Cha tôi, một người đàn
ông lam lũ, một người nông dân chất phác và hiền hậu. Cũng như bao người cha
khác, cha tôi ít nói, nghiêm nghị với con cái. Từ nhỏ, có lẽ mấy chị em tôi ít
khi nghe cha tâm sự, lại càng chưa từng nghe cha than vãn hay nề hà khi làm việc
nặng nhọc trong nhà. Cha như một người siêu nhân, việc gì cũng biết làm, đó là
người đàn ông mà tôi ngưỡng mộ nhất. Hồi cha còn trẻ, cha biết lái máy cày, cha
cũng biết suốt lúa, cha biết sửa máy phát điện, đi đường ống dẫn nước ra trại
chăn nuôi của gia đình hay thậm chí là đấu dây điện, lắp bóng đèn, rồi cả sửa
máy thâu băng, máy hát đĩa,… Những việc mà tôi không thể nào theo kịp cha, dù
cha không được đào tạo qua trường lớp nào cả, nhưng cha có óc quan sát và khả
năng tự mày mò, học hỏi rất nhanh. Một điều rất lạ là cha có rất nhiều việc để
làm, tôi cũng không hiểu vì sao và từ đâu mà cha luôn tìm ra việc để làm. Tôi
ít khi bắt gặp khoảnh khắc cha được rảnh rỗi. Ngay cả khi cha ngồi nghỉ mệt, nhấp
ngụm trà nóng, cũng chẳng mấy chốc là cha lại tiếp tục làm gì đó. Cha từng nói,
hễ rảnh là cha sẽ sinh bệnh, nên cha cứ phải kiếm việc gì đó để làm. Đối với
cha, có lẽ lao động chính là niềm vui, là niềm yêu thích thật sự. Dù có nhiều
việc để làm nhưng có lẽ hầu hết thời gian của cha là ở ngoài đồng ruộng, bởi vì
đó là công việc chính của gia đình.
Vào đầu mùa vụ, cha
dành nhiều ngày để ra ruộng làm cỏ, đánh bờ mương, sẵn tiện coi sóc việc máy
cày xới đất. Hồi trước, khi bắt đầu cơ giới hóa nông nghiệp, cha tôi cũng sắm một
chiếc máy cày tay, phải lội bộ theo để lái rất cực. Những năm gần đây, khi vào
hợp tác xã, việc cày bừa cũng ít tốn sức mà chuyển sang dùng máy cơ giới cỡ lớn
của hợp tác xã, cha cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng cứ hễ chưa vừa ý, cha lại vác cuốc
sửa lại cho bằng phẳng. Cha tôi bảo, xử lý đất trước khi mùa vụ bắt đầu càng kỹ
thì khi vào vụ sẽ đỡ công săn sóc. Đến khi vào vụ, cha lại lo canh nước, dặm
lúa hay để ý sâu bệnh. Sáng nào cũng vậy, dù là lúc đồng áng thảnh thơi, ruộng
lúa đều phát triển tốt, cha tôi cũng đạp chiếc xe đạp cũ kĩ cọc cạch ra đồng
thăm ruộng rồi mới về làm việc gì khác thì làm. Mỗi năm, hai vụ lúa, lúc nào
cha cũng là người lo tìm giống, tìm máy cày, tìm máy cắt và cả tìm người thu
mua giúp cho cả xóm. Những miếng ruộng khác có sâu bệnh, cha đi ngang phát hiện
cũng nhiệt tình ghé nhà chủ ruộng để nhắc. Hàng xóm cũng thường hay đến nhà tìm
cha tôi để học hỏi cách trị bệnh cho lúa. Ở các nhà khác, hầu hết đều đã chuyển
giao việc ruộng nương lại cho con cái để an hưởng tuổi già, chỉ còn lại cha tôi
và một vài bác lão nông lớn tuổi là còn bám trụ với cây lúa. Nhà tôi cũng thuộc
dạng đơn chiếc, con cái cũng theo nghiệp con chữ rồi đi làm trong cơ quan, chỉ
còn cha tôi lủi thủi một mình gắn bó với mảnh ruộng của gia đình. Cha thường bảo,
sau này chừng nào cha làm hết nổi thì mấy đứa cho ai thuê mướn thì cho, còn bây
giờ cha còn làm được thì cứ để cha làm, lấy công làm lời, lại khỏi lo chuyện
cơm gạo trong nhà, cuối năm cũng có dư chút ít để ăn Tết.
Sau khi lập gia đình được
vài năm, tôi cũng ra riêng, dời lên tỉnh để tiện cho con đi học. Mỗi cuối tuần
cha tôi đều gọi điện lên hỏi mấy mẹ con có về quê không để ông ngoại đặt tép
cho cháu ăn. Có những lúc con bệnh hay mưa gió thất thường, hoặc giả là tôi phải
bận việc nên cả tháng mới về một lần. Cha tôi lại gọi điện hỏi thăm nhà còn gạo
ăn không, rồi cha kêu tôi tranh thủ chạy về chở gạo lên để khỏi phải mua ngoài
chợ. Còn nhớ lúc tôi mới cất nhà, cha còn chở lên trồng cho tôi một cây mai vàng.
Đó là cây mai cha bứng từ trong vườn dưới quê, cha dưỡng ra dáng, có tán sum
sê, cứng cáp rồi cha mới chở lên cho. Cha nói nhà phải có cây mai vàng để Tết
còn có không khí, với lại trồng mai nhà cho tôi đỡ nhớ quê. Chắc cha tôi cũng
đoán trước được sau này tôi sẽ có những lúc không thu xếp được để về quê thường
nữa.
Cứ vào mỗi dịp gần Tết,
cha biết tôi đi làm ít khi để ý lịch âm, nên thể nào cũng gọi nhắc lặt lá mai để
hoa trổ đúng mấy ngày Tết. Cũng nhờ vậy mà mấy năm nay, cây mai vàng trước cửa
nhà tôi cứ đều đặn nở rộ dưới sự nhắc nhở của cha tôi như thế. Với tôi, cây mai
ấy mang đầy hơi ấm và tình thương của người cha hiền từ. Từ lúc tôi ra riêng,
cha lại phải có thêm một căn nhà để lo, nào là cửa nẻo, vườn tược, mái nhà có bị
thấm dột mỗi khi mùa mưa về không. Dẫu biết rằng con cái đã lớn, đã có thể tự lập,
nhưng cha tôi vẫn cứ phải lo lắng trong ngoài. Có thể, đó chính là bản năng vốn
có của một bậc làm cha mẹ. Người luôn nhận thiệt thòi về phần mình để nhường phần
tốt đẹp nhất cho con cái mà không một lời than trách hay đòi hỏi được trả ơn.
Tuổi đời dù đã xế chiều, tóc đã bạc trắng, cha vẫn cứ như một guồng máy bền bỉ
cống hiến cuộc đời mình cho gia đình. Dù có những lúc sức khỏe giảm sút, bệnh tật
cận kề, cha cũng gắng sức để trở nên mạnh mẽ, để làm điểm tựa cho con cháu.
Xuân này, mai vàng nhà tôi vẫn nở đúng ngày, nhà tôi vẫn có mai, vẫn ấm áp bầu
không khí như ở quê nhà. Và tôi thật sự thấy mình hạnh phúc và may mắn vô cùng
khi bên mình vẫn còn những lời nhắc nhở ân cần của cha. Dưới ánh nắng vàng, bên
cành mai vàng nở rộ, tôi cầu mong cho tất cả những người cha, người mẹ trên thế
gian này được mạnh khỏe, bình an. Mong cho các bậc sinh thành luôn là điểm tựa
tinh thần vững chắc cho con cháu, mong nhà nhà yên ấm, an vui bên nhánh mai
vàng hay bên cành đào hồng, một biểu tượng không thể thiếu của ngày xuân trong gia đình người Việt. Cũng giống như con
cái luôn có cái Tết tròn đầy bên cha mẹ và những người thân yêu thương.
Văn Tú
27/01/2025 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn - ÂL)
Ảnh: Xuân này con vẫn có mai - ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn (Tác giả: Văn Tú)