Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

BAO GIỜ CON TRƯỞNG THÀNH

 Kết thúc bốn tiết buổi chiều, cô giáo bước xuống sân trường. Không gian yên tĩnh. Các lớp hầu như đã tan học. Ngoài đường, đầu dãy nhà học, một chú tóc đã điểm sương, đang ngồi bên chiếc xe gắn máy. Trên xe treo hai chiếc nón bảo hiểm, một màu nâu, một màu hồng. Đoán chắc hẳn là phụ huynh đang chờ con gái, cô bước đến hỏi thăm:

- Chú đang chờ con gái ạ?

Người phụ huynh có vẻ ngạc nhiên vì một cô giáo trẻ nhưng có óc quan sát và thân thiện. Chính sự quan tâm và sự tỉ mỉ quan sát của cô giáo đã phần nào gây được thiện cảm với người phụ huynh. Ông đứng dậy chào cô và niềm nở:

- Dạ, tôi đang chờ con gái, cô ạ!

Đúng như cô suy đoán, quả thực là một người cha thương con. Cô nhìn quanh một lượt, sân khu nhà học đã không còn sinh viên nào. Cô thắc mắc:

- Chiều nay em ấy học mấy tiết mà vẫn chưa đến ạ?

Người phụ huynh vẫn vui vẻ trả lời:

- Dạ, chiều nay con bé học 4 tiết Anh văn. Nhưng thầy giáo còn dạy thêm, con bé mới cho tôi hay.

Thấy ông ấy chờ một mình, đoán chắc sẽ buồn. Cô giáo quyết định ở lại trò chuyện thêm vài câu với ông.

- Dạ, chắc cũng sắp tan rồi đấy ạ. Chú ráng chờ thêm chút nữa nhé. Mà con gái chú học ngành gì ạ?

- Con bé học Thú y cô ạ! Thầy cô, bạn bè đều thương. Nên tôi cũng đỡ lo.

Nhìn thấy gương mặt rạng ngời của ông, cô giáo trẻ cảm nhận được niềm vui sướng và đầy sự hài lòng hiện lên trên gương mặt ông. Bất giác, cô cũng thấy tự hào về môi trường mà cô đang làm việc. Một ngôi trường đại học thân thiện và đầy tình yêu thương. Hòa cùng niềm vui ấy, cô hỏi:

- Dạ, như vậy thì quá tốt rồi phải không chú? Mà nhà chú có xa lắm không, đến nỗi phải chờ rước em về thế này ạ?

Nét mặt hiện đôi phần lo lắng, giọng điệu chùng xuống một bậc, ông đáp:

- Nhà tôi ở tận Tiểu Cần cô ạ!

Cô giáo trẻ nghe thế cũng có phần ái ngại cho hai cha con họ, cô nói:

- Vậy là xa quá chú ạ. Về đến nhà chắc cũng mất gần một tiếng đồng hồ hả chú?

- Dạ, cũng khoảng đó cô ạ! Nhưng có khi buổi tối thì còn đi lâu hơn. Vì già, mắt cũng yếu, không dám chạy nhanh cô ạ!

Cô giáo trẻ nghe mà đồng cảm, bảo:

- Dạ, đúng rồi đó chú. Con mà lái xe buổi tối cũng chỉ toàn chạy hai ba chục là cùng thôi ạ. Thôi, từ từ rồi cũng tới. Chậm mà an toàn chú nhỉ! Nhưng hôm nay đã là cuối tuần rồi. Thường các lớp chính quy ít khi bị xếp lịch học thứ 7, chủ nhật. Nếu đã muốn về quê, sao chú không để cho em nó ngày mai đi xe đò về mà phải lên tận trên này rước ạ?

Người phụ huynh từ trạng thái lo lắng lại chuyển sắc phấn chấn lên như để tự động viên mình. Ông nói:

- Tôi đưa rước cháu mỗi ngày đấy cô ạ! Đi riếc rồi cũng quen.

Cô giáo ngạc nhiên, nhập học của khóa mới cũng đã hơn một tháng. Chẳng lẽ em ấy không tìm được nhà trọ. Đến nỗi phải phiền phụ huynh đưa đón mỗi ngày thế này. Công tác nhận hồ sơ nhập học của trường khá tốt kia mà. Hàng tháng trời, các em thanh niên tình nguyện che cả rạp để tư vấn cho phụ huynh và các em tân sinh viên những địa chỉ nhà trọ đáng tin cậy cơ mà. Vậy mà hơn tháng trời không tìm được nhà trọ thì lạ quá. Cô giáo lại nói:

- Trà Vinh không ít nhà trọ. Cũng không đến nỗi đắt đỏ. Chú có cần cháu tìm vài nhà trọ uy tín không ạ?

- Dạ, không cần đâu cô ạ. Không phải là không tìm được nhà trọ. Lúc mới vào học, gia đình cũng có tìm cho con bé rồi. Nhưng nó không chịu ở. Nó bảo “Bộ cha mẹ không thương con sao mà cho con ở nhà trọ? Ở xa cha mẹ, nguy hiểm, con không ở đâu”. Con gái, nó đã nói như vậy, mình là cha mẹ thôi cũng đành cô ạ. Nên ba năm nay, tôi cứ đều đặn đưa rước theo lịch học của con. Hồi nó học cấp ba thì trường cũng gần nhà, chừng mười cây số, ngày nào mẹ nó cũng đưa. Từ khi lên đại học, thì đường xa quá nên tôi chạy xe máy đưa. Tất cả là vì con hết cô ạ. Mình sinh con ra thì phải có trách nhiệm lo cho nó không điều kiện.

Cô giáo trẻ nghe xong vừa kinh ngạc, vừa có cảm giác nghẹn nơi lồng ngực. Kinh ngạc vì thì ra không chỉ một tháng nay ông tận tụy đưa rước con mà đã ba năm trời. Cô bé ấy không phải là sinh viên khóa mới mà đã là đàn chị, sinh viên năm ba rồi còn gì. Tấm lòng của cha mẹ không gì có thể so sánh được. Cha mẹ có thể vì con làm những điều thầm lặng mà không cần bất cứ một sự báo đáp nào. Uất nghẹn là vì họ quá tốt, nhưng họ quên rằng ngoài việc bảo vệ con mình, họ phải giúp con đủ hành trang và tâm thế tiếp nhận cho việc trưởng thành và tự lập. Cô giáo trẻ muốn nói nhiều hơn, nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu nói nhiều hơn cũng chưa chắc người phụ huynh ấy nghe và chịu áp dụng. Bởi mấu chốt vấn đề này cần được giải quyết từ người con chứ không phải từ phía phụ huynh nữa. Họ đã sẵn sàng cho con bay cao bay xa, nhưng con của họ thì cứ mãi muốn vùi mình trong tổ ấm và vòng tay cha mẹ. Cuối cùng cô ấy nói:

- Chú ơi, nếu được, chú bảo em ấy có thời gian rảnh, hãy đến bộ môn gặp cháu. Ở tòa nhà C7. Cháu rất muốn nói chuyện với em ấy.

- Được, tôi sẽ nói lại với con bé!

- Dạ, cháu cảm ơn chú! Thôi, cháu xin phép đi trước để rước con của cháu đây ạ.

Cô giáo trẻ từ giã người phụ huynh rồi ra nhà xe lấy xe. Trên đường cô vẫn miên man suy nghĩ và tự hỏi “Bao giờ con trưởng thành?”

Tác giả: Văn Tú

Bài viết thuộc bản quyền của tác giả. Vui lòng chỉ rõ nguồn khi trích dẫn.

3 nhận xét:

  1. Em nghĩ khi nào con trưởng thành phần nào cũng phụ thuộc vào sự bảo bọc của phụ huynh như câu chuyện trên, như em, sau khi quăn em lên được Trà Vinh đến nay cũng 4 năm thì phụ huynh em không lên thăm em lần nào, lúc đầu cũng có tủi thân vì thấy bạn bè chung phòng có ba mẹ lên thăm, nhưng vì đặc thù công việc ba mẹ không lên thăm được nên em tự bường trên đây, hết tiền thì mò về hehe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị cũng từng trong tình cảnh tương tự em. Và ngay cả ngày tốt nghiệp, khi bạn bè có cha mẹ đến dự lễ cùng, còn mình thì không có cha mẹ đến dự. Cũng hơi buồn, nhưng nghĩ lại, dù cha mẹ không đến nhưng cha mẹ vẫn sẽ luôn ủng hộ tinh thần cho mình. Sau này lớn hơn một chút, thiết nghĩ, chỉ cần mình còn có cha mẹ ở bên, sống khỏe, và ở nhà chờ mình về thôi cũng đã là hạnh phúc lắm. ^_^

      Xóa
    2. Có nơi để tìm về khi hết tiền là quá tuyệt vời luôn ời! Thương thương!

      Xóa

SAO NHỎ THỎ THẺ #3

"Anh em ổn không anh em?" Đó là câu hỏi tôi thường hay hỏi các con mỗi khi muốn xác nhận lại tình hình của con. Bởi vì tôi biế...