đã nhanh chân quay người bước đi.
Phía sau, Bằng Lăng vẫn không chịu thua, nói với theo:
- “Đúng là làm ơn mắc oán mà! Biết vậy, tui để anh bị người ta sỉ nhục luôn cho rồi.”
Đúng vậy, tôi chua xót trong lòng vô cùng nên không muốn để người khác biết. Vì em, dù vô tình hay cố ý thì cũng đang làm tổn thương tôi. Nhưng chồng em nói không sai, so với anh ta thì tôi có là gì đâu.
Vài tuần sau, tôi nhận được tin nhắn của Linh, lúc đó cũng đã gần mười giờ tối. Em viết rất nhiều. Tâm trạng của em có vẻ không ổn. Em bảo em phát hiện gần đây chồng em có vấn đề, thường đi sớm về muộn. Lúc đầu, em còn cố trấn an mình rằng có lẽ chồng đang có dự án lớn cần xử lý. Nhưng lúc nãy em nhìn thấy một cô gái lạ khoác tay chồng mình trong quán ăn bước ra. Em rất hoang mang, rất muốn đến hỏi cho ra lẽ nhưng lại sợ những điều em đang mơ hồ lo sợ trong đầu sẽ thành sự thật nên em đã quay đi. Em đang ngồi trong quán cà phê một mình để bình tĩnh lại. Và… em muốn gặp tôi.
Đọc xong tin nhắn, tôi nghĩ mình cũng nên đến, ít nhất là để an ủi và khuyên em. Tôi xin địa chỉ rồi thay đồ, lấy xe chạy đi. Khi gần đến nơi, tôi chợt nhìn thấy bóng lưng của một người khá quen ở phía trước. Cô bé ngồi trên xe đạp, đang đậu xe sát mép đường, đang dáo dác nhìn quanh. Đó là Bằng Lăng. Tôi tự hỏi: “Giờ này nhà trọ sắp đóng cửa rồi mà cô bé làm gì ở đây nhỉ?”.
Đến gần hỏi thăm, em có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Thì ra là cô bé lạc đường, đang tìm đường về nhà trọ. Thấy không thể để lại cô bé như thế trên đường nên tôi gọi điện cho Linh báo rằng tôi bận việc đột xuất không đến cuộc hẹn được rồi làm người dẫn đường cho Bằng Lăng cùng về nhà trọ.
Nghĩ lại, cô bé ngốc này thật buồn cười, mới hôm nào cô bé còn hùng hổ ra mặt nói lý lẽ với người ta để bảo vệ danh dự cho tôi, và tôi cũng không ít lần nếm trải sự chanh chua ấy. Thế mà hôm nay lại rơi vào tình cảnh này.
Về đến nhà trọ, Bằng Lăng ngại ngùng nói lời cảm ơn tôi rồi đi vào phòng đóng cửa lại. Bên trong còn văng vẳng vọng ra lời hỏi thăm của hai cô bạn cùng phòng: "Em đi đâu mà tới giờ này mới về vậy? Tụi chị gọi em không được. Lo quá trời nè!".
Tôi cũng thắc mắc nên khi vừa quay đi thì cũng quyết định nán lại đó vài phút để nghe thử câu trả lời của cô bé ngốc là gì. Tiếng Bằng Lăng đáp lại: "Em đi mua giày, mà bị lạc đường, điện thoại hết pin".
À, thì ra là vậy. Cô ngốc lạc đường thật. Lúc gặp trên đường, nghe cô ấy bảo thế, tôi còn tưởng rằng cô bé đang gặp chuyện gì buồn rồi đi long nhong, ngại nên trả lời bừa nữa chứ. Một cô chị lại lên tiếng: "Thôi, tối mai chị nghỉ, để chị dẫn đi mua. Đã mù đường mà còn hậu đậu nữa. Rồi chiều giờ ăn cơm chưa?".
Sao cái phòng này thú vị thế nhỉ, lại vô tình cung cấp thêm thông tin cho tôi. À, thì ra cô ngốc này còn bị mù đường nữa chứ, thảo nào đi một lúc là không biết đường ra. Lại nghe tiếng đáp: "Bằng Lăng ăn rồi. Mà...giờ thấy hơi đói, chắc do đạp xe vòng vòng lâu quá, hao năng lượng. Hi hi. Phòng còn gì ăn không chị?".
Một cô chị lên tiếng: "Hết rồi, chiều chị dọn sạch nồi rồi. Em nấu nước tắm rửa đi, để chị đi mượn mì cho, phòng hết mì luôn rồi".
Nghe đến đấy, tôi vội trở về phòng mình ngay. Một phần vì không muốn các cô ấy bước ra lại thấy tôi đứng đó. Phần nữa là vì, dù sao tôi cũng trữ cả thùng mì trong phòng chuẩn bị cứu đói cho những bữa tan ca muộn về không có gì ăn. Đang định mang sang cho cô ấy một gói.
Vài phút sau, tôi đang định mở cửa phòng bước ra, trên tay còn cầm gói mì và quả trứng gà thì nghe bên ngoài có tiếng gọi: "Anh Quân ơi!". Tôi mở cửa bước ra, là hai cô chị của Bằng Lăng. Vừa thấy tôi mở cửa, hai cô đã nhanh nhảu nói:
- "Cho tụi em ... XIN một gói mì cho con bé Bằng Lăng nhé!"
Thật ra, ý định ban đầu của tôi cũng như thế, nhưng vì cái chữ "XIN" được hai cô nhấn giọng rất rõ ràng nên tôi cũng có phần thắc mắc, lúc nãy còn nghe bảo "để chị đi mượn cho" cơ mà. Đúng là các cô bên phòng đó đều có phần tinh quái lắm, hợp nhau lắm. Tôi bèn hỏi:
- "Tại sao tôi phải cho nhỉ?"
Một cô nhanh miệng trả lời:
- "Thì anh chẳng phải biết con bé đói rồi còn gì?"
Tôi hơi ngượng vì nghĩ rằng hai cô ấy đã phát hiện tôi đứng ngoài cửa phòng họ lúc nãy. Nhưng cũng cố gắng thanh minh:
- "Tôi,... tôi không cố ý nghe"
Một cô khác lại cười bảo:
- "Nhưng tụi em cố ý nói lớn cho anh nghe mà. Phòng sát vách, nói lớn vậy sao không nghe được. Huống chi, chẳng phải anh cũng quan tâm con bé sao? Còn đưa nhỏ về dùm tụi em nữa. Với lại hôm trước, em còn thấy anh chở về cả thùng mì cơ."
Nghe vậy, tôi mới ngộ ra rằng cả hai không biết tôi đã đứng bên ngoài phòng họ từ nãy. Cô kia nhanh tay nhận luôn gói mì và quả trứng trên tay tôi, lại tiếp lời:
- "Mà chẳng phải anh đã biết mà mang ra tận cửa rồi đây sao. Còn cho thêm cả trứng nữa này. Cảm ơn anh nhiều nhé. Tụi em không phiền anh nữa. Cảm ơn anh nhiều nhé!"
Nói rồi, cả hai cùng cười khúc khích, kéo nhau về phòng. Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Chợt nhớ ra chuyện của Linh, tôi lấy điện thoại ra, thấy trời cũng đã về khuya nên tôi chỉ nhắn tin: "Em về nhà chưa?".
Một lúc lâu sau, Linh trả lời tôi: "Em về rồi".
Thấy vậy, tôi nhắn thêm vài câu an ủi: "Em bình tĩnh lại nhé. Vợ chồng mà, có gì thì trao đổi nhẹ nhàng để hiểu nhau. Em ngủ sớm đi."
Linh không trả lời tiếp. Tôi đoán chắc rằng Linh cần thêm thời gian yên tĩnh để suy nghĩ và cân bằng lại. Thế nên tôi không phiền em nữa.
Sau hôm đó, vì không muốn làm xáo trộn cuộc sống của Linh nên tôi cũng không gọi lại nữa. Tôi tự nhũ, có lẽ chỉ là hiểu lầm giữa Linh và chồng mà thôi, vợ chồng cãi nhau cũng là chuyện thường, rồi cả hai người họ cũng sẽ tự giải quyết được mà thôi. Nếu tôi chen vào trong lúc này, có khi lại còn phức tạp hơn nữa.
Để em bình yên cũng là để con tim tôi ngừng thổn thức. Cũng đã đến lúc tôi dừng lại, đúng giới hạn của mình, đúng vị trí của mình.
Một lần khác, trên chuyến xe về quê, tôi vô tình lại đi cùng cô bé Bằng Lăng. Hôm đó, tôi mua vé và lên xe trước. Khi xe dừng ở trạm thì Bằng Lăng bước lên. Nhớ đến lần đầu gặp nhau, cô bé ngủ gật rồi tựa vào vai tôi mà chẳng hề hay biết chuyện gì cả. Bất giác, tôi khẽ cười. Hôm nay, lại có dịp đi cùng chuyến xe, hy vọng rằng cô bé không coi tôi là ghế dựa nữa.
Tôi vẫy tay chào và gọi cô bé đến ngồi cạnh. Vì dù sao ghế cạnh tôi cũng còn trống. Hơn nữa, có người quen ngồi nói chuyện để thời gian trôi nhanh cũng là một cách hay.
Thế nhưng, cô bé này thật lạ, lên xe, nói chuyện được đôi ba câu, lại bắt đầu lim dim. Y chang như một con mèo lười ấy. Thôi thì, tôi cũng bật luôn chế độ im lặng để tránh làm phiền cô mèo đang mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Tôi đưa tay vào túi, lấy chiếc điện thoại ra. Sau đó lại nhẹ nhàng kéo dây kéo chiếc ba lô bộ đội của mình ra để lấy tai nghe. Tôi vẫn giữ thói quen của một người quân nhân mặc dù đã xuất ngũ. Chiếc ba lô này đã theo tôi hai năm trong quân ngũ, cùng tôi đi hành quân, cùng tôi vượt qua những ngày tháng rèn luyện trong môi trường quân đội ấy. Nó như một người bạn thân thiết, theo chân tôi trên mọi nẻo đường hành quân. Giờ lại bền bỉ theo tôi trong các chuyến đi xa.
Tôi gắn đầu cắm vào điện thoại, sau đó đeo tai nghe vào tai mình, rồi mở chương trình phát nhạc, bật chế độ repeat one. Lướt một dọc quanh danh sách phát, tôi chọn bài hát mà tôi yêu thích nhất, bài hát đã đi cùng tôi từ thời còn là sinh viên.
Chợt, cái đầu của cô bé ngủ gật ngồi kế bên lại ngã sang vai tôi. Hiểu rằng, hôm nay lại một lần nữa tôi trở thành ghế dựa của cô ấy. Chưa bao giờ tôi gặp phải ai như cô ấy. Tôi cũng không phải vài lần đi xe buýt, cũng gặp không ít người ngủ trên xe, cũng không hiếm lần ngồi cùng với những người như thế. Nhưng mà họ có như cô ấy đâu. Họ vẫn dựa vào thành ghế sau lưng, chả thấy họ làm phiền người khác như cô ấy cả.
Tôi trộm nghĩ: “Cái cô này, những lần khác đi một mình thì thế nào nhỉ?”.
Từng là một người quân nhân, tôi không ngại giúp đỡ người khác, nhưng có phải là tôi hơi nuông chiều cô bé rồi không. Nghĩ trong dạ là thế, nhưng tôi vẫn cố gắng giữ yên đôi vai để tránh làm cô bé thức giấc. Tôi khoanh tay trước ngực cho đỡ mỏi, mắt nhắm lại lắng nghe nhạc phát ra từ chiếc tai nghe. Bài hát tôi đang nghe đã phát lại đến lần thứ ba.
Chợt, tôi cảm nhận đôi vai mình nhẹ đi phần nào, chiếc đầu đang dựa vào bắt đầu cử động, tiếp theo là chiếc tai nghe phía bên cô bé cũng di chuyển khỏi tai tôi. Liền ngay sau đó, chiếc đầu lại tiếp tục dựa vào vai tôi, lúc lắc đôi chút như để tìm thấy tư thế thoải mái nhất rồi lại nằm im bất động.
Vài giây sau khi chiếc đầu kia yên vị, tôi mở mắt nhìn xuống, đúng như tôi nghĩ, chiếc tai nghe còn lại vừa được di chuyển sang tai của cô bé.
Thật không hiểu nổi cái cô bé này, nhớ ngày nào còn xem tôi như nước với lửa. Cố tình móc méo đủ điều. Thế mà giờ đây, lại tự làm thân đến mức tôi ngạc nhiên. Cô ấy tùy tiện sử dụng chiếc tai nghe của tôi mà chẳng thèm xin phép lấy một lời.
Nhưng thôi, xem như tôi rộng lượng chia sẻ thú vui của tôi với cô ấy vậy. Vì dù sao, có lẽ cô ấy cũng chỉ nghe được vài câu là lại ngủ say thôi mà. Đoán thế, nên tôi định cứ như thế mà cho qua.
Nhưng không ngờ, vài phút sau cô bé lại cử động, nghiêm chỉnh ngồi ngay ngắn, nhìn thẳng vào tôi hỏi:
- “Nghe gì mà chỉ mỗi một bài. Lặp lại hai lần rồi đấy!”
Tôi nhìn sang hướng cô bé, bình thản đáp:
- “Không thích thì đừng nghe.”
Cô bé lại tiếp:
- “Đừng nói là trong list nhạc chỉ có mỗi một bài đấy nhé? Đưa Bằng Lăng xem.”
Cô bé vừa nói vừa chìa bàn tay sang. Tôi thản nhiên đặt chiếc điện thoại bây giờ vô cớ trở thành đồ dùng chung vào tay cô ấy. Cô bé cầm lên rồi lại đặt xuống trả cho tôi, bảo:
- “Mà thôi, mắc công xâm phạm quyền riêng tư của anh.”
Cô bé lại đeo tai nghe vào, nhắm mắt lại, nhưng ngồi thẳng không dựa vào tôi nữa. Tôi nhìn cô bé một cách khó hiểu. Rõ ràng là chê, nhưng vẫn tiếp tục nghe cùng. Cô bé Bằng Lăng này, đúng là rất lạ. Lạ hơn tất cả những người tôi từng gặp trước đây.
Lát sau, tôi cũng phá lệ, mở khóa điện thoại, tắt chế độ repeat one, chọn thêm một vài bài hát mới nổi gần đây, tôi nghe cũng khá ổn nên cho vào danh sách phát. Bài hát đầu tiên bắt đầu vang lên, âm điệu quen thuộc, bởi hầu như tôi nghe cô bé Bằng Lăng ở sát vách cứ nghêu ngao suốt ngày. Cũng chẳng hiểu tại sao, tôi lại tải bài hát này về máy. Mà không chỉ có mỗi bài này ngoại lệ, cũng có trên nửa chục cái ngoại lệ như thế chứ không ít. Có lẽ, tất cả đều là nhờ ảnh hưởng từ cô bé Bằng Lăng này đây. Trong khi sở thích của tôi lại thường là các bài nhạc trữ tình của các ca sĩ thế hệ trước.
Lời bài hát bắt đầu vang lên… Cô bé Bằng Lăng bỗng quay phắt lại, nhìn tôi với đôi mắt long lanh mở tròn thật to sau lớp kính như bất ngờ phát hiện một điều thú vị, kèm theo cái gật đầu nhè nhẹ và mỉm cười khe khẽ rồi tiếp tục nhắm mắt lại thưởng thức nhạc.
Được một lúc thì Bằng Lăng lại chìm vào giấc ngủ. Cái đầu ấy lại bắt đầu loạng choạng, gục gặc được vài cái thì bắt đầu nghiêng ngã. Nhưng lần này, cô bé ấy lại ngã về hướng cửa sổ. Mỗi đoạn giằng hay bác tài xế thắng gấp là lại chúi nhủi. Chốc chốc, tôi lại thấy Bằng Lăng thay đổi tư thế, chắc là không an giấc.
Trông cảnh ấy, tôi vừa thấy buồn cười, lại vừa thấy thương quá. Chẳng hiểu vì đâu, rõ ràng chúng tôi chỉ là hai kẻ không liên quan gì đến nhau, chỉ vô tình gặp nhau rồi ở chung nhà trọ, thế mà với cô bé này tôi lại có nhiều ưu ái đến thế. Đã vậy, trước tình cảnh này, trong đầu tôi lại còn len lỏi ý nghĩ tiếp tục cho mượn đôi vai để cô ấy tựa vào nữa chứ. Quyết định thế, nên tôi nhẹ nhàng kéo Bằng Lăng ngã sang hướng mình. Thật khẽ khàng, tay tôi như nâng niu một quả trứng non sợ vỡ, tôi chỉnh lại tư thế cho chiếc đầu cô ấy không bị lắc lư. Chiếc đầu ấy, con người ấy, đang ngủ nhưng cũng biết phối hợp lắm, vừa tựa được vào vai tôi là lại ngoan ngoãn nằm yên ngay.
Xe lại đến một trạm dừng nữa, là trạm tôi phải xuống để về nhà. Thế nhưng cô gái kế bên thì vẫn còn say giấc. Không có khách xuống, cũng không có khách chờ nên xe tiếp tục lăn bánh. Tôi nhìn hàng ghế ở trạm dừng từ từ trôi qua, chợt tự hỏi “Tại sao mình vẫn còn ngồi đây nhỉ?” Tôi không giải thích được, chỉ có thể tự biện minh "Thôi, đã lỡ làm người tốt thì làm cho trót. Làm gối xong thì lại bắt chuyến xe khác đi ngược về vậy".
Nửa tiếng sau, xe vào bến. Là điểm cuối của tuyến đường xe chạy. Mọi người bắt đầu thu gom đồ đạc của mình để xuống xe. Bằng Lăng cũng vừa thức giấc. Theo quán tính, cô bé cũng cúi xuống cầm lấy chiếc cặp của mình. Chiếc tai nghe bất ngờ bị kéo rơi ra khỏi tai tôi, Bằng Lăng ngẩng người lên, hỏi:
- “Ơ, đã khỏi nhà anh rồi mà! Sao vẫn còn ngồi đây? Anh không xuống xe ở trạm lần trước hả?”
Trước câu hỏi ấy, tôi biết trả lời sao cho đôi bên đỡ ngượng nhỉ? Không lẽ lại bảo "Do em dựa tê quá, tôi không đứng dậy nổi". Hay… "Vì tôi không nỡ đánh thức em?". Cuối cùng, tôi đành bảo:
- “Anh ngủ quên!”
[Còn tiếp...]
Tác giả: Văn Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét